Trợ cấp người có công với cách mạng (SMS: 202453) - Ngày 02/3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2007/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, từ ngày 01/01/2007, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ là 470.000 đồng (tăng 115.000 đồng so với trước đây)... Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, con của người hoạt động cách mạng trước năm 1945, con bị dị tật của người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học sẽ được hưởng trợ cấp 470.000 đồng một tháng. Trợ cấp tiền tuất hằng tháng đối với thân nhân của một liệt sĩ là 470.000 đồng; thân nhân của hai liệt sĩ trở lên là 794.000 đồng. Mức trợ cấp hằng tháng đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng là 794.000 đồng (tăng 194.000 đồng so với quy định cũ)... Tùy theo mức độ thương tật, trợ cấp của thương binh được tăng tương ứng, cao nhất là 1,5 triệu đồng đối với người mất hoàn toàn khả năng lao động, thấp nhất là 920.000 đồng đối với người suy giảm 61% khả năng lao động... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hoá chất nguy hiểm (SMS: 202452) - Theo Nghị định số 31/2007/NĐ-CP ban hành ngày 02/3/2007, Chính phủ quy định: hành vi để nguyên liệu hoặc sản phẩm hoá chất nguy hiểm tồn đọng quá mức quy định tại khu vực sản xuất; Đóng gói hoá chất nguy hiểm sai quy cách đăng ký; tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm đất xây dựng công trình trong phạm vi vành đai an toàn khu vực có hoạt động hoá chất nguy hiểm... có thể bị phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng... Việc sử dụng nguyên liệu sản xuất hoá chất nguy hiểm kém phẩm chất hoặc nguyên liệu không rõ nguồn gốc; Sản xuất không đúng loại sản phẩm hoá chất nguy hiểm đã đăng ký và được phép đưa vào sản xuất, sử dụng; Không thực hiện hoặc không duy trì thường xuyên việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hoá chất nguy hiểm... sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng... Mức phạt tiền cao nhất là 50 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi sau: Tổ chức nghiên cứu, chế thử hoá chất nguy hiểm khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, giao nhiệm vụ; Không có tường che chắn bảo vệ bên ngoài hoặc kết cấu tường che chắn bảo vệ bên ngoài không đạt yêu cầu khi chưa đảm bảo khoảng cách an toàn; cố ý không đăng ký đánh giá hoặc dùng thủ đọan gian dối không đăng ký đánh giá hoá chất mới; để thất thoát hoá chất nguy hiểm tại kho bảo quản hoá chất nguy hiểm; vận chuyển hoá chất nguy hiểm không có Giấy phép vận chuyển hoá chất nguy hiểm... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ (SMS: 20813) - Theo Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ra ngày 02/3/2007, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: bố trí đủ kho tàng để bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ. Đến năm 2010, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có kho lưu trữ chuyên dụng, tiến tới các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng phải có kho chuyên dụng, các xã, phường, thị trấn phải bố trí diện tích thoả đáng trong trụ sở làm việc của UBND để tập trung bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ có giá trị của địa phương mình. Kho lưu trữ phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ... Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ hiện hành và lưu trữ lịch sử. Đến năm 2010, các ngành, các cấp phải giải quyết xong cơ bản tình trạng tài liệu hiện đang còn tồn đọng trong kho lưu trữ chưa được phân loại, lập hồ sơ, xác định giá trị tài liệu, thống kê và lập cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, tra tìm tài liệu lưu trữ... Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác văn thư, lưu trữ, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí đủ biên chế làm lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn nghiệp vụ, bảo đảm kinh phí cho hoạt động lưu trữ... Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Kinh doanh xổ số (SMS: 202451) - Theo Nghị định số 30/2007/NĐ-CP ban hành ngày 01/3/2007, Chính phủ quy định: chỉ có doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số mới được phép tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số. Doanh nghiệp kinh doanh xổ số là công ty TNHH một thành viên, do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Các công ty xổ số kiến thiết đang hoạt động theo mô hình công ty nhà nước phải làm thủ tục để chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên theo quy định... Đại lý xổ số là tổ chức, cá nhân thực hiện ký hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh xổ số để thực hiện tiêu thụ vé và trả thưởng cho khách hàng khi trúng thưởng. Đại lý xổ số được hưởng hoa hồng đại lý trên giá trị vé số đã bán và phí thanh toán trên giá trị các giải thưởng đã thanh toán... Hoạt động kinh doanh xổ số phải đảm bảo minh bạch, khách quan, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia. Nghiêm cấm các hành vi tổ chức kinh doanh xổ số trái phép dưới mọi hình thức và mọi loại phương tiện; sử dụng kết quả xổ số do các doanh nghiệp kinh doanh xổ số phát hành để tổ chức các chương trình dự thưởng; phát hành xổ số từ nước ngoài cho các tổ chức, cá nhân ở trong nước; làm sai lệch kết quả trúng thưởng; sử dụng tiền của Nhà nước để tham gia dự thưởng xổ số; làm giả vé số dưới mọi hình thức; sử dụng xổ số làm phương tiện để rửa tiền. Nghị định cũng nghiêm cấm các hành vi quảng cáo việc trúng thưởng là kết quả đương nhiên khi tham gia dự thưởng xổ số; quảng cáo việc tham gia dự thưởng xổ số sẽ cải thiện được tình hình tài chính của người tham gia; quảng cáo có hình ảnh vi phạm thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc; quảng cáo khuyến khích các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh xổ số; đồng thời cấm việc khuyến mại về xổ số dưới mọi hình thức. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo), các doanh nghiệp kinh doanh xổ số hiện có phải làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định...
Hỗ trợ các doanh nghiệp về các quy định của WTO (SMS: 202459) - Theo Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ra ngày 27/02/2007 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Chính phủ yêu cầu: cần sử dụng đa dạng các kênh thông tin và các phương tiện truyền thông, các lớp tập huấn để phổ biến các cơ hội, thách thức khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như nội dung các cam kết cụ thể cho các đối tượng có liên quan. Định hướng thông tin phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kịp thời chấn chỉnh thông tin sai lệch về tác động của WTO. Sử dụng các phương tiện truyền thông để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm vững chính sách phát triển kinh tế-xã hội của nước ta và các quy tắc, luật lệ của WTO... Chính phủ khẳng định sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết gia nhập và các nghĩa vụ khác của Việt Nam trong WTO; xác định các nội dung cam kết có thể thực hiện trực tiếp và các nội dung cần phải nội luật hóa để xây dựng chương trình sửa đổi các luật, pháp lệnh và các văn bản dưới luật liên quan. Đồng thời, tiến hành rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, loại bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp với cam kết; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng, cụ thể, bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho mọi chủ thể tham gia thị trường... Chính phủ cũng sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư và phát triển sản phẩm phù hợp với quy định của WTO thay cho các biện pháp trợ cấp xuất khẩu; hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với các quy định quốc tế để bảo vệ thị trường nội địa và người tiêu dùng... Đối với thị trường bất động sản, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hiệu quả hơn vào thị trường bất động sản; xây dựng phương án và lộ trình thực hiện giá giao đất và giá thuê đất theo cơ chế thị trường, bao gồm cả giá thuê đất của doanh nghiệp nhà nước... Chính phủ cho phép phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm điện cho các ngành sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân... Nghị quyết này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quản lý kiến trúc đô thị (SMS: 20814) - Theo Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ban hành ngày 27/02/2007, Chính phủ quy định: các công trình kiến trúc đô thị khi xây mới, cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa, nâng cấp công trình kiến trúc đô thị phải phù hợp quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ giấy phép xây dựng và các quy định tại Quy chế quản lý kiến trúc đô thị của các địa phương; không được tạo thêm kết cấu bằng bất kỳ loại vật liệu nào nhằm tăng diện tích hoặc xây dựng cơi nới, chiếm dụng không gian đô thị, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và phải dỡ bỏ theo quy định của pháp luật; mặt ngoài công trình kiến trúc đô thị không được sử dụng màu sắc, vật liệu gây chói lóa hoặc phản xạ quá tiêu chuẩn về vệ sinh và an toàn cho sức khỏe con người; vật quảng cáo độc lập ngoài trời hoặc gắn với các công trình kiến trúc đô thị phải tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo, nghiêm cấm việc đặt các loại quảng cáo không được phép của cơ quan có thẩm quyền... Chủ nhà không được tạo thêm kết cấu, hoặc loại vật liệu nào nhằm tăng diện tích ở, cơi nới, chiếm dụng không gian đô thị. Mặt ngoài công trình không được sử dụng màu sắc, vật liệu gây chói lóa hoặc phản xạ quá tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn cho sức khoẻ con người... Nhà ở mặt phố xây dựng mới phải phù hợp quy hoạch chi tiết. Khi xây dựng không đồng thời thì các nhà xây sau ngoài việc phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt còn phải căn cứ vào cao độ nền, chiều cao tầng, màu sắc của nhà xây trước đó đã được cấp phép. Nếu không tuân thủ, chủ đầu tư sẽ bị phạt hành chính và phải dỡ bỏ công trình... Nhà chung cư, nhà tập thể đã quá niên hạn sử dụng hoặc xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, chính quyền phải có kế hoạch di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng chung cư mới theo quy hoạch chi tiết... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Thuế nhập khẩu xăng, dầu (SMS: 202463) - Ngày 06/3/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 09/2007/QĐ-BTC về việc ban hành mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo Quyết định này, các sản phẩm dầu nhẹ và các chế phẩm, xăng động cơ có pha chì, xăng động cơ không pha chì kể cả loại cao cấp và dân dụng, các loại xăng động cơ, dung môi trắng, dầu nhẹ và các dung môi chế phẩm khác để pha chế xăng áp dụng mức thuế suất là 10% giảm 5% so với mức thuế trước đây... Xăng máy bay cũng áp dụng mức thuế suất mới là 10% (quy định trước đây là 15%). Dầu hoả và dầu hoả thắp vẫn giữ nguyên mức 0%. Mức thuế mới sẽ áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 07/3/2007. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước (SMS: 202462) - Theo Quyết định số 08/2007/QĐ-BTC ban hành ngày 02/3/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 7,5%/năm... Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn và dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135 và các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 8,4%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 6,9%/năm. Lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 6,9%/năm. Các mức lãi suất này áp dụng cho các dự án ký hợp đồng tín dụng lần đầu tiên kể từ ngày 16/01/2007. Đối với các dự án đã ký hợp đồng trước ngày 16/01/2007, lãi suất được thực hiện theo các cam kết ghi trong hợp đồng tín dụng đã ký... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Thủ tục giải quyết đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp (SMS: 20821) - Ngày 27/02/2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BKH-BTC-BCA hướng dẫn cơ chế phối hợp giữa cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp giấy phép khắc dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Theo đó, tổ chức, cá nhân đề nghị đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp giấy phép khắc dấu được tự lựa chọn áp dụng thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư này hoặc áp dụng các thủ tục hành chính hiện hành về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp giấy phép khắc dấu... Đối với trường hợp đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp mới: trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đối với trường hợp đăng ký kinh doanh thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh dẫn tới thay đổi nội dung đăng ký thuế, thay đổi mẫu dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện: thời hạn tối đa là 12 ngày làm việc... Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|