Thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí (SMS: 201478) - Ngày 06/3/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2006/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí. Chính phủ quy định miễn lệ phí đối với: lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp cổ phần hoá khi chuyển từ doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phẩn; Lệ phí hộ tịch về đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi cho người dân thuộc các dân tộc vùng sâu, vùng xa, đăng ký khai sinh cho trẻ em của hộ nghèo; Lệ phí cấp Giấy phép nhập khẩu một số thuốc đăng ký dùng cho phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm hoạ; lệ phí cấp giấy phép xuất khẩu thuốc... Đối với lệ phí trước bạ, Chính phủ sẽ quy định cụ thể những trường hợp cần thiết được miễn, giảm để góp phần thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ... Về phí, sẽ miễn phí giới thiệu việc làm trong một số trường hợp nhất định... Không thu phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà đối với xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá đến những nơi bị thảm hoạ hoặc đến vùng có dịch bệnh... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng (SMS: 201471) - Theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ban hành ngày 03/3/2006, Chính phủ quy định: việc giao rừng có thu tiền sử dụng rừng phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, trường hợp khu rừng sản xuất chỉ có một tổ chức đề nghị được giao rừng thì không phải tổ chức đấu giá... Trường hợp các dự án đầu tư có quy mô lớn (nhóm A), do tổ chức kinh tế trong nước liên doanh với tổ chức kinh tế nước ngoài, sử dụng đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên và rừng trồng thì được giao đất có thu tiền cùng với giao rừng có thu tiền, chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện Dự án theo nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc cho thuê rừng phải thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; trường hợp khu rừng chỉ có một tổ chức hoặc chỉ có một cá nhân đề nghị thuê rừng thì không phải tổ chức đấu giá. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối lại được giao thêm rừng phòng hộ, rừng sản xuất thì diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất giao thêm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 25 ha... Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng hợp pháp từ chủ rừng khác thì được chuyển đổi quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng đó; trường hợp nhận chuyển đổi thì chỉ được chuyển đổi cho hộ gia đình, cá nhân khác trong cùng xã, phường, thị trấn. Chủ rừng được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng sản xuất tăng thêm do chủ rừng tự đầu tư so với giá trị quyền sử dụng rừng xác định tại thời điểm được giao rừng trong trường hợp nhà nước giao rừng có thu tiền sử dụng rừng mà tiền đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Phiên họp Chính phủ (SMS: 201472) - Theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-CP ra ngày 02/3/2006 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2006, Chính phủ yêu cầu: giai đoạn 2006 - 2010 cần tập trung phát triển xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đầy tăng trưởng GDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giải quyết việc làm; đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô. Ãể đạt mục tiêu trên, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách xuất khẩu, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và thông tin thị trường, nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ xuất khẩu; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; chuyên nghiệp hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành hàng, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam...
Điều tra và quản lý tài nguyên - môi trường biển (SMS: 201474) - Ngày 01/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020". Mục tiêu của Đề án nhằm đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường vùng biển nước ta; xác lập luận cứ khoa học, cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển và vùng ven biển; thực hiện nhiện vụ phát triển bền vững vùng biển, ven biển và hải đảo, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ quyền quốc gia, đưa nước ta từng bước vững chắc trở thành quốc gia mạnh về biển. Xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hệ thống tổ chức, nâng cao trình độ quản lý, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, kỹ thuật của công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2020 đạt trình độ trung bình khá trong khu vực Đông Nam Á. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy định về hoạt động của ngân hàng nước ngoài (SMS: 19284) - Ngày 28/02/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, điều kiện cấp giấy phép quy định như sau: có kinh nghiệm hoạt động quốc tế, được các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế xếp hạng ở mức có khả năng thực hiện các cam kết tài chính và hoạt động bình thường ngay cả khi tình hình, điều kiện kinh tế biến đổi theo chiều hướng không thuận lợi. Bên cạnh đó, Ngân hàng nước ngoài phải có tổng tài sản có ít nhất là tương đương 20 tỷ đôla Mỹ vào năm trước năm xin cấp giấy phép... Thời hạn hoạt động tối đa không quá 99 năm; thời hạn hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài không vượt quá thời hạn hoạt động của ngân hàng mẹ... Chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp và của các tổ chức tín dụng khác khi được ngân hàng mẹ uỷ quyền và cấp vốn để thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần đó. Trường hợp ngân hàng nước ngoài có hai hoặc nhiều chi nhánh hoạt động tại Việt Nam, tài chính, hạch toán, báo cáo của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam bao gồm cả việc kê khai, nộp và quyết toán thuế được thực hiện trên cơ sở tổng hợp tại một chi nhánh do ngân hàng nước ngoài lựa chọn và đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài vào Ngân hàng Nhà nước hoặc vào một tổ chức tín dụng hay một tổ chức khác tại Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước chỉ định thực hiện giữ và quản lý phần vốn, tài sản đó. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Tìm kiếm cứu nạn (SMS: 201473) - Ngày 28/02/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Mục tiêu của Đề án nhằm: Bảo đảm sự chỉ đạo phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng để đáp ứng kịp thời yêu cầu tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Dự kiến một số tình huống cơ bản, trên cơ sở đó xác định cơ quan chỉ huy, lực lượng tham gia ứng phó và nhu cầu về chủng loại trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn. Định hướng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; mua sắm trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực phục vụ tìm kiếm cứu nạn. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Quy chế đánh số và gắn biển số nhà (SMS: 201475) - Theo Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ban hành ngày 08/3/2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định: chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc. Trường hợp ngõ chỉ có một đầu thông ra đường, phố thì lấy chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố đến nhà cuối ngõ. Trường hợp ngõ đặt tên theo đường, phố và ngõ thông ra đường, phố cả hai phía, thì lấy chiều từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ bên kia. Trường hợp ngách chỉ có một đầu thông ra ngõ thì chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu ngách sát với ngõ đến nhà cuối ngách... Mỗi nhà mặt đường, nhà trong ngõ, trong ngách được gắn 1 biển số nhà. Trường hợp một nhà có nhiều cửa ra vào từ nhiều đường, phố, ngõ, ngách khác nhau thì biển số nhà được gắn ở cửa chính. Nếu nhà có cửa chính ở tại góc hai đường, phố, ngõ, ngách thì nhà đó được đánh số và gắn biển theo đường, phố, ngõ, ngách lớn hơn. Biển số nhà được gắn tại cửa đi sát hè hoặc lòng đường, phía trên giữa cửa đi chính. Trường hợp nhà có hàng rào sát hè hoặc lòng đường thì biển số nhà được gắn tại cột trụ cổng chính, phía bên trái (theo chiều từ phía ngoài vào nhà) ở độ cao là 2 mét... Biển tên ngôi nhà được đặt tại mặt đứng và hai bức tường đầu hồi của ngôi nhà. Tại mặt đứng, biển được đặt tại vị trí tầng 1 trong trường hợp nhà một tầng, tại tầng 2 trong trường hợp nhà nhiều tầng. Tại bức tường đầu hồi, biển được đặt tại vị trí có độ cao bằng hai phần ba chiều cao nhà trong trường hợp nhà cao từ 17 mét trở xuống; được đặt vị trí có độ cao 9 mét trong trường hợp nhà cao trên 17 mét. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|