Số 09.2005 (213) ngày 11/03/2005

 CHÍNH PHỦ


Tổ chức tài chính quy mô nhỏ
(SMS: 200552 - Không gửi qua fax)
- Ngày 09/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam.
Chính phủ quy định: tời gian hoạt động tối đa 50 năm. Trường hợp muốn gia hạn thời gian hoạt động thì thời gian gia hạn mỗi lần không quá thời hạn của Giấy phép lần đầu...
Bên cạnh đó, các tổ chức này được huy động vốn từ các nguồn sau: Nhận tiết kiệm: Tiết kiệm bắt buộc, Tiết kiệm tự nguyện; Vay vốn: của tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt
Nam; của các cá nhân và tổ chức nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Các cá nhân và tổ chức khác trong nước và nước ngoài có thể tham gia góp vốn...
Địa bàn hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ được giới hạn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và được quy định tại Giấy phép. Trường hợp muốn mở rộng địa bàn hoạt động ra ngoài địa bàn đã được quy định tại Giấy phép phải thành lập chi nhánh tại khu vực đó. Việc mở chi nhánh phải đáp ứng yêu cầu về mức tăng vốn điều lệ tương ứng với phạm vi mở rộng và phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày được đăng Công báo.


Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản
(SMS: 200551 - Không gửi qua fax)
- Theo Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ban hành ngày 08/3/2005, Chính phủ quy định: đối tượng được miễn thu Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản bao gồm: cá nhân khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản không mang tính chất kinh doanh; các tàu thuyền khai thác thuỷ sản có thời gian hoạt động dưới 50 ngày trong năm hoặc bị tai nạn, rủi ro...; Đối tượng được giảm mức thu: các tàu thuyền khai thác thuỷ sản có thời gian hoạt động dưới 100 ngày trong năm được giảm 50% mức thu...
Hạn mức diện tích và thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản được quy định như sau: diện tích mặt nước biển được giao để nuôi trồng thuỷ sản không quá một 01 ha; Diện tích cho thuê không quá 30 ha trong vùng biển 3 hải lý trở vào bờ hoặc không quá 100 ha trong vùng biển cách bờ từ 3 hải lý trở ra...
Thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không quá 20 năm, được tính từ ngày ghi trong quyết định giao, cho thuê mặt nước biển...
Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân, tham gia xây dựng, kinh doanh khai thác và quản lý chợ thủy sản đầu mối...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Định giá tài sản
(SMS: 17846 - Không gửi qua fax)
- Ngày 02/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2005/NĐ-CP về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Theo đó, việc định giá tài sản phải dựa trên các căn cứ sau đây: Giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; Giá trên tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá, nếu có; Giá trị thực tế của tài sản cần định giá...
Hội đồng định giá tài sản thực hiện khảo sát giá bằng các hình thức sau đây: Khảo sát giá thị trường theo giá bán buôn hoặc giá bán lẻ đối với tài sản cùng loại hoặc tương đương còn mới, có chất lư­ợng đạt một trăm phần trăm; Nghiên cứu bảng giá tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định để thực hiện tại địa ph­ương; Tham khảo giá trên tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá...
Hội đồng định giá tài sản quyết định giá của tài sản theo đa số. Trong trường hợp có ý kiến ngang nhau thì bên có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định. Trong trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình; ý kiến đó được ghi vào biên bản định giá tài sản...
Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải quyết định chấp nhận hoặc từ chối đề nghị yêu cầu định giá lại; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho người đề nghị...

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xúc tiến thương mại
(SMS: 17851)
- Ngày 02/3/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44/2005/QĐ-TTgvề việc phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm năm 2005.
Theo đó, các mặt hàng sẽ được Chính phủ hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu là gạo, thủy sản, chè, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, rau quả tươi và rau quả chế biến, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng điện - điện tử - tin học, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí, thịt lợn và thực phẩm chế biến, tăng thêm năm mặt hàng so với năm 2004...
Ngoài những mặt hàng này, mặt hàng mới xuất khẩu lần đầu, mặt hàng mới xuất khẩu sau một thời gian gián đoạn, mặt hàng chỉ xuất khẩu không tiêu thụ trong nước... cũng sẽ được xếp vào danh mục hỗ trợ. Đồng thời các thị trường trọng điểm của xúc tiến thương mại ngoài Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật sẽ được bổ sung thêm châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng...
Kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2005 sẽ lên đến hơn 600 tỉ đồng... Bộ trưởng Bộ Thương mại được ủy quyền phê duyệt đề án cụ thể của Chương trình và thông báo cho đơn vị chủ đề án thực hiện trên nguyên tắc không tăng kinh phí dự toán; xem xét, quyết định việc cho phép thực hiện tiếp những đề án dài hạn đã được phê duyệt trong các năm (2003-2004); Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm xem xét, duyệt và quyết toán kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị chủ trì thực hiện theo đúng quy định hiện hành về chế độ cho hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu từ nguồn Quỹ hỗ trợ xuất khẩu trên cơ sở các đề án cụ thể thuộc Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm trong năm (2003-2004) đã được Thủ tướng phê duyệt...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy chế về cấp giấy phép nhập khẩu hàng hoá
(SMS: 17850)
- Theo Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ban hành ngày 02/3/2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định: kể từ ngày 01/9/2005, đối tượng đề nghị cấp phép nhập khẩu chỉ phải nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu tới một cơ quan...
Trong trường hợp nhất thiết phải tiếp cận nhiều cơ quan thì số cơ quan này không được quá 03 cơ quan. Thủ tục nộp hồ sơ đề nghị hoặc thủ tục gia hạn giấy phép nhập khẩu (nếu có) phải được quy định đơn giản, rõ ràng. Hạn nộp hồ sơ (nếu có), phải được quy định tối thiểu là 21 ngày trước khi hết hạn nộp hồ sơ và có thể được gia hạn trong trường hợp cơ quan cấp phép nhập khẩu chưa nhận đủ số hồ sơ trong thời hạn này...
Cơ quan cấp phép nhập khẩu không được từ chối hồ sơ đề nghị cấp phép vì những sai sót nhỏ về thông tin, với điều kiện những sai sót này không làm thay đổi những nội dung quan trọng và cơ bản của hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu...

Trường hợp hạn ngạch nhập khẩu được phân bổ theo giấy phép không gắn với điều kiện về nước cung cấp hàng hóa thì đối tượng được cấp phép có quyền lựa chọn nguồn cung ứng. Nếu hạn ngạch nhập khẩu có gắn với điều kiện về nước cung cấp hàng hóa thì giấy phép nhập khẩu phải ghi rõ nước hoặc những nước mà đối tượng được phép nhập khẩu hàng về Việt Nam...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Sửa đổi một số điểm về thuế tiêu thụ đặc biệt
(SMS: 200554 - Không gửi qua fax)
- Ngày 08/3/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 18/2005/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 119/2003/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 149/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thuế suất thuế TTĐB không phân biệt hàng hóa nhập khẩu hay hàng hóa sản xuất trong nước được quy định như sau: áp dụng mức thuế suất 25% đối với xe ô tô từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi (bao gồm cả xe thiết kế vừa chở người vừa chở hàng và các loại xe lam)...
Cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà bán trong nước thì trong thời hạn 5 ngày kể từ khi bán hàng phải kê khai và nộp đủ thuế TTĐB thay cho cơ sở sản xuất. Giá tính thuế TTĐB trong trường hợp này là giá bán chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế GTGT (quy định trước đây: Giá tính thuế TTĐB trong trường hợp này là giá mua vào của cơ sở kinh doanh xuất khẩu, nếu không xác định được chính xác giá mua vào thì tính theo giá thực tế bán ra của cơ sở kinh doanh xuất khẩu chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế GTGT), được xác định cụ thể như sau: Giá tính thuế TTĐB bằng Giá bán trong nước của cơ sở xuất khẩu chưa có thuế GTGT chia cho 1 cộng với Thuế suất thuế TTĐB.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử lý thuế
(SMS: 200549)
- Theo Công văn số 2547/TC-TCHQ ra ngày 04/3/2005 về việc xử lý thuế đối với hàng xăng dầu tạm nhập, tái xuất, Bộ Tài chính hướng dẫn: đối với các hàng hoá nhập khẩu theo hình thức tạm nhập khẩu, sau đó tái xuất khẩu nhưng không tái xuất mà chuyển (một phần hoặc toàn bộ) sang tiêu thụ trong nội địa sau khi có sự cho phép của cơ quan chức năng thì thời hạn nộp thuế là 15 ngày kể từ ngày hết hạn tái xuất do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho toàn bộ lô hàng đã tạm nhập khẩu...

Thuế GTGT đối với hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ
(SMS: 200550)
- Theo Công văn số 2446/TC/TCT ra ngày 03/3/2005, Bộ Tài chính hướng dẫn: hiện nay, do chưa có văn bản pháp quy nào hướng dẫn cụ thể về các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ là dịch vụ khoa học và công nghệ, vì vậy trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT gặp khó khăn trong việc xác định các dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%. Nếu áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với tất cả các dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ sẽ mở rộng đối tượng áp dụng thuế suất 5%, trong đó có cả các dịch vụ hiện nay đang thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% như: các dịch vụ như tư vấn xác định giá trị, làm thủ tục xác định quyền sở hữu, xử lý tranh chấp về bản quyền tác giả, tác phẩm, quyền sở hữu công nghiệp thuộc nhóm dịch vụ tư vấn pháp luật, tư vấn tài chính, tư vấn khác...
 

 BỘ XÂY DỰNG


Hợp đồng trong hoạt động xây dựng
(SMS: 200553 - Không gửi qua fax)
- Theo Thông tư số 02/2005/TT-BXD ban hành ngày 25/02/2005, Bộ Xây dựng hướng dẫn: hợp đồng phải ghi rõ: thời gian bắt đầu, thời gian hoàn thành bàn giao sản phẩm của hợp đồng; tiến độ thực hiện từng hạng mục, từng công việc phải phù hợp với tổng tiến độ của dự án. Trường hợp Bên giao thầu ký nhiều hợp đồng với Bên nhận thầu để thực hiện các công việc xây dựng thì tiến độ của các hợp đồng phải phối hợp để thực hiện được tổng tiến độ của dự án. Các bên của hợp đồng phải thiết lập phụ lục phần không tách rời của hợp đồng để ghi rõ yêu cầu về tiến độ đối với từng loại công việc phải thực hiện...
Trường hợp là hợp đồng EPC, chìa khoá trao tay: khi chưa có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được duyệt thì được tạm thanh toán tối thiểu 85% giá trị khối lượng hoàn thành...
Đối với các nhà thầu phải thực hiện bảo hành công trình thì hai bên phải xác định số tiền bảo hành công trình mà bên nhận thầu phải nộp theo quy định, số tiền này có thể được trừ ngay vào giá trị mà bên nhận thầu được thanh toán...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.