Số 09.2004 (162) ngày 05/03/2004

 CHÍNH PHỦ


Thanh tra trong lĩnh vực điện lực
- Ngày 01/03/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2004/NĐ-CP, về tổ chức và hoạt động của thanh tra điện lực.
Theo đó, thanh tra điện lực thực hiện các nhiệm vụ sau: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện của tổ chức, cá nhân; Phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong lĩnh vực hoạt động điện lực và sử dụng điện; Tiếp
công dân, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hoạt động điện lực và sử dụng điện...
Thời hạn thanh tra tùy theo mức độ của vụ việc, nhưng tối đa không quá 30 ngày. Trường hợp vụ việc phức tạp, hết thời hạn 30 ngày vẫn chưa kết thúc, người ra quyết định thanh tra có thể gia hạn thanh tra. Thời gian gia hạn thanh tra không quá 30 ngày...
Cơ quan ra quyết định thanh tra phải thông báo tới đối tượng thanh tra biết trước khi tiến hành thanh tra ít nhất 07 ngày (trừ trường hợp thanh tra bất thường). Quyết định thanh tra phải giao cho đối tượng thanh tra trước khi tiến hành việc thanh tra...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu - Ngày 27/02/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2004/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc hoặc chuyển sang làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
Theo đó, trong
trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu mà cơ quan không còn nhu cầu bố trí làm việc hoặc không chuyển ngành được, thì người làm công tác cơ yếu nghỉ việc được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi có đủ các điều kiện sau đây: có đủ 25 năm đối với nam và có đủ 20 năm đối với nữ và phải đóng đủ bảo hiểm xã hội...
Khi chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được hưởng các quyền lợi như sau: được miễn thi tuyển và được sắp xếp làm việc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ, nếu chuyển ngành theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; được xếp và hưởng lương theo công việc, chức vụ mới. Trường hợp hệ số mức lương mới thấp hơn hệ số mức lương của người làm công tác cơ yếu được hưởng tại thời điểm chuyển ngành thì được bảo lưu hệ số chênh lệch giữa hệ số mức lương của người làm công tác cơ yếu với hệ số mức lương mới trong thời gian là 18 tháng kể từ ngày
có quyết định chuyển ngành và do cơ quan, đơn vị mới chi trả...
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế - Theo Nghị định số 100/2004/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 25/02/2004, cá nhân, tổ chức trốn thuế ngoài việc phải nộp đủ số thuế trốn nộp còn bị phạt tiền tối đa gấp 5 lần số thuế trốn, nhưng không quá 100 triệu đồng. Cơ sở kinh doanh sẽ bị phạt tiền 1 đến 2 lần số thuế trốn nộp khi sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn đã hết hạn sử dụng, hóa đơn của cá nhân, tổ chức khác để bán hàng nhưng không kê khai đầy đủ số thuế phải nộp; sửa chữa, tẩy xóa chứng từ kế toán, sổ kế toán...
Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ lập hoá đơn ghi giá thấp hơn 20% so với giá bán trung bình của hàng hoá, dịch vụ cùng loại trên thị trường địa phương (trừ trường hợp hàng tươi sống kém chất lượng, hàng tồn kho chất lượng giảm, bán hàng khuyến mại...) cũng bị phạt tiền gấp 1 - 2 lần số tiền thuế trốn nộp.
Phạt tiền 2 - 3 lần đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hoá, dịch vụ không lập hoá đơn và không kê khai thuế đầy đủ; báo huỷ hoá đơn đã sử dụng cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. Mức phạt cao nhất 3 - 5 lần số tiền thuế trốn nộp đối với trường hợp sử dụng hóa đơn khống hoặc các chứng từ kế toán khống khác; kinh doanh không kê khai đăng ký thuế...
Đối với các vi phạm về thủ tục đăng ký thuế, kê khai thuế, lập nộp quyết toán thuế, tuỳ vào mức độ vi phạm có thể bị cảnh cáo và phạt tiền từ 50 ngàn đến 25 triệu đồng. Trong đó, việc nộp quyết toán thuế quá thời gian quy định trên 90 ngày có thể bị phạt từ 15 - 25 triệu đồng... 
Các hành vi vi phạm về thu, nộp tiền thuế, tiền phạt có thể bị phạt 2 - 5 triệu đồng; vi phạm quy định về kiểm tra, thanh tra thuế có thể bị phạt từ 500 ngàn đến 10 triệu đồng...
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quy hoạch xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh - Ngày 02/03/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2004/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Định hướng quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) đến năm 2020.
Phạm vi quy hoạch là tổng chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) là 2.186 km, trong đó nhánh chính phía Đông 1.676 km; nhánh phía Tây 510 km. Phạm vi nghiên cứu hai bên đường có chiều rộng khoảng 2 km với diện tích khoảng 437.200 ha.
Định hướng phát triển: di dời và tổ chức tái định cư cho dân cư ở những khu vực mà phần lớn diện tích đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của tuyến đường hoặc nằm trong vùng có điều kiện tự nhiên đặc biệt, không thuận lợi (thường bị sạt lở, lũ quét...); cải tạo chỉnh trang và tập trung phát triển về một phía của tuyến đường đối với những khu vực bị ảnh hưởng một phần do tuyến đường đi cắt qua...
Đối với các khu vực nằm trong hành lang thoát lũ, sụt lở: cấm phát triển xây dựng tại vùng địa chất không ổn định, vùng nằm trong hành lang thoát lũ và vùng đất bị sụt lở. Các khu dân cư hoặc các khu chức năng khác đã có trong các khu vực này cần được nghiên cứu và có biện pháp di dời trong quá trình thực hiện dự án xây dựng tuyến đường...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quản lý nhà đất - Ngày 27/02/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 07/2004/CT-TTg, về việc thực hiện Nghị quyết số 23/2003/QH11 của Quốc hội về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991.
Thủ tướng chỉ thị: Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW tạm dừng không xem xét, giải quyết đối với các khiếu nại đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất trước ngày 01/7/1991 (trừ trường hợp đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản trước ngày ban hành Chỉ thị này)...

Danh mục bí mật nhà nước - Ngày 25/02/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2004/QĐ-TTg, về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, Danh mục độ Tuyệt mật bao gồm những tin trong phạm vi sau đây: tài liệu về vùng rừng núi, biên giới, hải đảo và trong đất liền thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn liên quan đến phòng thủ đất nước; tài liệu, số liệu tuyệt đối về dự trữ chiến lược quốc gia, các công trình trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn...

Danh mục độ Tối mật bao gồm những tin trong phạm vi sau đây: các loại ảnh hàng không và số liệu về điểm tọa độ, độ cao, bản đồ phục vụ công tác điều tra quy hoạch ngành liên quan đến mục tiêu an ninh, quốc phòng và các công trình trọng điểm quốc gia; những phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ chưa công bố hoặc không công bố; dữ liệu, tài liệu, tin tức liên quan đến dự án, chương trình thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chuẩn bị đấu thầu quốc tế...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi
- Ngày 01/03/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 23/2004/QĐ-BTC, về việc quy định tạm thời mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng sắt thép.
Theo Quyết định này, các mặt hàng: hợp kim fero (mã hàng 7202) có hàm lượng carbon trên 2% trọng lượng, silic trên 55% trọng lượng; sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (7207); các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim cán phảng có chiều rộng dưới 600mm, chưa phủ, mạ hoặc tráng (7211); thép tấm thông dụng (7211); thép làm cốt bê tông (7213); dây thép không gỉ (7223); thiết bị dùng cho giàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc cột trụ chống hầm lò (7308)... áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.     

Quản lý tài chính trong lĩnh vực y tế công lập - Ngày 27/02/2004, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2004/TTLT-BTC-BYT-BNV, hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong lĩnh vực y tế công lập.
Theo hướng dẫn, nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp được sử dụng như sau:
Đối với đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động, được chủ động sử dụng nguồn thu sự nghiệp cho các hoạt động thường xuyên của đơn vị để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao... Trường hợp đơn vị thực hiện vượt thu so với dự toán được giao thì đơn vị được sử dụng toàn bộ số thu vượt (phần phí và lệ phí được để lại đơn vị theo quy định) nhằm bổ sung quỹ tiền lương và kinh phí hoạt động của đơn vị theo quy định.

Đối với đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động: trường hợp tiết kiệm chi kinh phí thường xuyên hoặc tăng thu phí, lệ phí so với dự toán được giao thì đơn vị được sử dụng toàn bộ nguồn kinh phí tiết kiệm và số tăng thu (phần phí và lệ phí được để lại đơn vị theo quy định) để bổ sung quỹ tiền lương và kinh phí hoạt động của đơn vị...

Quỹ tiền lương thực tế của đơn vị cuối năm nếu không sử dụng hết được đưa vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập và chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.