Số 08.2011 (517) ngày 22/02/2011

 

SỐ 8 (517) - THÁNG 2/2011

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong s này:

CHÍNH PHỦ

 

1

15/2011/NĐ-CP

Nghị định 15/2011/NĐ-CP của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

 

* Mức phí bảo lãnh chính phủ tối đa là 1,5%/năm

Trang 2

2

14/2011/NĐ-CP

Nghị định 14/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan

 

* Thương nhân làm đại lý hải quan phải đáp ứng đủ 4 điều kiện

Trang 2

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

 

 

3

240/QĐ-TTg

Quyết định 240/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Tiêu chí quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020

 

* Mỗi quận, huyện có tối đa 05 tổ chức hành nghề công chứng

Trang 3

4

215/QĐ-TTg

Quyết định 215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016

 

* Tối đa 95 đại biểu được bầu vào HĐND cấp tỉnh 

Trang 3

5

208/QĐ-TTg

Quyết định 208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020

 

* Ngoại giao văn hóa là trụ cột của nền ngoại giao toàn diện

Trang 3

BỘ TÀI CHÍNH

 

 

 

6

17/2011/TT-BTC

Thông tư 17/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí

 

* Tạm ứng tối đa 90% tổng dự toán của dự án thăm dò dầu khí

Trang 4

7

15/2011/TT-BTC

Thông tư 15/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ…

 

* Thành lập Quỹ phát triển KH&CN từ 10% thu nhập tính thuế TNDN

Trang 4

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

 

8

06/2011/TT-BGDĐT

Thông tư 06/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

* 05 lĩnh vực được ưu tiên viện trợ nước ngoài

Trang 4

9

05/2011/TT-BGDĐT

Thông tư 05/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Trường mầm non…

 

* Hiệu trưởng trường mầm non do Trưởng phòng GD&ĐT bổ nhiệm

Trang 5

10

649/QĐ-BGDĐT

Quyết định 649/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 và khoản 4 Điều 5 Quyết định số 795/QĐ-BGDĐT ngày 27/02/2010…

 

* Bộ GD&ĐT xác định lại chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011

Trang 5

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 01/2011, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS01/2011 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

MỨC PHÍ BẢO LÃNH CHÍNH PHỦ TỐI ĐA
LÀ 1,5%/NĂM

Căn cứ vào kết quả thẩm định phương án tài chính của chương trình, dự án và tình hình tài chính của doanh nghiệp, Bộ Tài chính quy định mức phí bảo lãnh cho từng chương trình, dự án tùy theo mức độ rủi ro, nhưng tối đa không vượt quá 1,5%/năm trên tổng số dư nợ bảo lãnh. Đây là một trong những nội dung về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ được quy định trong Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011.

Bảo lãnh chính phủ là bảo lãnh có tính pháp lý cao nhất tại Việt Nam; cam kết bảo lãnh Chính phủ được thực hiện dưới hình thức thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc quyết định bảo lãnh (gọi chung là thư bảo lãnh); Chính phủ chỉ cấp bảo lãnh mà không cấp tái bảo lãnh.

Mức bảo lãnh không vượt quá 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án, trong đó đã bao gồm tất cả các chi phí vay có liên quan, trừ trường hợp dự án, công trình trọng điểm, dự án lớn có tính cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh đầy đủ và hợp lệ từ người vay, người phát hành trái phiếu theo quy định, Bộ Tài chính tiến hành thẩm định phương án tài chính và hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh. Phương pháp phân tích đánh

 

giá theo hệ số trả nợ vay là một trong những phương pháp thẩm định (hệ số trả nợ vay thể hiện khả năng tự trả tất cả các khoản nợ vay của dự án theo Bảng phân tích dòng tiền).

Hệ số trả nợ vay của phương án cơ sở điều chỉnh bằng 1 trở lên ngay từ năm đầu tiên đi vào sản xuất thì dự án được đánh giá là có rủi ro thấp và hoàn toàn có khả năng trả nợ ngay từ năm đầu tiên; hệ số trả nợ vay càng cao thì dự án, chương trình phải trả mức phí bảo lãnh càng thấp và ngược lại. 

Cụ thể, đối với các dự án có hợp đồng bao tiêu sản phẩm đảm doanh thu ổn định và các dự án mở rộng sản xuất kinh doanh: hệ số ≥1,15 thì mức phí bảo lãnh là 0,25%/năm; 1,10 ≤ hệ số ≤1,15 thì mức phí bảo lãnh là 0,4%/năm; 1,05 ≤ hệ số ≤1,10 thì mức phí bảo lãnh là 0,5%/năm…; 0,65≤ hệ số ≤0,7 thì mức phí bảo lãnh là 1,3%/năm. Chi tiết về tỷ lệ giữa hệ số trả nợ vay và mức phí bảo lãnh được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/4/2011; bãi bỏ Quyết định số 272/2006/QĐ-TTg ngày 28/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

 

THƯƠNG NHÂN LÀM ĐẠI LÝ HẢI QUAN
PHẢI ĐÁP ỨNG ĐỦ 4 ĐIỀU KIỆN

Ngày 16/02/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2011/NĐ-CP quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan (sau đây gọi là đại lý hải quan); theo đó, đại lý hải quan là thương nhân thay mặt chủ hàng thực hiện trách nhiệm của người khai hải quan theo quy định và thực hiện các công việc khác về thủ tục hải quan theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Thương nhân làm đại lý hải quan phải có đủ 04 điều kiện là: Có đăng ký kinh doanh theo quy định; Có ngành nghề kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng xuất khẩu, nhập khẩu hoặc dịch vụ khai thuê hải quan ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Có ít nhất 01 nhân viên đại lý hải quan; Đáp ứng điều kiện nối mạng máy tính với cơ quan hải quan để thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

Nhân viên đại lý hải quan là công dân Việt Nam; có bằng từ trung cấp trở lên thuộc các ngành kinh tế, luật; có chứng chỉ nghiệp vụ hải quan và có thời gian làm việc cho đại lý hải quan nơi được cấp thẻ ít nhất là 03 tháng.

Đại lý hải quan thực hiện các hoạt động ký hợp đồng văn bản với chủ hàng; yêu cầu chủ hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ và thông tin cần thiết cho

 

việc làm thủ tục hải quan của từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện các công việc về thủ tục hải quan, công việc sau khi được ủy quyền theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng.

Đại lý hải quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp thực hiện không đúng những công việc được ủy quyền, khai không đúng những thông tin và chứng từ liên quan do chủ hàng cung cấp.

Cũng theo Nghị định, cơ quan hải quan có trách nhiệm hỗ trợ miễn phí cho đại lý hải quan về kỹ thuật trong việc kết nối mạng giữa đại lý hải quan và cơ quan hải quan; hỗ trợ thủ tục hải quan, thủ tục thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; cập nhật các quy định mới của pháp luật về hải quan và tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về hải quan…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2011 và thay thế Nghị định số 79/2005/NĐ-CP ngày 16/6/2005 về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan.
 

MỖI QUẬN, HUYỆN CÓ TỐI ĐA 05 TỔ CHỨC
HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 17/02/2011 ban hành Tiêu chí quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020. 

Theo đó, căn cứ vào nhu cầu công chứng của xã hội được biểu hiện qua số hợp đồng, giao dịch có nhu cầu công chứng, Thủ tướng chỉ đạo việc xác định số lượng các tổ chức hành nghề công chứng quy hoạch trên một địa bàn cấp huyện đến năm 2020 theo các nguyên tắc: 

Quy hoạch tối thiểu 01 tổ chức hành nghề công chứng trên 01 địa bàn cấp huyện; không quá 02 tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng trung bình (dưới 6.000 hợp đồng, giao dịch/năm). 

 

Đối với những địa bàn công chứng có nhu cầu công chứng cao (từ 6.000-12.000 hợp đồng, giao dịch/năm) được phép quy hoạch tối đa không quá 04 tổ chức hành nghề công chứng; địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng rất cao (trên 12.000 hợp đồng, giao dịch/năm) có thể thành lập tối đa 05 tổ chức hành nghề công chứng. 

Cũng theo Quyết định này, Thủ tướng yêu cầu việc quy hoạch phải hình thành được “bản đồ” mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn về số lượng quy hoạch, vị trí quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng gắn với lộ trình cụ thể, tránh việc phát triển “nóng” cũng như kìm hãm sự phát triển hợp lý của các tổ chức hành nghề công chứng…
 

TỐI ĐA 95 ĐẠI BIỂU ĐƯỢC BẦU VÀO
HĐND CẤP TỈNH

Ngày 16/02/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 215/QĐ-TTg hướng dẫn cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Theo đó, căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị hành chính để dự kiến và điều chỉnh cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND các cấp phù hợp với mỗi địa phương, thực hiện các định hướng cơ cấu sau đây: Phấn đấu đạt tỷ lệ chung không dưới 15% đại biểu trẻ dưới 35 tuổi; khoảng 30% trở lên đại biểu là phụ nữ; không dưới 10% đại biểu là người ngoài Đảng.

Thủ tướng giao Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp căn cứ dân số của từng đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đến ngày 31/12/2010, ấn định số lượng đại biểu HĐND cấp mình theo quy định.

Cụ thể, tỉnh miền xuôi và thành phố trực thuộc Trung ương có từ 01 triệu người trở xuống, tỉnh miền núi có từ 500.000 người trở xuống được bầu 50 đại biểu; trên 1 triệu người đối với tỉnh miền xuôi và thành phố trực thuộc Trung ương thì cứ 50.000 người được bầu thêm 01 đại biểu, trên 500.000 người đối với tỉnh

 

miền núi thì cứ 30.000 người được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số đại biểu không quá 85 đại biểu. Riêng Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác có trên 3 triệu người được bầu cử không quá 95 đại biểu.

Phường có từ 8.000 người trở xuống, xã miền xuôi có từ 4.000 người trở xuống, xã, thị trấn miền núi và hải đảo có từ 3.000 người trở xuống được bầu 25 đại biểu; trên 8.000 người đối với phường thì cứ 4.000 người được bầu thêm 01 đại biểu, trên 4.000 người đối với xã miền xuôi thì cứ 2.000 người được bầu thêm 01 đại biểu, trên 3.000 người đối với xã, thị trấn miền núi hải đảo thì cứ 1.000 người được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.

Cũng trong Quyết định này, Thủ tướng nhấn mạnh: Người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp cần phải có năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, không tham nhũng, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…
 

NGOẠI GIAO VĂN HÓA LÀ TRỤ CỘT CỦA NỀN
NGOẠI GIAO TOÀN DIỆN

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020 kèm theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 14/02/2011 trên quan điểm ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là 03 trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam.

Với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, ngoại giao văn hóa ngày càng được sử dụng rộng rãi với nhiều hình thức phong phú và có vai trò quan trọng hơn trong nền ngoại giao của mỗi quốc gia bởi sức lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa có tác dụng to lớn trong việc xây dựng lòng tin, giúp làm sâu sắc và thắt chặt hơn các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa các quốc gia.

Mục tiêu của toàn bộ Chiến lược từ nay đến năm 2020 là đẩy mạnh hoạt động văn hóa nhằm làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, tăng cường xây dựng lòng tin đối với các quốc gia trên thế giới, đưa quan hệ Việt nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Quyết định nhấn mạnh: Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là 03 trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam. Ba trụ cột này gắn bó, tác động lẫn nhau, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong đó ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần của các hoạt động đối ngoại.

Việc thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa không chỉ nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế, các hoạt động ngoại giao văn hóa cũng góp phần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm và sâu sắc thêm những giá trị truyền thống của đất nước.

Chính vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo cần tăng cường công tác nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tri thức, kinh nghiệm hay, khoa học tiên tiến thế giới vào Việt Nam, kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, để hoàn thiện và phong phú hơn kho tàng văn hóa, tri thức của Việt Nam…

 

TẠM ỨNG TỐI ĐA 90% TỔNG DỰ TOÁN CỦA
DỰ ÁN THĂM DÒ DẦU KHÍ

Ngày 10/02/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 17/2011/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí. 

Theo đó, đối với dự án do Công ty mẹ là chủ đầu tư và trực tiếp triển khai thực hiện hoặc giao cho công ty con thực hiện thông qua Hợp đồng dịch vụ, căn cứ vào kế hoạch sử dụng Quỹ, khối lượng công việc đã thực hiện và dự toán chi tiết của dự án đã được phê duyệt; Hợp đồng dịch vụ đã ký kết với công ty con, Tổng giám đốc Tập đoàn quyết định mức tạm ứng tối đa không vượt quá 90% tổng dự toán của dự án được phê duyệt.

Đối với dự án do công ty mẹ hoặc các công ty con trực tiếp điều hành hoặc tham gia góp vốn theo hình thức Hợp đồng dầu khí, căn cứ vào Hợp đồng dầu khí đã ký kết; tiến độ góp vốn đã cam kết; văn bản yêu cầu của Nhà điều hành; công văn đề nghị Tập đoàn xuất Quỹ để góp vốn, Tổng Giám đốc Tập đoàn xem xét quyết định
 

 

xuất Quỹ với mức tối đa không vượt quá mức đã cam kết của tiến độ góp vốn vào dự án.

Chậm nhất 90 ngày sau khi kết thúc năm, Tập đoàn có trách nhiệm báo cáo việc trích lập, sử dụng và quyết toán kinh phí Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để theo dõi, giám sát. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày dự án tìm kiếm thăm dò kết thúc hoặc phải chấm dứt trước thời hạn, Hội đồng thành viên Tập đoàn phải tổ chức thẩm định và phê duyệt quyết toán nguồn kinh phí của Quỹ đã cấp cho dự án…

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Đối với các dự án đang tiếp tục triển khai thuộc đối tượng và đủ điều kiện sử dụng Quỹ nhưng đã sử dụng nguồn vốn khác để thực hiện trước ngày 26/11/2008, Tổng Giám độc Tập đoàn báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh quyết định phê duyệt dự án, trong đó cho phép chuyển nguồn vốn khác sang nguồn vốn Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí.

THÀNH LẬP QUỸ PHÁT TRIỂN KH&CN TỪ 10%
THU NHẬP TÍNH THUẾ TNDN

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Quỹ).

Quỹ do doanh nghiệp thành lập để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Quỹ là một bộ phận, không có tư cách pháp nhân và trực thuộc doanh nghiệp, do người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp chịu trách nhiệm điều hành. Quỹ được hình thành từ các nguồn: Tối đa 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong kỳ tính thuế; Một phần điều chuyển từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ; Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Nguồn vốn của Quỹ dùng để thực hiện các hoạt động KH&CN của doanh nghiệp như: Cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án KH&CN của doanh nghiệp; Hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không được sử dụng

 

nguồn vốn của Quỹ để đầu tư cho các hoạt động khác không gắn với việc phát triển KH&CN của doanh nghiệp tại Việt Nam hoặc đầu tư cho các dự án KH&CN đã được tài trợ bởi các nguồn vốn khác.

Trong thời hạn 5 năm, kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu Quỹ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế TNDN tính trên khoản thu nhập đã trích lập Quỹ mà không sử dụng hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thu nhập doanh nghiệp đó.

Lãi suất tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần quỹ không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% là lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn 01 năm áp dụng tại thời điểm thu hồi và thời gian tính lại là 02 năm…

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký; kể từ ngày 01/01/2009, các quy định trái với quy định tại Luật thuế TNDN và Nghị định số 124/2008/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Luật thuế TNDN, Nghị định 124/2008/NĐ-CP và thực hiện theo Thông tư này kể từ khi Thông tư này có hiệu lực thi hành.

05 LĨNH VỰC ĐƯỢC ƯU TIÊN VIỆN TRỢ NƯỚC NGOÀI

Ngày 11/02/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 06/2011/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ nước ngoài của Bộ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2011.

Theo đó, nguồn hỗ trợ nước ngoài bao gồm: ODA (Chương trình, dự án ODA không hoàn lại; Chương trình, dự án ODA vay ưu đãi; Chương trình, dự án vốn ODA thông thường hoặc hỗn hợp); Nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (Viện trợ thông qua các chương trình, dự án; Viện trợ phi dự án là các khoản viện trợ không phải là chương trình, dự án, được cung cấp dưới dạng hiện vật, tiền hoặc chuyên gia).

Bộ GD&ĐT thống nhất quản lý nhà nước về nguồn hỗ trợ nước ngoài trên cơ sở tập trung dân chủ, có phân công, phân cấp, hài hòa quy trình thủ tục giữa Bộ và các nhà tài trợ; tất cả các đơn vị có hoạt động vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn hỗ trợ nước ngoài đều phải thông qua quy trình xem xét, thẩm định, quản lý, kiểm tra và giám sát của Bộ GD&ĐT và phải tuân thủ nghiêm chỉnh chế độ báo cáo theo quy định hiện hành.

Nguồn hỗ trợ nước ngoài được ưu tiên sử dụng cho 05 lĩnh vực là các chương trình, dự án, bao gồm: Thực hiện chiến lược quốc gia về GD&ĐT; Thực hiện Kế

 

hoạch hành động quốc gia Giáo dục cho mọi người, ưu tiên cho giáo dục phổ cập và giáo dục ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cho các trường đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới của đất nước; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT và hệ thống cơ quan quản lý giáo dục các cấp; Một số lĩnh vực ưu tiên theo nhu cầu của từng giai đoạn và theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Sau khi thỏa thuận tài trợ đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ký kết với nhà tài trợ, cơ quan được giao chủ trì triển khai chương trình, dự án ODA, Chủ khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (hoặc Ban quản lý chương trình, dự án trong trường hợp đã được thành lập) có trách nhiệm chủ động triển khai và chịu trách nhiệm chính về nội dung các điều kiện hiệu lực của thỏa thuận tài trợ theo đúng yêu cầu và thời hạn đã quy định trong thỏa thuận tài trợ.

Trong trường hợp phát sinh nhu cầu khách quan cần sửa đổi, điều chỉnh nội dung của điều kiện hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn hiệu lực đã cam kết phải báo cáo ngay cơ quan chủ quản để xin hướng giải quyết…
 

 

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG MẦM NON DO TRƯỞNG
PHÒNG GD&ĐT BỔ NHIỆM

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 05/2011/TT-BGDĐT ngày 10/02/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 07/4/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 44/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010.

Theo đó, Hiệu trưởng trường mầm non do Trưởng phòng GD&ĐT bổ nhiệm đối với nhà trường, nhà trẻ công lập; công nhận đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục thay vì thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận trước đây thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Nhiệm kỳ của Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ là 5 năm; sau 5 năm, Hiệu trưởng được đánh giá và có thể bổ nhiệm lại hoặc công nhận lại. Đối với nhà trường, nhà trẻ công lập, mỗi Hiệu trưởng chỉ được giao quản lí một nhà trường hoặc một nhà trẻ không quá hai nhiệm kì.

Sau mỗi năm học, mỗi nhiệm kì công tác, Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ được cán bộ, giáo viên trong trường và cấp có thẩm quyền đánh giá về công tác quản lí các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường theo quy định.

Phó Hiệu trưởng do Trưởng phòng GD&ĐT bổ nhiệm đối với nhà trường, nhà trẻ công lập, công nhận đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục theo quy trình bổ

 

nhiệm hoặc công nhận Phó Hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền. Phó Hiệu trưởng là ngư­ời giúp việc cho Hiệu trưởng, chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng và trước pháp luật.

Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục thành lập Hội đồng trường, theo đó, tập thể giáo viên và các tổ chức, đoàn thể nhà trường, nhà trẻ giới thiệu nhân sự Hội đồng trường, Hiệu trưởng tổng hợp danh sách nhân sự và làm tờ trình gửi Phòng GD&ĐT. Chủ tịch Hội đồng trường do các thành viên hội đồng bầu; Thư ký hội đồng trường do Chủ tịch Hội đồng trường chỉ định; Trưởng phòng GD&ĐT công nhận Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường.

Nhiệm kỳ của Hội đồng trường là 5 năm; hằng năm, nếu có sự thay đổi về nhân sự, Hiệu trưởng làm văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận, bổ sung các thành viên Hội đồng trường.

Cũng theo Thông tư này, mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có không quá 2 trẻ cùng một loại khuyết tật. Việc tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ em khuyết tật học hòa nhập trong nhà trường, nhà trẻ thực hiện theo quy định của Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành…  

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/3/2011, các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.

BỘ GD&ĐT XÁC ĐỊNH LẠI CHỈ TIÊU TUYỂN SINH
NĂM 2011

Ngày 15/02/2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Quyết định số 649/QĐ-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 và khoản 4 Điều 5 Quyết định số 795/QĐ-BGDĐT ngày 27/02/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quy trình đăng ký, thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, kiểm tra và xử lý việc thực hiện các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Theo đó, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo năm 2011 của các cơ sở đào tạo (CSĐT) phải theo các nguyên tắc: Chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy được xác định theo tiêu chí mà CSĐT chưa đạt được (về diện tích sàn xây dựng hoặc số sinh viên, học sinh quy đổi trên 1 giảng viên, giáo viên quy đổi).

CSĐT có kết quả tuyển sinh năm 2009 và năm 2010 thấp hơn 50% số chỉ tiêu được thông báo thì chỉ tiêu tuyển sinh chính quy năm 2011 được xác định tối đa bằng 50% số chỉ

tiêu năm 2010 được thông báo; các CSĐT có quyết định thành lập và bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2011-2012 thì chỉ được giao chỉ tiêu thực hiện các cam kết trong đề án thành lập trường phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định.

 

Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hình thức vừa làm vừa học, liên thông, bằng hai được xác định tối đa bằng 60% tổng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy. Đối với CSĐT được giao nhiệm vụ đào tạo nâng chuẩn giáo viên, cán bộ y tế và đào tạo nguồn nhân lực cho các Khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo nhiệm vụ cụ thể và năng lực đào tạo thực tế của CSĐT.

Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo hình thức học từ xa của CSĐT được phép đào tạo từ xa không quá 40% chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Riêng Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định phù hợp với nhiệm vụ và năng lực đào tạo của nhà trường.

Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trung cấp chuyên nghiệp: Đối với CSĐT đại học ngành kỹ thuật công nghệ, nghệ thuật không vượt quá 60%, các CSĐT còn lại không vượt quá 30% chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy; Đối với CSĐT cao đẳng không vượt quá 80% chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng chính quy…  

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái với quy định tại Quyết định này đều bị bãi bỏ.

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.