Số 08.2010 (466) ngày 02/03/2010

CHÍNH PHỦ


Sửa đổi quy định về trợ cấp xã hội (SMS: 13/2010/ND-CP) - Ngày 27/02/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Nếu như trước đây người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ phải thuộc hộ gia đình nghèo thì mới được trợ cấp thì nay Nghị định mới đã bỏ quy định “thuộc hộ gia đình nghèo” đối với các đối tượng này. Tương tự, người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm phải có kết luận là bệnh mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo mới được trợ cấp thì nay cũng đã bỏ quy định “có kết luận là bệnh mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo”. Quy định mức chuẩn để xác định mức trợ cấp xã hội hàng tháng được tăng từ 120 ngàn đồng lên 180 ngàn đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/4/2010. Đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP thì chuyển sang hưởng chính sách trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này kể từ ngày 01/01/2010. Đối tượng mới thuộc diện hưởng chính sách trợ giúp xã hội thì được hưởng từ ngày ghi trong quyết định của chủ tịch UBND cấp huyện.

Đổi mới quản lý giáo dục đại học (SMS: 296/CT-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/02/2010 về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hữu quan cần quán triệt nhận thức: phát triển quy mô giáo dục đại học phải đi đôi với đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo; kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo; cần tạo ra cơ chế và động lực trong quản lý nhà nước và quản lý của các cơ sở đào tạo để thực hiện mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Để triển khai công tác đổi mới quản lý giáo dục đại học, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn giáo dục Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức thảo luận trong tất cả các cơ sở giáo dục đại học: vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành; xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới về thành lập trường, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý tài chính, quản lý chất lượng, tuyển dụng…
Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành chủ động phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, xây dựng (hoặc rà soát điều chỉnh) chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011-2015; giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền, hỗ trợ việc triển khai đổi mới quản lý giáo dục đại học.

Bổ sung quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp huyện (SMS: 12/2010/ND-CP) - Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2010/NĐ-CP ngày 26/02/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Theo nội dung được bổ sung tại Nghị định này, phòng dân tộc là cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Việc thành lập phòng dân tộc do UBND cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định căn cứ tiêu chí quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc UBND các cấp. Đối với những huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng chưa đủ tiêu chí để thành lập cơ quan làm công tác dân tộc, văn phòng hội đồng nhân dân và UBND hoặc văn phòng UBND nơi thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện có đường biên giới lãnh thổ quốc gia trên đất liền, trên biển và hải đảo, văn phòng hội đồng nhân dân và UBND hoặc văn phòng UBND nơi thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ, biên giới.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2010.

Phụ nữ được hỗ trợ học nghề 02 triệu đồng/người (SMS: 295/QD-TTg) - Học nghề, lập nghiệp là quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nữ; phụ nữ chủ động tham gia học nghề để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đó là một trong những quan điểm của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26/02/2010. Đối tượng của Đề án này là lao động nữ trong độ tuổi lao động, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người trong diện thu hồi đất canh tác, phụ nữ bị mất việc làm trong các doanh nghiệp.
Các đối tượng được ưu tiên nói trên (trừ hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo) được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế); hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200 ngàn đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
Lao động nữ (cả nông thôn và thành thị) thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Lao động nữ khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học. Lao động nữ học nghề được vay vốn để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Lao động nữ làm việc ổn định tại chỗ (nơi cư trú) sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay học nghề.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Triển khai thi hành Luật Dân quân tự vệ (SMS: 289/QD-TTg) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Dân quân tự vệ bằng Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 26/02/2010 với mục đích xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành Luật này đảm bảo đồng bộ, đạt kết quả thiết thực. Theo đó, trong năm 2010 và 2011, Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí khác tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp, lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân về Luật Dân quân tự vệ và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Dân quân tự vệ. Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Dân quân tự vệ dự kiến khoảng 58 ngàn triệu đồng do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Không đặt biển quảng cáo trong hàng lang an toàn đường cao tốc (SMS: 11/2010/ND-CP) - Quy định này được ghi rõ tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 24/02/2010. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Giao thông đường bộ, bao gồm: đặt tên hoặc số hiệu đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng và tiêu chuẩn kỹ thuật, thẩm định an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trách nhiệm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo Nghị định này, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được lập cho ít nhất 10 năm và định hướng phát triển cho 10 năm tiếp theo. Đối với đô thị xây dựng mới, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm theo loại đô thị như sau: đô thị loại đặc biệt từ 24% đến 26%, đô thị loại I từ 23% đến 25%, đô thị II từ 21% đến 23%, đô thị loại III từ 18% đến 20% và đô thị loại IV, loại V từ 16% đến 18%; quỹ đất này là diện tích đất dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, không bao gồm diện tích sông, ngòi, ao, hồ và các công trình giao thông xây dựng ngầm.
Cũng theo Nghị định này, đất hành lang đường bộ được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ; không được lắp đặt biển quảng cáo trong hành lang an toàn đường cao tốc. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ, theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải hoặc UBND cấp tỉnh về vị trí và thiết kế đoạn đường dẫn vào cửa hàng bán lẻ xăng dầu qua phần đất hành lang an toàn đường bộ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2010 và thay thế Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
 

 

BỘ CÔNG THƯƠNG


Tăng giá điện từ 01/3/2010 (SMS: 08/2010/TT-BCT) - Ngày 24/02/2010, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BCT quy định về giá bán điện năm 2010 và hướng dẫn thực hiện. Thông tư này quy định về giá bán buôn điện, giá bán lẻ điện và hướng dẫn thực hiện giá bán điện năm 2010, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân mua bán điện từ hệ thống điện quốc gia. Giá bán điện tại những địa bàn chưa có lưới điện quốc gia do UBND cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Cục Điều tiết điện lực. Theo đó, giá bán điện bình quân năm 2010 là 1.058đ/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang kể từ ngày 01/3/2010 như sau:
cho 50 kWh đầu tiên là 600đ/kWh, cho kWh từ 51-100 là 1.004đ/kWh, cho kWh từ 101-150 là 1.214đ/kWh, cho kWh từ 151-200 là 1.594đ/kWh, cho kWh từ 201-300 là 1.722đ/kWh, cho kWh từ 301-400 là 1.844đ/kWh, cho kWh từ 401 trở lên là 1.890đ/kWh. Giá bán lẻ điện cho kinh doanh như sau: đối với cấp điện áp từ 22 kV trở lên, giờ bình thường là 1.648đ/kWh, giờ thấp điểm là 902đ/kWh, giờ cao điểm là 2.943đ/kWh; đối với cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22 kV, giờ bình thường là 1.766đ/kWh, giờ thấp điểm là 1.037đ/kWh, giờ cao điểm là 3.028đ/kWh; đối với cấp điện áp dưới 6 kV, giờ bình thường là 1.846đ/kWh, giờ thấp điểm là 1.065đ/kWh và giờ cao điểm là 3.193đ/kWh. Giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất cao nhất là 1.938đ/kWh và thấp nhất là 496đ/kWh.
Đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp có nguồn phát điện độc lập hoặc các đơn vị có nguồn phát điện độc lập kết hợp với mua điện từ hệ thống điện quốc gia, bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong các khu công nghiệp có trách nhiệm xây dựng giá bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong khu công nghiệp, trình UBND tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản của Cục Điều tiết điện lực.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2010 và thay thế Thông tư số 05/2009/TT-BCT ngày 26/02/2009 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện năm 2009 và hướng dẫn thực hiện. Bãi bỏ công văn số 8527/BCT-ĐTĐL ngày 28/8/2009 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện giảm giá điện giờ cao điểm.
 

 

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Ngân hàng và người vay được thỏa thuận lãi suất (SMS: 07/2010/TT-NHNN) - Quy định về cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với khách hàng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn tại Thông tư số 07/2010/TT-NHNN ngày 26/02/2010. Theo Thông tư này, tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận đối với khách hàng trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, mức độ tín nhiệm của khách hàng vay. Các khoản cho vay gồm có: cho vay trung hạn và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh
, dịch vụ và đầu tư phát triển; cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để trực tiếp phục vụ đời sống của cá nhân và hộ gia đình của khách hàng vay, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng (để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách hàng vay, mua phương tiện đi lại, chi phí học tập và chữa bệnh, mua đồ dùng và trang thiết bị gia đình, chi phí cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thấu chi tài khoản cá nhân).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng hết hiệu lực thi hành, bao gồm: Thôgn tư số 01/2009/TT-NHNN ngày 23/01/2009 về lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng và các văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư này; quy định về lãi suất đối với các khoản vay trung, dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển theo Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008 về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam. Đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tổ chức tín dụng và khách hàng vay tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng hoặc tổ chức tín dụng và khách hàng vay sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng cho phù hợp với quy định của Thông tư này.

Hướng dẫn về tổ chức và quản trị ngân hàng TMCP (SMS: 06/2010/TT-NHNN) - Những hướng dẫn chi tiết về tổ chức, quản trị, điều hành, vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ phần, bổ sung, sửa đổi giấy phép, điều lệ của ngân hàng thương mại vừa được Ngân hàng Nhà nước quy định tại Thông tư số 06/2010/TT-NHNN ngày 26/02/2010. Theo Thông tư này, văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, chuẩn y về các vấn đề nói trên do chủ tịch hội đồng quản trị hoặc người đại diện theo pháp luật của ngân hàng ký; trường hợp chủ tịch hội đồng quản trị hoặc người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho người khác ký thì hồ sơ phải có văn bản ủy quyền được lập phù hợp với quy định của pháp luật. Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt; các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt phải được cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo quy định của pháp luật. Hồ sơ của ngân hàng được gửi tới Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh bằng một trong các hình thức: gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, gửi qua fax hoặc thư điện tử (có điện thoại xác nhận), sau đó nộp hồ sơ gốc cho Ngân hàng Nhà nước để kiểm tra và lưu.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 25/4/2010. Các Quyết định số 1122/2001/QĐ-NHNN ngày 04/9/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước và nhân dân và các văn bản sửa đổi, bổ sung Quyết định này; Quyết định số 1087/2001/QĐ-NHNN ngày 27/8/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước và nhân dân; Quyết định số 383/2002/QĐ-NHNN ngày 24/4/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành điều lệ mẫu của ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước và nhân dân hết hiệu lực thi hành.
 

 

BỘ TƯ PHÁP


Thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngành tư pháp (SMS: 02/CT-BTP) - Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Để thi hành Luật này và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án, ngày 24/02/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Chỉ thị số 02/CT-BTP yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ quán triệt tinh thần và nội dung của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Chỉ thị số 1565/CT-TTg ngày 06/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật này và đến cán bộ, công chức của đơn vị bằng các hình thức và biện pháp thích hợp để cán bộ, công chức nhận thức được ý nghĩa, vai trò, tác dụng của Luật, nắm rõ các hành vi mà nếu cán bộ, công chức vi phạm gây ra thiệt hại thì Nhà nước sẽ phải bồi thường và cá nhân phải bồi hoàn cho Nhà nước; phân công cán bộ theo dõi công tác giải quyết bồi thường để kịp thời thực hiện thủ tục giải quyết bồi thường khi người bị thiệt hại có đơn yêu cầu bồi thường; đôn đốc, chỉ đạo việc giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của đơn vị mình, bảo đảm thực hiện bồi thường công bằng, khách quan, đúng pháp luật và thống nhất.
Bộ trưởng Tư pháp cũng yêu cầu các tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi, thống kê các hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra thiệt hại thuộc phạm vi do bộ, ngành quản lý; nắm bắt những khiếm khuyết, hạn chế của hệ thống pháp luật, phát hiện những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động thi hành công vụ để kiến nghị về các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ.