Số 08.2008 (364) ngày 29/02/2008

 CHÍNH PHỦ


Tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị
(SMS: 503058)
- Theo Chỉ thị số 09/2008/CT-TTg ra ngày 28/02/2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng và công trình xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, theo giấy phép xây dựng đảm bảo chất lượng kiến trúc, cảnh quan và môi trường…
Thực hiện "Tổ chức công bố và công khai các đồ án quy hoạch xây dựng để dân biết, dân kiểm tra và thực hiện". Bộ Xây dựng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương việc quản lý quy hoạch xây dựng, đặc biệt là công tác công khai, cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng…
Hành vi xây dựng không đúng quy hoạch, xây dựng không phép hoặc xây dựng sai giấy phép, tự ý điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền và không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt phải xử lý nghiêm…
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thành lập, bố trí địa điểm và nguồn kinh phí hoạt động cho các trung tâm dữ liệu thông tin về quy hoạch trên cơ sở xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS), thiết lập sa bàn (mô hình) theo đồ án quy hoạch xây dựng và tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch.


Hỗ trợ tái định cư
(SMS: 503059)
- Ngày 25/02/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/2008/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thủy điện Sơn La, ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg.
Theo đó, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền điều động đến nhận công tác tại nơi có hộ dân phải di chuyển đến điểm tái định cư (nơi đi) sau ngày 22/12/2004 mà có tài sản gắn liền với đất được hình thành trong thời gian công tác thì được bồi thường tài sản đó…
Đối với bồi thường thiệt hại về đất, trường hợp hộ tái định cư có đất sản xuất ở vị trí trên cốt ngập, chuyển đến điểm tái định cư xa nơi sản xuất cũ thì đất sản xuất tại nơi ở cũ bị thu hồi, được bồi thường thiệt hại về đất và giao đất sản xuất tại điểm tái định cư. Diện tích đất sản xuất bị thu hồi, giao chính quyền địa phương quản lý theo quy định hiện hành…
Việc xây dựng khu tái định cư tập trung nông thôn mà hộ sở tại bị thu hồi đất và bị ảnh hưởng nguồn nước, nguồn điện sinh hoạt để xây dựng điểm tái định cư tập trung nông thôn được hỗ trợ đầu tư nước và điện sinh hoạt như đối với hộ tái định cư…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh
(SMS: 503034)
- Ngày 22/02/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Quy hoạch nhằm mục tiêu chung là xây dựng và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển.
Cụ thể, đến năm 2010, đạt tỷ lệ tối thiểu 20,5 giường bệnh/10.000 dân (trong đó có 2 giường bệnh tư nhân), đưa tổng số giường bệnh cả nước đạt 190.000 giường. Đến năm 2020, sẽ đạt tỷ lệ tối thiểu là 25 giường bệnh (5 giường bệnh tư nhân), tổng số giường bệnh cả nước đạt 250.000 giường…
Quy hoạch cũng nhấn mạnh vấn đề chỉ duy trì hoạt động phòng khám đa khoa khu vực thuộc địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà trạm y tế xã chưa đủ khả năng thực hiện được các kỹ thuật, dịch vụ khám, chữa bệnh thông thường. Trạm y tế xã tiếp tục được củng cố, đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực. Phấn đấu đến năm 2015, tất cả các trạm y tế xã trong cả nước đều đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc chú trọng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám, chữa bệnh, còn phải đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác khám, chữa bệnh và tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện nhà nước theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh, khuyến khích mô hình khám chữa, bệnh tư nhân phát triển. Bảo đảm để các cơ sở bệnh viện Nhà nước, tư nhân đều bình đẳng nhau về mọi mặt.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


Kiểm tra phương tiện dùng cho người tàn tật
(SMS: 503055)
- Ngày 22/02/2008, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 03/2008/QĐ-BGTVT ban hành Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy ba bánh dùng cho người tàn tật.
Các phương tiện này khi kiểm tra phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sau: xe có thể lắp động cơ nhiệt hoặc động cơ điện, nếu là động cơ nhiệt thì dung tích động cơ không lớn hơn 125cm3; Các bánh xe phải đối xứng với nhau qua mặt phẳng trung tuyến dọc của xe; Kích thước lớn nhất của xe không vượt quá giới hạn: chiều dài 2,5m, chiều rộng 1,2m, chiều cao 1,4m; Tỷ lệ khối lượng phân bố lên trục dẫn hướng so với khối lượng xe ở trạng thái không tải và đầy tải không được nhỏ hơn 18%; Không rò rỉ nhiên liệu, dầu bôi trơn ở các mối ghép của các tổng thành, hệ thống lắp trên xe như: động cơ, ly hợp, hộp số, truyền động, thùng nhiên liệu, bộ chế hòa khí, hệ thống ống dẫn nhiên liệu; Các bộ phận có thể tiếp xúc với cơ thể người lái và người xung quanh không được nhọn, sắc cạnh…
Cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm do cơ sở sản xuất, lắp ráp. Trong trường hợp sản xuất hàng loạt, cơ sở sản xuất chỉ được sản xuất, lắp ráp các sản phẩm tiếp theo khi đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại và phải bảo đảm các sản phẩm này phù hợp với hồ sơ đăng ký và mẫu điển hình đã được thử nghiệm.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày,  kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng
(SMS: 503036)
- Ngày 22/02/2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 05/2008/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng.
Việc điều chỉnh này phải tuân thủ nguyên tắc: giá vật liệu xây dựng được tính cho khối lượng thi công xây lắp từ năm 2007 chịu ảnh hưởng của biến động giá vật liệu xây dựng làm tăng chi phí xây dựng công trình ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu…
Ngoài ra, điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được xác định cho từng hợp đồng thi công xây dựng công trình, từng gói thầu và cho cả dự án. Phần chi phí bổ sung do điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được xác định bằng dự toán chi phí xây dựng bổ sung và là căn cứ để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu, điều chỉnh dự toán công trình và điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Đối với các gói thầu đã chỉ định thầu và tự thực hiện dự án, đã có kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng chưa ký hợp đồng xây dựng hoặc hợp đồng đang thực hiện (theo giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định) thì chủ đầu tư xác định dự toán chi phí xây dựng bổ sung để làm căn cứ điều chỉnh dự toán xây dựng công trình…
Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, trường hợp giá gói thầu sau khi điều chỉnh không vượt giá gói thầu đã được phê duyệt thì chủ đầu tư quyết định phê duyệt. Trường hợp giá gói thầu sau khi điều chỉnh vượt giá gói thầu đã được phê duyệt nhưng không vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư quyết định phê duyệt và gửi kết quả để báo cáo người quyết định đầu tư. Nếu giá gói thầu sau khi điều chỉnh làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý thông tin năng lực xây dựng
(SMS: 503032)
- Ngày 20/02/2008, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 02/2008/QĐ-BXD ban hành Quy định quản lý thông tin về năng lực của các tổ chức hoạt động xây dựng qua Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
Theo đó, các tổ chức hoạt động tư vấn, hoạt động thi công xây dựng cần cung cấp các thông tin như vốn điều lệ; số liệu về tài chính trong 3 năm gần nhất; doanh thu theo từng lĩnh vực hoạt động; số lượng cán bộ, công nhân viên; các công trình tiêu biểu đã thực hiện; thống kê những vi phạm do hoạt động tư vấn, thi công gây ra...
Người đứng đầu các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng khi cung cấp thông tin để đăng tải phải đảm bảo trung thực, chính xác và phải ghi rõ họ tên, chức danh, địa chỉ nơi đặt trụ sở làm việc của đơn vị.
Khuyến khích các Hội nghề nghiệp, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Xây dựng khi phát hiện các thông tin không chính xác do các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng cung cấp trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quản lý đường đô thị
(SMS: 503011)
- Theo Thông tư số 04/2008/TT-BXD ban hành ngày 20/02/2008, Bộ Xây dựng hướng dẫn: việc sử dụng lòng đường đô thị làm nơi để xe phải bảo đảm các yêu cầu: đối với đường hai chiều thì lòng đường tối thiểu là 10,5m được phép để xe một bên, 14m được phép để xe hai bên; Đường một chiều nếu lòng đường tối thiểu là 7,5m thì cho phép để xe bên phải phần xe chạy…; Khi sử dụng lòng đường đô thị làm nơi để xe công cộng có thu phí phải ưu tiên đối với tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp nhà, công trình xây dựng dọc tuyến đường đó trong việc thuê chỗ để xe ở vị trí liền kề với nhà, công trình cho nhu cầu của bản thân họ…
Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời hè phố cho việc cưới, việc tang phải xin phép chính quyền địa phương nơi cư trú. Thời gian sử dụng không quá 48 giờ và phải bố trí lối đi cho người đi bộ, chiều rộng tối thiểu của lối đi cho người đi bộ là 1,5m...

Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu nhà ở, khách sạn, trung tâm thương mại, trụ sở cơ quan, trường học, khu vui chơi giải trí... phải bố trí đủ đất xây dựng bãi đỗ xe phù hợp với nhu cầu của từng công trình, không được sử dụng phần đường xe chạy, hè phố làm nơi đỗ xe…
Khi cấp phép đào đường đô thị, cơ quan cấp phép phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi sẽ xây dựng để giám sát thực hiện.
Cấm: sử dụng đường đô thị để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày hàng hoá, vật liệu; Lắp đặt, xây dựng bục, bệ dắt xe, bậc tam cấp vào nhà và công trình bên đường gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện giao thông và người đi bộ; gây mất mỹ quan đô thị; Lắp đặt, xây dựng các công trình, biển quảng cáo, trang trí, đường dây trái phép, ảnh hưởng đến kết cấu đường đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đô thị và gây mất mỹ quan đô thị…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Chi phí đối với công tác phòng, chống tham nhũng
(SMS: 503053)
- Ngày 19/02/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 20/2008/TT-BTC hướng dẫn về kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo.
Để phục vụ cho công tác này, Ban Chỉ đạo được phép mua tin tức phục vụ việc điều tra với mức tối đa không quá 10 triệu đồng/tin. Trường hợp yêu cầu thực tế phải chi cao hơn mức chi này sẽ do Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh xem xét quyết định…
Ngoài ra, các cuộc họp về công tác phòng, chống tham nhũng do Ban chỉ đạo cấp tỉnh chủ trì thì áp dụng mức chi: đối với người chủ trì cuộc họp là 100.000 đồng/người/buổi; Các đại biểu khác hưởng mức: 70.000 đồng…
Bên cạnh đó, căn cứ vào nhu cầu thực tế công việc, Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh xem xét quyết định việc trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động cho một số cán bộ đảm nhận các nhiệm vụ đặc biệt thực sự cần thiết. Mức khoán thanh toán cước phí sử dụng điện thoại không quá 100.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại cố định và 250.000 đồng đối với điện thoại di động…

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: TÀI CHÍNH - TƯ PHÁP


Kinh phí thi hành án dân sự
(SMS: 503030)
- Ngày 19/02/2008, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 19/2008/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.
Theo đó
, Tổ quản lý, thanh lý tài sản được tạm ứng chi từ cơ quan thi hành án dân sự. Khi thu được tiền từ xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả các khoản tiền đã tạm ứng để chi phí cho hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản...
Thủ tục tạm ứng: khi Chấp hành viên có quyết định được giao làm Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản, Chấp hành viên căn cứ nội dung chi, mức chi quy định lập và trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Trên cơ sở dự toán đã được phê duyệt, Chấp hành viên làm thủ tục tạm ứng kinh phí cho hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
Thủ tục hoàn tạm ứng: Khi thu được các khoản tiền từ doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng chi cho hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
Một số khoản chi có tính chất đặc thù trong công tác này thực hiện theo mức chi cụ thể như sau: chi bồi dưỡng cho các đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi tham gia vào quá trình xác minh, thông báo thi hành án, thi hành quyết định khẩn cấp tạm thời với mức chi tối đa là 25.000 đồng/người/buổi...
Đối với các khoản khác: thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, chi phí phòng chống cháy nổ, y tế; chi thuê địa điểm, phương tiện để định giá, bán tài sản, hàng hoá khác; chi thuê gửi, giữ, bảo quản vật chứng, tài sản thi hành án; thuê vận chuyển, tiền mua nguyên nhiên vật liệu và các chi phí thực tế hợp lý khác... cần căn cứ theo hợp đồng và hoá đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định và được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.