Cấp thẻ đi lại của doanh nhân APEC (SMS: 201467) - Ngày 28/02/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC. Theo đó, Thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC) có giá trị sử dụng trong 03 năm, kể từ ngày cấp và không được gia hạn. Khi thẻ ABTC hết thời hạn sử dụng, nếu người được cấp thẻ vẫn còn nhu cầu đi lại trong khối APEC, thì làm thủ tục đề nghị cấp lại thẻ mới. Thẻ ABTC chỉ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh khi người mang thẻ xuất trình kèm theo hộ chiếu hợp lệ. Mỗi lần nhập cảnh, người mang thẻ ABTC được các nước và vùng lãnh thổ thành viên cấp chứng nhận tạm trú theo thời hạn quy định của các nước hoặc vùng lãnh thổ đó. Hồ sơ cấp thẻ gồm: 01 tờ khai đề nghị cấp thẻ ABTC, có dán ảnh đóng dấu giáp lai và xác nhận của Thủ trưởng doanh nghiệp hoặc cơ quan tổ chức cán bộ các ngành kinh tế, quản lý nhà nước chuyên ngành về các hoạt động của các doanh nghiệp; Văn bản xét cho phép sử dụng thẻ ABTC của cấp có thẩm quyền quy định... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ (SMS: 201466) - Theo Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ban hành ngày 27/02/2006, Chính phủ quy định: nghiêm cấm quảng cáo các bình bú với đầu vú nhân tạo, núm vú giả dưới mọi hình thức. Các loại sữa dùng cho trẻ từ 12 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi được phép quảng cáo nhưng phải đăng ký với Bộ Y tế và luôn phải có khuyến cáo: "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ". Khuyến cáo này cũng phải được in hoa ở nhãn sữa kèm theo dòng chữ: "Các yếu tố chống nhiễm khuẩn đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ, có tác dụng giúp trẻ phòng chống bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh khác". Trên nhãn sữa cho trẻ dưới 2 tuổi cũng phải ghi: "Chỉ sử dụng sản phẩm này theo hướng dẫn của bác sĩ, pha chế theo đúng hướng dẫn cho trẻ ăn bằng cốc thìa hợp vệ sinh"... Tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ phải có các nội dung sau: Lợi ích và tính ưu việt của việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ, khẳng định sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ; Hướng dẫn nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn, cho trẻ ăn thức ăn bổ sung hợp lý từ 6 tháng tuổi; ảnh hưởng không tốt của việc cho trẻ bú bằng bình, ngậm núm vú giả và ăn thức ăn bổ sung trước 6 tháng tuổi... Người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ không được: tổ chức tặng thầy thuốc, nhân viên y tế hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; các lợi ích vật chất hoặc các hình thức biểu hiện khác có tên hoặc biểu tượng của sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; tổ chức việc trưng bày sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ nhà thuốc bệnh viện; áp dụng các biện pháp khuyến mại đối với sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (SMS: 19270) - Theo Chỉ thỉ số 05/2006/CT-TTg ra ngày 22/02/2006 về việc khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: việc lập, thẩm định và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải chú ý tính hợp lý về sử dụng các loại đất, hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Từ nay, không xét duyệt quy hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang làm mặt bằng sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp ở những địa phương có điều kiện sử dụng các loại đất khác. Đối với những nơi cần thiết phải chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải có các giải pháp sử dụng đất tiết kiệm và bảo đảm tính khả thi trong thực hiện, khắc phục tình trạng thu hồi đất nhưng không sử dụng... Đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bãi bỏ, sửa đổi hoặc ban hành các văn bản quy định của địa phương về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai hiện hành; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về đất đai khi xem xét công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất, công nhận diện tích đất ở, xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những địa phương đang đạt mức thấp phải phấn đấu cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2006. Gắn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tiếp tục hoàn thiện hồ sơ địa chính... Tích cực giải quyết việc làm cho hộ có đất bị thu hồi. Ngoài việc bố trí tái định cư tại các vị trí thuận lợi và bên cạnh các khu công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, giải quyết việc làm, cần có các giải pháp khác nhằm bảo đảm việc làm và thu nhập, không để người có đất bị thu hồi lâm vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói...
|
Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài (SMS: 201468) - Ngày 28/02/2006, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 10/2006/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài. Theo đó, Quỹ tích luỹ duy trì mức dự trữ tối thiểu bằng ngoại tệ dựa trên biến động nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ trong từng năm. Mức dự trữ tối thiểu được tính bằng 50% tổng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm của các khoản Chính phủ vay về cho vay lại. Vụ Tài chính đối ngoại xây dựng phương án về cơ cấu ngoại tệ dự trữ của Quỹ tích luỹ nhằm tăng cường độ an toàn của Quỹ, hạn chế những rủi ro về tỷ giá và tận dụng lợi thế của từng loại ngoại tệ trong từng thời kỳ khác nhau trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định. Phần chênh lệch giữa thu và chi (vốn tạm thời nhàn rỗi) sau khi đã đạt mức dự trữ tối thiểu của Quỹ tích luỹ có thể được dùng cho các mục đích theo thứ tự ưu tiên sau: Cho NSNN vay tạm thời (thời hạn dưới 1 năm); Cho Quỹ Hỗ trợ phát triển vay có kỳ hạn (tối đa không quá 3 năm); Mua các trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi... bằng ngoại tệ của các Ngân hàng thương mại trong nước... Trong quá trình thực hiện các hoạt động của Quỹ, nếu phát sinh rủi ro gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ, Vụ Tài chính đối ngoại có trách nhiệm sử dụng mọi chế tài mà pháp luật cho phép để thu hồi nợ. Trong trường hợp không thu hồi nợ được cần báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (SMS: 201465) - Ngày 28/02/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN. Theo đó, hàng hoá do doanh nghiệp nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm cơ khí, điện, điện tử vừa đủ điều kiện để áp dụng mức thuế suất CEPT, vừa đủ điều kiện áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá thì doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai cách là thực hiện chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hoá hoặc theo thuế suất CEPT... Trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn áp dụng thuế suất CEPT quy định cho bộ kinh kiện ô tô dạng CKD thì các bộ phận, phụ tùng của bộ linh kiện ô tô dạng CKD nhập khẩu từ nhiều nguồn (nước xuất xứ) và nhiều chuyến hàng khác nhau được áp dụng mức thuế suất CEPT theo mức thuế suất quy định cho bộ linh kiện ô tô dạng CKD với điều kiện xuất trình một hoặc nhiều hoá đơn thương mại riêng biệt cho các bộ phận, phụ tùng đề nghị áp dụng mức thuế suất CEPT... Kể từ ngày 01/01/2007, doanh nghiệp chỉ được áp dụng mức thuế suất CEPT theo từng linh kiện, phụ tùng ô tô quy định tại Danh mục hàng hoá và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; không áp dụng thuế suất CEPT đối với bộ linh kiện ô tô dạng CKD... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Thanh tra lao động (SMS: 19239) - Ngày 16/02/2006, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 01/2006/QĐ-BLĐTBXH ban hành Quy chế hoạt động thanh tra nhà nước về lao động theo phương thức thanh tra viên phụ trách vùng. Quy chế quy định trách nhiệm của Thanh tra viên phụ trách vùng như sau: theo dõi tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đề xuất ké hoạch thanh tra, phương phap thanh tra thích hợp... Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động; tập hợp, phân tích, đánh giá phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động và yêu cầu các doanh nghiệp có biện pháp khắc phục những thiếu sót, tồn tại hoặc xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Đăng ký các chất dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế (SMS: 201470) - Ngày 07/02/2006, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 09/2006/QĐ-BYT về việc ban hành Danh mục hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế được phép đăng ký để sử dụng, được phép đăng ký nhưng hạn chế sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam năm 2006. Những hoá chất không thuộc Danh mục này, Bộ Y tế sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để cho phép đăng ký sử dụng... Quyết định này có hgiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Vệ sinh an toàn thực phẩm (SMS: 201469) - Ngày 09/01/2006, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 01/2006/QĐ-BYT về việc ban hành "Quy định chế độ báo cáo và mẫu báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm". Theo đó, bất kỳ vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) nào (có ít nhất 2 người mắc), các cơ quan y tế nơi xảy ra ngộ độc thực phẩm phải báo cáo khẩn (chậm nhất 24 giờ kể từ khi phát hiện) cho cơ quan Y tế cấp trên trực tiếp... Đối với vụ NĐTP hàng loạt (từ 50 người mắc trở lên) hoặc vụ NĐTP có 1 người tử vong các cơ quan y tế nơi xảy ra ngộ độc thực phẩm đều phải báo cáo khẩn cấp (báo cáo ngay bằng phương thức nhanh nhất) cho cơ quan Y tế cấp trên trực tiếp và báo cáo vượt cấp về Cục An toàn vệ sinh thực phẩm... Khi vụ NĐTP đã kết thúc, các cơ quan y tế nơi xảy ra ngộ độc thực phẩm phải báo cáo với cơ quan y tế cấp trên trực tiếp khi có ít nhất 2 người mắc và báo cáo vượt cấp về Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khi có từ 50 người mắc trở lên hoặc có ít nhất 1 người chết... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|