Số 08.2005 (212) ngày 04/03/2005

 CHÍNH PHỦ


Hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa
(SMS: 200535 - Không gửi qua fax)
- Ngày 01/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Theo Nghị định này, các phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa phải đăng ký nhưng không thuộc diện phải đăng kiểm: loại không có động cơ, trọng tải toàn phần từ 1 đến dưới 5 tấn hoặc có sức chở 5 - 12 người, và loại có động cơ, nhưng công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người...
Khi phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa, chủ phương tiện phải bố trí đủ các chức danh, định biên thuyền viên và lập danh bạ thuyền viên theo quy định...
Cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện giao thông đường thủy nội địa cần có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp, có phương án tổ chức sản xuất phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện được sản xuất; có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và có ít nhất một cán bộ kỹ thuật. Các cảng, bến thủy nội địa muốn kinh doanh xếp, dỡ hàng hóa, phục vụ hành khách phải có đăng ký kinh doanh và phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định đối với trung tâm giới thiệu việc làm
(SMS: 200534 - Không gửi qua fax)
- Theo Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ban hành ngày 28/02/2005 về điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm, Chính phủ quy định: thành lập trung tâm việc làm phải ký quỹ 300 triệu đồng ký quỹ tại Ngân hàng để giải quyết các rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động...
Trung tâm việc làm được phép thu phí tư vấn, giới thiệu, cung ứng lao động, cung cấp thông tin lao động - việc làm và thu học phí theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm hoạt động cụ thể, người có thẩm quyền quyết định thành lập Trung tâm quy định số lượng và tên gọi các phòng chuyên môn nghiệp vụ, nhưng không quá 4 phòng. Trung tâm có nghĩa vụ phải theo dõi tình trạng việc làm của người lao động trong thời gian một năm (đối với trường hợp thực hiện hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên) hoặc trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động (dưới 12 tháng)...
Trung tâm giới thiệu việc làm phải có ít nhất 5 cán bộ tốt nghiệp cao đẳng kinh tế, pháp luật, ngoại ngữ, phải có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án. Các doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không đủ điều kiện theo quy định thì phải chấm dứt hoạt động...
Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ bị thu hồi giấy phép nếu có hành vi lừa đảo, gian lận đối với người lao động, doanh nghiệp, không chấp hành báo cáo theo quy định với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương liên tục từ 1 năm trở lên. Nếu bị xử phạt hành chính do vi phạm pháp luật lao động 3 lần/năm hoặc 1 hành vi bị xử phạt 3 lần, trung tâm cũng sẽ bị thu hồi giấy phép...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xử lý công trình xây dựng không phù hợp
(SMS: 200536)
- Ngày 28/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg về việc hướng dẫn thi hành Điều 121 của Luật Xây dựng, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quyết định này hướng dẫn như sau: chủ các công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với qui hoạch xây dựng nhưng chưa phù hợp về kiến trúc nếu có nhu cầu cải tạo, nâng cấp, sửa chữa thì phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật Xây dựng và các quy định về kiến trúc, cảnh quan của khu vực...
Trường hợp toàn bộ công trình xây dựng không phù hợp với qui hoạch xây dựng và phải thực hiện ngay quy hoạch này thì chủ công trình xây dựng phải di chuyển về khu quy hoạch và được đền bù theo quy định của pháp luật. Nếu chưa phải thực hiện quy hoạch xây dựng thì được phép tồn tại theo hiện trạng đến khi quy hoạch xây dựng được thực hiện...
Nếu một phần công trình không phù hợp với qui hoạch xây dựng, trong trường hợp thực hiện ngay quy hoạch xây dựng thì chủ công trình phải phá dỡ phần không phù hợp đó và được đền bù theo pháp luật...


Bảo hiểm tương hỗ
(SMS: 17822 - Không gửi qua fax)
- Ngày 24/2/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2005/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ (BHTH), có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Đây là một loại hình bảo hiểm có tư cách pháp nhân được thành lập để kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên là các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề hoặc sinh sống trên cùng một địa bàn và có cùng loại rủi ro...
Các thành viên của tổ chức BHTH vừa là bên mua bảo hiểm vừa là chủ sở hữu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ;  đều có quyền tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức BHTH. BHTH có quyền quyết định về mức phí bảo hiểm mà thành viên của tổ chức phải đóng góp; nhận hoặc từ chối nhận bảo hiểm theo quy định tại điều lệ tổ chức bảo hiểm tương hỗ và các quy định khác của pháp luật có liên quan. BHTH cũng được phéo chủ động lựa chọn nghiệp vụ bảo hiểm, địa bàn hoạt động, quy mô và cơ cấu tổ chức phù hợp. Số lượng thành viên tối thiểu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ không thấp hơn 10 thành viên...
Vốn pháp định của tổ chức BHTH không thấp hơn 10 tỉ đồng. Riêng mức vốn pháp định của tổ chức BHTH hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp thấp hơn mức nêu trên...


Quản lý lao động
(SMS: 200539)
- Theo Công văn số 829/VPCP-VX  ra ngày 23/02/2005 về việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động và đời sống trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, Chính phủ yêu cầu: khi quy hoạch phát triển, thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất phải gắn liền với sự phát triển đô thị, quy hoạch các khu dân cư và các khu nhà ở cho người lao động phục vụ trong khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời bổ sung quy hoạch các khu dân cư gắn với các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện có và bảo đảm các điều kiện cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở cho công nhân thuê...
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật lao động và đời sống của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn; phối hợp với các tổ chức đoàn thể cùngcấp tăng cường lãnh đạo, kiểm tra việc tổ chức, thực hiện quy chế hoạt động của các tổ chức cơ sở trong các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất...
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan
(SMS: 200537 - Không gửi qua fax)
- Theo Thông tư số 14/2005/TT-BTC ban hành ngày 16/02/2005, Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 138/2004/NĐ-CP như sau: các vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan; Vi phạm quy định về mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới; Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá theo loại hình quà biếu... áp dụng hình thức phạt cảnh cáo nếu là vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ...
Chỉ áp dụng hình thức phạt bổ sung "tước quyền sử dụng giấy phép" đối với giấy phép liên quan trực tiếp đến hàng hoá,  phương tiện vận tải là tang vật vi phạm...
Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hành lý thuộc loại hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc xuất nhập khẩu có điều kiện nhưng không đủ điều kiện để xuất nhập khẩu, có khai hải quan thì không được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu, nhưng không bị xử phạt...
Đối với hành vi trốn thuế, Cục trưởng Cục Hải quan và Chi cục trưởng Hải quan tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà phạt tiền từ 1 đến 5 lần số thuế gian lận...
Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự lợi dụng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao để thực hiện hoạt động thương mại ngoài phạm vi chức năng của họ, vi phạm hành chính về hải quan thì trước khi xử phạt, cần trao đổi với cơ quan ngoại giao...
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chuẩn mực kế toán
(SMS: 200538 - Không gửi qua fax)
- Ngày 15/02/2005, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC về việc ban hành và công bố sáu (06) chuẩn mực kế toán Việt Nam (đợt 4), có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các chuẩn mực này có số hiệu và tên gọi sau đây: Chuẩn mực số 17 - Thuế thu nhập doanh nghiệp; số 22 - Trình bày bổ sung báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự; số 23 - Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm; số 27 - Báo cáo tài chính giữa niên độ; số 28 - Báo cáo bộ phận; số 29 - Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót.
Đối với chuẩn mực Thuế thu nhập doanh nghiệp, về nguyên tắc, khi ghi nhận một tài sản hay nợ phải trả trong báo cáo tài chính thì doanh nghiệp phải dự tính khoản thu hồi hay thanh toán giá trị ghi sổ của tài sản hay khoản nợ phải trả đó. Khoản thu hồi hay thanh toán dự tính thường làm cho số thuế thu nhập doanh nghiệp phải trả trong tương lai lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm hiện hành mặc dù khoản thu hồi hoặc thanh toán này không có ảnh hưởng đến tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp...

Thuế thu nhập hiện hành của kỳ hiện tại và các kỳ trước, nếu chưa nộp, phải được ghi nhận là nợ phải trả. Nếu giá trị đã nộp trong kỳ hiện tại và các kỳ trước vượt quá số phải nộp cho các kỳ đó, thì phần giá trị nộp thừa sẽ được ghi nhận là tài sản...
 

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Tạm ứng tiền lương
(SMS: 200540)
- Theo Công văn số 530/LĐTBXH-TL ra ngày 28/02/2005 về việc tạm ứng tiền lương đối với công ty nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị: trong khi chưa có quyết định chính thức về đơn giá tiền lương, căn cứ vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh các công ty tạm ứng đơn giá tiền lương tối đa không quá 80% mức đơn giá tiền lương năm 2004 để trả cho người lao động. Đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc được tạm ứng tối đa không quá 80% mức tiền lương thực tế năm 2004...

Chính sách cứu trợ xã hội
(SMS: 200541)
- Ngày 22/02/2005, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ra Công văn số 470/LĐTBXH-BTXH về việc thực hiện cứu trợ xã hội thường xuyên và đột xuất.
Căn cứ theo dự báo của khí tượng thuỷ văn tình hình thời tiết sẽ phức tạp và bất thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân, nhất là thời kỳ giáp hạt và ở vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu: cần tiến hành rà soát đánh giá thực chất số hộ, số khẩu thiếu đói phải hỗ trợ 01 tháng, 02 tháng, 03 tháng. Trên cơ sở đó xây dựng phương án cứu đói kịp thời cho dân. Mức trợ cấp cứu đói đảm bảo tối thiểu là 10 kg gạo/người/tháng...

Ở những vùng xa, vùng sâu, vùng thường xuyên bị thiên tai, UBND tỉnh cần bố trí một khoản kinh phí hình thành Quỹ cứu trợ xã hội dự phòng, giao cho Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng mục đích, kịp thời cứu trợ cho nhân dân khi thiên tai xảy ra trong khi nguồn cứu trợ chưa chuyển về kịp...