Số 08.2004 (161) ngày 27/02/2004

 CHÍNH PHỦ


Cải cách bộ máy
- Ngày 19/02/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2004/NĐ-CP, về việc chuyển Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vào Bộ Tài chính.
Theo đó, chuyển Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vào Bộ Tài chính và giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện công tác quản lý đối với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Phát triển vùng kinh tế trọng điểm - Ngày 18/02/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2004/QĐ-TTg, về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ).
Theo đó, cơ cấu, bộ máy của Tổ chức gồm: Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng KTTĐ và các Tổ điều phối của các Bộ, ngành và địa phương trong vùng KTTĐ.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ: chỉ đạo phối hợp thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, vùng, trước mắt rà soát các quy hoạch cho phù hợp thực tế và yêu cầu phát triển. Chỉ đạo thực hiện các vấn đề có ý nghĩa vùng như đầu tư xây dựng hạ tầng, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, đối ngoại, liên kết vùng...

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Chính sách bảo vệ trẻ em - Ngày 12/02/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010.
Chương trình này tập trung vào các mục tiêu sau: Ngăn chặn và trợ giúp trẻ em lang thang kiếm sống để đến năm 2010 giảm được 90% số trẻ em này, trong đó có 70% số trẻ em được trợ giúp tạo dựng cuộc sống hòa nhập với gia đình, giảm dần và tiến tới giảm cơ bản vào năm 2010 số trẻ em bị xâm phạm tình dục...; Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm để đến năm 2010 giảm được 90% số trẻ em này...

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 6/3/2004.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Quy chế về
Thẻ thẩm định viên về giá
- Ngày 24/02/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 21/2004/QĐ-BTC, về việc ban hành Quy chế cấp, sử dụng và quản lý Thẻ thẩm định viên về giá, có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Quy chế này quy định điều kiện cấp thẻ như sau: có lý lịch rõ ràng, có phẩm chất đạo đức, trung thực, liêm khiết, không có tiền án tiền sự, không trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên; có chứng chỉ đã qua đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành về thẩm định giá do các trường Đại học, Cao đẳng hoặc các tổ chức có chức năng hợp pháp đào tạo chuyên ngành thẩm định giá cấp; có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ C và chứng chỉ tin học trình độ B trở lên được cấp trong thời gian 02 năm tính đến trước ngày đăng ký dự thi thẩm định viên về giá...

Thẻ thẩm định viên về giá có giá trị sử dụng trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày được cấp thẻ.

Giá bán lẻ xăng dầu - Theo Quyết định số 20/2004/QĐ-BTC ban hành ngày 21/02/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, về giá bán định hướng xăng dầu năm 2004, kể từ ngày 22/2/2004, giá bán lẻ định hướng xăng không chì RON 92 là: 6.000 đồng/lít, RON 90: 5.800 đồng/lít, RON 83: 5.600 đồng/lít; dầu hỏa: 4.600 đồng/lít...  

Xét duyệt, thẩm định quyết toán năm - Ngày 19/02/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 10/2004/TT-BTC, hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và ngân sách các cấp.
Theo hướng dẫn của Thông tư này, báo cáo quyết toán năm của các đơn vị sử dụng ngân sách phải có xác nhận của kho bạc nhà nước cùng cấp về tổng số, chi tiết và phải gửi kèm: Bảng cân đối tài khoản đến cuối ngày 31/12, bảng cân đối tài khoản sau khi kết thúc thời gian chỉnh lý quyết toán; Báo cáo thuyết minh chi tiết số kinh phí chưa quyết toán chuyển năm sau...
Đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí ủy quyền của ngân sách cấp trên phải lập báo cáo quyết toán năm theo quy định gửi cơ quan tài chính nhận ủy quyền và cơ quan quản lý chuyên ngành đồng cấp...
Thông tư  này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán - Ngày 16/02/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 18/2004/QĐ-BTC, về việc sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán Bảo hiểm xã hội, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, bổ sung thêm các chứng từ sau: Bảng quyết toán kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu, Danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được chăm sóc sức khỏe ban đầu, Giấy thanh toán hoa hồng thu BHYT tự nguyện.
Bỏ các mẫu chứng từ: Bảng kê quỹ BHYT để lại cho y tế cơ sở (Nhà trường), Hợp đồng mua BHYT...
Bổ sung thêm các mẫu sổ: Sổ chi tiết thu BHYT tự nguyện, Sổ chi tiết chi quỹ khám chữa bệnh người nghèo...

Sửa đổi nội dung, kết cấu các báo cáo tài chính: Tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí quản lý bộ máy, Tổng hợp tình hình tiếp nhận kinh phí và chi bảo hiểm xã hội, Tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí chi bảo hiểm xã hội các đơn vị cấp I, II...
 

 BỘ NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN


Quy định về chế biến và tiêu thụ gia cầm
- Ngày 19/02/2004, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 365/QĐ-BNN-TY, về việc ban hành Quy định tạm thời về giết mổ gia cầm, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia cầm tại vùng không có dịch cúm gia cầm. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. 
Theo đó, việc giết mổ gia cầm phải thực hiện tại các cơ sở chăn nuôi; chỉ giết mổ gia cầm sống, đủ tiêu chuẩn xuất chuồng, không nhiễm bệnh...
Thịt gia cầm sau khi giết mổ phải rửa bằng nước sạch và đóng vào túi PE, buộc kín; thịt gia cầm có thể chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng như: luộc, rán, quay, ruốc, bột thịt, đồ hộp... và phải bảo đảm chín hoàn toàn...
Người tham gia giết mổ và chế biến sản phẩm gia cầm khi làm việc phải có trang bị phòng hộ, bảo hộ lao động, sau khi làm việc phải vệ sinh thay quần áo...

Địa điểm giết mổ phải được bố trí ở nơi sạch sẽ, xa chuồng trại chăn nuôi; nước sử dụng giết mổ, chế biến phải là nước sạch dùng cho người; các chất phế thải rắn (lông, phủ tạng, phân,...) phải thu gom, chôn lấp, trước khi chôn lấp phải được rắc vôi bột...
 

 BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH XÃ HỘI


Xếp hạng cơ sở chữa bệnh
- Ngày 17/02/2004, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 02/2004/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn xếp hạng các cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Theo hướng dẫn, tiêu chuẩn xếp hạng căn cứ theo 4 nhóm chỉ tiêu: Mức độ phức tạp quản lý (20 điểm); Quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị (25 điểm); Kết quả và hiệu quả hoạt động (40 điểm); Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (15 điểm).
Việc xếp hạng được đánh giá như sau: Hạng I (90 đến 100 điểm), hạng II (70 đến 90 điểm), hạng III (40 đến 70 điểm), sau 3 năm sẽ xem xét lại hạng. Cơ sở thuộc hạng nào thì cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo được bổ nhiệm hưởng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương ứng hạng đó...
Cơ sở đạt dưới 40 điểm không xếp hạng và phải có đề án sắp xếp lại cho phù hợp.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 6/3/2004.