Số 07.2008 (363) ngày 22/02/2008

 QUỐC HỘI


Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam
(SMS: 502978)
- Theo Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam (LLCSBVN) số 03/2008/PL-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 05/02/2008, quy định: trong nội thủy, lãnh hải và vùng nước cảng biển LLCSBVN có nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép và mua bán người, vận chuyển, mua bán trái phép hàng hoá, vũ khí, chất nổ, chất ma tuý, tiền chất và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thực hiện tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, vận chuyển trái phép và buôn bán người, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma tuý, tiền chất…
Khi phát hiện người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm, LLCSBVN có quyền kiểm tra, kiểm soát; nếu có hành vi vi phạm thì được xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, buộc người và phương tiện đó phải chấm dứt hành vi vi phạm, rời khỏi vùng nước đang hoạt động hoặc rời khỏi vùng biển Việt Nam; bắt, giữ người và phương tiện phạm pháp quả tang, lập biên bản xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng thì LLCSBVN được quyền huy động người, phương tiện của cá nhân, tổ chức Việt Nam, nhưng phải hoàn trả ngay khi tình thế cấp thiết chấm dứt; trường hợp có thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường…
Pháp lệnh có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2008.


Công nghiệp quốc phòng
(SMS: 502979)
- Theo Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng số 02/2008/PL-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 05/02/2008, quy định: việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng phải tuân thủ nguyên tắc: Tuân thủ mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu chiến lược trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân; Phù hợp với khả năng phát triển kinh tế của đất nước, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước hiện đại, bảo đảm bí mật, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường…
Nghiêm cấm các hành  vi: Phá hoại, mua, bán, tặng, cho, cho thuê, cầm cố, thế chấp, khai thác, sử dụng trái phép trang thiết bị và tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp quốc phòng; Mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và sản phẩm chuyên dụng do công nghiệp quốc phòng sản xuất; Chiếm đoạt, sử dụng và chuyển giao trái phép những thông tin, tài liệu, sáng chế, quy trình và bí quyết công nghệ thuộc bí mật nhà nước về công nghiệp quốc phòng; Cản trở, trốn tránh trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng…
Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với việc nhập khẩu các loại vật tư kỹ thuật phục vụ công nghiệp quốc phòng mà trong nước chưa sản xuất được, thực hiện dự trữ vật tư kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó cũng bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an ninh…

Pháp lệnh có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2008.
 

 CHÍNH PHỦ


Hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thời tiết
(SMS: 503000)
- Ngày 19/02/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2007 - 2008 và chăn nuôi trâu, bò bị thiệt hại do ảnh hưởng rét đậm, rét hại năm 2008.
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 50% giá giống lúa theo cơ cấu giống và thời vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2007 - 2008 ở từng địa phương; Hỗ trợ bình quân 1 triệu đồng/con trâu, bò, bê, nghé bị chết do rét.
Bên cạnh đó, đối với các hộ nông dân vay vốn sẽ được khoanh nợ vay trong thời gian 12 tháng đối với số dư nợ đến ngày 29/02/2008 của các khoản vay mà các hộ nông dân vùng bị thiệt hại do rét đậm, rét hại đã vay vốn các ngân hàng thương mại nhà nước để chăn nuôi trâu, bò. Ngoài ra, nếu có nhu cầu vay vốn để khôi phục chăn nuôi thì được tiếp tục vay vốn theo qui định của pháp luật…
Nguồn kinh phí hỗ trợ: từ nguồn dự phòng Trung ương hỗ trợ 30%, địa phương hỗ trợ 70%.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 19/02/2008.


Xử lý kiến nghị của công dân
(SMS: 502977)
- Ngày 14/02/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2008/NĐ-CP về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân.
Theo đó, nội dung phản ánh kiến nghị là những vướng mắc cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ công chức; sự không phù hợp của quy định hành chính với thực tế; sự không đồng bộ, không thống nhất của các quy định hành chính... hoặc các sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân.
Các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được thực hiện thông qua một trong ba hình thức: văn bản, điện thoại, phiếu lấy ý kiến.
Cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị bố trí cán bộ, công chức hoặc bộ phận thực hiện, đồng thời lắp đặt số điện thoại chuyên dùng, kết nối mạng máy tính điện tử và thiết lập địa chỉ website, email tiếp nhận phản ánh, kiến nghị.
Các phản ánh, kiến nghị phải được các cơ quan chức năng liên quan giải quyết dứt điểm, công khai, minh bạch, hợp lý. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm tổ chức công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị qua các hình thức: Đăng tải trên Cổng thông tin hoặc Trang tin điện tử của cơ quan; Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Gửi công văn thông báo cho cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị…
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chế độ phụ cấp trong hoạt động phòng, chống tiêu cực
(SMS: 502976)
- Ngày 14/02/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2008/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm trong hoạt động phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, các đối tượng thuộc biên chế của Văn phòng Ban Chỉ đạo ở Trung ương về phòng, chống tham nhũng hoặc bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh được áp dụng phụ cấp trách nhiệm trong hoạt động phòng, chống tham nhũng theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Cụ thể, mức 20% áp dụng đối với cán bộ xếp lương chức vụ Bộ trưởng và tương đương trở lên; chuyên gia cao cấp; cán bộ, công chức, viên chức xếp ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương. Mức 25%: cán bộ, công chức, viên chức xếp ngạch chuyên viên chính và tương đương. Mức 30%: cán bộ, công chức, viên chức xếp ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống.
Thành viên Ban Chỉ đạo cấp Trung ương, cấp tỉnh không thuộc biên chế của Văn phòng Ban Chỉ đạo ở Trung ương, của bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh được áp dụng phụ cấp trách nhiệm trong hoạt động phòng, chống tham nhũng theo hệ số so với mức lương tối thiểu chung. Cụ thể, thành viên Ban chỉ đạo ở Trung ương được áp dụng mức phụ cấp 1,0 và thành viên Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh mức 0,8.
Các trường hợp được biệt phái, trưng tập có thời hạn theo quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo ở Trung ương hoặc cấp tỉnh được hưởng chế độ thù lao do Trưởng Ban Chỉ đạo quy định theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2008
(SMS: 502951)
- Theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ra ngày 04/02/2008, Chính phủ đã họp bàn, chỉ đạo một số vấn đề sau:
Cần đấy mạnh vận động, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của nhân dân, đồng thời tăng cường tuần tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, không phân biệt người vi phạm đi bộ hay điều khiển phương tiện giao thông. Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy; xử phạt hành vi đội mũ không cài quai như hành vi không đội mũ bảo hiểm (quy định xử phạt: người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường theo quy định có thể bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng)…
Riêng xe tự chế dùng làm phương tiện đi lại của thương binh, người tàn tật (không chở thêm người và hàng hóa) được phép lưu hành đến ngày 31/12/2008...
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính để thu hút các nguồn vốn đầu tư, nhưng phải soát xét kỹ, chỉ cấp phép cho các dự án đầu tư đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nâng cao chất lượng công tác thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng; có khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm theo pháp luật những cơ quan báo chí và cá nhân đưa tin không đúng sự thật.

Điều hành, kiểm soát chặt chẽ để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng phân tích và dự báo tình hình giá cả và thị trường, cân đối ngoại thương, năng lượng, thị trường chứng khoán...
 

 LIÊN TỊCH: BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Thủ tục trích tiền nộp bảo hiểm xã hội
(SMS: 502998)
- Ngày 18/02/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động (NSDLĐ) để nộp số tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh.
Theo đó, hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt mà NSDLĐ không tự nguyện truy nộp hoặc đã truy nộp nhưng chưa đủ số tiền BHXH phải đóng thì Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đề xuất với cơ quan thẩm quyền liên quan áp dụng biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản truy nộp vào quỹ BHXH.
Tối đa không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất bằng văn bản nói trên, người có thẩm quyền có trách nhiệm xác minh và ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ BHXH, có quyền yêu cầu ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản cung cấp các thông tin về tài khoản, số dư trên tài khoản, đồng thời có trách nhiệm bảo mật những thông tin về tài khoản.
Sau 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định buộc trích tiền, nếu chủ tài khoản không tự nguyện đến trích tiền chuyển trả quỹ BHXH thì ngân hàng có trách nhiệm chuyển tiền từ tài khoản của NSDLĐ vào tài khoản quỹ BHXH theo yêu cầu, trước khi thực hiện các lệnh chuyển tiền khác của chủ tài khoản.
Trong trường hợp tài khoản của NSDLĐ không còn số dư hoặc còn số dư nhưng không đủ để thi hành quyết định thì ngân hàng sau khi chuyển số tiền hiện có vào tài khoản của quỹ BHXH phải thông báo bằng văn bản cho người ra quyết định biết để xem xét áp dụng các biện pháp khác đảm bảo truy thu đủ số tiền nợ này.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN BỘ: TÀI CHÍNH - Y TẾ


Khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi
(SMS: 503004)
- Ngày 05/02/2008, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 15/2008/TTLT-BTC-BYT hướng dẫn thực hiện khám, chữa bệnh; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.
Theo đó, trẻ em dưới 6 tuổi khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập phải xuất trình thẻ khám bệnh, chữa bệnh; trường hợp chưa được cấp thẻ thì phải xuất trình giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh. Trong trường hợp cấp cứu, trẻ em được khám và điều trị không phải trả tiền tại bất kỳ cơ sở y tế công lập. Gia đình trẻ em có trách nhiệm xuất trình thẻ khám bệnh, chữa bệnh của trẻ em trước khi trẻ em xuất viện...
Các cơ sở y tế công lập phải tổ chức công tác đón tiếp; hướng dẫn khám, chữa bệnh một cách thuận lợi, tạo điều kiện và bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho trẻ em đi khám, chữa bệnh. Trường hợp cấp cứu, các cơ sở y tế công lập có trách nhiệm tiếp nhận và cứu chữa kịp thời (miễn phí) cho trẻ em.
Trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, cơ sở y tế tuyến dưới phải kịp thời làm các thủ tục chuyển viện theo quy định để chuyển trẻ em lên tuyến trên điều trị, không được trì hoãn.
Khi vận chuyển người bệnh là trẻ em trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến điều trị từ bệnh viện cấp huyện trở lên, trường hợp người nhà của trẻ em không sử dụng phương tiện của cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế công lập nơi giới thiệu trẻ em chuyển tuyến thanh toán cho người nhà của trẻ em với định mức 30.000 đồng/100 km (cho một lượt đi).
Trẻ em dưới sáu tuổi đang được điều trị tại các cơ sở y tế công lập thuộc các đối tượng cơ nhỡ, trẻ em thuộc hộ nghèo được hưởng mức chi hỗ trợ dinh dưỡng tối đa 30.000 đồng/ngày/trẻ em, thời gian hỗ trợ không quá 30 ngày. Cơ sở y tế công lập có thể hỗ trợ bằng hiện vật hoặc hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho người nhà của trẻ em, tuỳ theo điều kiện thực tế của cơ sở y tế công lập và hoàn cảnh cụ thể của từng trẻ em...

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 LIÊN TỊCH: BỘ CÔNG THƯƠNG - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ Y TẾ - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quản lý hoạt động thương mại biên giới
(SMS: 502997)
- Ngày 31/01/2008, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN&PTNT-BYT-NHNN hướng dẫn thực hiện Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.
Theo đó, hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới, hàng hóa đưa vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu không phải kiểm tra nhà nước về chất lượng. Tuy nhiên, tất cả hàng hóa buôn bán, vận chuẩn qua biên giới đều phải khai báo với Cơ quan kiểm dịch y tế biên giới.
Chỉ thực hiện kiểm tra những trường hợp mà qua giám sát thấy có khả năng vượt định lượng miễn thuế, có hàng lậu. Cơ sở tính giá trị hàng hóa căn cứ vào giá cả thị trường vùng biên giới tại thời điểm đó.
Phương tiện vận tải hàng hóa của nước ngoài có chung biên giới được phép đi qua các cửa khẩu.
Việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị không quá 2 triệu đồng/1 người/1 ngày được áp dụng với các đối tượng đáp ứng các tiêu chí: Là cư dân biên giới Việt Nam hoặc cư dân biên giới của ba nước có chung biên giới (Trung Quốc, Lào, Campuchia) qua lại biên giới xuất trình chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của hai nước cấp và hàng hóa được sản xuất tại nước có chung biên giới.
Hàng hóa sản xuất tại nước thứ ba không được hưởng định mức miễn thuế này.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.