Số 07.2007 (312) ngày 23/02/2007

 CHÍNH PHỦ


Quy định của Luật Thương mại đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
(SMS: 20774)
- Ngày 12/02/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Thương mại, UBND cấp tỉnh quyết định việc cấp Giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp. Điều kiện để được cấp Giấy phép là hình thức đầu tư phải phù hợp với lộ trình đã cam kết trong các điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên và phù hợp với pháp luật Việt Nam; phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam...
Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam và có đầu tư vào hoạt động mua bán hàng hóa, các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì nộp hồ sơ để làm thủ tục đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư. Cơ quan nhà nước quản lý đầu tư sẽ lấy ý kiến của Bộ Thương mại và chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa nếu được Bộ Thương mại chấp thuận bằng văn bản. Trong trường hợp này, Giấy chứng nhận đầu tư có giá trị đồng thời là Giấy phép kinh doanh...
Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có quyền phân phối được lập cơ sở bán lẻ thứ nhất mà không phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Việc lập thêm cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất do UBND cấp tỉnh quyết định...
Thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép được thực hiện trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh nếu đề nghị sửa đổi, bổ sung đó phù hợp với pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp không chấp thuận sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho doanh nghiệp...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy hoạch thành phố Cần Thơ
(SMS: 20779)
- Ngày 08/02/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Cần Thơ thời kỳ 2006 - 2020.
Theo đó, xây dựng Cần Thơ trở thành Thành phố công nghiệp, hiện đại, là đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành Thành phố công nghiệp trước năm 2020. Trọng tâm phát triển của thành phố Cần Thơ là công nghiệp chế biến, từng bước đầu tư chiều sâu, đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như: chế biến lương thực-thực phẩm, năng lượng, cơ khí và chế tạo máy, hoá chất và các sản phẩm hoá sinh, sinh học, điện và điện tử, tin học và vật liệu mới...
Duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với mức bình quân chung cả nước, tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 2006 - 2010 là 16%/năm, thời kỳ 2011 - 2015 là 17,1%/năm và thời kỳ 2016 - 2020 là 18%/năm, GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 1.210 USD vào năm 2010, đạt 2.318 USD vào năm 2015 và đạt 4.611 USD vào năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân thời kỳ 2006 - 2020 khoảng 17,1% GDP. Kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 2006 - 2020 tăng bình quân 20,8%/năm...
Về thương mại-dịch vụ, thành phố phấn đấu để Cần Thơ là "Điểm đến du lịch lý tưởng-an toàn-thân thiện", nơi hội tụ của "văn minh sông nước Mê Kông", đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và có tác động thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ khác, phát triển nhanh dịch vụ vận tải, chú trọng phát triển dịch vụ viễn thông, dịch vụ khoa học-công nghệ, tư vấn, tài chính, ngân hàng,...
Trong giai đoạn 2006 - 2010, thành phố nghiên cứu điều chỉnh địa giới hành chính và chia tách các quận, huyện, phường xã, thành lập 03 quận (Hưng Phú, Thốt Nốt, Phong Điền) và 01 huyện mới. Tổ chức đơn vị hành chính cấp quận, huyện gồm 07 quận, 03 huyện với 104 đơn vị hành chính cấp xã, phường. Giai đoạn 2010, ổn định quy mô 07 quận, 03 huyện, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh địa giới hành chính và chia tách một số phương, xã theo quy mô của từng quận, huyện...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010
(SMS: 202408)
- Theo Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/02/2007, mục tiêu cụ thể của Chương trình là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22% năm 2005 xuống còn 10 - 11% năm 2010, thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 1,45 lần so với năm 2005 và 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn...
Chương trình sẽ áp dụng với những đối tượng là người nghèo, hộ nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo; ưu tiên đối tượng hộ nghèo mà chủ hộ là phụ nữ, hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội (người già, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt). Đến năm 2010, đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo cơ bản xây dựng đủ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định; 6 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi; thực hiện khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho 4,2 triệu lượt người nghèo; miễn, giảm học phí học nghề cho 150 nghìn người nghèo; 100% người nghèo được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi ốm đau đi khám, chữa bệnh được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định; miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường cho 19 triệu lượt học sinh nghèo, trong đó có 9 triệu học sinh tiểu học; tập huấn nâng cao năng lực cho 170 nghìn cán bộ tham gia công tác giảm nghèo ở các cấp, trong đó 95% là cán bộ cấp cơ sở; hỗ trợ để xóa nhà tạm cho 500 nghìn hộ nghèo; phấn đấu 98% người nghèo có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí...
Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 sẽ tạo điều kiện để người dân tham gia quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm tính dân chủ, công khai và minh bạch. Nhà nước hỗ trợ trực tiếp người nghèo các chi phí về giáo dục, dạy nghề (miễn, giảm học phí cấp trực tiếp cho người học hoặc cơ sở đào tạo), chi phí y tế (cấp thể bảo hiểm y tế)...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội
(SMS: 20781)
- Ngày 07/02/2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 01/2007/TT-BKH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, tất cả các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội được lập cho thời kỳ đến năm 2020 cùng hướng tới mục tiêu xây dựng Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuỳ theo tính chất của đối tượng quy hoạch (ví dụ, quy hoạch phát triển hệ thống sân bay, hệ thống cảng nước sâu, hệ thống đường cao tốc, mạng lưới điện 220 KV và 500 KV... hoặc quy hoạch phát triển các ngành chủ lực như dầu khí, than, điện...) quy hoạch có thể có tầm nhìn xa hơn: khoảng 10, 15, 20. năm sau năm 2020...
Việc điều chỉnh quy hoạch là điều chỉnh những mục tiêu, nhiệm vụ hoặc những nội dung đã được phê duyệt trong quy hoạch nhưng trong quá trình thực hiện quy hoạch phát hiện thấy không còn phù hợp với điều kiện thực tế đồng thời bổ sung quy hoạch cho 5 năm tiếp theo.
Tất cả các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cả nước, vùng, tỉnh, huyện, các dự án quy hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực phải xin ý kiến tham vấn của các cơ quan có trách nhiệm quản lý ngành và lãnh thổ liên quan ngay từ khi bắt đầu lập dự án đến khi trình phê duyệt dự án quy hoạch.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


An ninh hàng không
(SMS: 202407)
- Ngày 05/02/2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 06/2007/QĐ-BGTVT ban hành Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam. Chương trình này nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ an toàn cho máy bay.
Theo đó, cảng vụ sân bay có quyền đình chỉ chuyến bay, yêu cầu máy bay hạ cánh trong trường hợp chuyến bay vi phạm các quy định về an ninh hàng không, phát hiện chuyến bay có dấu hiệu bị uy hiếp...
Cảng vụ cũng có quyền đình chỉ hoạt động của thành viên tổ bay, tạm giữ máy bay trong trường hợp vi phạm về an ninh hàng không. Người khai thác cảng hàng không, sân bay có quyền xác định ranh giới các khu vực hạn chế tại cảng hàng không, bố trí mặt bằng lắp đặt và khai thác sử dụng các trang thiết bị kiểm tra, giám sát an ninh hàng không...
Đồng thời, phối hợp với hải quan cửa khẩu phát hiện các đồ vật hoặc các chất nguy hiểm đưa lên máy bay, thực hiện việc tuần tra canh gác, bảo vệ kiểm soát an ninh tại khu vực sân bay...
Điểm mới của chương trình này là, hành khách bị hạn chế việc mang chất lỏng lên máy bay theo diện hành lý xách tay...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Giới hạn tốc độ xe cơ giới
(SMS: 202406)
- Ngày 02/02/2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 05/2007/QĐ-BGTVT ban hành Quy định về tốc độ tối đa và khoảng cách của xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ.
Theo đó, kể từ ngày 15/3/2007, xe máy, ôtô dưới 30 chỗ chạy trong đô thị đạt tốc độ tối đa là 40 km/h, tăng 5 km/h so với trước đây... Tốc độ tối đa của các phương tiện được phân biệt trên 2 nhóm địa hình trong và ngoài khu đông dân cư. Tại khu đông dân, xe dưới 30 chỗ, xe trọng tải dưới 3,5 tấn được chạy tối đa 50 km/h; ôtô trên 30 chỗ, xe trọng tải trên 3,5 tấn, xe kéo rơ moóc, xe môtô, xe gắn máy được chạy tối đa 40 km/h...
Ngoài khu vực đông dân cư, xe cơ giới dưới 30 chỗ, trọng tải dưới 3,5 tấn chạy 80 km/h. Ôtô trên 30 chỗ, trọng tải trên 3,5 tấn được chạy 70 km/h. Tốc độ chạy mỗi giờ của xe buýt, ôtô chuyên dùng, môtô là 60 km; xe kéo rơ moóc, xe gắn máy là 50 km...

Khi lưu hành với vận tốc đến 60 km thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 30 m, xe chạy 60 - 80 km/h thì khoảng cách là 50 m, trên 80 km/h, các xe phải giãn cách 70 - 90 m...
 

 BỘ THUỶ SẢN


Xuất nhập khẩu thuỷ sản
(SMS: 202412)
- Theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BTS ban hành ngày 13/02/2007 về việc kiểm tra hàng thủy sản xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Canađa, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quyết định: việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Canađa được thực hiện theo yêu cầu của cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản hoặc theo thoả thuận song phương giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN


Quy định sản xuất rau an toàn
(SMS: 202413)
- Ngày 19/01/2007, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 04/2007/QĐ-BNN về việc ban hành "Quy định về quản lý sản xuất và chứng nhận rau an toàn" (RAT).
Theo đó,
tổ chức sản xuất RAT phải có cán bộ kỹ thuật chuyên ngành hoặc hợp đồng thuê cán bộ chuyên ngành về trồng trọt hoặc BVTV từ trung cấp trở lên để hướng dẫn kỹ thuật RAT; người sản xuất RAT phải qua lớp huấn luyện kỹ thuật sản xuất RAT...
Đất quy hoạch để trồng RAT phải đảm bảo đảm các điều kiện sau đây: Có đặc điểm lý, hóa, sinh học phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển cây rau; không bị ảnh hưởng trực tiếp các chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt từ các khu dân cư, bệnh viện, các lò giết mổ gia súc tập trung và từ các nghĩa trang, đường giao thông lớn...
Không sử dụng các loại phân bón có nguy cơ ô nhiễm cao như: phân chuồng tươi, nước giải, phân chế biền từ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp để bón trực tiếp cho rau. Khu vực trồng RAT cần được thường xuyên vệ sinh đồng ruộng để được hạn chế nguồn sâu bệnh hại và ô nhiễm khác...; Đối với rau trồng theo công nghệ cao cũng phải thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc và đảm bảo thời gian cách ly hợp lý giữa các trà, vụ gieo trồng...
Các sản phẩm RAT trước khi lưu thông trên thị trường phải đảm bảo các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận RAT do tổng RAT chứng nhận RAT cấp; Có bao gói thích hợp để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, trường hợp không thể bao gói kín phải dùng dây buộc hoặc phải dùng dụng cụ chuyên dùng để thuận lợi cho khâu vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ...
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 16/02/2007.


Công bố chất lượng sản phẩm nông nghiệp
(SMS: 202414)
- Ngày 19/01/2007, Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ-BNN ban hành Quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hoá đặc thù chuyên ngành nông nghiệp.
Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp được cấp phép bao gồm: giống cây trồng nông-lâm nghiệp; giống vật nuôi; thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thú y; thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phân bón và nguyên liệu sản xuất phân bón; các chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi; vật tư nông lâm nghiệp và diêm nghiệp, chất bảo quản nông sản, lâm sản...
Đối với sản phẩm, hàng hoá được sản xuất, chế biến thủ công, nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm thuộc quy trình sản xuất sản phẩm, hàng hoá nhưng để sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp không bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn chất lượng, nhưng được khuyến khích công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hoá...
Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hoá được công bố có thể là tiêu chuẩn cơ sở do doanh nghiệp tự xây dựng hoặc tiêu chuẩn khác được doanh nghiệp chấp nhận để áp dụng như tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài...

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 18/02/2007.