CHÍNH PHỦ |
Kinh doanh dịch vụ giám định thương mại (SMS: 201458) - Ngày 20/02/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại. Theo đó, dịch vụ giám định thương mại được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo yêu cầu của một trong các bên tham gia hợp đồng có liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cần giám định; theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, theo nguyên tắc độc lập, khách quan, khoa học và chính xác. Không được thực hiện dịch vụ giám định thương mại trong trường hợp dịch vụ giám định thương mại đó có liên quan đến quyền lợi của chính doanh nghiệp giám định và của giám định viên. Chỉ những người có quyết định được công nhận là giám định viên của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại mới được thực hiện hoạt động giám định theo sự phân công của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại. Khi thực hiện hoạt động giám định, giám định viên phải độc lập thực hiện việc giám định được giao và phải từ chối thực hiện việc giám định khi việc giám định đó có liên quan đến quyền lợi của mình, Có quyền từ chối sự can thiệp của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào vào hoạt động giám định dẫn đến sai lệch tính chính xác, trung thực của dịch vụ giám định mà mình đang thực hiện... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Xuất xứ hàng hoá (SMS: 201457) - Ngày 20/02/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hoá. Theo đó, hàng hoá chưa được lắp ráp hoặc đang ở tình trạng bị tháo rời được nhập khẩu thành nhiều chuyến hàng do điều kiện vận tải hoặc sản xuất không thể nhập khẩu trong một chuyến hàng, nếu người nhập khẩu có yêu cầu, xuất xứ của hàng hóa trong từng chuyến hàng được coi là có cùng xuất xứ với hàng hoá đó... Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu phải nộp cho tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về nội dung bộ hồ sơ đó... Trong trường hợp không có Giấy chứng nhận xuất xứ thì người nhập khẩu phải có cam kết hàng hóa có xuất xứ từ những nước đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về nội dung cam kết đó... Trong trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của chứng từ hoặc mức độ chính xác của thông tin liên quan đến xuất xứ của hàng hoá, cơ quan Hải quan có thể gửi yêu cầu kiểm tra cùng với Giấy chứng nhận xuất xứ có liên quan tới tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ. Yêu cầu kiểm tra phải nêu rõ lý do và các thông tin nghi ngờ về tính xác thực của Giấy chứng nhận xuất xứ và xuất xứ của hàng hoá đang xem xét. Trong khi chờ kết quả kiểm tra, hàng hóa không được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng vẫn được phép thông quan theo các thủ tục hải quan thông thường... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
BỘ TÀI CHÍNH |
Biểu phí các dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán (SMS: 201452) - Ngày 21/02/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 11/2006/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 110/2002/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Theo đó, mức thu phí đối với giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư là 0,05% trị giá giao dịch (quy định trước đây là 0,1%); Trái phiếu: 0,075% trị giá giao dịch... Phí quản lý niêm yết hàng năm: dưới 10 tỷ đồng mức thu là 5 triệu đồng; từ 10 đến dưới 50 tỷ đồng: 10 triệu đồng; từ 50 đến dưới 100 tỷ đồng: 15 triệu đồng; từ 100 tỷ trở lên: 20 triệu đồng... Phí lưu ký chứng khoán: 2 đồng/lô chứng khoán/tháng; Chuyển khoản chứng khoán: 5 đồng/lô chứng khoán (tối đa không quá 500.000đ/1lần chuyển khoản)... Cơ quan thu phí được sử dụng 100% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc cung cấp dịch vụ và thu phí... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Mã số đối tượng nộp thuế (SMS: 201451) - Ngày 14/02/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 10/2006/TT-BTC hướng dẫn thi hành Quyết định số 75/1998/QĐ-TTg quy định về mã số đối tượng nộp thuế. Bộ Tài chính hướng dẫn: bên Việt Nam ký hợp đồng nộp hộ thuế được cấp một mã số thuế 10 số để sử dụng cho việc kê khai, nộp hộ thuế cho các nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài. Bên Việt Nam ký hợp đồng nếu là doanh nghiệp đã được cấp mã số thuế thì không được sử dụng mã số thuế của doanh nghiệp để kê khai, nộp thuế hộ cho các nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài... Các nhà thầu phụ, nhà thầu phụ nước ngoài trong bảng kê sẽ được cấp mã số thuế 13 số theo mã số thuế nộp hộ của Bên Việt Nam ký hợp đồng. Mã số thuế này được sử dụng để phân biệt số thuế phải nộp, đã nộp của từng nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài khi Bên Việt Nam ký hợp đồng kê khai và nộp hộ thuế với cơ quan Thuế. Bên Việt Nam nộp hộ thuế phải làm thủ tục đóng mã số 13 số của các nhà thầu nước ngoài khi chấm dứt hợp đồng với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài... Cá nhân nộp thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thường xuyên thông qua cơ quan chi trả thu nhập thì nộp tờ khai đăng ký thuế tại cơ quan chi trả thu nhập. Cơ quan chi trả thu nhập tổng hợp tờ khai đăng ký thuế của từng cá nhân để nộp cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý thu thuế. Cơ quan thuế sẽ cấp Thẻ mã số thuế cá nhân để chuyển cho cơ quan chi trả cấp phát tới từng cá nhân. Cơ quan chi trả thu nhập được cấp một mã số thuế để dùng chung cho việc kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân và kê khai nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh (nếu có)... Doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục đăng ký thuế trong thời gian làm thủ tục khắc dấu. Nhưng khi đến nhận Giấy chứng nhận đăng ký thuế, doanh nghiệp phải nộp bổ sung mẫu dấu của doanh nghiệp kèm theo chữ ký của người ký trong các hồ sơ đăng ký thuế đã nộp cho cơ quan Thuế... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ |
Chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã (SMS: 19243) - Ngày 13/02/2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 02/2006/TT-BKH hướng dẫn thực hiện một số điều tại Nghị định số 88/2005/NĐ-CP về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã. Theo đó, nội dung hỗ trợ, khuyến khích thành lập hợp tác xã bao gồm: thông tin, tư vấn kiến thức về hợp tác xã; Dịch vụ tư vấn xây dựng điều lệ hợp tác xã, hoàn thiện các thủ tục để thành lập, đăng ký kinh doanh và tổ chức hoạt động hợp tác xã... Phương thức hỗ trợ như sau: căn cứ vào số lượng hợp tác xã chuẩn bị thành lập, nhu cầu cụ thể của các sáng lập viên về nội dung yêu cầu hỗ trợ, cơ quan thực hiện hỗ trợ tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ theo một trong các phương thức tổ chức thích hợp trên cơ sở bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Tư vấn trực tiếp đối với từng đối tượng hợp tác xã chuẩn bị thành lập, sáng lập viên tại địa điểm phù hợp, thuận lợi cho đối tượng được hỗ trợ. Tổ chức các lớp hướng dẫn tập trung theo nhóm ngành, nghề hoặc theo khu vực xã, liên xã hoặc huyện... Kinh phí hỗ trợ bao gồm: thù lao cho giảng viên, chi phí cho việc đi lại và ăn ở cho giảng viên, chuyên gia truyền đạt thông tin, kiến thức về hợp tác xã, tư vấn xây dựng điều lệ hợp tác xã, tư vấn về xây dựng phương hướng sản xuất, kinh doanh và kế hoạch hoạt động của hợp tác xã; tư vấn đăng ký kinh doanh hợp tác xã; chi phí mua hoặc in ấn tài liệu, văn bản pháp luật về hợp tác xã; chi phí thuê hội trường (nếu cần thiết); chi phí văn phòng phẩm và nước uống phục vụ lớp hướng dẫn; trên cơ sở hiệu quả và nhu cầu thực tế của sáng lập viên, hợp tác xã dự kiến thành lập... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
Hỗ trợ di dân (SMS: 201456) - Ngày 14/02/2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 11/2006/TT-BNN hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung theo Quyết định số 60/2005/QĐ-TTg. Theo đó, hỗ trợ hộ gia đình khai hoang tạo nuơng cố định: 3 triệu đồng/ha; xây dựng đồng ruộng: 7 triệu đồng/ha... Hỗ trợ ổn định đời sống: 20 triệu đồng/hộ. Hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình chính sách thực sự khó khăn (không phải là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số), đang sinh sống hợp pháp, ổn định tại các xã biên giới, hiện nay không có nhà ở hoặc đã có nhà ở làm bằng tranh, tre, nứa, lá bị dột nát, mất an toàn khi mưa, lũ, bão, nhưng không có khả năng tự xây dựng, nâng cấp, tu sửa nhà ở với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để xây dựng, nâng cấp, tu sửa nhà ở... Đối với công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng theo dự toán thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ở những nơi không xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thì hộ gia đình được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ để tự xây dựng bể chứa nước mưa hoặc đào giếng, khoan giếng... Trồng rừng sản xuất: hỗ trợ 1 - 1,5 triệu đồng/ha và cho vay với mức tối đa 10 triệu đồng/ha theo các dự án được duyệt... Thông tư có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
BỘ NỘI VỤ |
Xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (SMS: 19245) - Ngày 08/02/2006, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2006/TT-BNV hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Theo đó, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng trong các trường hợp sau: Cán bộ, công chức có thái độ hách dịch, phiền hà, cửa quyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ đã được nhắc nhở, phê bình nhưng không sửa chữa; cán bộ, công chức chây lười trong công tác, trốn tránh trách nhiệm hoặc thoái thác nhiệm vụ, công vụ đã được nhắc nhở, phê bình nhưng không sửa chữa; cán bộ, công chức gây bè phái, mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức tự ý bỏ việc lần đầu nhưng chưa quá 3 ngày làm việc; cán bộ, công chức lần đầu mắc khuyết điểm do thiếu trách nhiệm trong việc xác nhận hồ sơ và văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; cán bộ, công chức được giao quản lý hồ sơ, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đã cố ý gây trở ngại cho quá trình thẩm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp... Cán bộ, công chức làm giả hồ sơ, lý lịch và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được nâng bậc lương hoặc nâng ngạch, nếu cấp có thẩm quyền đã ban hành Quyết định nâng bậc lương hoặc Quyết định bổ nhiệm ngạch sau đó mới phát hiện sai phạm thì cấp có thẩm quyền phải ra Quyết định huỷ bỏ Quyết định nâng bậc lương hoặc bổ nhiệm ngạch đã ban hành và xếp trở lại ngạch, bậc lương cũ, đồng thời truy thu phần chênh lệch tiền lương đã nhận không hợp pháp theo quy định. Sau đó mới xem xét áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương... Trường hợp cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật không chịu làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật hoặc không đến dự kiểm điểm theo giấy triệu tập của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn tổ chức cuộc họp để tiến hành kiểm điểm người vi phạm kỷ luật trước tập thể cơ quan, tổ chức đơn vị... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
BỘ Y TẾ |
Bình ổn giá thuốc (SMS: 201453) - Theo Chỉ thị số 02/2006/CT-BYT ra ngày 17/02/2006 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường thuốc năm 2006, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo: phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh đạt yêu cầu chất lượng, hiệu quả, an toàn và giá cả hợp lý, nhất thiết không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh, đầu cơ tích trữ gây khan hiếm thuốc giả tạo... Thực hiện mọi biện pháp để bình ổn giá thuốc, nghiên cứu và triển khai áp dụng các biện pháp cải tiến công nghệ, tăng cường hiệu quả sản xuất, triệt để cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết nhằm giảm bớt giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường để đảm bảo nguồn cung ứng ổn định. Chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc. Thực hiện nghiêm túc việc kê khai, kê khai lại và báo cáo giá thuốc với cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc theo đúng các quy định hiện hành...
|
TONG CUC HẢI QUAN |
Xử lý vướng mắc về thuế xuất nhập khẩu (SMS: 201450) - Theo Công văn số 475/TCHQ-KTTT ra ngày 09/02/2006 về việc xử lý vướng mắc khi thực hiện chính sách thuế xuất nhập khẩu từ 01/01/2006, Tổng cục Hải quan hướng dẫn: nếu tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, đối tượng nộp thuế chưa có đủ thông tin cần thiết cho việc xác định trị giá tính thuế, cơ quan hải quan sẽ chấp nhận cho thông quan hàng hoá nếu đối tượng nộp thuế nộp một khoản bảo đảm cho toàn bộ số thuế của lô hàng nhập khẩu. Khoản bảo đảm được thực hiện dưới hình thức bảo lãnh, đặt tiền ký quỹ hoặc các phương thức bảo đảm thích hợp khác... Đối với trường hợp hàng xuất khẩu đã quá thời hạn nộp thuế hoặc quá 60 ngày kể từ ngày xuất khẩu sản phẩm nhưng doanh nghiệp không đến nộp hồ sơ thanh khoản (mặc dù hàng đã xuất khẩu) thì bị coi là nợ thuế quá hạn và không được áp dụng thời hạn nộp thuế là 275 ngày đối với các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu tiếp theo...
|