Số 06.2010 (464) ngày 09/02/2010

 

CHÍNH PHỦ


Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 01/2010 (SMS: 04/NQ-CP) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 05/02/2010 về phiên họp thường kỳ tháng 01/2010. Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, phấn đấu đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/01/2010 của Chính phủ. Trước mắt, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác và mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài; tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tạo các điều kiện, cơ sở vật chất cần thiết của hệ thống phân phối hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường trong nước; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục liên quan đến sản xuất hàng xuất khẩu; xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên - phụ liệu cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là trong các lĩnh vực hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, nhựa.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các cơ quan hữu quan triển khai xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh theo Chương trình công tác của Chính phủ năm 2010 bảo đảm đồng bộ, kịp thời; khẩn trương hoàn thành trong quý I/2010 các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn tồn đọng. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Nghị định về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, thay thế Nghị định số 95/2006/NĐ-CP ngày 08/9/2006, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành. 

Hoán đổi ngày nghỉ Tết Canh Dần cho cán bộ, công chức (SMS: 872/VPCP-KGVX) - Ngày 05/02/2010, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 872/VPCP-KGVX đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày nghỉ vào dịp Tết âm lịch 2010 đối với cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ làm việc vào thứ sáu ngày 19/02/2010 (mùng 6 Tết) và đi làm thay vào thứ bảy ngày 27/02/2010. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo việc thực hiện hoán đổi ngày nghỉ trong dịp Tết Canh Dần năm 2010 để các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội biết và thực hiện.

Rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới (SMS: 193/QD-TTg) - Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 02/02/2010 với mục tiêu đến năm 2011 cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn cả nước làm cơ sở để đầu tư xây dựng nông thôn mới và thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Năm 2010 tiến hành rà soát các xã đã có đồ án quy hoạch xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu quy hoạch của các đồ án này đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành kèm Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai lập quy hoạch xây dựng các xã chưa có quy hoạch xây dựng đối với các xã thuộc chương trình giảm nghèo bền vững đối với huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã thuộc chương trình 134, 135, các xã trong cận đô thị, các xã trong khu vực có động lực phát triển cao khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, các xã có quốc lộ đi qua, các xã thuộc các khu vực hải đảo và dọc biên giới.
Theo Quyết định này, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân đối nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm để thực hiện công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đối với địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí vốn thực hiện công tác quy hoạch xây dựng nông thôn theo tiến độ của chương trình, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp kinh phí và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
 

 

BỘ TÀI CHÍNH


Phí cấp lại và đổi thẻ bảo hiểm y tế (SMS: 19/2010/TT-BTC) - Ngày 03/02/2010, Bộ Tài chính có Thông tư số 19/2010/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp lại và đổi thẻ bảo hiểm y tế. Theo Thông tư này, phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế là khoản thu đối với người tham gia bảo hiểm y tế sau khi đã tiếp nhận thẻ bảo hiểm y tế từ cơ quan quản lý bảo hiểm y tế mà làm mất, nay được cấp lại; phí đổi thẻ bảo hiểm y tế là khoản thu đối với người tham gia bảo hiểm y tế sau khi đã tiếp nhận thẻ bảo hiểm y tế từ cơ quan quản lý bảo hiểm y tế mà làm rách, hỏng, nay được đổi lại. Không thu phí trong trường hợp đổi lại thẻ do thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hoặc có sai sót về thông tin ghi trên thẻ do cơ quan, đơn vị lập danh sách người tham gia bảo hiểm gây ra. Phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế là 4.000 đồng/thẻ, phí đổi lại thẻ bảo hiểm y tế là 2.000 đồng/thẻ.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Hóa đơn hàng xuất khẩu không phải lưu hải quan (SMS: 16/2010/TT-BTC) - Quy định này được thực hiện kể từ ngày 01/02/2010 theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BTC ngày 01/02/2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn. Theo đó, sửa đổi điểm 5 mục I phần B Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 thành nội dung mới như sau: “5- Liên hoá đơn: Mỗi hoá đơn phải có từ 3 liên trở lên, trường hợp sử dụng hoá đơn có 2 liên phải được cơ quan thuế chấp thuận; chức năng sử dụng của từng liên. Liên 1: Lưu, liên 2: Giao khách hàng, liên 3: Nội bộ. Đối với hoá đơn bằng hình thức tem, vé, thẻ thì có thể áp dụng số liên phù hợp nhưng phải được chấp thuận của cơ quan thuế”. So với Thông tư 120/2002/TT-BTC thì Thông tư này đã bỏ quy định “Trường hợp xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ thì liên 3 được lưu tại cơ quan hải quan”.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.
 

 

BỘ CÔNG THƯƠNG


Các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu (SMS: 05/CT-BCT) - Ngày 03/02/2010, Bộ trưởng Bộ Công thương có Chỉ thị số 05/CT-BCT về việc tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2600/TTg-KTTH ngày 30/12/2009 về đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu năm 2010. Theo đó, Bộ trưởng Công thương chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những chính sách phát triển xuất khẩu cho năm 2010 vào đầu quý I/2010; phối hợp với các đơn vị của các bộ quản lý chuyên ngành và các địa phương ngay trong quý I/2010 làm việc với các tập đoàn, tổng công ty và các hiệp hội ngành hàng lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rà soát khả năng về mặt hàng, thị trường xuất khẩu, xác định cụ thể mục tiêu và biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu của từng đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh xuất khẩu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó là việc tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu; rà soát các chính sách về đầu tư và đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bổ sung các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu để tăng số lượng và chất lượng hàng xuất khẩu; đẩy nhanh các dự án sản xuất thay thế hàng nhập khẩu.
Về các giải pháp kiểm soát nhập siêu, Bộ trưởng yêu cầu các Vụ chức năng của Bộ nghiên cứu, đề xuất danh mục mặt hàng cần áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan hoặc giấy phép nhập khẩu để bảo đảm kiểm soát nhập khẩu nhóm mặt hàng có nguy cơ gây dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2010; tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, quy trình thông quan đối với các nhóm hàng cần kiểm soát và cần hạn chế nhập khẩu; nghiên cứu xây dựng phương án áp dụng thí điểm việc kiểm tra xuất xứ, chất lượng hàng hóa, nhất là đối với nông, thủy sản, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ thực vật…trước khi hàng hóa được xếp lên tàu tại nước xuất khẩu hoặc kiểm tra quy trình sản xuất tại nước ngoài để cấp giấy chứng nhận hàng hóa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường Việt Nam, kiểm tra tại cửa khẩu Việt Nam trước khi hàng hóa được thông quan.
 

 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ


Mẫu hồ sơ chỉ định thầu xây lắp (SMS: 04/2010/TT-BKH) - Ngày 01/02/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 04/2010/TT-BKH quy định chi tiết lập hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu xây lắp. Các quy định của Thông tư này áp dụng cho các gói thầu xây lắp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 của Luật Đấu thầu, khoản 4 Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, Điều 101 của Luật Xây dựng, điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 40 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng. Các gói thầu xây lắp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 của Luật Đấu thầu và các gói thầu xây lắp có giá trị gói thầu không quá 500 triệu đồng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. Đối với các gói thầu xây lắp thuộc các dự án sử dụng vốn ODA, nếu được nhà tài trợ chấp thuận thì áp dụng theo mẫu hồ yêu cầu chỉ định thầu ban hành kèm theo Thông tư này hoặc có thể sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo quy định về đấu thầu trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam đã ký kết.
Khi áp dụng mẫu hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu xây lắp ban hành kèm theo Thông tư này, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu mà đưa ra các yêu cầu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc minh bạch và hiệu quả kinh tế. Trong mẫu hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư này, những chữ in nghiêng là nội dung mang tính hướng dẫn, minh họa và sẽ được người sử dụng cụ thể hóa căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu; trường hợp sửa đổi, bổ sung vào phần in đứng của mẫu này thì tổ chức, cá nhân lập hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu phải giải trình bằng văn bản và đảm bảo không trái với các quy định của pháp luật về đấu thầu, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung sửa đổi, bổ sung.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/3/2010.
 

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN


Quy định về kiểm dịch thủy sản và sản phẩm thủy sản (SMS: 06/2010/TT-BNNPTNT) - Theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/02/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản, các đối tượng này khi vận chuyển, lưu thông trong nước phải được kiểm dịch 01 lần tại nơi xuất phát trong các trường hợp là: thủy sản giống; thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản đưa ra khỏi vùng có công bố dịch đối với loài đó của cơ quan có thẩm quyền và sản phẩm thủy sản dùng làm nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho thủy sản. Thủy sản, sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải được kiểm dịch trong trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia quy định phải kiểm dịch, theo yêu cầu của chủ hàng hoặc nước nhập khẩu. Thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải được đăng ký kiểm dịch với Cục Thú y; việc đăng ký kiểm dịch phải được thực hiện trước khi chủ hàng ký kết hợp đồng với nhà xuất khẩu.
Thông tư cũng quy định thời hạn giá trị sử dụng của giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản. Cụ thể, đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản vận chuyển trong nước, thời hạn giá trị sử dụng của giấy chứng nhận kiểm dịch được tính theo thời gian vận chuyển từ nơi xuất phát đến nơi đến cuối cùng; giấy chứng nhận kiểm dịch đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu có giá trị sử dụng không quá 60 ngày; giấy chứng nhận kiểm dịch đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam thời hạn sử dụng được tính theo thời gian tối đa cho phép lưu trú trên lãnh thổ Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
 

 

BỘ Y TẾ


Tăng cường phục vụ y tế trong dịp Tết (SMS: 01/CT-BYT) - Ngày 01/02/2010, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra Chỉ thị số 01/CT-BYT về phục vụ y tế trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010. Tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phải bố trí các kíp trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ khả năng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, tai nạn giao thông, sinh đẻ trong những ngày Tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Trường hợp bệnh nhân nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp sau khi đã giải thích kỹ cho người bệnh và người nhà cùng đi. Tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết. Các cơ sở y tế cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh, chú ý đến cách giao tiếp, cung cấp thông tin, ứng xử ân cần, hoà nhã, thực hiện đúng các quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại các cơ sở công theo Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT ngày 18/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh còn nằm lại điều trị tại các bệnh viện hoặc người bệnh vào cấp cứu trong những ngày Tết cả về vật chất và tinh thần; đặc biệt, tổ chức thăm hỏi, chúc Tết những người bệnh thuộc diện chính sách và người nghèo.
Cũng theo Chỉ thị này, sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, chú ý kiểm tra thực phẩm bày bán tại các chợ, các nơi bán thực phẩm phục vụ Tết, các nhà hàng, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; chống thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương nhằm giảm tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp Tết.