Số 06.2009 (413) ngày 13/02/2009

 CHÍNH PHỦ


Hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản (SMS: 531789) - Theo quy định tại Nghị định 11/2009/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 10/02/2009 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm, văn phòng đại diện (VPĐD), nhà xuất bản (NXB), tổ chức phát hành xuất bản phẩm của nước ngoài tại Việt Nam được cấp giấy phép hoạt động trước ngày 01/01/2009 phải làm thủ tục xin cấp lại giấy phép.
Thời hạn giấy phép hoạt động của VPĐD tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm là 5 năm kể từ ngày cấp và được gia hạn mỗi lần không quá 5 năm.
Nghị định cũng bổ sung một số quy định mới liên quan đến thông tin ghi trên xuất bản phẩm, xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên mạng internet, nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm.
Trước khi xuất bản trên mạng internet, NXB phải đăng ký kế hoạch xuất bản với Cục Xuất bản, trong đó ghi rõ thời gian và địa chỉ website đăng tải xuất bản phẩm và phải được Cục Xuất bản xác nhận bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đăng ký kế hoạch xuất bản của NXB. Ít nhất 10 ngày trước khi trực tiếp xuất bản trên mạng internet, NXB phải nộp lưu chiểu 1 bản xuất bản phẩm.
Việc nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh phải được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt
Nam (Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin và Truyền thông). Trong một số trường hợp đặc biệt thì chỉ cần làm thủ tục hải quan như: Tài liệu phục vụ hội thảo, hội nghị quốc tế đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tổ chức tại Việt Nam; xuất bản phẩm là tài sản di chuyển của tổ chức, gia đình, cá nhân để sử dụng riêng; xuất bản phẩm thuộc tiêu chuẩn hành lý mang theo người của người nhập cảnh để sử dụng cho nhu cầu cá nhân và xuất bản phẩm tặng cho tổ chức, cá nhân gửi qua bưu điện có giá trị không lớn hơn tiêu chuẩn miễn thuế theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Xử phạt vi phạm trong phá sản doanh nghiệp (SMS: 531755) - Ngày 06/02/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.
Theo đó, đối với mỗi vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm là 15 triệu đồng.
Cụ thể, hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hành vi của chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong thời hạn quy định bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Vi phạm quy định về nghĩa vụ cung cấp tài liệu, xuất trình giấy tờ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản nhưng cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán, tặng tài sản, cất giấu, tẩu tán tài sản... bị phạt từ 5 triệu đến 15 triệu đồng.
Đối với tổ chức tín dụng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản kể từ ngày nhận được quyết định của tòa án áp dụng thủ tục thanh lý mà vẫn thực hiện việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp đó hoặc các hành vi bù trừ, thanh toán các khoản doanh nghiệp vay của tổ chức tín dụng thì bị phạt từ 5 triệu đến 15 triệu đồng...
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
23/03/2009.

Quy chế quản lý vốn nhà nước đầu tư ra ngoài ngành (SMS: 531745) - Các doanh nghiệp (DN) nhà nước phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư vào các DN hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị. Đây là một trong những quy định mới tại Nghị định số 09/2009/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 05/02/2009.
Theo đó, các DN nhà nước được quyền đầu tư ra ngoài ngành trên cơ sở không được ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh chính của mình, song mức đầu tư không quá 30% nguồn vốn.
Nghị định cũng nêu rõ, DN nhà nước được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong phạm vi hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ của công ty không vượt quá 3 lần. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư ra ngoài DN nhà nước (bao gồm đầu tư ngắn hạn và dài hạn) cũng không được vượt quá mức vốn điều lệ của công ty.
Riêng đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, DN nhà nước chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực một DN; mức vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn nhưng phải đảm bảo mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp. Trường hợp đặc biệt có nhu cầu đầu tư vượt quá quy định này, DN nhà nước phải trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Chính phủ cũng không cho phép các DN nhà nước được tham gia góp vốn mua cổ phần của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty chứng khoán hoặc mua cổ phần của các DN khác mà người quản lý, điều hành, sở hữu chính của DN này có quan hệ huyết thống với thành viên lãnh đạo công ty đó.
Các DN nhà nước có mức vốn đầu tư ra ngoài ngành vượt quá mức quy định hoặc đã đầu tư góp vốn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán thì trong thời gian 2 năm kể từ ngày 25/03/2009, phải thực hiện điều chỉnh lại mức đầu tư trên nguyên tắc bảo toàn vốn.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/03/2009.

Phòng, chống bạo lực gia đình (SMS: 531748) - Ngày 04/02/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ).
Theo đó, cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ hoặc các mô hình khác về phòng, ngừa BLGĐ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa như đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra BLGĐ có quyền quyết định cấm người gây BLGĐ tiếp xúc với nạn nhân trong thời hạn không quá 3 ngày khi có đủ 3 điều kiện sau: Có đơn yêu cầu của nạn nhân BLGĐ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Đã có hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân BLGĐ; Người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.
Người có hành vi BLGĐ bị cấm đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m (trừ trường hợp giữa người có hành vi BLGĐ và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân) hay bị cấm sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân…
Nghị định cũng nêu rõ các chính sách khuyến khích đối với người trực tiếp tham gia phòng, chống BLGĐ như: Khen thưởng người trực tiếp tham gia phòng, chống BLGĐ có thành tích; người có hành vi dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân khi trực tiếp thực hiện việc ngăn chặn hành vi BLGĐ, nếu bị chết thì được xem xét để công nhận là liệt sĩ; nếu bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được xem xét để hưởng chính sách như thương binh...

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu (SMS 531792) - Theo Thông tư số 30/2009/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 11/02/2009, thuế nhập khẩu nhiên liệu cho động cơ hàng không sẽ giảm 10% kể từ ngày 16/02/2009.
Cụ thể, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng nhiên liệu động cơ tuốc bin dùng cho hàng không (nhiên liệu phản lực) thuộc các phân nhóm 2710.19.13.00 và 2710.19.14.00 được điều chỉnh xuống mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới là 30%. Mức thuế này đã giảm 10% so với quy định trước đây tại Thông tư số 24/2009/TT-BTC ngày
5/2/2009 của Bộ Tài chính.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và áp dụng đối với các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày
16/02/2009.

Phí cấp chứng nhận quyền tác giả (SMS: 531793) - Nhằm hướng dẫn các quy định về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý, sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 29/2009/TT-BTC ngày 10/02/2009.
Theo quy định tại Thông tư này, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài khi được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đều phải nộp lệ phí. Mức lệ phí mức cao nhất là 600.000 đồng, áp dụng cho việc cấp giấy chứng nhận quyền tác giả đối với các chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu hoặc các chương trình chạy trên máy tính.
Mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền tác giả quy định thấp nhất là 100.000 đồng, áp dụng đối với các tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; tác phẩm báo chí, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm nhiếp ảnh…
Ngoài ra, còn có các mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng tương ứng với từng loại tác phẩm đăng ký chứng nhận.
Các mức thu nêu trên áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan lần đầu. Trường hợp xin cấp lại, phải nộp 50% mức thu lần đầu đối với từng loại tác phẩm tương ứng.
Cơ quan thu không phải hoàn trả lệ phí đối với những giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bị thu hồi, hủy bỏ hiệu lực.
Cơ quan thu lệ phí được trích để lại 70% trên tổng số tiền thu được trước khi nộp vào ngân sách nhà nước, dùng chi cho việc thực hiện công tác thu lệ phí, thay vì 40% như quy định trước đây.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Thuế nhập khẩu mặt hàng giấy (SMS: 531794) - Ngày 10/02/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 28/2009/TT-BTC điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số nhóm mặt hàng thuộc nhóm 48.01 và 48.02 quy định tại Quyết định 71/2008/QÐ-BTC ngày 01/09/2008 của Bộ Tài chính.
Theo đó, tất cả các loại giấy nhập khẩu sẽ đồng loạt áp dụng thuế suất mới 29% so với mức 20-25% hiện hành.
Cụ thể, các loại giấy in báo, dạng cuộn hoặc tờ có định lượng không quá 55g/m2, đồng loạt áp dụng thuế suất 29% mới thay cho mức 20% hiện nay. Các loại giấy và các-tông sản xuất thủ công, giấy trang trí có định lượng 40g/m2 đến 150g/m2, giấy dạng hình chữ nhật, giấy dạng cuộn và một số loại khác cũng áp dụng thuế suất 29%, thay cho mức 25%.
Các loại giấy khác trong nhóm này như giấy và các-tông sử dụng làm nền cho giấy và các-tông nhạy sáng, nhạy nhiệt hoặc nhạy điện, giấy làm nền sản xuất giấy carbon, sản xuất giấy nhôm... vẫn giữ nguyên thuế suất 5%.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày
16/02/2009.

Giãn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân (SMS: 531765) - Theo quy định tại Thông tư 27/2009/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 06/02/2009, sẽ thực hiện giãn nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ ngày 01/01/2009 đến hết ngày 31/05/2009 đối với một số đối tượng.
Cụ thể, các đối tượng được giãn nộp thuế TNCN bao gồm: Cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán), thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại; thu nhập từ nhận thừa kế, nhận quà tặng.
Đối với cá nhân không cư trú, khoản thu nhập được giãn nộp thuế bao gồm: Thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán); thu nhập từ bản quyền, từ nhượng quyền thương mại.
Các đối tượng không được giãn nộp thuế gồm cá nhân cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, từ trúng thưởng; cá nhân không cư trú (kể cả trường hợp không hiện diện tại Việt Nam hoặc rời Việt Nam trước ngày 30/6/2009) có thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công, từ chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, nhận thừa kế, nhận quà tặng.
Số thuế được giãn nộp, cá nhân có thu nhập được giữ lại trong thời gian được giãn. Đến tháng 5/2009, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định việc xử lý số thuế được giãn nộp này, khi đó sẽ thực hiện theo quyết định của Quốc hội.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký, áp dụng cho các khoản thu nhập phát sinh từ ngày 01/01/2009.
 

 LIÊN BỘ CÔNG AN - TÀI NGUYEN VÀ MÔI TRƯỜNG


Phối hợp phòng, chống vi phạm pháp luật môi trường (SMS: 531788) - Ngày 06/02/2009, Bộ Công an và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2009/TTLT-BCA-BTNMT hướng dẫn quan hệ phối hợp công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Quy định tại Thông tư này nêu rõ, đối với vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị chức năng của cả hai ngành thì đơn vị nào phát hiện vụ việc trước có trách nhiệm thụ lý hồ sơ và chủ trì việc phối hợp giải quyết. Trường hợp có ý kiến khác nhau về giải quyết vụ việc cụ thể, phải báo cáo lãnh đạo cùng cấp của cả hai ngành xem xét, giải quyết.
Đối với thông tin, tài liệu về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến thẩm quyền điều tra, xử lý của ngành Công an do các đơn vị chức năng thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường phát hiện thì Thủ trưởng các đơn vị này phải kịp thời báo cáo cấp trên trực tiếp, đồng thời thông báo cho lực lượng Cảnh sát môi trường cùng cấp để xử lý.
Thông tin, tài liệu về vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do lực lượng Cảnh sát môi trường và các lực lượng khác thuộc ngành Công an phát hiện, nếu không thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì thông báo cho đơn vị chức năng thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường cùng cấp để xử lý.
Khi nhận được tin báo và tài liệu có liên quan về tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chuyển đến, lực lượng Cảnh sát môi trường phải kịp thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ và xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy từng trường hợp cụ thể để phối hợp với cơ quan thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường cùng cấp áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/03/2009.