Nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc (SMS: 502915) - Ngày 31/1/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước (CBCCVC). Thủ tướng yêu cầu: người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trên phải tiến hành phân công lao động hợp lý và tổ chức tốt quá trình lao động của CBCCVC; căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức lao động và thời giờ làm việc đã được phê duyệt áp dụng cơ chế khoán theo công việc hoặc theo thời gian thực hiện công việc… Khuyến khích, khen thưởng xứng đáng, kịp thời những CBCCVC nghiêm túc chấp hành kỷ luật lao động, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng thời giờ làm việc cao. Song song với đó cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng thời giờ làm việc, về kỷ luật lao động; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; không xét thưởng đối với CBCCVC vi phạm thời giờ làm việc… Không sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng; không đi muộn, về sớm, không chơi games trong giờ làm việc; không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn giữa hai ca trong ngày làm việc và ngày trực; phải có mặt đúng giờ tại công sở theo giờ hành chính hoặc theo quy định cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Quy định về đình công (SMS: 502923) - Ngày 30/01/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 176 của Bộ luật Lao động về hoãn hoặc ngừng đình công và giải quyết quyền lợi của tập thể lao động. Theo đó, 05 trường hợp đình công bị hoãn, ngừng khi có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, bao gồm: Đình công dự kiến tổ chức vào những ngày lễ của quốc gia hoặc tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nơi đang diễn ra hội nghị quốc tế do Nhà nước đăng cai tổ chức; tại các doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích từ 03 ngày trở lên có nguy cơ gây mất an toàn tới sức khỏe, đời sống của nhân dân trong khu vực; tại công trình trọng điểm quốc gia đang thi công; Đình công vào thời điểm xuất hiện tình trạng khẩn cấp do thảm họa thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn xảy ra đình công; cuộc đình công diễn biến không đúng với mục đích tranh chấp lao động như trong bản yêu cầu của tập thể lao động mà Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động (nơi không có tổ chức công đoàn) đã gửi cho người sử dụng lao động, cơ quan lao động cấp tỉnh và Liên đoàn lao động cấp tỉnh. Khi nhận được Quyết định hoãn hoặc ngừng cuộc đình công của Thủ tướng, trong vòng 1 giờ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải công bố kịp thời cho Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động (nơi không có tổ chức công đoàn), người sử dụng lao động biết và tổ chức thực hiện quyết định hoãn, ngừng đình công. Thời hạn hoãn hoặc ngừng đình công tùy thuộc vào nguy cơ xâm hại nghiêm trọng nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng nhưng tối đa không quá 50 ngày đối với trường hợp hoãn đình công và tối đa không quá 60 ngày đối với trường hợp ngừng đình công. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Xử lý đình công bất hợp pháp (SMS: 502922) - Ngày 30/1/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2008/NĐ-CP quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp cuộc đình công bất hợp pháp gây thiệt hại cho người sử dụng lao động. Theo đó, thiệt hại phải được bồi thường đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu. Mức bồi thường thiệt hại được xác định trên cơ sở thiệt hại vật chất thực tế. Việc bồi thường được thực hiện bằng tiền, hiện vật hoặc bằng việc thực hiện một công việc. Quyền tự định đoạt của các bên được tôn trọng và khuyến khích cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, người lao động được bảo đảm để duy trì và phát triển quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về tổ chức công đoàn cơ sở đã lãnh đạo cuộc đình công bị Tòa án nhân dân tuyên bố là bất hợp pháp, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động. Những người được cử làm đại diện cho tập thể lao động và những người lao động tham gia đình công bất hợp pháp phải chịu trách nhiệm cá nhân theo phần trong việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động. Thời hạn yêu cầu bồi thường thiệt hại là 01 năm, kể từ ngày quyết định của Tòa án về tính bất hợp pháp của cuộc đình công có hiệu lực. Thiệt hại phải bồi thường do cuộc đình công bất hợp pháp gây ra bao gồm tài sản của doanh nghiệp bị thiệt hại trực tiếp do việc ngừng sản xuất, kinh doanh vì lý do đình công. Mức bồi thường thiệt hại tối đa không vượt quá 3 tháng tiền lương, tiền công liền kề trước ngày đình công diễn ra theo hợp đồng lao động của những người lao động tham gia đình công. Trường hợp đình công bất hợp pháp nếu do tổ chức công đoàn cơ sở lãnh đạo thì tổ chức này phải bồi thường bằng nguồn kinh phí lấy từ tài sản của tổ chức công đoàn; đại diện tập thể lao động và những người lao động tham gia đình công bất hợp pháp phải chịu trách nhiệm theo phần đối với thiệt hại đã gây ra cho người sử dụng lao động. Đối với người lao động tham gia đình công bất hợp pháp, việc bồi thường thiệt hại được khấu trừ dần vào tiền lương, tiền công hàng tháng của người đó. Mức khấu trừ tối đa của một lần không quá 30% tiền lương, tiền công tháng… Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều chỉnh giá và hợp đồng trọn gói (SMS: 502904) - Theo Công văn số 164/TTg-CN ra ngày 29/01/2008, Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh hình thức hợp đồng đối với gói thầu xây lắp lỡ áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói thành hợp đồng có điều chỉnh giá, trong điều kiện giá tăng đột biến trong thời gian vừa qua ngoài khả năng kiểm soát được của chủ đầu tư và nhà thầu… Việc điều chỉnh giá phải đảm bảo nguyên tắc chỉ điều chỉnh đối với nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu do nhà nước kiểm soát có tăng giá đột biến vượt quá phạm vi điều chỉnh đã thỏa thuận trong hợp đồng. Việc điều chỉnh được áp dụng cho cả hình thức hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá; Về điều chỉnh hợp đồng, người quyết định đầu tư được phép xem xét điều chỉnh hình thức hợp đồng trọn gói sang hình thức hợp đồng theo đơn giá trong đó phải xác định rõ về nội dung, phạm vi điều chỉnh và chỉ được tính từ thời điểm có biến động giá…
|
Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện (SMS: 502952) - Ngày 31/01/2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 02/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 190/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu nếu đủ một trong các điều kiện sau: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên; Nam từ đủ 55 tuổi trở lên và nữ từ đủ 50 tuổi trở lên đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trước đó có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm trở lên, trong đó có 15 làm nghề hoặc công việc nặng nhọc; Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trước đó có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Tỷ lệ lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%. Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng thương số của tổng các mức thu nhập đóng BHXH với tổng số tháng đóng BHXH. Mức này được lấy làm cơ sở để tính mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; mức hưởng BHXH một lần; tính hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các chế độ quy định tại Thông tư này áp dụng từ ngày 01/01/2008.
|
Hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập (SMS: 502932) - Ngày 23/01/2008, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT/BYT-BNV hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế. Theo đó, người đứng đầu đơn vị được quyền tiếp nhận, bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch, nâng bậc lương đối với viên chức ngạch tương đương ngạch bác sỹ chính trở xuống… Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được quyết định thành lập hoặc giải thể, tổ chức lại các khoa, phòng và tổ chức khác trực thuộc trên cơ sở quy hoạch hoặc phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, đơn vị được thành lập, sắp xếp lại, giải thể các tổ chức sự nghiệp trực thuộc tự bảo đảm kinh phí hoạt động để hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đối với đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên, người đứng đầu đơn vị được quyền quyết định kế hoạch biên chế và có trách nhiệm báo cáo kế hoạch đó để cơ quan chủ quản tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát. Đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên và đơn vị được ngân sách nhà nước cấp toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch biên chế của đơn vị. Đối với những công việc không cần thiết bố trí biên chế thường xuyên, người đứng đầu đơn vị được ký hợp đồng thuê, khoán. Ngoài ra, người đứng đầu đơn vị được ký hợp đồng lao động và các hình thức hợp tác khác với chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán (SMS: 502924) - Ngày 01/02/2008, Thông đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN về việc cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán (KDCK). Theo đó, tổng dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và KDCK không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, thay vì hạn mức 3% tổng dư nợ như quy định trước đây tại Chỉ thị số 03/2007/CT-NHNN. Đồng thời, các khoản cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và KDCK thuộc nhóm tài sản "Có" có hệ số rủi ro là 250%. Các tổ chức tín dụng cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và KDCK phải ban hành quy định về nghiệp vụ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và KDCK và gửi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước để làm cơ sở cho việc thanh tra, giám sát hoạt động cho vay. Đồng thời, đảm bảo các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng dưới 5%. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng này phải thực hiện việc hạch toán, thống kê chính xác các khoản cho vay chứng khoán và gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đúng thời hạn. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được các quy định nói trên không được phép cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và KDCK… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
|