Số 05.2009 (412) ngày 06/02/2009

 CHÍNH PHỦ


Lệ phí thăm dò khoáng sản (SMS: 531687) - Ngày 22/01/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản.
Theo quy định mới, mức lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản mới giảm nhiều so với quy định trước đây. Cụ thể, mức lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản trong năm thứ nhất là 50.000 đồng/ha/năm (mức cũ là 300.000 đồng/km2/năm), năm thứ 2 là 80.000 đồng/ha/năm (mức cũ 400.000 đồng/km2/năm), năm thứ 3 và 4 là 100.000 đồng/ha/năm (mức cũ, năm thứ 3: 550.000 đồng/km2/năm; năm thứ 4: 700.000 đồng/km2/năm).
Ngoài ra còn có một số quy định được sửa đổi, bổ sung như: Trường hợp xin cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải tiến hành thăm dò theo quy định của Luật Khoáng sản, ngoài các điều kiện quy định tại Nghị định 160/2005/NĐ-CP, còn phải bảo đảm điều kiện sản phẩm khai thác được chỉ phục vụ việc duy tu, sửa chữa cơ sở hạ tầng, đê điều.
Bổ sung điều khoản về khu vực có khoáng sản thuộc diện dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia, cụ thể gồm: các khu vực đã được điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản hoặc thăm dò phê duyệt trữ lượng khoáng sản cần dự trữ cho mục tiêu phát triển bền vững; có tiền đề địa chất và dấu hiệu triển vọng về tài nguyên khoáng sản nhưng chưa được đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản hoặc thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản.
Hoạt động khảo sát, thăm dò và khai thác khoáng sản trong khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia chỉ được thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng thay thế các cụm từ "Bộ Công nghiệp" bằng "Bộ Công Thương", "Sở Công nghiệp" bằng "Sở Công Thương".
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Xử phạt vi phạm hành chính đối với sản xuất, kinh doanh rượu, thuốc lá (SMS: 531686) - Ngày 22/01/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá.
Theo đó, 8 hành vi VPHC chung trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 100.000 đồng đến 100 triệu đồng.

Cụ thể, hành vi vi phạm các quy định về giấy phép sản xuất, giấy phép kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 30 triệu đồng; vi phạm các quy định về nhãn hiệu sản phẩm và ghi nhãn sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 50 triệu đồng; và mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá giả là từ 500.000 đồng đến 60 triệu đồng. Riêng đối với các hành vi vi phạm các quy định về nhập khẩu; kinh doanh rượu, thuốc lá nhập lậu và vi phạm các quy định về dán tem sẽ bị xử phạt nặng, với mức cao nhất là 100 triệu đồng.
Các hành vi VPHC mang tính đặc thù trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu gồm: Vi phạm các quy định về sản xuất rượu thủ công; Vi phạm các quy định về việc cung cấp thông tin về rượu; Vi phạm các quy định về nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh rượu, ngoài mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 20 triệu đồng có thể bị phạt bổ sung tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng (SMS: 531714) - Ngày 03/02/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2009/TT-NHNN, quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh (gọi tắt là hỗ trợ lãi suất).
Tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng được hỗ trợ lãi suất là khách hàng vay để thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh ở trong nước theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001.
Các khoản cho vay không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất, gồm: a) Các khoản cho vay trung hạn và dài hạn bằng đồng Việt Nam; các khoản cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ; b) Các khoản cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam được thống kê theo phân ngành kinh tế tại Phụ lục 7 Quyết định số 477/2004/QĐ- NHNN như: Ngành công nghiệp khai thác mỏ; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn; Quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng; Đảng, đoàn thể; Bảo đảm xã hội bắt buộc; Giáo dục và đào tạo; Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; Hoạt động văn hoá, thể thao bao gồm cả kinh doanh vui chơi, giải trí…; c) Các khoản cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ thanh toán nhập khẩu mặt hàng tiêu dùng được thống kê theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; d) Các khoản cho vay để đầu tư và kinh doanh chứng khoán; đ) Các khoản cho vay để mua, bán quyền sử dụng đất được thống kê theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 08 tháng kể từ ngày giải ngân, áp dụng trong năm 2009 đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/02 đến 31/12/2009; các khoản vay có thời hạn vay vượt quá năm 2009, thì chỉ được hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian vay của năm 2009; các khoản vay quá hạn trả nợ, được gia hạn nợ vay thì không được tính hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian quá hạn trả nợ và gia hạn nợ vay. Mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 4%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay thực tế nằm trong khoảng thời gian từ ngày 01/02 đến 31/12/2009.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Lãi suất thỏa thuận vay vốn (SMS: 531716) - Nhằm thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 627/VPCP-KTTH ngày 23/01/2009 của Văn phòng Chính phủ về áp dụng lãi suất cho vay thoả thuận của các tổ chức tín dụng (TCTD), ngày 23/01/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 01/2009/TT-NHNN hướng dẫn về lãi suất thoả thuận của TCTD đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.
Theo đó, Thống đốc NHNN chỉ đạo các TCTD thực hiện một số nội dung cụ thể sau: TCTD thực hiện lãi suất thoả thuận đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, theo quy định của NHNN về cho vay của TCTD đối với khách hàng và trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, mức độ tín nhiệm của khách hàng vay; TCTD xác định các giới hạn tín dụng đối với một khách hàng và lĩnh vực cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, phù hợp với quy định của NHNN về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và điều kiện hoạt động kinh doanh của TCTD; TCTD kiểm soát chặt chẽ các giới hạn tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các khoản cho vay nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng…

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2009.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Danh mục mặt hàng được giảm thuế suất thuế GTGT (SMS: 531733) - Nhằm cụ thể hóa các quy định trước đây hướng dẫn thực hiện Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/01/2008, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 18/2009/TT-BTC ban hành Danh mục hàng hóa của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi được giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Đáng chú trong số Danh mục nói trên là một số mặt hàng ôtô sẽ được giảm 50% thuế suất thuế GTGT, gồm: Ôtô 10 chỗ trở lên, loại động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng sức nén (diesel hoặc bán diesel) có tải trọng tối đa từ 6 tấn đến trên 24 tấn; Xe buýt được thiết kế đặc biệt để sử dụng trong sân bay, loại chở từ 30 người trở lên; Xe ô tô chơi gôn, kể cả xe phục vụ sân gôn (golf buggies); Xe ô tô đua nhỏ; Xe đông lạnh; Xe thiết kế để chở bê tông tươi hoặc xi măng dạng rời;Xe cần cẩu; Xe cần trục khoan; Xe cứu hỏa; Xe trộn bê tông; Xe làm sạch đường, kể cả xe hút bùn, bể phốt; Xe cứu thương lưu động; Xe phun tưới các loại; Xe thiết kế chở tiền...
Những mặt hàng không chi tiết trong Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này thuộc đối tượng được giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT theo quy định tại Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 13/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính thì thực hiện theo quy định tại Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg và Thông tư số 13/2009/TT-BTC.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký, áp dụng với các Tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ 01/02/2009 đến hết 31/12/2009.
(Lưu ý: Do dung lượng file văn bản lớn, phiền Quý khách vui lòng vào download bản gốc có dấu của văn bản tại www.luatvietnam.vn theo mã SMS 531733)

Giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (SMS: 531706) - Ngày 22/01/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 13/2009/TT-BTC, hướng dẫn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn.
Theo quy định tại Thông tư này, sẽ thực hiện giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT đối với một số hàng hoá, dịch vụ thuộc 19 nhóm áp dụng thuế suất 10% quy định tại điểm 3 mục II phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 như: Than đá, than cám, than cốc, than bùn và than đóng cục, đóng bánh; Hoá chất cơ bản gồm các loại hoá chất ghi trong Danh mục hoá chất; Sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất (trừ sản phẩm cơ khí tiêu dùng); Tủ đóng cắt, tủ bảo vệ, tủ điều khiển, tủ đo lường trung thế, cao thế; trạm biến thế, trạm ki-ốt trung thế, cao thế; cầu dao cách ly trung thế, cao thế; đầu cáp, đầu hộp nối cáp ngầm trung thế, cao thế; cầu chì (12KV, 24KV, 36KV từ 6A trở lên); Ôtô các loại; Linh kiện ôtô gồm động cơ, hộp số, bộ ly hợp và các bộ phận của các mặt hàng này; Tàu, thuyền; Khuôn đúc các loại bao gồm các loại khuôn dùng làm công cụ để sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá,...
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký, và áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ nêu tại Thông tư này từ ngày 01/02/2009 đến hết ngày 31/12/2009.

Gia hạn nộp Thuế thu nhập doanh nghiệp (SMS: 531705) - Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, ngày 22/1/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 12/2009/TT-BTC, hướng dẫn thực hiện gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2009 đối với doanh nghiệp kinh doanh một số ngành nghề.
Theo đó, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp phát sinh năm 2009 trong thời gian 9 tháng đối với thu nhập từ các hoạt động kinh doanh như: Sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất; Sản xuất vật liệu xây dựng, gồm: gạch, ngói các loại; vôi; sơn; Xây dựng, lắp đặt; Dịch vụ du lịch; Kinh doanh lương thực; Kinh doanh phân bón.
Điều kiện để được áp dụng các quy định tại Thông tư này là: Các ngành nghề nêu trên phải được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và thực tế có hoạt động kinh doanh; Việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp đã thực hiện chế độ kế toán hóa đơn, chứng từ và thực hiện đăng ký nộp thuế theo kê khai.

Thời gian gia hạn, kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từng quý được xác định như sau: Số thuế của quý I/2009 được gia hạn nộp thuế chậm nhất đến hết ngày 30/01/2010; Số thuế quý II/2009 được gia hạn chậm nhất đến hết 30/4/2010; Số thuế của quý III/2009 được gia hạn chậm nhất đến h
ết 30/7/2010; Số thuế của quý IV/2009 được gia hạn chậm nhất đến hết 30/10/2010.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký, và được áp dụng từ kỳ khai thuế thu nhập doanh nghiệp quý I/2009.
 

 BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI


Bảo hiểm thất nghiệp (SMS: 531689) - Nhằm hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định sô 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp, ngày 22/01/2009, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH.
Theo hướng dẫn tại Thông tư, mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp do không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định thì sáu tháng liền kề để tính mức trợ cấp thất nghiệp là bình quân của sáu tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và tổng thời gian tối đa được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được thực hiện như sau: 03 tháng, nếu có từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 06 tháng, nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 12 tháng, nếu có từ đủ 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên.
Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng mức bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trích 1% tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của từng người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động có mức tiền lương, tiền công tháng cao hơn 20 tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (hiện nay là 540.000 đồng/tháng; tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bằng 10.800.000 đồng/tháng). Khi mức lương tối thiểu chung được điều chỉnh thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ thay đổi theo quy định trên.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009.
 

 LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - NỘI VỤ


Thuế thu nhập cá nhân đối với người làm cơ yếu (SMS: 531737) - Ngày 02/02/2009, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 19/2009/TTLT-BTC-BNV, hướng dẫn chế độ thu nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với ngiười làm việc trong tổ chức cơ yếu.
Theo đó, những người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư liên tịch này gồm: các đối tượng hưởng lương trong các cơ quan, đơn vị, công ty quốc phòng - an ninh thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ và người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân đang công tác tại các Bộ, ngành và các địa phương có thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền, nhận được từ các cơ quan, đơn vị, công ty quốc phòng - an ninh thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; các Bộ, ngành và các địa phương (gọi tắt là đơn vị trả thu nhập).
Cũng theo Thông tư liên tịch này, khoản phụ cấp quốc phòng, an ninh mang tính đặc thù của ngành cơ yếu không tính vào thu nhập chịu thuế gồm: Phụ cấp thâm niên nghề cơ yếu; Phụ cấp quốc phòng, an ninh đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Phụ cấp trách nhiệm công việc bảo vệ cơ mật mật mã; Phụ cấp trách nhiệm công việc cơ yếu khác; Các khoản phụ cấp đặc thù an ninh, quân sự khách trong ngành cơ yếu (nếu có).
Đối tượng hưởng lương trong các cơ quan, đơn vị, công ty quốc phòng - an ninh thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ tạm thời chưa phải đăng ký thuế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký, và áp dụng đối với việc thu và nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu kể từ ngày 01/01/2009.