Số 05.2008 (361) ngày 01/02/2008

 CHÍNH PHỦ


An toàn trong dịp Tết nguyên đán
(SMS: 502898)
- Ngày 29/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 169/CĐ-TTg về việc kiên quyết không để gia tăng tai nạn giao thông, đốt pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý.
Thủ tướng yêu cầu: thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm bảo đảm cho nhân dân đón Tết Mậu Tý năm 2008 an toàn, vui tươi, tiết kiệm…
Lực lượng công an, cảnh sát thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, kiên quyết không để tình trạng tai nạn giao thông gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán…
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc những trường hợp buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo các loại, kiên quyết không để tái diễn tình trạng đốt pháp nổ như trong những ngày Tết Nguyên đán năm 2007…
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 11/2/2008.


Bảng giá cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước
(SMS: 502918)
- Ngày 28/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2008/QĐ-TTg ban hành bảng giá chuẩn cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước chưa được cải tạo, xây dựng lại.
Theo đó, giá chuẩn cho thuê đối với biệt thự cấp I, II, III, IV thuộc sở hữu nhà nước mà chưa được cải tạo, xây dựng lại  lần lượt ở mức 11.300 đồng, 13.500 đồng, 15.800 đồng và 24.800 đồng/m2/tháng, còn đối với nhà ở thông thường, giá thuê nhà cấp I, II, III, IV lần lượt ở mức 6.800 đồng, 6.300 đồng, 6.100 đồng và 4.100 đồng/m2/tháng.
Người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên; Thân nhân của liệt sỹ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hàng ngày; những người sống cô đơn, không nơi nương tựa được miễn tiền thuê nhà ở…
Bên cạnh đó, giảm 90% tiền thuê nhà ở cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61 đến 80%.
Người được miễn, giảm tiền thuê nhà ở phải là người có tên trong hợp đồng thuê nhà ở. Trường hợp một người thuộc đối tượng được hưởng nhiều chế độ miễn, giảm tiền thuê nhà ở thì được áp dụng mức cao nhất. Nếu một hộ gia đình có từ 2 người trở lên thuộc diện được giảm tiền thuê nhà thì được miễn tiền thuê nhà ở.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo
(SMS: 502846)
- Theo Chỉ thị số 04/2008/CT-TTg ra ngày 25/01/2008, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: địa phương nào để xảy ra hiện tượng tiêu cực, thất thoát lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn của Chương trình, không hoàn thành kế hoạch được giao thì Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, thúc đẩy, khuyến khích ý chí quyết tâm vượt nghèo của mọi người dân; tiếp tục nghiên cứu tạo thêm các chính sách khuyến khích các hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhất là ở các xã nghèo, vùng nghèo và từng hộ nghèo, người nghèo.
Tăng cường phân cấp cho cơ sở, tạo sự chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động của các chương trình giảm nghèo; không lấy lý do năng lực cán bộ xã yếu để trì hoãn việc phân cấp.
Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng nghèo; nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Từng bước cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo thông qua các chính sách, chương trình y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, nhà ở, đất ở, hạ tầng phục vụ dân sinh; từng bước thu hẹp dần chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.


Quy định về vay vốn kinh doanh
(SMS: 502900)
- Ngày 23/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm.
Theo đó, dự án có mức vay trên 30 triệu đồng mới phải có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định hiện hành hoặc bảo đảm tiền vay (quy định trước đây: các dự án phải có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định của pháp luật)…
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay mức tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án và không quá 20 triệu đồng/1 lao động được thu hút mới…
Đối tượng vay vốn khi có nhu cầu vay vốn phải xây dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội ở địa phương thay vì theo hướng dẫn của cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc tổ chức thực hiện chương trình ở địa phương như trước đây. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định bảo đảm các chỉ tiêu về tạo việc làm mới và bảo tồn vốn, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án…
Ngoài ra, đối với nợ quá hạn không phải do các nguyên nhân bất khả kháng và không thuộc đối tượng được giải quyết cho gia hạn nợ, người vay vốn phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi. Đến hạn cuối cùng, người vay không làm thủ tục đề nghị và không được cho gia hạn nợ thì sẽ chuyển sang nợ quá hạn…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
(SMS: 502894)
- Ngày 22/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020”.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học trở thành một ngành kinh tế-kỹ thuật mũi nhọn, có vai trò quan trọng, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cụ thể, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch là tập trung nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ gien, công nghệ tế bào, công nghệ vi nhân giống, vi sinh, công nghệ enzym và protein, công nghệ di truyền... để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới, có đặc tính ưu việt, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học trong lĩnh vực y-dược để tạo ra các sản phẩm y-dược mới, hiệu quả chữa bệnh cao, các dịch vụ y học công nghệ cao nhằm phòng, chống hữu hiệu các loại dịch bệnh nguy hiểm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng về chăm sóc sức khỏe của người dân. Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, xử lý các chất thải ô nhiễm, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, sản xuất nhiên liệu sinh học phục vụ mục tiêu sản xuất sạch hơn và bảo đảm an ninh năng lượng…
Theo kế hoạch, giai đoạn 2006 - 2010 đào tạo được trên 8.000 cán bộ khoa học có trình độ đại học và sau đại học về công nghệ sinh học, trong đó có 200 tiến sĩ, 800 thạc sĩ, gửi đi đào tạo ở nước ngoài khoảng 100 lượt người; đào tạo ở trong nước được 3.000 kỹ thuật viên. Đến 2011 - 2015 đào tạo được trên 12.000 cán bộ khoa học có trình độ đại học và sau đại học.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ Y TẾ


ng cường công tác khám chữa bệnh
(SMS: 502899)
- Ngày 28/01/2008, Bộ Y tế đã ra Công văn số 620/BYT-KCB về việc tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Mậu Tý.
Bộ
Y tế yêu cầu: Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế và Trung tâm y tế các ngành c
ó kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các bệnh viện. Tổ chức trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa phòng. Xây dựng kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.
Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân: bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào; nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh/người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hoà nhã, thực hiện đúng các quy chế, quy trình chuyên môn kỹ thuật.


Quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc
(SMS: 502833)
- Theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT ban hành ngày 21/01/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định: các đơn vị cấp cứu 115, cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước và tư nhân phải đảm bảo 24/24 giờ công tác cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc.
Trong tất cả các trường hợp cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, các cán bộ y tế phải khẩn trương thực hiện nhiệm vụ theo mức độ ưu tiên, không được gây khó khăn về thủ tục hành chính, không được đùn đẩy người bệnh, bị nạn.
Đối với cấp cứu 115, nếu địa phương nào chưa có điều kiện thành lập trung tâm cấp cứu 115 thì trước mắt thành lập tổ cấp cứu 115 thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh. Bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã phải thành lập tổ cấp cứu ngoài bệnh viện. Mỗi kíp cấp cứu gồm 1 bác sỹ (hoặc 1 y sỹ), 1-2 điều dưỡng, 1 người điều khiển phương tiện vận chuyển cấp cứu.
Các cơ sở khám chữa bệnh tuyệt đối không được từ chối đùn đẩy người bệnh khi cấp cứu 115 chuyển đến, phải khẩn trương tiếp nhận người bệnh.
Khi người bệnh cấp cứu phải chuyển tuyến, cần kiểm tra tình trạng người bệnh trước khi chuyển và chuẩn bị sẵn sàng phương tiện dụng cụ để cấp cứu người bệnh trên đường vận chuyển. Đối với người bệnh nặng phải có bác sỹ, điều dưỡng cấp cứu đi kèm; không chuyển viện khi người bệnh có nguy cơ tử vong cao.
Trường hợp người bệnh đột tử hoặc nghi ngờ là án mạng liên quan tới pháp luật thì giữ nguyên hiện trường, phối hợp với thân nhân người bệnh mời cơ quan công an đến giải quyết.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


Quy định đối với giáo viên mầm non
(SMS: 502885)
- Ngày 22/01/2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 02/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, gồm một hệ thống 15 yêu cầu cơ bản về 3 lĩnh vực: phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; kiến thức; kỹ năng sư phạm mà giáo viên mầm non cần phải đạt được nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục mầm non.
Cụ thể, các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, giáo viên mầm non ngoài việc tham gia hoạt động xây dựng bảo vệ quê hương, đất nước, góp phần phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, cộng đồng thì yêu cầu cơ bản là phải giáo dục trẻ yêu thương, lễ phép với ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi, thân thiện với bạn bè và biết yêu thương...
Ngoài ra, giáo viên mầm non cũng phải đáp ứng tiêu chí sống trung thực, lành mạnh, giản dị, gương mẫu, được đồng nghiệp, người dân tín nhiệm và trẻ yêu quý; tự học, phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và thường xuyên rèn luyện sức khỏe.
Phải chăm sóc giáo dục trẻ bằng tình thương yêu, sự công bằng và trách nhiệm của một nhà giáo. Bên cạnh đó, về kiến thức, cũng cần có hiểu biết cơ bản về đặc điểm tâm lý, sinh lý của trẻ, về an toàn, phòng tránh và xử lý ban đầu các tai nạn thường gặp ở trẻ. Kỹ năng giao tiếp, ứng xử với trẻ, kỹ năng quản lý lớp học cũng là yêu cầu đối với nghề nghiệp này.
Giáo viên mầm non sẽ được đánh giá trên 4 mức độ: Tốt, Khá, Trung bình và Kém. Bị xếp loại Kém nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người khác, an toàn tính mạng của trẻ; ép buộc trẻ học thêm để thu tiền; vắng mặt không có lý do chính đáng trên 60% tổng số thời lượng học tập bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trên 60% các cuộc sinh hoạt chuyên môn định kỳ…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN  HÀNG NHÀ NƯỚC


Tăng cường chỉ đạo công tác thanh lý Quỹ tín dụng nhân dân
(SMS: 502901)
- Theo Chỉ thị số 01/2008/CT-NHNN ra ngày 29/01/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu: triển khai Phương án miễn, giảm lãi tiền vay đối với khách hàng vay vốn tại Quỹ tín dụng nhân dân đang thanh lý trên cơ sở khả năng thu nợ thực tế.
Việc miễn, giảm được xử lý theo nguyên tắc: Khách hàng bị tổn thất về tài sản có liên quan đến vốn vay dẫn đến bị khó khăn về tài chính; Việc miễn, giảm lãi và mức độ miễn, giảm lãi được thực hiện trên cơ sở khách hàng trả đủ số nợ gốc nhằm khuyến khích khách hàng trả nợ, tận thu các khoản nợ vay.
Phương pháp miễn, giảm lãi tiền vay phải được Ngân hàng chi nhánh tỉnh, thành phố phê duyệt và báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét chấp thuận cho phép triển khai thực hiện…

Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.