Số 05.2007 (310) ngày 02/02/2007

 CHÍNH PHỦ


Giám sát các hoạt động chứng khoán
(SMS: 202363)
- Ngày 29/01/2007, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 20/TB-VPCP về ý kiến Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về tăng cường quản lý giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán.
Thủ tướng chỉ đạo: sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải theo lộ trình phù hợp với cam kết quốc tế và điều kiện kinh tế - xã  hội của nước ta. Trước mắt chưa điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam...
Các cơ quan chức năng cần chỉ đạo tăng cường giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán, trước hết là: Phát triển thị trường các giao dịch chính thức, tăng cường quản lý các công ty đại chúng nhằm thu hẹp thị trường phi tập trung (OTC); Giám sát các hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán, đặc biệt đối với các quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài phải bảo đảm hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật về tỷ lệ cổ phiếu, công bố thông tin và các quy định hiện hành khác; đồng thời, phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm; chỉ cho phép thành lập các quỹ đầu tư chứng khoán đủ điều kiện; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế kiểm soát luồng tiền để giám sát hoạt động đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam; Giám sát hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư, tư vấn định giá doanh nghiệp để các hoạt động dịch vụ này thực sự có chất lượng, phản ảnh trung thực và là hoạt động có độ tin cậy cao đối với các nhà đầu tư chứng khoán...


Nhiệm vụ kế hoạch năm 2007
(SMS: 202362)
- Ngày 26/01/2007, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 19/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách Nhà nước năm 2007.
Các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư từ các thành phần kinh tế, phấn đấu đầu tư toàn xã hội chiếm tỷ trọng cao hơn 40% GDP; chỉ đạo mạnh để tranh thủ mùa khô triển khai sớm các dự án xây dựng cơ bản trọng điểm (nhất các dự án nhóm A); đổi mới thủ tục phê duyệt dự án và khắc phục những nguyên nhân làm chậm tiến độ công trình...
Các doanh nghiệp nhà nước cần chủ động đầu tư trên cơ sở nguồn vốn tự có và huy động vốn ở thị trường chứng khoán, không quá trông chờ vốn từ ngân sách nhà nước hay từ vay ưu đãi. Vốn ngân sách dành để đầu tư ở các địa phương, nguồn vốn này phải được quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí. Các địa phương cần đầu tư có trọng điểm, không dàn trải và dành một phần để trả nợ đã ứng trước...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính cần tăng cường các biện pháp quản lý và kiểm soát theo hướng tạo điều kiện để hoạt động thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ hơn, bảo đảm lành mạnh, đúng hướng...
Các địa phương phải gắn việc thu hồi đất với việc tái định cư, giải quyết việc làm cho nhân dân; cần nghiên cứu giảm nhẹ việc đóng góp của dân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (làm đường, trường học...)...


Quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ
(SMS: 20726)
- Ngày 26/01/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2007/NĐ-CP quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ.
Nghị định quy định việc quy tập, an táng hài cốt liệt sĩ đối với hài cốt xác định được tên, quê quán liệt sĩ: đơn vị quy tập có trách nhiệm bàn giao về địa phương theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ; trường hợp hài cốt liệt sĩ không còn thân nhân thì bàn giao về địa phương quê quán của liệt sĩ. Đối với những hài cốt chưa xác định được tên, quê quán liệt sĩ: đơn vị quy tập bàn giao cho UBND cấp tỉnh nơi quy tập hài cốt liệt sĩ. Đối với hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam chưa xác định được tên, quê quán: đơn vị quy tập bàn giao cho UBND cấp tỉnh đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND cấp tỉnh thống nhất. UBND các cấp có trách nhiệm tiếp nhận hài cốt liệt sĩ, tổ chức trọng thể lễ truy điệu và an táng hài cốt.. Các công trình ghi công liệt sĩ được xây dựng đảm bảo mỹ quan, bền vững, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương; mộ liệt sĩ trong nghĩa trang phải được lập danh sách, sơ đồ và quản lý theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội...
Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, Hải đảo và các tỉnh có ngân sách còn khó khăn...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện
(SMS: 20725)
- Theo Nghị định số 15/2007/NĐ-CP ban hành ngày 26/01/2007, Chính phủ quy định: việc tính điểm để phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện dựa theo các tiêu chí: dân số, diện tích tự nhiên, và các yếu tố đặc thù. Tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương được phân làm 4 loại: loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III. Đơn vị hành chính cấp huyện được phân làm 3 loại: loại I, loại II và loại III. Thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt) được công nhận là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I. Đây là các trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh của vùng và khu vực; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ liên tỉnh hoặc khu vực...
Việc phân loại này nhằm bảo đảm sự ổn định của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước ở địa phương; làm căn cứ để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện; và làm cơ sở để xây dựng chế độ chính sách đối với cán bộ công chức phù hợp với từng loại đơn vị hành chính...

Về việc điều chỉnh việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện: sau 05 năm kể từ ngày quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện có hiệu lực thi hành, UBND cấp tỉnh và huyện đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh việc phân loại đơn vị hành chính. Trường hợp đơn vị hành chính có biến động về dân số, diện tích, yếu tố đặc thù đủ điều kiện để phân loại thì Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định điều chỉnh việc phân loại đơn vị hành chính cấp huyện...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
(SMS: 202374)
- Ngày 25/01/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020".
Theo Quyết định này, mục tiêu đến năm 2010 phải nghiên cứu tạo ra các công nghệ sinh học (CNSH) tiên tiến ở trong nước, sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm enzym (kể cả enzym tái tổ hợp), các chế phẩm vi sinh, các hoạt chất sinh học đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến. Xây dựng và phát triển mạnh CNSH phục vụ lĩnh vực công nghiệp chế biến để sản xuất quy mô công nghiệp các sản phẩm chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu...
Giai đoạn 2011 - 2015, sẽ ứng dụng mạnh mẽ các CNSH hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; tiếp cận, làm chủ và phát triển nhanh công nghệ sinh học hiện đại để tạo ra các chủng vi sinh vật mới có chất lượng tốt, hiệu suất lên men cao và ổn định trong sản xuất ở quy mô công nghiệp; sản xuất được các enzym tái tổ hợp. Phát triển mạnh và bền vững ngành CNSH phục vụ lĩnh vực công nghiệp chế biến, tạo lập thị trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến sẽ đóng góp từ 20 - 25% tổng số đóng góp của khoa học và công nghệ vào giá trị gia tăng của ngành công nghệ chế biến, đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt trên 40%...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Cơ quan phòng chống tham nhũng
(SMS: 202377)
- Ngày 24/01/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2007/QĐ-TTg về thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và Quy chế hoạt động của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là cơ quan hoạt động chuyên trách, giúp việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; có chức năng tham mưu, tổ chức phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và Trưởng Ban Chỉ đạo...
Văn phòng Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch, báo cáo công tác của Ban và Trưởng Ban; tham gia ý kiến về các chương trình, kế hoạch, đề án, dự thảo văn bản có liên quan đến phòng, chống tham nhũng; tiến hành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật  về phòng, chống tham nhũng. Văn phòng Ban Chỉ đạo tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo đôn đốc hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết tố cáo, kiến  nghị, phản ánh, khiếu nại và xử lý các thông tin về tham nhũng; kiểm tra việc quản lý, cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình và công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo việc xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này...
Cơ cấu tổ chức của Văn phòng Ban Chỉ đạo gồm: Chánh Văn phòng, một số Phó Chánh văn phòng và 8 Vụ chức năng trong đó có 4 Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng cũng như trực tiếp xử lý các vụ tham nhũng nghiêm trọng và mọi tố cáo, khiếu nại về tham nhũng...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
(SMS: 202373)
- Theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/01/2007, hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được chia thành 5 cấp. Cụ thể, hệ thống ngành kinh tế cấp 1 gồm 21 ngành như nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; xây dựng; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động của tổ chức chính trị-xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; hoạt động dịch vụ khác; hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình; hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế...
Các ngành cấp 2,3,4 và 5 là những ngành cụ thể hoá các ngành tương ứng ở cấp trên, trong đó cấp 2 gồm 88 ngành, cấp 3 gồm 242 ngành, cấp 4 gồm 437 ngành và cấp 5 gồm 642 ngành...

Quyết đinh này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ XÂY DỰNG


Quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước
(SMS: 202389)
- Ngày 31/01/2007, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2007/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung của Quy chế quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 213/2006/QĐ-TTg.
Theo đó, nơi làm việc của các cơ quan trong công sở liên cơ quan được bố trí theo mặt bằng thiết kế từng khu vực đảm bảo sử dụng có hiệu quả và thuận tiện trong điều hành công việc của từng cơ quan...
Phần sử dụng chung trong công sở liên cơ quan bao gồm: phần diện tích và các trang thiết bị được dùng chung cho các cơ quan trong công sở đó như hội trường, phòng họp, nơi để xe, khu vệ sinh chung, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, bể nước, bể phốt, sân vườn, bồn hoa cây cảnh... được cấp trên trực tiếp giao cho 1 cơ quan cùng làm việc trong công sở liên cơ quan làm đại diện và chịu trách nhiệm quản lý...
Quyền của các cơ quan trong sử dụng phần sử dụng chung: được sử dụng hội trường, phòng họp để tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo...; cơ quan có nhu cầu sử dụng hội trường, phòng họp đều phải lập kế hoạch và đăng ký trước 05 ngày với cơ quan quản lý phần sử dụng chung để được bố trí sử dụng theo kế hoạch, trừ trường hợp đột xuất;...
Các dự án đầu tư cải tạo, xây dựng mới công sở các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư đều phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về nhà công sở trước khi triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng mới công sở...

Thông tư có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG


Bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ bưu chính
(SMS: 202388)
- Ngày 30/01/2007, Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông đã ban hành Quyết định số 02/2007/QĐ-BBCVT về việc quy định mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát.
Theo đó, trường hợp vật gửi bị mất hoặc hư hại hoàn toàn đối với dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát trong nước: Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu là 04 lần cước của từng loại dịch vụ đã sử dụng; Đối với chuyển phát quốc tế: 14 USD/kg (được tính theo từng nấc khối lượng 100 gram, phần lẻ được tính bằng 100 gram) cộng với hoàn trả lại cước của từng loại dịch vụ đã sử dụng...
Đối với dịch vụ khai giá, dịch vụ có bảo hiểm hoặc dịch vụ do người sử dụng và doanh nghiệp tự thỏa thuận, việc bồi thường thiệt hại tuân theo các quy định riêng do doanh nghiệp quy định hoặc tuân theo các thỏa thuận...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.