Số 05.2006 (259) ngày 10/02/2006

 CHÍNH PHỦ


Phòng, chống tham nhũng
(SMS: 201435)
- Ngày 06/02/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Mục tiêu của Chương trình là: khắc phục và đẩy lùi tình trạng tham nhũng đang diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay; Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức và của mỗi công dân về công tác phòng, chống tham nhũng; Định hướng cho các cấp, các ngành xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; đưa công tác phòng, chống tham nhũng thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thủ tường yêu cầu: các Bộ, ngành, địa phương phải hệ thống hoá những quy định về thủ tục, giấy tờ cần thiết và thời hạn giải quyết đối với từng loại công việc, công bố công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng và nơi công sở để làm căn cứ cho nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện...
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến tháng 10/2006, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phải hoàn thành việc soạn thảo "Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn" và "Quy chế chi tiết việc tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng của cán bộ công chức, viên chức" trình Thủ tướng quyết định...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
(SMS: 201430)
- Ngày 27/01/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2006/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003.
Theo đó, cho phép tất cả các đối tượng được ghi nợ số tiền sử dụng đất (trước đây chỉ cho phép ghi nợ đối với những đối tượng gia đình kinh tế khó khăn) và chỉ phải nộp cho Nhà nước số tiền còn nợ khi phát sinh thu nhập (chuyển nhượng, cho thuê...). Không chỉ cho ghi nợ các nghĩa vụ tài chính khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, Nghị định còn cho phép ghi nợ thuế chuyển mục đích sử dụng đất trong trường hợp chuyển đất nông nghiệp thành đất ở tại khu vực nông thôn... Việc ghi nợ được tính bằng tiền, theo giá đất tại thời điểm ghi nợ.
Khi thực hiện thu hồi đất nông nghiệp của nông dân, các địa phương phải đền bù bằng đất nông nghiệp, trong trường hợp không có đất nông nghiệp phải đền bù bằng đất phi nông nghiệp, phương án cuối cùng mới tính đến đền bù bằng tiền. Quy định này đặc biệt quan trọng trong trường hợp thu hồi đất để làm các khu công nghiệp. Nếu địa phương không còn đất nông nghiệp để đền bù cho người mất đất có thể đền bù cho họ bằng đất dịch vụ xung quanh khu công nghiệp, tạo điều kiện trực tiếp cho những nông dân này chuyển đổi nghề nghiệp. "Trong trường hợp buộc phải đền bù bằng tiền thì địa phương phải có phương án cụ thể về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân"...
Trong trường hợp giá UBND tỉnh, thành phố quy định thấp hơn giá thị trường thì phải thành lập hội đồng định giá để đảm bảo nguyên tắc giá đền bù bằng giá thị trường tại thời điểm tính giá...
Các dự án phát triển nhà tại các thành phố và thị xã vẫn tiếp tục không được phép chia lô bán nền nhưng cho phép các chủ đầu tư ở khu vực này có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án cho chủ đầu tư thứ cấp...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
(SMS: 201431)
- Ngày 26/01/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nội dung chính của Chương trình là Công khai hóa, tạo điều kiện kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mục tiêu nhằm ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và của công dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố phải tổng rà soát các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng và tài sản công khác. Thủ tướng yêu cầu tạm dừng việc mua sắm mới phương tiện đi lại ở cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước kể từ ngày 1/6/2006...
Quyết đinh này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Đền bù thiệt hại
(SMS: 201434)
- Ngày 25/01/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2006/NĐ-CP quy định về việc khôi phục danh dự, đền bù, trợ cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do tham gia bảo vệ an ninh quốc gia.
Theo đó, đối tượng bị tổn hại về danh dự có quyền đề nghị trực tiếp hoặc gửi đơn đến cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia liên quan nơi mình cư trú, đề nghị được khôi phục danh dự. Đề nghị cần trình bày rõ nội dung sự việc, kèm theo giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh (nếu có) để làm căn cứ xem xét, giải quyết. Trường hợp cần bổ sung tài liệu làm căn cứ xem xét, quyết định khôi phục danh dự thì cơ quan nhận đơn phải hướng dẫn đối tượng bị tổn hại về danh dự thu thập, cung cấp, bổ sung tài liệu hoặc tự thu thập, bổ sung...

Nếu tài sản bị thiệt hại có khả năng phục hồi nguyên trạng thì được phục hồi, nếu không phục hồi được nguyên trạng thì được đền bù. Giá trị tài sản bị thiệt hại được xác định theo giá thị trường của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm tài sản bị thiệt hại, trừ đi phần khấu hao tài sản...
Khi nhận được đề nghị hoặc đơn của đối tượng bị thiệt hại về tài sản do tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trong thời hạn chậm nhất sau 15 ngày, cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia nhận đề nghị hoặc đơn có trách nhiệm giải quyết...

Người bị thiệt hại về sức khoẻ tối đa không vượt quá 50 triệu đồng...

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Xác định giá trị quyền sử dụng đất
(SMS: 201433)
- Ngày 24/01/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2006/NĐ-CP về xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của các tổ chức được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Theo đó, trường hợp tổ chức được giao đất không thu tiền sử dụng đất, được tặng cho quyền sử dụng đất thì giá trị quyền sử dụng đất được xác định bằng diện tích đất nhân với giá đất...
Trường hợp tổ chức được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn nộp tiền sử dụng đất thì giá trị quyền sử dụng đất được xác định bằng diện tích đất được giao nhân với giá đất theo mục đích sử dụng đất và thời hạn giao đất...
Đối với các tổ chức, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức sự nghiệp công, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức khác, giá trị quyền sử dụng đất tính thành tiền là giá trị tài sản cố định được tính trong giá trị tài sản của cơ quan, đơn vị và là tài sản nhà nước tại tổ chức...
Đối với công ty nhà nước, giá trị quyền sử dụng đất được tính thành tiền trong giá trị tài sản và là một bộ phận vốn của Nhà nước giao. Công ty có trách nhiệm bảo toàn diện tích và thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất, được thực hiện chủ yếu bằng hình thức đấu giá hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bán chỉ định)...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.


Quy định về hoạt động mua bán hàng hoá với nước ngoài
(SMS: 201432)
- Ngày 23/01/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Theo đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch động thực vật, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng trước khi thông quan...

Ô tô các loại đã qua sử dụng được nhập khẩu phải bảo đảm điều kiện: loại đã qua sử dụng không quá 05 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu.

Các mặt hàng nhập khẩu mà Nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu, chỉ được tái xuất khẩu thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Hàng hóa tạm nhập tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá một trăm hai mươi ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn thương nhân có văn bản gửi Cục hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục đề nghị gia hạn; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá ba mươi ngày và không quá hai lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất. Hàng tạm nhập tái xuất phải làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào Việt Nam và chịu sự giám sát của hải quan cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2006.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Sửa đổi thuế suất hàng hoá nhóm 2710
(SMS: 19169)
- Theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTC ban hành ngày 24/01/2006, về việc sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu của một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (áp dụng cho các Tờ khai nhập khẩu nộp cho Hải quan từ ngày 26/01/2006), Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định: các mặt hàng sau: xăng động cơ không pha chì, có pha chì, loại cao cấp, loại thông dụng, xăng máy bay, dung môi trắng (white spirit), dung môi có hàm lượng chất thơm dưới 1%... áp dụng mức thuế suất mới là 5% (quy định trước đây: 10)...; Dầu hoả thắp sáng, Dầu hoả khác, kể cả dầu hoá hơi: 0%...
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ NỘI VỤ


Giải quyết khiếu nại Quyết định kỷ luật công chức
(SMS: 19160)
- Ngày 13/01/2006, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01/2006/TT-BNV hướng dẫn chi tiết việc giải quyết khiếu nại Quyết định kỷ luật công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Theo đó, trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải gặp gỡ đối thoại trực tiếp với công chức khiếu nại hoặc người đại diện theo pháp luật, người có quyền và nghĩa vụ có liên quan (nếu có) để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của công chức khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc gặp gỡ đối thoại phải được tiến hành công khai, dân chủ...

Công chức được khiếu nại tiếp đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; công chức bị kỷ luật buộc thôi việc, sau khi khiếu hại mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu vẫn giữ nguyên hình thức kỷ luật đó thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về tố tụng hành chính...

Nếu quyết định giải quyết khiếu nại kết luận quyết định xử lý kỷ luật công chức là oan thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực, người đứng đầu cơ quan nơi công chức làm việc có trách nhiệm công bố công khai kết luận trên đến toàn thể cán bộ, công chức đồng thời phải có trách nhiệm bồi hoàn những quyền lợi chính đáng đối với công chức bị kỷ luật oan theo quy định của pháp luật...

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quản lý ngoại hối
(SMS: 19175)
- Ngày 25/01/2006, Ngân hàng Nhà nước đã ra Công văn số 497/NHNN-QLNH3 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 131/2005/NĐ-CP ngày 18/10/2005 của Chính phủ.
Theo đó, đối với mục đích trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài, Ngân hàng được phép xem xét cho mua, chuyển, mang ngoại tệ theo mức bình quân là 7.000USD/người/năm. Trường hợp đặc biệt, Ngân hàng được phép có thể xem xét giải quyết theo mức cao hơn nếu người đề nghị xuất trình được các giấy tờ chứng minh nhu cầu vượt mức nêu trên là cần thiết, hợp lý.

Đối với trường hợp công dân Việt Nam có nhu cầu mang ngoại tệ với số lượng vượt mức phải khai báo Hải quan cửa khẩu, Ngân hàng được phép xác nhận việc mang ngoại tệ ra nước ngoài trên cơ sở giấy đề nghị của người có nhu cầu ghi rõ số tiền, mục đích sử dụng để làm căn cứ xuất trình cho Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh...