Quản lý cấp và tiêu thụ nước sạch - Ngày 20/01/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 04/2004/CT-TTg, về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch. Theo đó, công tác cấp nước hiện nay còn nhiều khó khăn, cấp nước đô thị mới chỉ đảm bảo cho khoảng 60% dân số với mức tiêu thụ bình quân 80 - 90 lít/người/ngày, trong khi đó tỷ lệ thất thoát, thất thu nước vẫn còn cao, bình quân 36%... Thủ tướng chỉ thị: Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng trong quý I/2004 đề án "Đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước" theo hướng chuyển các doanh nghiệp cấp nước sang hoạt động kinh doanh có hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ, tránh tình trạng độc quyền, khép kín... Ngoài ra, Thủ tướng còn giao nhiệm vụ cho một số bộ ngành khác thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Điều chỉnh mức lương hưu - Ngày 19/01/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2004/NĐ-CP, về việc điều chỉnh mức lương hưu của người nghỉ hưu trước tháng 4/1993, có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Theo quy định tại Nghị định này, kể từ ngày 01/01/2004, tăng thêm 7% mức lương hưu hiện hưởng đối với: công nhân, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người hưởng tiền lương theo thang bảng lương của lực lượng vũ trang nghỉ hưu... Đối với người giữ chức vụ lãnh đạo hưởng lương theo cấp hàm khi nghỉ hưu ngoài mức tăng thêm 7% còn được điều chỉnh tăng thêm 2% mức lương hưu hiện hưởng... Đổi mới cơ chế quản lý tài chính - Ngày 15/01/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2004/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công giai đoạn 2004 - 2005. Chương trình nhằm vào những mục tiêu sau: Phân phối, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả, công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ; phân cấp quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công rõ ràng, cụ thể giữa trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và các thành phần kinh tế khác; đa dạng hóa nguồn tài chính (từ ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước, từ trong nước và ngoài nước), bảo đảm yêu cầu hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công; tạo điều kiện cho các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công sắp xếp tổ chức bộ máy hợp lý, tinh giản biên chế nhà nước, thực hiện hợp đồng lao động, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. |
Thu thuế chuyển quyền sử dụng đất - Theo Công văn số 1069/TC/TCT ra ngày 04/02/2004, Bộ Tài chính chỉ đạo: Đối với các cơ sở kinh doanh (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) thực hiện chuyển quyền sử dụng đất (CQSDĐ) trước ngày 01/01/2004 thì nộp thuế CQSDĐ theo quy định của Luật thuế CQSDĐ; nếu thực hiện CQSDĐ từ ngày 01/01/2004 trở đi nộp thuế theo quy định của Luật thuế TNDN... Đối với các hộ gia đình, cá nhân CQSDĐ (không phân biệt chuyển trước hay sau ngày 01/01/2004) tiếp tục thực hiện nộp thuế CQSDĐ theo quy định của Luật thuế CQSDĐ và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế CQSDĐ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thuế CQSDĐ hiện hành...
Hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống gốc - Ngày 16/01/2004, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2004/TTLT-BTC-BNN, hướng dẫn chế độ hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống gốc. Đơn giá hỗ trợ được tính theo: Đơn giá hỗ trợ cho sản phẩm giống (bằng Chi phí chăn nuôi một con giống gốc trừ Dự kiến doanh thu bán sản phẩm của một con giống gốc) chia cho Số lượng sản phẩm giống sản xuất theo định mức của một con giống gốc. Riêng đối với cơ sở sản xuất tinh, phôi gia súc lớn và trứng tằm thì ngoài các chi phí chăn nuôi nêu trên còn cộng thêm chi phí bảo quản tinh, phôi tại ngân hàng tinh, phôi và trứng tằm trong năm... Mức hỗ trợ được áp dụng trong 3 năm kể từ năm thông báo. Sau 3 năm, nếu giá con giống trên thị trường có biến động tăng bình quân trên 15% thì cơ quan quản lý ngành và cơ quan tài chính cùng cấp sẽ xem xét lại mức hỗ trợ... Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Phí kiểm định xe cơ giới - Ngày 15/01/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 13/2004/QĐ-BTC, về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Quyết định số 10/2003/QĐ-BTC, về việc ban hành mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng xe cơ giới và các loại thiết bị, xe máy chuyên dùng.
Quyết định này bổ sung thêm các đối tượng sau phải nộp phí kiểm định: các tổ chức, cá nhân kiểm định chất lượng động cơ của môtô và động cơ của xe gắn máy nhập khẩu... Đối với xe cơ giới và các thiết bị, xe máy chuyên dùng phải duyệt thiết kế, phí duyệt thiết kế được tính bằng 8% giá thiết kế, mức thu phí tối thiểu là 500.000 đồng/1 thiết kế (trước đây chỉ có quy định phí duyệt thiết kế 8%)... Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Quản lý giá hàng hóa, dịch vụ - Ngày 30/01/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 05/2004/TT-BTC, hướng dẫn quản lý giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ quyết định mức giá, mức trợ giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao nhiệm vụ cho các đơn vị sản xuất mà không qua hình thức đấu thầu, đấu giá được thanh toán từ ngân sách trung ương. Nguyên tắc xác định giá thanh toán, mức trợ giá được xác định như sau: Đối với hàng hóa, dịch vụ đã có lưu thông trên thị trường, mức giá thanh toán là giá bán buôn đang giao cho các đơn vị lưu thông tại thời điểm giao hàng; đối với hàng hóa, dịch vụ chưa có lưu thông trên thị trường (hàng sản xuất đơn chiếc, hàng sản xuất hoặc nhập khẩu lần đầu mà trên thị trường chưa có), mức giá thanh toán sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí hợp lý và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật... |
Áp dụng giá tính thuế tối thiểu - Theo Công văn số 393/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan ra ngày 04/02/2004, Danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế và bảng giá tối thiểu được áp dụng cho tất cả các hàng hóa nhập khẩu (kể cả hàng hóa nhập khẩu trực tiếp để sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng áp dụng Thông tư 118/2003/TT-BTC). Bảng giá không thuộc Danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế không áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng Thông tư 118/2003/TT-BTC...
Áp mã mặt hàng thép chữ V - Ngày 03/02/2004, Tổng cục Hải quan đã ra Công văn số 358/TCHQ-GSQL, về việc áp mã mặt hàng thép và xử lý thuế nhập khẩu. Theo đó, mặt hàng thép hình chữ V đều cạnh, góc vuông các loại kích cỡ, không gia công quá mức cán nóng, kéo nóng hoặc ép đùn, tùy theo chiều cao và hàm lượng các-bon chứa sản phẩm để xếp vào các mã số thích hợp sau: 7216.21.00; 7216.40.11; 7216.40.19... Mặt hàng thép hình chữ V đều cạnh, góc nhọn hoặc góc tù các loại kích cỡ được xếp vào mã số thích hợp thuộc phân nhóm 7216.50... |
Hướng dẫn tổ chức, hoạt động, quản lý Hội - Ngày 15/01/2004, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01/2004/TT-BNV, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 88/2003/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội. Hội có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh phải có ít nhất 100 chữ ký (đơn xin tham gia) của công dân, tổ chức ở nhiều tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hội; phạm vi hoạt động trong tỉnh phải có ít nhất 50 chữ ký; phạm vi hoạt động trong huyện có ít nhất 20 chữ ký... Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có hội viên là đại diện của các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có phạm vi hoạt động trong cả nước có ít nhất 11 đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất 5 đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hiệp hội... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|