Trợ cấp, phụ cấp người có công (SMS: 502820) - Ngày 21/01/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2008/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 564.000 đồng. Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 được hưởng mức phụ cấp cao nhất là 1.080.000 đồng/tháng (diện không thoát ly) và 636.000 đồng/tháng (diện thoát ly); trợ cấp tuất nuôi dưỡng đối với thân nhân người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 từ trần là 952.000 đồng/tháng. Đối với thân nhân của 1 liệt sỹ, tiền tuất trợ cấp là 564.000 đồng/tháng. Nếu là thân nhân của 2 liệt sỹ trở lên hoặc nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì được hưởng mức trợ cấp tiền tuất 1.015.000 đồng/tháng. Đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 100% được hưởng mức trợ cấp tối thiểu từ 380.400 - 1.810.800 đồng/tháng. Nghị định cũng quy định mức trợ cấp ưu đãi một lần đối với các đối tượng như: Báo tử liệt sỹ (trợ cấp gấp 20 lần mức chuẩn/trường hợp); chi phí báo tử (1 triệu đồng/trường hợp); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến chết trước ngày 1/1/1995, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến được truy tặng hưởng trợ cấp gấp 20 lần mức chuẩn; người bị thương suy giảm khả năng lao động từ 5-20% hưởng mức trợ cấp tối thiểu gấp 4 lần mức chuẩn và tối đa gấp 8 lần mức chuẩn. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Phối hợp thực hiện an ninh trên biển (SMS: 502790) - Ngày 17/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2008/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Hiệp định hợp tác chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á. Theo đó, nội dung công tác phối hợp gồm: Trao đổi thông tin, tài liệu và xử lý tin báo liên quan đến Hiệp định; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các nội dung của Hiệp định và Quy chế này; Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản liên quan theo thẩm quyền; Thực hiện dẫn độ và tương trợ tư pháp liên quan đến Hiệp định. Cục Cảnh sát biển Việt Nam là cơ quan thường trực, đầu mối, đại diện của Việt Nam trong việc hợp tác với Trung tâm chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Hiệp định có nhiệm vụ thu thập, phân tích và đánh giá thông tin do các bên ký kết chuyển tới kể cả các thông tin khác (nếu có) liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền; quản lý và duy trì việc lưu chuyển nhanh chóng các thông tin liên quan đến các vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền giữa các bên ký kết; cung cấp các cảnh báo cho hoạt động vận tải biển, tàu đánh cá Việt Nam và các bên ký kết nếu có cơ sở pháp lý về các khu vực có nguy cơ xảy ra cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á… Kinh phí bảo đảm công tác phối hợp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước; phối hợp hoạt động giữa các lực lượng do các Bộ và UBND các tỉnh ven biển lập dự toán chi ngân sách hàng năm và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Tổng hợp tình hình báo cáo Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008 (SMS: 502772) - Theo Công văn số 454/VPCP-TH ra ngày 18/01/2008, Thủ tướng yêu cầu: Thủ trưởng các Bộ, ngành, địa phương phải báo cáo các nội dung chủ yếu về tình hình bảo đảm ổn định cung-cầu hàng hóa; thực thi các biện pháp điều hành giá cả thị trường; kiểm tra kiểm soát thị trường, đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau Tết cho nhân dân; chống đầu cơ, tạo sốt hàng, găm giá, nâng giá tùy tiện, chống buôn lậu và gian lận thương mại… Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: an ninh biên giới trên bộ, trên biển, trên không; phòng chống tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; trật tự an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ, nhất là cấm đốt pháo… Tổ chức tết cho thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng chính sách xã hội, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, nhất là đồng bào vùng bị thiên tai, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Đối với công tác bảo đảm giao thông vận tải, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; cung cấp điện và nước sạch cho sản xuất và tiêu dùng trong dịp Tết; công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế; vệ sinh an toàn thực phẩm…
Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (SMS: 502768) - Ngày 17/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 03/2008/CT-TTg về việc tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ vận tải khách dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Mậu Tý 2008. Thủ tướng yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân tại các đầu mối giao thông trên địa bàn; tăng cường phối hợp giữa lực lượng cảnh sát trật tự và thanh tra giao thông trong việc bảo đảm trật tự tại các bến xe, bến tàu, nhà ga, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi gây mất an toàn giao thông; thành lập Ban Chỉ đạo phục vụ Tết ứng trực ở các ngành, các cấp chính quyền để giải quyết kịp thời các phát sinh lớn về nhu cầu vận chuyển, giải quyết các tình huống phát sinh liên quan đến trật tự và an toàn giao thông. Các đơn vị thi công có phương án tạm ngừng thi công trong những ngày cao điểm, hoàn trả mặt bằng thi công để các phương tiện vận chuyển lưu thông thuận lợi, an toàn; kiểm tra, rà soát các điểm giao cắt, đấu nối và có các biện pháp bảo đảm an toàn… Lực lượng Cảnh sát trật tự ngăn chặn kịp thời các hành vi gây rối, trộm cắp, cò mồi, lừa đảo, vận chuyển hàng cấm,... bảo đảm trật tự tại các đầu mối giao thông, xử lý các hành vi gây mất trật tự xã hội trên các phương tiện giao thông; Tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi chạy quá tốc độ, đón trả khách không đúng quy định, sử dụng phương tiện quá niên hạn cho phép, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp theo quy định, có nồng độ cồn quá quy định, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô và xe gắn máy... và các hành vi khác gây mất an toàn giao thông…
Xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh (SMS: 502770) - Ngày 16/01/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2008/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại. Theo đó, hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng; phạt tiền thấp nhất là 2 triệu đồng đến cao nhất là 20 triệu đồng trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện hoặc hàng hóa đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, tạm ngừng lưu thông, lưu thông có điều kiện hoặc phải có giấy phép… Người bán hàng đa cấp có dấu hiệu quảng cáo phóng đại, trên mức sự thật về hàng hóa có thể chịu mức phạt cao nhất lên đến 500 triệu đồng. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp không thường xuyên giám sát hoạt động của những người trong mạng lưới, để những người này thực hiện sai nguyên tắc hoạt động sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng… Người bán hàng có lời nói, hành động, thái độ xúc phạm khách hàng cũng bị phạt khoảng 500.000 đồng. Ngoài ra, người bán hàng thông tin sai sự thật về hàng hóa, dịch vụ hoặc không cảnh báo khách hàng về khiếm khuyết của hàng hóa cũng sẽ bị phạt. Mức phạt tương ứng là 1 triệu đồng… Đối với các hành vi kinh doanh hàng giả, kinh doanh tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tới 30 triệu đồng. Đặc biệt có thể phạt tiền cao nhất tới 40 triệu đồng đối với trường hợp: sản xuất, chế biến, gia công, lắp ráp, tái chế, chế tác, phân loại, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng giả; hàng giả là thực phẩm, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, mỹ phẩm, thuốc thú y, phân bón, xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi… Nghiêm cấm hành vi bao che, cản trở việc xử phạt; nghiêm cấm việc giữ lại các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử phạt vi phạm hành chính hoặc chia tách vụ việc vi phạm để giữ lại xử phạt cho phù hợp với thẩm quyền của cấp mình… Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chiến lược phát triển chăn nuôi (SMS: 502786) - Ngày 16/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo phương thức trang trại, công nghiệp và cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm phải có hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ và giảm ô nhiễm môi trường. Xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến có quy mô phù hợp với công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến và gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa và đa dạng hoá các mặt hàng thực phẩm chế biển đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đối với cơ sở chế biến nhỏ, thủ công áp dụng quy trình, thiết bị chế biến hợp vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Quy hoạch chăn nuôi phải phù hợp với đặc điểm và lợi thế của từng vùng sinh thái, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của từng loại vật nuôi trong từng vùng sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ (SMS: 502821) - Ngày 15/01/2008, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01/2008/TT-BNV hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc công ty nhà nước. Theo đó, người được bổ nhiệm lần đầu phải đảm bảo thời gian công tác được đủ 1 nhiệm kỳ (5 năm) tính đến thời điểm tổ chức hội nghị lấy ý kiến cán bộ chủ chốt. Khi thực hiện bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ phải tổ chức lấy ý kiến bằng phiếu kín của cán bộ chủ chốt trong công ty về người được giới thiệu. Kết quả phiếu tín nhiệm có giá trị tham khảo quan trọng, là một trong những căn cứ để xem xét, nhưng không phải là căn cứ duy nhất, chủ yếu để quyết định. Đối với nguồn nhân sự từ ngoài công ty, HĐQT đề xuất nhân sự hoặc cơ quan cấp trên có thẩm quyền giới thiệu nhân sự. HĐQT thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết bằng phiếu kín. Viên chức lãnh đạo khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm theo quy định được xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. Trước 3 tháng, tính đến thời hạn bổ nhiệm lại, cơ quan quản lý trực tiếp thông báo cho viên chức lãnh đạo biết và tiến hành thủ tục trình cấp trên có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm lại. Cũng tương tự như bổ nhiệm lần đầu, tổ chức lấy ý kiến bằng phiếu kín của cán bộ chủ chốt. Viên chức lãnh đạo có sai phạm chưa đến mức bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức nhưng không còn đủ uy tín, điều kiện để giữ chức vụ; hoặc để công ty thua lỗ 2 năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư 2 năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng lỗ lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được... thì HĐQT xem xét quyết định hoặc đề nghị cấp trên có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm chức vụ và bố trí công tác khác không chờ hết thời hạn bổ nhiệm. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|