Cơ cấu tổ chức - Ngày 16/01/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2004/NĐ-CP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại. Theo đó, Bộ Thương mại là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức của Bộ bao gồm: Vụ Xuất nhập khẩu; Vụ Chính sách thị trường trong nước; Vụ Thương mại miền núi và Mậu dịch biên giới; Vụ Chính sách thương mại đa biên; Cục Quản lý thị trường; Cục Quản lý cạnh tranh; Cục Xúc tiến thương mại... Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại - Ngày 15/01/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Trọng tài thương mại. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Trọng tài thương mại về thẩm quyền của Trọng tài thương mại; trình tự, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động, lập chi nhánh, văn phòng đại diện của Trung tâm Trọng tài; lệ phí tòa án liên quan đến trọng tài; xử lý vi phạm và quản lý nhà nước về trọng tài. Hồ sơ xin thành lập Trung tâm Trọng tài gồm: a) Đơn xin phép thành lập Trung tâm Trọng tài có các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 14 của Pháp lệnh, có thỏa thuận về việc cử một sáng lập viên làm Chủ tịch Trung tâm và có chữ ký của tất cả các sáng lập viên; b) Sơ yếu lý lịch, bản sao có công chứng hoặc chứng thực hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học, giấy tờ xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đã qua thực tế công tác theo ngành học từ 5 năm trở lên của các sáng lập viên; c) Điều lệ của Trung tâm Trọng tài; d) Văn bản giới thiệu của Hội Luật gia Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Quy định về tần số vô tuyến điện - Ngày 14/01/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2004/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Nghị định này quy định: các quy hoạch phát triển điện tử, viễn thông, phát thanh, truyền hình và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác có liên quan đến việc sử dụng tần số vô tuyến điện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải được Bộ Bưu chính, Viễn thông thẩm định về phần tần số vô tuyến điện. Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện bị thu hồi trong những trường hợp sau: Sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày được cấp hoặc sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện mà tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép không triển khai trên thực tế các nội dung quy định trong giấy phép; Tổ chức, cá nhân sử dụng tần số không đúng mục đích, không hiệu quả, gây lãng phí phổ tần số vô tuyến điện đã được cấp giấy phép... Niên hạn sử dụng ôtô - Ngày 13/01/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2004/NĐ-CP quy định niên hạn sử dụng của ôtô tải và ôtô chở người, trừ các loại ôtô kinh doanh vận tải khách được quy định tại Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày 11/12/2001 của Chính phủ. Theo đó, quy định niên hạn sử dụng của xe ôtô là không quá 25 năm đối với ôtô tải; Không quá 20 năm đối với ôtô chở người; Không quá 17 năm đối với ôtô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành ôtô chở người trước 01/01/2002. Sau 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, sẽ thực hiện ngừng hoạt động đối với ôtô tải có thời gian sử dụng trên 29 năm hoặc không đủ căn cứ xác định năm sản xuất; ôtô chở người (bao gồm cả ôtô chuyển đổi công năng) có thời gian sử dụng trên 23 năm hoặc không đủ căn cứ xác định năm sản xuất.... Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2004 - Theo tinh thần Nghị quyết 01/2004/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/01/2004 về một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước, Chính phủ xác định một số giải pháp chủ yếu cần chỉ đạo, điều hành thực hiện trong năm 2004 gồm: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; Mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả đầu tư; Đổi mới chính sách tài chính và tiền tệ; Đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế; ; Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực xã hội; Tập trung giải quyết cơ bản một số vấn đề cấp bách trong chương trình cải cách hành chính... Quy định chi tiết thi hành Luật Bầu cử đại biểu HĐND - Theo Nghị định 19/2004/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/01/2004, căn cứ để tính số đại biểu HĐND của mỗi địa phương là số liệu dân số có đến ngày 31/12 của năm trước năm tiến hành cuộc bầu cử do Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp. Trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng xảy ra trước khi niêm yết danh sách những người ứng cử 2 ngày trở lên, thì Hội đồng bầu cử sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cùng cấp lựa chọn người có tín nhiệm cao nhất trong số người còn lại ở danh sách hiệp thương lần thứ ba để bổ sung vào danh sách những người ứng cử... Trong thời hạn lập danh sách cử tri, những người chưa có hộ khẩu thường trú nhưng có giấy chứng nhận chuyển đi của cơ quan có thẩm quyền ở nơi cư trú cũ thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi cư trú mới để tham gia bầu cử... Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7h đến 19h cùng ngày. Tùy tình hình cụ thể, Tổ bầu cử có thể quyết định bắt đầu cuộc bỏ phiếu sớm hơn và kết thúc muộn hơn giờ quy định, nhưng không được bắt đầu trước 5h và kết thúc quá 20h cùng ngày... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. |