Số 03.2011 (512) ngày 18/01/2011

SỐ 3 (512) - THÁNG 1/2011

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong số này:

CHÍNH PHỦ

 

1

06/2011/NĐ-CP

Nghị định 06/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi

 

* Giảm ít nhất 15% giá vé tàu, máy bay cho người cao tuổi

Trang 2

2

04/2011/NĐ-CP

Nghị định 04/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng

 

* Ngừng sử dụng 05 khu phân lũ thuộc hệ thống sông Hồng

Trang 2

3

03/2011/NĐ-CP

Nghị định 03/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hoạt động chữ thập đỏ

 

* Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chữ thập đỏ

Trang 3

4

02/2011/NĐ-CP

Nghị định 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản

 

* Vi phạm về quảng cáo trên báo chí phạt tới 40 triệu đồng

Trang 3

5

02/NQ-CP

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…

 

* 07 giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011

Trang 4

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

 

 

6

03/2011/QĐ-TTg

Quyết định 03/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại

 

* Doanh nghiệp được bảo lãnh vay 85% tổng vốn đầu tư dự án

Trang 4

THANH TRA CHÍNH PHỦ

 

 

 

7

05/2011/TT-TTCP

Thông tư 05/2011/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định về phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra

 

* 08 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra

Trang 5

BỘ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH

 

 

 

8

02/2011/TT-BVHTTDL

Thông tư 02/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn

 

* Bể bơi phải có độ dài tối thiểu 18m

Trang 5

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

 

 

9

269/QĐ-BGDĐT

Quyết định 269/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về quy trình xử lý hồ sơ cho phép đào tạo ngành hoặc chuyên ngành… 

 

* Quy trình xử lý hồ sơ cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ

Trang 5

10

248/QĐ-BGDĐT

Quyết định 248/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010…

 

* Đề án phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010-2015

Trang 6

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 12/2010, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS12/2010 Emailnhận gửi đến 6689.
 

TÓM TẮT VĂN BẢN:

GIẢM ÍT NHẤT 15% GIÁ VÉ TÀU, MÁY BAY CHO NGƯỜI CAO TUỔI

Ngày 14/01/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Người cao tuổi. 

Trong đó đáng chú ý là quy định người cao tuổi (công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên) được giảm ít nhất 15% giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng tàu thủy, tàu hỏa, máy bay; được giảm ít nhất 20% giá vé, giá dịch vụ khi đi thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; tập luyện thể dục, thể thao tại các cơ sở thể dục thể thao có bán vé hoặc thu phí dịch vụ. 

Nghị định cũng quy định mức trợ cấp xã hội và trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng đối với người cao tuổi là 180.000 đồng (hệ số 1,0). Mức trợ cấp xã hội hàng tháng thấp nhất đối với người cao tuổi do Ủy ban nhân xã, phường, thị trấn quản lý, cụ thể: 

Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng thì được hưởng mức trợ cấp 180.000 đồng/người/tháng đối với người từ đủ 60 đến 80 tuổi; mức 270.000 đồng/người/tháng đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên. Mức 180.000  

 

đồng/người/tháng đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc các diện nêu trên và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng.

Ngoài ra, người cao tuổi được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc đủ điều kiện tiếp nhận vào sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng được trợ cấp 360.000 đồng/người/tháng. Khi người cao tuổi chết, mức hỗ trợ chi phí mai táng là 03 triệu đồng. 

Căn cứ điều kiện cụ thể từng địa phương, đơn vị, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các ngành, đoàn thể ở Trung ương nơi có cơ sở chăm sóc người cao tuổi; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức trợ cấp, trợ giúp cho người cao tuổi thuộc thẩm quyền quản lý nhưng không thấp hơn các mức nêu trên… 

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2011 và thay thế Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/3/2002; khoản 3 Điều 4 và những quy định khác về người cao tuổi của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ.
 
 

 NGỪNG SỬ DỤNG 05 KHU PHÂN LŨ THUỘC HỆ THỐNG SÔNG HỒNG

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 04/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng.

Theo đó, bãi bỏ việc sử dụng 05 khu phân lũ, làm chậm lũ kể từ khi công trình thủy điện Sơn La chính thức tham gia cắt lũ cho hạ du; các khu phân lũ, làm chậm lũ bị bãi bỏ sử dụng bao gồm: khu chậm lũ Tam Thanh (Phú Thọ); Lập Thạch (Vĩnh Phúc); Lương Phú - Quảng Oai, Ba Vì (Hà Nội) và hệ thống phân lũ sông Đáy.

Công trình thủy điện Sơn La, phối hợp với các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà tham gia điều tiết cắt lũ cho hạ du theo hướng dành dung tích phòng lũ của các hồ để điều tiết, cắt giảm lũ cho hạ du: hồ Sơn La và hồ Hòa Bình trên sông Đà là 7 tỷ m3, hồ Tuyên Quang là 1 tỷ m3, hồ Thác Bà là 450 triệu m3. Vận hành điều tiết liên hồ, đảm bảo lưu lượng lũ trên sông Hồng tại trạm Thủy văn Sơn Tây nhỏ hơn hoặc bằng 28.000 m3/s; tại trạm thủy văn Hà Nội nhỏ hơn hoặc
 

 

bằng 20.000 m3/s và mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội không vượt quá 13,4 m.

Trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều hoặc dự báo xuất hiện trận lũ lớn 500 năm xuất hiện một lần, nhưng nhỏ hơn lũ thiết kế công trình hồ Sơn La thì được sử dụng một phần dung tích chống lũ cho công trình để cắt giảm lũ cho hạ du nhưng phải đảm bảo an toàn công trình.

Nghị định cũng quy định quy hoạch xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình đầu mối, hệ thống đê sông Đáy, nạo vét lòng dẫn sông Đáy để chủ động nước sông Hồng vào sông Đáy với lưu lượng mùa kiệt từ 30 m3/s đến 100 m3/s, mùa lũ từ 600 m3/s đến 800 m3/s phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và góp phần cải thiện môi trường…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2011 và thay thế Nghị định số 62/1999/NĐ-CP ngày 31/7/1999; bãi bỏ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006.

CHÍNH PHỦ TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO HOẠT ĐỘNG CHỮ THẬP ĐỎ

Ngày 07/01/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hoạt động chữ thập đỏ. Trong đó, đáng chú ý là các quy định về việc hỗ trợ ngân sách nhà nước cho hoạt động chữ thập đỏ và tạo các điều kiện thuận lợi, thực hiện nhanh chóng thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan đối với người, tiền và hiện vật phục vụ cho hoạt động chữ thập đỏ trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh nguy hiểm.

Nghị định quy định người đang trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe thì được hỗ trợ chi phí y tế cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, nếu thu nhập của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của người lao động cùng loại.

Trường hợp bị thiệt hại về tính mạng thì được xem xét để công nhận là liệt sỹ; nếu bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được xem xét hưởng chính sách như thương binh, nếu bị thương làm giảm khả năng lao động từ 5% đến dưới 21% trở lên thì được hưởng trợ cấp một lần theo quy định tại

 

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị khi được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hiện vật cứu trợ trong các hoạt động chữ thập đỏ theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

Đối với thuốc chữa bệnh, thuốc phòng, chống dịch và thiết bị y tế trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm được ưu tiên, tạo thuận lợi khi thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu, thủ tục hải quan. Người tham gia hoạt động chữ thập đỏ trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm được ưu tiên, tạo thuận lợi khi thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh; được xét cấp thị thực trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đơn hoặc xét cấp thị thực ngay tại cửa khẩu quốc tế tại Việt Nam…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2011.
 

VI PHẠM VỀ QUẢNG CÁO TRÊN BÁO CHÍ PHẠT TỚI 40 TRIỆU ĐỒNG

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 06/01/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Trong đó, đáng chú ý là các quy định xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo trong hoạt động thông tin báo chí, mức phạt tối đa đối với các hành vi này có thể lên đến 40 triệu đồng.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo trên báo in, đài phát thanh, đài truyền hình vượt quá số ngày cho phép trong một đợt hoặc không đủ thời gian, khoảng cánh giữa các đợt; Quảng cáo trên báo in vượt quá 10% diện tích mà không xin phép; Quảng cáo trên báo in không có phần riêng, trang riêng hoặc không ghi rõ mục thông tin quảng cáo; không đánh số trang riêng của phụ trương chuyên quảng cáo; phụ trương quảng cáo không cùng khuôn khổ, không phát hành cùng báo chính.

Mức phạt sẽ là từ 3 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo quá 2 lần trong chương trình phim truyện trên đài truyền hình; quảng cáo quá 4 lần trong chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình; quảng cáo một lần quá 5 phút trong chương trình phim truyện, vui chơi, giải trí; Quảng cáo quá 10 lần cho một sản phẩm trên một kênh trong một ngày.

 

Bên cạnh đó, trong nhóm các hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động báo chí, Nghị định cũng quy định rõ phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo khi đang hoạt động nghiệp vụ đúng pháp luật; phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đối với hành vi cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Mức phạt sẽ từ 20 đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi đe dọa uy hiếp tính mạng nhà báo; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo.

Đối với các vi phạm về nội dung thông tin: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi không viện dẫn nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả của tin, bài khi sử dụng để đăng, phát trên báo chí. Mức phạt có thể lên đến tối đa 40 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2011 và thay thế các quy định tại Mục 1, Mục 2 Chương II và Điều 52, 53 Mục 8 Chương II Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/06/2006 của Chính phủ.

 07 GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Nghị quyết nhấn mạnh, năm 2011 là năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2011-2015, của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 vì vậy việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2011 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

Chính phủ đã cụ thể hóa các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII thành một số chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu. Trong đó, phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7 - 7,5% so với năm 2010; chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng không quá 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân sách nhà nước ở mức khoảng 5,3% GDP…
 

Để thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có kết quả 07 giải pháp chủ yếu, trong số đó gồm:

Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền

 

kinh tế. Cụ thể là phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường; kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; duy trì bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; tăng cường kỷ luật tài chính, phấn đấu giảm bội chi ngân sách, bảo đảm dư nợ Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt chú ý phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng; đẩy mạnh cải cách nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Triển khai quy hoạch, tiếp tục nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2011 - 2020... 

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai chương trình hành động cụ thể của từng Bộ, cơ quan, địa phương; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian và đơn vị thực hiện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 22/01/2011. 

 DOANH NGHIỆP ĐƯỢC BẢO LÃNH VAY 85% TỔNG VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPTVN) có thể bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng thương mại, mức bảo lãnh tối đa bằng 85% tổng mức vốn đầu tư dự án trên cơ sở kết quả thẩm định dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng tài chính của các bên. 

Đây là nội dung trong Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ. 
 

Để được NHPTVN bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng thương mại, doanh nghiệp phải đảm bảo thuộc đối tượng theo quy định của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 và thực hiện dự án trong các ngành nông lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; xây dựng;
 

sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải, kho bãi.

Đồng thời, doanh nghiệp phải có dự án đầu tư hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư và tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. 

Khi được NHPTVN bảo lãnh vay vốn, doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán cho NHPTVN phí bảo lãnh vay vốn 0,5%/năm tính trên số tiền được bảo lãnh; phí thẩm định hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn là 500.000 đồng cho một hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn… 

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2011 và thay thế các Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009, số 60/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

 08 HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Ngày 10/01/2011, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư số 05/2011/TT-TTCP quy định về phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra.

Thông tư quy định 08 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, trong đó có các hành vi như: Lợi dụng vị trí công tác can thiệp vào việc xây dựng kế hoạch thanh tra, tiến hành thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra để vụ lợi; Lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ được giao đưa nội dung không cần thanh tra hoặc không đưa những nội dung cần thanh tra vào phạm vi thanh tra; Quyết định thanh tra trái thẩm quyền, thanh tra vượt quá phạm vi, nội dung ghi trong quyết định thanh tra; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, thủ trưởng cơ quan, đơn vị để giải quyết công việc của cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ…

Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức thuộc thanh tra nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động, phối hợp với các cơ quan hữu
 

 

quan ban hành hoặc đề nghị cơ quan hữu quan ban hành hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy trình, quy chế đối với hoạt động của mình.

Quy trình, quy chế phải quy định rõ trình tự, thủ tục, thời gian tiến hành, phân định rõ trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện phù hợp với yêu cầu, đặc điểm từng hoạt động và cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý vi phạm; định kỳ phải có đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ từng thời kỳ.

Đồng thời phải công khai, minh bạch các hoạt động theo quy định; tiếp nhận, xử lý đơn, thư, tin tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viêc chức thuộc cơ quan, đơn vị mình; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng…  

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2011.

 BỂ BƠI PHẢI CÓ ĐỘ DÀI TỐI THIỂU 18M

Ngày 10/01/2011, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn.

Thông tư quy định các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn phải đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất về bể bơi; bục nhảy; sàn; bồn nhúng chân; nhà tắm, nhà vệ sinh và phòng thay đồ; âm thanh, ánh sáng; tiêu chuẩn về nước; y tế; mật độ; vệ sinh, môi trường, an toàn lao động và phòng chống cháy nổ.
 

Trong đó, đáng chú ý có quy định bể bơi phải có kích thước tối thiểu 8m x 18m hoặc diện tích tương đương; có độ dốc đều, không gấp khúc, chênh lệch độ sâu không quá 1m đối với bể bơi có chiều dài trên 25m hoặc không quá 0,5m đối với bể bơi có chiều dài đến 25m.
 

Bể bơi phải được thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 01 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất; tối thiểu 01 lần/ngày phài làm vệ sinh thành bể và hút cặn, bơm đủ nước đối với bể có hệ thống lọc tuần hoàn. Nước trong bể phải đảm bảo nhìn thấy đáy bể, độ trong từ 25 độ Sneller trở lên; hàm lượng chất vẩn đục tối đa bằng 2 mg/l; độ pH từ 7,3 đến 7,6…

Bên cạnh đó, cở sở tồ chức hoạt động bơi, lặn phải đảm bảo các điều kiện về dây phao, có nhân viên cứu hộ đủ tiêu chuẩn và trang bị cứu hộ bao gồm: 06 sào cứu hộ dài 2,5m; phao cứu sinh; ghế…; phải tiến hành treo các bảng nội quy, biển báo, bảng cấm tại các vị trí thích hợp…

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

QUY TRÌNH XỬ LÝ HỒ SƠ CHO PHÉP ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ THẠC SĨ, TIẾN SĨ

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Quyết định số 269/QĐ-BGDĐT ngày 13/01/2011 quy định về quy trình xử lý hồ sơ cho phép đào tạo ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.

Theo đó, thời gian xem xét hồ sơ đề nghị cho phép đào tạo ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ được thực hiện vào tháng 3, tháng 6 và tháng 9 hàng năm. Trong đó, từ ngày mùng 1 đến ngày 5 của các tháng trên, Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) gửi hồ sơ của các cơ sở đào tạo đến các đơn vị tham gia xem xét hồ sơ. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, các đơn vị tham gia thẩm định có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với các quy định hiện hành, có ý kiến thẩm định bằng văn bản gửi Vụ GDĐH để tổng hợp.

Thời gian hoàn thành công tác thẩm định lại tại cơ sở đào tạo là 15 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ GD&ĐT gửi công văn thông báo cho cơ sở đào tạo về việc cần thẩm định lại các điều kiện tại cơ sở đào tạo, trong đó chủ yếu tập trung vào

 

các yếu tố như: đội ngũ giảng viên cơ hữu; cơ sở vật chất; khả năng và điều kiện để thành lập Hội đồng đánh giá luận văn, luận án…

Sau khi đã hoàn thiện hồ sơ, cơ sở đào tạo gửi 01 bộ hồ sơ đã hoàn thiện tới bộ phận một cửa, Văn phòng Bộ. Bộ phận một cửa có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và viết 02 phiếu nhận hồ sơ đã hoàn thiện, 01 bản chuyển cho cơ sở đào tạo, 01 bản kèm vào hồ sơ gửi Vụ GDĐH. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đã hoàn thiện, Vụ GDĐH kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đáp ứng các điều kiện theo quy định, Vụ GDĐH trình lãnh đạo Bộ ra quyết định cho phép cơ sở đào tạo được đào tạo ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; nếu cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng các điều kiện, Vụ GDĐH báo cáo lãnh đạo Bộ và gửi công văn thông báo cho cơ sở đào tạo.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
 

 ĐỀ ÁN PHỔ CẬP GIÁO DỤC  MẦM NON GIAI ĐOẠN 2010-2015

Ngày 12/01/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quyết định số 248/QĐ-BGDĐT về Kế hoạch triển khai Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015.

Theo đó, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I từ năm 2010 đến năm 2012; giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2012 và kết thúc vào năm 2015.  Trong giai đoạn I, Vụ GDMN sẽ chủ trì cùng với các Vụ, Cục liên quan ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ cập và tập huấn nghiệp vụ, hồ sơ phổ cập. Bên cạnh đó, đến tháng 3/2011, Vụ GDMN phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch-Tài chính, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, các Bộ để ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển GDMN.

 

Cũng trong giai đoạn này, đến tháng 6/2011, Vụ Kế hoạch-Tài chính sẽ căn cứ vào Thông tư Liên bộ GDĐT-BTC và văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu, giai đoạn 2011-2015, trong đó có kinh phí các Dự án cho GDMN; hướng dẫn nội dung chi Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.

Trong giai đoạn 2, Ban Chỉ đạo sẽ tiến hành kiểm tra để có Báo cáo đánh giá, Quyết định công nhận các tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập GDNM 5 tuổi. Đến tháng 12/2012, Ban Chỉ đạo; Vụ GDMN cùng với Các đơn vị, Bộ, ngành liên quan, địa phương sẽ tiến hành hội nghị tổng kết công tác Phổ cập 6 năm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM: Tòa nhà Hà Phan, 05 Phan Xích Long, phường 2, Q. Phú Nhuận, TP.HCM - Tel:
08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.