Số 03.2004 (156) ngày 16/01/2004

 CHÍNH PHỦ


Hoạt động ôtô vận tải khách liên tỉnh
- Theo tinh thần chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ôtô của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/2004/CT-TTg, ban hành ngày 02/01/2004, Thủ tướng chỉ thị một số bộ ngành khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn vận tải hành khách như:
Giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng phương án chấn chỉnh, lập lại trật tự trong vận tải khách liên tỉnh bằng ôtô và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện trên tuyến quốc lộ 1 từ Hà Nội đến TP.HCM; trong năm 2004 hoàn thành đề án xác định vị trí các trạm nghỉ cho xe ôtô và khách đi trên xe trên các quốc lộ; xây dựng thí điểm một số trạm nghỉ trên tuyến quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - TP.HCM để rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng...
Giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW có biện pháp kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định quản lý hoạt động vận tải cũng như cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hành vi tiêu cực trong vận tải khách liên tỉnh bằng ôtô trên địa bàn, để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc, cơm tù, bán khách, ép giá... 

Giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN - Theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 31/12/2003, về giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, các DNNN phải tự đánh giá và xếp loại (A, B, C) theo các chỉ tiêu quy định, sau đó báo cáo với cơ quan quản lý để thẩm định và công bố kết quả xếp loại. Nếu 2 năm liền được xếp hạng A, lãnh đạo DN được khen thưởng; Nếu 2 năm liền hạng C sẽ bị sắp xếp lại...
Có 5 chỉ tiêu xếp loại DN lần lượt là doanh thu và thu nhập khác; lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn nhà nước; nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn; tình hình chấp hành chế độ, chính sách pháp luật; tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích (nếu có). Mỗi chỉ tiêu đều có ba mức xếp hạng A, B, C. Dựa trên các tiêu chí này, các DNNN sẽ tổng hợp để tự xếp hạng cho mình thuộc loại A, B hay C...
Chỉ DN được xếp loại A hoặc B mới được khen thưởng. DN 2 năm liền xếp loại A thì Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc hoặc Giám đốc DN sẽ được xét tặng danh hiệu Nhà quản lý giỏi và xét tăng lương trước thời hạn. Ngược lại, DN 2 năm liền bị xếp loại C thì các chức danh vừa nêu trên sẽ bị sắp xếp lại, đồng thời DN cũng sẽ bị củng cố...

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


Xử lý ôtô không đảm bảo chất lượng nhập khẩu
- Theo Công văn số 145/BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 13/01/2004, để hạn chế việc một số doanh nghiệp tiếp tục sử dụng ôtô có tuổi sử dụng cao, kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường..., Bộ đề nghị: Bộ Khoa học-Công nghệ chỉ đạo các cơ quan trực thuộc không cho phép nâng cấp những xe không đạt chất lượng nhập khẩu, có tuổi sử dụng cao, gây ô nhiễm, cũ nát, mọt gỉ...
Đối với các xe mà sau khi kiểm tra, Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận không đạt chất lượng nhập khẩu thì đề nghị Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan xử lý việc tái xuất theo quy định hiện hành...
 

 TỔNG CỤC HẢI QUAN

Tờ khai trị giá tính thuế - Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại Công văn số 191/TCHQ-KTTT ra ngày 13/01/2004, không áp dụng khai báo tờ khai trị giá tính thuế đối với các đối tượng sau: Hàng hóa nhập khẩu của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất; Hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng xét miễn thuế; Hàng nhập khẩu có thuế suất thuế nhập khẩu 0%, nhập khẩu theo điều kiện CIF, C&F và giá ghi trên hoá đơn đã phản ánh toàn bộ tổng số tiền người mua phải trả...
 

 BỘ CÔNG AN


Xử lý vi phạm giao thông dịp Tết Nguyên đán
- Theo Thông báo số 09/TB-CAHN ra ngày 12/01/2004 của Giám đốc Công an TP. Hà Nội, bắt đầu từ ngày 16/01/2004, các lực lượng cảnh sát giao thông, hình sự, trật tự, cơ động, công an các quận huyện, phường, thị trấn sẽ mở đợt tuyên truyền về giao thông, đặc biệt tập trung vào các vi phạm sau: Vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đường ngược chiều; Đi không đúng làn đường; Không báo hiệu xin đường khi chuyển làn đường; Dừng, đỗ, vượt qua vạch kẻ sơn phần đường dành riêng cho người đi bộ; Đua, điều khiển xe lạng lách, đánh võng...
Mọi vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm, không có ngoại lệ...

 

 BỘ TÀI CHÍNH


Mẫu hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước
- Ngày 09/01/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 12/2004/QĐ-BTC, về việc ban hành mẫu hoá đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước.
Mẫu hóa đơn mới được bổ sung nội dung ghi về địa điểm và thời gian vận chuyển hàng, về gia hạn thời gian vận chuyển hàng tịch thu, sung quỹ nhà nước. Hóa đơn mới sẽ thay thế cho Hóa đơn bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước theo mẫu 01/TSTT-3L ban hành theo Quyết định 29/2000/QĐ-BTC ngày
29/02/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Xóa nợ thuế do nguyên nhân khách quan - Ngày 08/01/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 02/2004/TT-BTC, hướng dẫn xóa nợ cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có nợ thuế do nguyên nhân khách quan. Thông tư có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo Thông tư này, các đối tượng được xóa nợ thuế là: hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nợ thuế từ ngày 31/12/2002 trở về trước do nguyên nhân khách quan như: thiên tai, tai nạn bất ngờ, bị di dời, giải tỏa, bệnh tật, kinh doanh ngành nghề bị cấm mà đến nay bản thân và người trong gia đình không còn tiếp tục kinh doanh được nữa...
Các loại thuế và thu khác được xóa bao gồm: thuế môn bài, thuế GTGT (hoặc thuế doanh thu), thuế TNDN (hoặc thuế lợi tức), thuế tài nguyên, các khoản tiền phạt chậm nộp tính trên số thuế nợ đọng (nếu có)...

Các đội thuế cấp xã, phường được giao chức năng kiểm tra, xác định những hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có đủ điều kiện được xóa nợ thuế, lập danh sách cụ thể gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định xóa nợ.

Sử dụng kinh phí bầu cử - Ngày 07/01/2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 01/2004/TT-BTC, hướng dẫn cấp phát, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009.
Theo Thông tư này, kinh phí phục vụ cuộc bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 được sử dụng chi cho các nội dung: chi tài liệu, ấn phẩm phục vụ bầu cử; chi cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn và chi phí hành chính cho công tác bầu cử; chi phí hội nghị; chi cho công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử...
Chậm nhất sau khi kết thúc cuộc bầu cử 45 ngày, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW chịu trách nhiệm báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về tình hình sử dụng kinh phí phục vụ bầu cử cùng với báo cáo tình hình tổ chức thực hiện nhiệm vụ bầu cử; cuối năm tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách địa phương (có kèm bản giải trình, thuyết minh chi tiết từng nội dung chi)...

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Quy chế thanh toán mua bán Việt Nam - Campuchia
- Ngày 05/01/2004, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 17/2004/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Theo đó, việc sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi tiền mặt để thanh toán trong các giao dịch mua bán trao đổi hàng hóa và dịch vụ thươnng mại tại khu vực biên giới giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân Campuchia chỉ được áp dụng trong trường hợp thương nhân của hai bên không thể thanh toán qua ngân hàng, và chỉ được áp dụng cho thương nhân Việt Nam được nhận thanh toán bằng ngoại tệ tiền mặt thông qua việc bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho thương nhân Campuchia, không áp dụng cho thương nhân Việt Nam được dùng ngoại tệ tiền mặt thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu và cung ứng dịch vụ từ phía Campuchia.

Khi có nhu cầu thu ngoại tệ tiền mặt, thương nhân Việt Nam phải làm thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh (thành phố) trên địa bàn nơi doanh nghiệp đóng trụ sở.