Quản lý thị trường bất động sản (SMS: 502690) - Ngày 08/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 01/2008/CT-TTg về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển và quản lý thị trường bất động sản. Thủ tướng yêu cầu: xử lý kiên quyết đối với các trường hợp đầu cơ nhà đất, mua bán, chuyển nhượng bất động sản trái quy định của pháp luật, trốn lậu thuế cũng như các trường hợp khác vi phạm quy định pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản trên phạm vi địa bàn… Nghiên cứu, sửa đổi những nội dung liên quan đến lập, thẩm định và phê duyệt dự án phát triển nhà ở theo hướng phân cấp, loại bỏ các quy định bất hợp lý để rút ngắn thời gian thực hiện các dự án, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng đa dạng các loại căn hộ có diện tích phù hợp với các đối tượng có thu nhập thấp và trung bình, trình Chính phủ trong quý I năm 2008… Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về thuế nhà đất theo hướng đánh thuế luỹ tiến đối với các trường hợp chủ sở hữu, chủ sử dụng có nhiều nhà, đất vượt hạn mức quy định, có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng nhằm mục đích hạn chế đầu cơ, tăng nguồn thu cho ngân sách, trình Chính phủ trong quý I năm 2008. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hạn mức sở hữu nhà ở, đất để làm cơ sở xác định thuế nhà, đất theo quy định của pháp luật về thuế ngay sau khi văn bản pháp luật về thuế liên quan đến thị trường bất động sản được sửa đổi, bổ sung. Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quản lý chi phí đầu tư xây dựng (SMS: 502702) - Ngày 07/01/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư công trình, hạng mục công trình hoàn thành để trình người quyết định đầu tư phê duyệt chậm nhất là 12 tháng đối với các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, 9 tháng đối với dự án nhóm B và 6 tháng đối với dự án nhóm C kể từ khi công trình hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Sau 6 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, chủ đầu tư có trách nhiệm giải quyết công nợ, tất toán tài khoản của dự án tại cơ quan thanh toán, cho vay, cấp phát vốn đầu tư. Riêng các dự án do Thủ tướng quyết định đầu tư thì Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt dự toán. Đối với những dự án đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt trước ngày 21/7/2007 nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc đang thực hiện, trường hợp cần thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình bao gồm: tổng mức đầu tư; dự toán xây dựng công trình; định mức và giá xây dựng; hợp đồng trong hoạt động xây dựng; thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định… Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy định về hành nghề công chứng (SMS: 502680) - Ngày 04/01/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng về chế độ tài chính, con dấu của Phòng Công chứng, con dấu của Văn phòng công chứng; quản lý việc tổ chức, đào tạo nghề công chứng; việc quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương; địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất của Văn phòng công chứng; phí công chứng. Theo đó, chế độ tài chính của Phòng Công chứng thực hiện theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp. Văn phòng công chứng phải có trụ sở riêng với địa chỉ cụ thể và bảo đảm về diện tích làm việc cho công chứng viên, nhân viên, tiếp người yêu cầu công chứng và lưu trữ hồ sơ công chứng theo quy định của pháp luật… Trong trường hợp luật sư được bổ nhiệm công chứng viên để thành lập Văn phòng công chứng hoặc hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng đang hoạt động phải có xác nhận đã rút tên khỏi danh sách thành viên của Đoàn luật sư và chấm dứt hành nghề luật sư… Cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hoặc có nguyện vọng thôi việc được bổ nhiệm công chứng viên để hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng, ngoài các tiêu chuẩn theo luật định, phải kèm theo giấy tờ chứng minh là đã nghỉ hưu hoặc thôi việc. Công chứng viên của Phòng Công chứng thôi việc theo nguyện vọng hoặc đã nghỉ hưu thì vẫn được giữ chức danh công chứng viên và có quyền thành lập Văn phòng công chứng hoặc tham gia Văn phòng công chứng đang hoạt động… Trường hợp Công chứng viên đã nghỉ hưu không quá 01 năm có quyền hành nghề công chứng theo quy định và không phải làm thủ tục bổ nhiệm công chứng viên. Thời gian không quá 01 năm đối với công chứng viên nghỉ hưu được tính từ ngày có quyết định nghỉ hưu đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng… Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Sản xuất, kinh doanh phân bón (SMS: 502648) - Ngày 31/12/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 191/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP về việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất các loại phân bón phải có hệ thống xử lý chất thải khi sản xuất để không gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm các điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường theo quy định… Ngoài ra, tổ chức, cá nhân sản xuất các loại phân bón phải có máy móc, thiết bị phù hợp để sản xuất phân bón đạt tiêu chuẩn chất lượng; có hoặc thuê phòng phân tích kiểm nghiệm chất lượng có đủ điều kiện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; có hoặc thuê ít nhất 01 cán bộ kỹ thuật chuyên môn đạt trình độ từ đại học trở lên đáp ứng công nghệ sản xuất loại phân bón đó. Các loại phân bón gồm phân vô cơ, phân bón rễ, phân bón lá, phân đơn, phân đa yếu tố, phân hữu cơ, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ truyền thống, phân trung lượng, phân vi lượng, phân đa lượng, phân phức hợp, phân trộn, phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, phân có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng, chất hỗ trợ tăng hiệu suất sử dụng phân bón, phân bón đất hiếm, giá thể cây trồng, chất phụ gia phân bón, chất giữ ẩm trong phân bón và chất cải tạo đất. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Quản lý lưu hành xe cơ giới (SMS: 502652) - Ngày 28/12/2007, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư liên tịch số 32/2007/TTLT-BCA-BGTVT hướng dẫn về đăng ký, quản lý và lưu hành phương tiện giao thông đường bộ dùng cho thương binh và người tàn tật. Theo đó, việc đăng ký, cấp biển sẽ do công an cấp huyện hoặc Phòng CSGT tỉnh, thành phố thực hiện. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ GTVT sẽ kiểm tra, cấp giấy chứng nhận bảo đảm đủ chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo qui định của pháp luật… Đối với xe cơ giới dùng cho người tàn tật đã tự cải tạo trước ngày 01/01/2008, thời hạn kiểm tra là đến hết ngày 30/6/2008. Từ ngày 01/7/2008, không giải quyết kiểm tra chất lượng đối với xe tự cải tạo. Ngoài ra, xe cơ giới dùng cho người tàn tật được sản xuất, lắp ráp, cải tạo trong nước phải thực hiện tại các cơ sở sản xuất, lắp ráp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải theo đúng kiểu loại, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Người tàn tật, thương binh sử dụng xe 3 - 4 bánh phải bảo đảm các yêu cầu về độ tuổi, sức khỏe và giấy phép lái xe theo qui định của pháp luật… Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thu hồi biển số phương tiện giao thông (SMS: 502681) - Ngày 28/12/2007, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư liên tịch số 31/2007/TTLT-BCA-BGTVT hướng dẫn việc xoá sổ đăng ký, thu hồi biển số của loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hết niên hạn sử dụng. Thông tư quy định việc xóa sổ đăng ký, thu hồi biển số đối với ô tô tải, ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh hết niên hạn sử dụng, không được phép lưu hành. Xe được đăng ký, cấp biển số ở địa phương nào thì cơ quan đăng ký ở địa phương đó ra quyết định xóa sổ đăng ký, thu hồi biển số xe. Sau khi tiếp nhận hồ sơ xóa sổ đăng ký, thu hồi biển số xe đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thu hồi biển số phải cấp Giấy chứng nhận xóa sổ đăng ký xe cho chủ xe. Trường hợp chủ xe làm thủ tục xóa sổ, nộp lại biển số xe thì không phải mang xe đến cơ quan thu hồi biển số nhưng phải nộp lại giấy đăng ký, biển số xe và giấy khai xoá sổ đăng ký xe. Cơ quan thu hồi biển số xe phối hợp cùng Công an phường, xã nơi chủ xe cư trú thông báo cho chủ xe hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh yêu cầu đến làm thủ tục xoá sổ, nộp lại giấy đăng ký, biển số xe trong thời hạn 15 ngày. Nếu quá hạn mà chủ xe không tự giác đến làm thủ tục, cơ quan thu hồi biển số xe sẽ phối hợp với Công an cấp phường, xã xoá sổ đăng ký, thu hồi biển số xe. Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn (SMS: 502664) - Theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BNN ngày 28/12/2007, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn (RAT) như sau: người sản xuất RAT phải được tập huấn và phải cam kết thực hiện quy định quản lý và quy trình sản xuất RAT. Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải bệnh viện… chưa qua xử lý để tưới trực tiếp cho rau. Nước tưới cho rau không bị ô nhiễm bởi các sinh vật và hoá chất độc hại, hàm lượng một số hoá chất không vượt quá mức cho phép… Tổ chức, cá nhân sản xuất RAT và Tổ chức chứng nhận ký hợp đồng về đánh giá, giám sát và cấp Giấy chứng nhận sản xuất rau theo quy trình sản xuất RAT. Tổ chức chứng nhận cử cán bộ đánh giá thường xuyên hoặc đột xuất trong quá trình sản xuất rau; khi cần thiết được lấy mẫu rau đại diện để kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn RAT. Kết quả giám sát là căn cứ để Tổ chức chứng nhận quyết định duy trì, tạm đình chỉ, cấp mới hoặc chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đã cấp theo thoả thuận ghi trong hợp đồng đã ký giữa 2 bên… Tổ chức, cá nhân kinh doanh RAT tại cửa hàng, đại lý phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có nội dung kinh doanh rau tươi; Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; Bản phô tô Thông báo tiếp nhận Bản công bố rau được sản xuất theo quy trình sản xuất RAT. Ngoài ra, sản phẩm rau phải có bao gói, thùng chứa, dây buộc hợp vệ sinh. Trên bao bì hoặc nhãn gắn trực tiếp vào từng sản phẩm tối thiểu phải có tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất RAT và dòng chữ "Rau được sản xuất theo quy trình sản xuất RAT". Khuyến khích in mã số, mã vạch, lô gô, thương hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất RAT, tổ chức chứng nhận và các thông tin khác trên bao bì hoặc nhãn. Khi tổ chức, cá nhân kinh doanh theo hình thức cung ứng trực tiếp cho khách hàng, như: nhà máy chế biến, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện, hộ gia đình hoặc bán buôn tại chợ đầu mối phải có Hợp đồng, hoá đơn nhập, xuất, chứng từ ghi nguồn gốc xuất xứ RAT và thời gian nhập, xuất. Tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT, tổ chức chứng nhận vi phạm phải tiến hành khắc phục trong khoảng thời gian nhất định theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra, nếu không sẽ bị thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Các sản phẩm rau không đạt tiêu chuẩn phải tạm dừng thu hoạch, sơ chế để khắc phục hoặc phải tiêu huỷ. Nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm 3 lần kiểm tra liên tiếp, sẽ bị xem xét thu hồi Giấy chứng nhận; chấm dứt hiệu lực Bản công bố rau được sản xuất theo quy trình sản xuất RAT… Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|