Số 02.2004 (155) ngày 09/01/2004

 CHÍNH PHỦ


Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2003
- Theo Nghị quyết số 15/2003/NQ-CP ra ngày 29/12/2003, Chính phủ xác định: hoạt động thông tin phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tuân thủ các quy định của pháp luật. Từ nay đến năm 2010, công tác thông tin phải có bước phát triển mạnh, cân đối, có lộ trình cụ thể; phải sắp xếp hợp lý mạng lưới, đồng thời tận dụng hạ tầng công nghệ thông tin hiện có để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị; thông tin phải đi trước một bước, gắn chặt và phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu cơ bản là công nghiệp hoá, hiện đại hóa, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Thông tin phải có tác dụng giáo dục, nhân rộng các gương tốt, việc tốt và tính nhân văn, nhân cách của con người Việt Nam... 

Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Đê điều - Ngày 26/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/2003/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Đê điều.
Theo đó, nhà cửa, công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều đến trước ngày Pháp lệnh Đê điều có hiệu lực được quy định như sau: Nếu ở vị trí 5 mét kể từ chân đê hiện tại với mọi cấp đê đều phải di dời (trừ công trình chuyên dùng); nếu ở vị trí cách chân đê hiện tại 5 mét đến hết phạm vi bảo vệ đê thuộc phía đồng thì được tiếp tục sử dụng, cải tạo, sửa chữa nhưng không được mở rộng; nhà cửa, công trình gây ảnh hưởng trực tiếp đến thoát lũ như sát bờ sông, vũng trũng thấp dưới mức báo động 2, ở nơi có biến đổi dòng chảy gây sạt lở bờ thì phải di dời hoặc cải tạo để đảm bảo các quy định về thoát lũ...
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo việc lập kế hoạch di dời nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều đồng thời tùy thuộc từng trường hợp cụ thể có chính sách đền bù thiệt hại hoặc hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân có nhà cửa, công trình bị tháo dỡ, di dời theo quy định của pháp luật...
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều chỉnh địa giới - Ngày 26/12/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 30/2003/CT-TTg, về việc chỉ đạo tổ chức thực hiện chia tách tỉnh và điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh Lai Châu, Đắk Lắk, Cần Thơ và Lào Cai.
Thủ tướng chỉ thị: Các tỉnh trong diện chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính cần xác định đây là công việc trọng tâm trước mắt, cần tập trung thực hiện; đồng thời phải đảm bảo mọi hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các địa phương trước, trong và sau chia tách tỉnh, nhất là về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và chăm lo đời sống của nhân dân...

Không tiến hành chia tách các tổ chức sản xuất kinh doanh, tỉnh nào có cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn thì ổn định tổ chức, nhân sự để hoạt động bình thường...

Cơ cấu tổ chức
- Ngày 24/12/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 270/2003/QĐ-TTg, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ quốc gia trực thuộc Bộ Tài chính.
Theo đó,
Cục Dự trữ quốc gia là tổ chức thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dự trữ quốc gia và trực tiếp quản lý một số loại hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Cục gồm có: Ban Chính sách; Ban Kế hoạch - Tổng hợp; Ban Kỹ thuật và Công nghệ bảo quản; Ban Quản lý kho hàng; Trung tâm Khoa học bảo quản và Bồi dưỡng nghiệp vụ...

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
 

 BỘ TÀI CHÍNH


Điều chỉnh thời gian nộp thuế - Theo Quyết định số 236/2003/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 31/12/2003, về việc tạm thời điều chỉnh thời gian nộp thuế GTGT đối với phân bón Urê ở khâu nhập khẩu, toàn bộ lượng phân bón Urê nhập khẩu về cảng Việt Nam được điều chỉnh thời gian nộp thuế GTGT từ 30 ngày lên 60 ngày kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo chính thức của cơ quan Hải quan về số thuế phải nộp...
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Chuyển đổi doanh nghiệp - Ngày 29/12/2003, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2003/TTLT-BKH-BTC, hướng dẫn thực hiện một số quy định tại Nghị định 38/2003/NĐ-CP về việc chuyển đổi một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đủ điều kiện có thể gửi hồ sơ đề nghị chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần tới Bộ Kế hoạch Đầu tư trước ngày
25/3/2004 để được xem xét, lựa chọn...
Giá trị phần vốn của chủ đầu tư trước khi chuyển đổi là toàn bộ giá trị tài sản hiện có ghi trên sổ sách của doanh nghiệp đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập trong vòng 6 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ chuyển đổi sau khi đã trừ đi các khoản nợ phải trả... 

Thuế Thu nhập doanh nghiệp - Ngày 22/12/2003, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 128/2003/TT-BTC, hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó, thu
nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập chịu thuế của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thu nhập chịu thuế khác (kể cả thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở nước ngoài)...
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế được xác định theo công thức sau: Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bằng Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế trừ đi Chi phí hợp lý trong kỳ tính thuế cộng với Thu  nhập chịu thuế khác trong kỳ tính thuế.
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà cơ sở kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC


Nâng cao chất lượng tín dụng
- Ngày 24/12/2003, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra Chỉ thị số 08/2003/CT-NHNN, về việc nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Thống đốc chỉ thị: Trong quá trình xem xét cho vay phải chú trọng nâng cao năng lực thẩm định dự án, đặc biệt là xem xét kỹ khả năng tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, khai thác thông tin của Trung tâm thông tin tín dụng và các nguồn thông tin khác để nắm chắc tình hình công nợ của khách hàng, nhất là khách hàng vay ở nhiều nơi, vay đầu tư dài hạn, vay dự án lớn, vay đầu tư vào bất động sản, các đơn vị nhận thầu vay ngắn hạn để thực hiện dự án nhằm tránh việc chuyển nợ xấu và rủi ro từ các đơn vị khác sang hệ thống ngân hàng...
Điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ phải xem xét kỹ các nguyên nhân của khách hàng không trả được nợ đúng hạn, chỉ những trường hợp đặc biệt do nguyên nhân khách quan không trả được nợ đúng hạn mới gia hạn nợ vượt thời gian quy định, tránh tình trạng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ một cách tràn lan, làm cho nợ vay khó có khả năng thu hồi nhưng vẫn không được phản ánh trên tài khoản nợ quá hạn...
 

Bảo hiểm tiền gửi - Ngày 23/12/2003, Ngân hành Nhà nước đã ban hành Thông tư số 12/2003/TT-NHNN, về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2000/TT-NHNN5 hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/1999/NĐ-CP về bảo hiểm tiền gửi.
Theo đó,
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm cung cấp cho Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (quy định trước đây là: phối hợp chặt chẽ) các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm: Thông tin về việc chấp hành các qui định về bảo hiểm tiền gửi và an toàn trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ quý; kế hoạch kiểm tra các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ 6 tháng; Thông tin đột xuất khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc có thất thoát lớn về vốn, tài sản và có tác động xấu nghiêm trọng tới các tổ chức tín dụng khác...
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

 TỔNG CỤC THUẾ


Lập Bảng kê kèm theo hoá đơn GTGT
- Theo Công văn số 4610/TCT/NV5 của Tổng cục Thuế ra ngày 29/12/2003, nội dung bảng kê do cơ sở kinh doanh tự thiết kế phù hợp với đặc điểm của các loại hàng hóa, kiểu dáng, mẫu mã, chủng loại nhưng phải đảm bảo các nội dung chính như sau: tên cơ sở kinh doanh, địa chỉ liên lạc, mã số thuế; tên hàng, số lượng, giá cả, thành tiền, tổng số tiền (chưa có thuế GTGT) đúng với số ghi trên hóa đơn GTGT; bảng kê phải ghi rõ "kèm theo hóa đơn GTGT số... ngày... tháng.... năm" và có đầy đủ các chữ ký của người bán hàng, giám đốc, người mua, kế toán trưởng...
 

 TỔNG CỤC HẢI QUAN


C/O hàng nhập khẩu
- Theo Công văn số 6571/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan ra ngày 23/12/2003, việc xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hóa quy định hàng nhập khẩu tiểu ngạch không phải nộp C/O, việc xác định xuất xứ hàng hóa đối với trường hợp này căn cứ hàng nhập khẩu thực tế và hồ sơ lô hàng, công chức làm nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng hóa phải ghi rõ căn cứ để xác định xuất xứ trên tờ khai, nếu không đủ căn cứ xác định thì làm thủ tục theo chế độ thông thường...