Số 01.2010 (459) ngày 05/01/2010

CHÍNH PHỦ

Không được quảng cáo việc chào bán cổ phần riêng lẻ (SMS: 01/2010/ND-CP) - Ngày 04/01/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2010/NĐ-CP quy định về hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ và phạt vi phạm hành chính trong hoạt động này của các công ty cổ phần thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (gọi chung là tổ chức chào bán). Đối tượng áp dụng Nghị định này là các công ty cổ phần, các doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần, trừ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần. Theo Nghị định này, chào bán cổ phần riêng lẻ là việc chào bán cổ phần hoặc quyền mua cổ phần trực tiếp và không sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng cho một trong các đối tượng: các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dưới 100 nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và công ty đại chúng là công ty cổ phần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 25 và 26 Luật Chứng khoán. Mệnh giá cổ phần chào bán riêng lẻ là 10.000 đồng Việt Nam.
Các doanh nghiệp nói trên muốn thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ phải có quyết định thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán của cơ quan quyền lực của công ty. Phương án chào bán phải xác định rõ đối tượng và số lượng nhà đầu tư được chào bán dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu trong vòng 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán; các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng. Tổ chức chào bán phải nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm nhất 20 ngày trước ngày dự kiến thực hiện việc chào bán. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chào bán cổ phần riêng lẻ là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở kế hoạch và đầu tư, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
Trong thời hạn 90 ngày, trước và trong khi thực hiện việc chào bán cổ phần riêng lẻ, tổ chức chào bán không được quảng cáo việc chào bán trên các phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp công bố thông tin theo pháp luật về chứng khoán. Việc công bố thông tin không được chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo và mời chào về việc chào bán cổ phần riêng lẻ.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 25/02/2010.
Thêm 01 năm hỗ trợ lãi suất vốn vay mua vật liệu xây nhà ở nông thôn (SMS: 2213/QD-TTg) - Việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 vừa được Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 31/12/2009. Theo đó, thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng đối với các khoản vay mua các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp và máy tính và tối đa là 12 tháng đối với các khoản vay mua sản phẩm vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng các loại làm nhà ở theo hợp đồng tín dụng được ký kết, giải ngân từ ngày 01/01/2010 đến ngày 31/12/2010 (kéo dài 01 năm so với quy định cũ). Khu vực nông thôn để được hỗ trợ lãi suất vốn vay mua vật liệu xây dựng nhà ở chỉ bao gồm địa bàn xã, không bao gồm địa bàn phường và thị trấn. Hàng hóa được hỗ trợ lãi suất vốn vay là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, bao gồm: các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp, xe tải nhẹ trọng tải dưới 05 tấn, máy vi tính để bàn (vay mua các loại hàng hóa này được hỗ trợ 100% lãi suất); phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật các loại; xi măng, thép xây dựng, gạch, ngói các loại, tấm lợp các loại (vay mua các loại hàng hóa này được hỗ trợ lãi suất là 2%/năm).
Cũng theo Quyết định này, mức tiền vay tối đa đối với các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp, các sản phẩm vật tư nông nghiệp bằng 100% giá trị hàng hóa; đối với máy vi tính, mức tiền vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa nhưng không quá 05 triệu đồng/chiếc; đối với vật liệu xây dựng các loại làm nhà ở, mức tiền vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa nhưng không vượt quá 50 triệu đồng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010.
Đầu tư sản xuất giống cây, con được Nhà nước giao đất không thu tiền (SMS: 2194/QD-TTg) - Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất để nghiên cứu, thí nghiệm và sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất với ưu đãi cao nhất về tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất; miễn nộp thủy lợi phí. Nội dung này được đề cập tại Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009. Mục tiêu cụ thể của Đề án này là tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất đại trà phù hợp với điều kiện của từng vùng, nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành. Tổng vốn đầu tư cho Đề án này khoảng 70 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 22%, vốn vay tín dụng đầu tư chiếm 25%, vốn vay thương mại chiếm 25%, vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân chiếm 28%.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống, hình thành ngành công nghiệp sản xuất giống được hiện đại hóa; khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chọn tạo, nhập khẩu và nhân giống. Ưu tiên đầu tư phát triển giống phục vụ mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả xuất khẩu, bao gồm các dự án giống lúa thuần chất lượng cao, một số cây ăn quả chủ lực, rau, hoa và nấm, cà phê, ca cao, cao su, chè chất lượng cao, cá tra, basa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, công nghệ sản xuất giống một số loài cá biển, nhuyễn thể, rong biển có giá trị kinh tế cao. Các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, giống bố mẹ, cây đầu giòng, giống cụ kỵ, giống ông bà, đàn hạt nhân, đàn nhân giống, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống, giống mới sử dụng công nghệ cao được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước theo quy định hiện hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
 
BỘ TÀI CHÍNH

Phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay (SMS: 240/2009/TT-BTC) - Ngày 25/12/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 240/2009/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay đối với dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và kinh doanh cảng hàng không và đối với các dịch vụ hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay.
Theo Thông tư này, đối tượng nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay đối với dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và kinh doanh cảng hàng không là các doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; đối tượng nộp phí được hạch toán khoản tiền phí phải nộp vào chi phí sản xuất kinh doanh hợp lý được trừ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp và không được thu thêm (cộng thêm) số tiền phí phải nộp vào giá dịch vụ khi cung cấp dịch vụ cất cánh, hạ cánh, dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đối với khách hàng. Đối tượng nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay đối với các dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có các hoạt động chịu phí theo biểu phí quy định tại Thông tư này.
Phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay đối với dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và kinh doanh cảng hàng không do cảng vụ hàng không thu, là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. Phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay đối với các dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay do doanh nghiệp cảng hàng không thu là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước; doanh nghiệp thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định đối với số phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế; hàng năm phải thực hiện quyết toán thuế đối với số tiền phí thu được cùng với kết quả hoạt động kinh doanh khác với cơ quan thuế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ 01/01/2010 và thay thế Quyết định số 22/2008/QĐ-BTC ngày 06/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí nhượng quyền khai thác tại cảng hàng không, sân bay.

Lãi suất tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu năm 2010 (SMS: 3280/QD-BTC) - Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư thực hiện từ ngày 01/01/2010 vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố tại Quyết định số 3280/QĐ-BTC ngày 25/12/2009. Theo đó, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 9,6%/năm, bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi là 6,0%/năm. Mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư đối với dự án vay vốn bằng đồng Việt Nam là 2,2%/năm, đối với dự án vay vốn bằng ngoại tệ là 0,7%/năm. Mức lãi suất cho vay và mức chênh lệch lãi suất nói trên được áp dụng cho các dự án ký hợp đồng lần đầu tiên kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010 và thay thế Quyết định số 291/QĐ-BTC ngày 12/02/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư.
 

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Chế độ đối với lao động tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện giao, bán (SMS: 42/2009/TT-BLDTBXH) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 42/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2009 về một số chế độ, chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đối tượng áp dụng Thông tư này là người sử dụng lao động, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ (kể cả người lao động được tuyển dụng vào khu vực nhà nước trước ngày 30/8/1990 nhưng chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động) ở doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Theo Thông tư này, n
hững người có tên trong danh sách thường xuyên (có hưởng lương, có đóng bảo hiểm xã hội, kể cả người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, đang nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, nếu có) của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được chia số dư bằng tiền (nếu có) của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi theo tổng số năm (đủ 12 tháng) làm việc thực tế của người lao động, tính từ thời điểm tuyển dụng đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để thực hiện bán, giaodoanh nghiệp 100% vốn nhà nước đó; đối với phần tháng lẻ của tổng số năm làm việc thực tế để tính chia số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi do doanh nghiệp quyết định. Người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu được thực hiện giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật. Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc (nếu có) theo quy định tại khoản 1, Điều 42 của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Người lao động thuộc diện có nhu cầu sử dụng theo phương án bán, giao đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được bên nhận mua, nhận giao tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã ký kết với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trước đó theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ, khi thôi việc, mất việc làm người lao động được giải quyết chế độ thôi việc (nếu có), mất việc làm (nếu có) theo quy định của pháp luật lao động và các cam kết có liên quan trong hợp đồng bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã ký kết.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Hướng dẫn bổ sung một số chế độ bảo hiểm xã hội(SMS: 41/2009/TT-BLDTBXH) - Ngày 30/12/2009, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã có Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo nội dung sửa đổi, bổ sung, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con là 5 tháng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP áp dụng đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kể cả lao động làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ có thời gian làm việc từ đủ 6 tháng trở lên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên, trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong tháng đó nhưng vẫn được tính là thời gian có đóng BHXH.
Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị xong, ra viện (trong giấy ra viện còn có chỉ định hẹn khám lại; tháo bột; tháo nẹp; tháo vít) thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa. Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện, vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc thì thời gian đóng BHXH tự nguyện không được tính hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thông tư cũng bổ sung việc tính hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXH bắt buộc trước đó đã tham gia BHXH tự nguyện, cụ thể, người tham gia BHXH bắt buộc trước đó đã tham gia BHXH tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng BHXH tự nguyện, thì thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành. Quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6, 7, 8 và các điểm 13, 14, 15, 17, 18, 19, 20 của khoản 9 Điều 1 Thông tư này áp dụng từ ngày 01/01/2007. Quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này áp dụng từ ngày 01/01/2008.
 
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất vay vốn năm 2010
(SMS: 27/2009/TT-NHNN) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 27/2009/TT-NHNN ngày 31/12/2009 quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng trong năm 2010 để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 11/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các tổ chức tín dụng cho vay đối với tổ chức, cá nhân bao gồm: ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và Quỹ tín dụng nhân dân trung ương (gọi chung là ngân hàng thương mại) và các công ty tài chính (trừ công ty tài chính chuyên ngành hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng và lĩnh vực thẻ). Khách hàng vay được hỗ trợ lãi suất bao gồm: tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng thương mại, công ty tài chính để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ở trong nước theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Loại cho vay được hỗ trợ lãi suất là khoản cho vay trung, dài hạn bằng đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo các hợp đồng tín dụng ký kết trước và sau ngày 01/01/2010 mà được giải ngân (một hoặc nhiều lần) trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2010 đến 31/12/2010, bao gồm: ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động thu mua và kinh doanh các mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy sản, muối. Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng kể từ ngày giải ngân; mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 2%/năm tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế. Việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện từ ngày 01/01/2010 đến 31/12/2012.
Khách hàng vay vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất đã ghi trong hợp đồng tín dụng. Nếu sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo đối tượng hỗ trợ lãi suất thì không được hỗ trợ lãi suất và phải hoàn trả cho ngân hàng thương mại, công tài chính số lãi tiền vay được hỗ trợ trước đó và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Quy định về mua - bán ngoại tệ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước(SMS: 26/2009/TT-NHNN) - Ngày 30/12/2009, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra Thông tư số 26/2009/TT-NHNN quy định việc mua - bán ngoại tệ của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thông tư này quy định việc tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép và được quyền mua lại ngoại tệ trong phạm vi số ngoại tệ đã bán từ tổ chức tín dụng được phép để phục vụ nhu cầu sử dụng ngoại tệ hợp pháp. Việc mua - bán ngoại tệ theo quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với các Tập đoàn: Dầu khí, Than, khoáng sản, Công nghiệp hóa chất và các Tổng công ty: Cảng hàng không Miền Nam, Lương thực Miền Nam, Lương thực Miền Bắc, Lắp máy Việt Nam (gọi chung là tổ chức).
Thông tư quy định, các nguồn ngoại tệ tổ chức phải bán cho tổ chức tín dụng được phép bao gồm: ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn của tổ chức tại tổ chức tín dụng được phép tại thời điểm ngày 31/12/2009, nguồn thu ngoại tệ từ các giao dịch vãng lai phát sinh từ ngày 01/01/2010. Tổ chức được quyền giữ lại trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình số ngoại tệ từ nguồn thu vãng lai trong tháng để thực hiện nhu cầu sử dụng trên cơ sở chứng minh tính hợp lý của nhu cầu sử dụng ngoại tệ của tổ chức trong tháng. Khi nhu cầu sử dụng ngoại tệ cho các mục đích hợp pháp (thanh toán, ký quỹ hay đặt cọc) trong tháng lớn hơn số dư hiện có trên tài khoản ngoại tệ của tổ chức và nguồn thu ngoại tệ trong tháng, tổ chức được phép mua lại số ngoại tệ còn thiếu. Tổ chức bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép nào thì thực hiện việc mua lại ngoại tệ từ chính tổ chức tín dụng đó. Trường hợp khi đã mua đủ số ngoại tệ mà tổ chức đã bán cho tổ chức tín dụng được phép, tổ chức vẫn có nhu cầu mua ngoại tệ thì việc mua - bán ngoại tệ của tổ chức và tổ chức tín dụng được phép được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của các bên, tuân thủ quy định hiện hành có liên quan về quản lý ngoại hối. Tỷ giá thực hiện mua - bán ngoại tệ của tổ chức và tổ chức tín dụng được phép được thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Ban hành 02 Quy chuẩn quốc gia trong sản xuất thủy sản(SMS: 82/2009/TT-BNNPTNT) - Ngày 25/12/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kèm theo Thông tư số 82/2009/TT-BNNPTNT 02Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thuỷ sản, gồm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi thuỷ sản - điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường, ký hiệu QCVN 02-14: 2009/BNNPTNT và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: cơ sở sản xuất giống thủy sản - điều kiện an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và môi trường, ký hiệu QCVN 02-15: 2009/BNNPTNT.
Theo Thông tư này, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi thuỷ sản - điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường quy định điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thú y cho cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi thuỷ sản, áp dụng cho cơ sở sản xuất thức ăn nuôi thuỷ sản quy mô công nghiệp trong phạm vi cả nước, không áp dụng đối với cơ sở sản xuất thức ăn nuôi thuỷ sản quy mô nông hộ tự phục vụ, không có tính thương mại, bao gồm các yêu cầu về kỹ thuật và quản lý. Cụ thể, cơ sở phải được xây dựng nằm trong quy hoạch của Nhà nước và có vị trí đảm bảo không bị ngập, đọng nước; giao thông thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển; phải có nguồn cung cấp nước sạch và nguồn điện đáp ứng được yêu cầu hoạt động sản xuất; cách biệt với khu dân cư và nguồn gây nhiễm. Nguyên liệu để sản xuất thức ăn nuôi thuỷ sản phải đảm bảo chất lượng tốt, không lẫn tạp chất lạ, không nhiễm bẩn. Không được sử dụng nguyên liệu có chứa các chất bị cấm sử dụng. Nguyên liệu phải có xuất xứ rõ ràng; không có mối mọt, sâu bệnh; không được dùng nguyên liệu từ động vật bị ốm chết hoặc dịch bệnh; đạt chỉ tiêu về dinh dưỡng, vi sinh và độc tố. Đối với nguyên liệu nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền cấp. Cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi thuỷ sản phải thực hiện chứng nhận hợp quy về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: cơ sở sản xuất giống thủy sản - điều kiện an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và môi trường
áp dụng đối với các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, các cơ quan quản lý hoạt động liên quan đến sản xuất giông thủy sản trong phạm vi cả nước cũng bao gồm các yêu cầu về kỹ thuật và quản lý. Vị trí xây dựng các cơ sở này phải có nguồn nước sạch đáp ứng yêu cầu của cơ sở sản xuất giống, nguồn điện ổn định, giao thông thuận tiện và tách biệt với khu vực dân cư, xa các nhà máy công nghiệp, hóa chất và chế biến thực phẩm; mặt bằng vững chắc, địa tầng ổn định, không nằm trong vùng bị xói lở và nằm trong quy hoạch của địa phương hoặc có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản phải thực hiện chứng nhận hợp quy về điều kiện chung đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và môi trường theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thông tư này có hiệu lực sau 06 tháng kể từ ngày ký ban hành.