Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc (SMS: 502643) - Ngày 31/12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 198/2007/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Theo đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sống phân tán ở vùng cao, núi đá, khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt sẽ được Nhà nước hỗ trợ bình quân 0,5 tấn xi măng hoặc 400.000 đồng/hộ để xây dựng bể chứa nước mưa, đào giếng nước...; nếu chưa có nhà ở hoặc nhà ở quá tạm bợ và đã hư hỏng sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ để làm nhà ở... UBND cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách của địa phương có thể xem xét quyết định giao đất ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo với mức phù hợp với điều kiện và tập quán ở địa phương. Đối với đất do đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang sinh sống và sử dụng ổn định từ trước tới nay, hiện thuộc quyền quản lý của nông trường, lâm trường thì các nông trường, lâm trường tiến hành bàn giao diện tích trên cho chính quyền địa phương để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ theo quy định. Trường hợp các địa phương khó khăn về quỹ đất, không có điều kiện giải quyết hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thì địa phương đó chủ động giải quyết thay thế bằng hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Ngân sách địa phương bố trí kinh phí không dưới 20% so với số vốn ngân sách trung ương bảo đảm, đồng thời huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện mục tiêu, chính sách này. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Hướng dẫn thực hiện bảo hiễm xã hội tự nguyện (SMS: 502642) - Ngày 28/12/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 190/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, người tham gia BHXHTN được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Mức đóng này tính trên cơ sở mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXHTN được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng cả hai loại bảo hiểm… Người tham gia BHXHTN được cấp sổ BHXH, hưởng bảo hiểm y tế khi đang hưởng lương hưu và được phép ủy quyền cho người khác nhận lương hưu và trợ cấp BHXHTN. Người tham gia BHXHTN là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Trường hợp thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 5 năm so với thời gian quy định, kể cả những người đã có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà chưa nhận BHXH một lần có nhu cầu tham gia BHXHTN thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm… Mức lương hưu hằng tháng của người tham gia BHXHTN và đủ điều kiện hưởng lương hưu nói trên được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công, thu nhập tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức lương tối đa là 75%. Khi tính mức lương hưu hằng tháng đối với người có thời gian đóng BHXH bắt buộc đủ từ 20 năm trở lên, mà mức lương hưu hằng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung tại thời điểm hưởng lương hưu thì được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung. Người đang hưởng lương hưu bị chết thì trợ cấp tuất một lần có mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng trước khi chết. Mức trợ cấp tử tuất cao nhất cho thân nhân của người đang hưởng lương hưu được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong hai tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng, nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu… Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01/01/2008.
Quản lý nhà nước về công thương (SMS: 502602) - Ngày 27/12/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 189/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ đảm trách các ngành và lĩnh vực: cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, khai thác khoáng sản, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác… Ngoài ra, Bộ còn quản lý các ngành, lĩnh vực như xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, xúc tiến thương mại, quản lý cạnh tranh, thương mại điện tử... Bộ Công Thương có trách nhiệm ban hành quy định về lập, thẩm định, lấy ý kiến, trình duyệt giá bán lẻ điện, phê duyệt kế hoạch khai thác sớm dầu khí tại các mỏ. Về lĩnh vực thương mại điện tử: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, chính sách phát triển thương mại điện tử; chủ trì hợp tác quốc tế về thương mại điện tử; ký kết hoặc tham gia các thỏa thuận quốc tế liên quan đến thương mại điện tử. Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điều tiết điện lực, Cục Quản lý cạnh tranh và Cục Quản lý thị trường. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy hoạch, sử dụng đất cho giáo dục, đào tạo (SMS: 502625) - Ngày 26/12/2007, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 270/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về vấn đề quy hoạch, sử dụng đất cho giáo dục, đào tạo. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng hiện nay đang đóng trong nội thành của các thành phố, nhưng không đủ diện tích đáp ứng yêu cầu phát triển cần, cần được quy hoạch đưa ra những địa điểm mới phù hợp. Đối với các trường mới thành lập, cần được quy hoạch phù hợp để có diện tích xây dựng và địa điểm xây dựng đáp ứng yêu cầu về giao thông và môi trường sư phạm cho quá trình phát triển… Việc quy hoạch đất cho giáo dục đào tạo chủ yếu phải lựa chọn các khu vực có giá trị sử dụng đất nông nghiệp thấp, không ảnh hưởng đối với an ninh lương thực. Trường hợp những địa phương không có điều kiện, phải sử dụng đất nông nghiệp, thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuọc Trung ương phải phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất (5 năm hoặc 10 năm) để trình duyệt…
|
Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (SMS: 502627) - Ngày 02/01/2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2008/TT-BXD hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010. Theo đó, dự toán chi phí xây dựng bao gồm: chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng và chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công. Chi phí xây dựng trong dự toán xây dựng công trình được lập cho các công trình chính, công trình phụ trợ, công trình tạm phục vụ thi công hoặc bộ phận, phần việc, công tác của công trình, hạng mục công trình và được xác định bằng dự toán. Riêng đối với các công trình phụ trợ, các công trình tạm phục vụ thi công hoặc các công trình đơn giản, thông dụng thì dự toán chi phí xây dựng có thể còn được xác định bằng suất chi phí xây dựng trong suất vốn đầu tư xây dựng công trình hoặc bằng định mức chi phí tính theo tỷ lệ %... Phần khối lượng do dân tự làm sử dụng nhân công, vật tư, vật liệu khai thác tại chỗ, khối lượng của những hạng mục công trình sử dụng kinh phí đóng góp của dân được lập dự toán riêng và không tính thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng, chi phí nhà tạm trong dự toán… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch (SMS: 502626) - Ngày 02/01/2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2008/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Theo đó, khi lập dự án đầu tư xây dựng mới công trình cấp nước ở những nơi chưa có hệ thống cấp nước tập trung, chủ đầu tư và tổ chức tư vấn lập dự án phải phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức điều tra xã hội học, tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng trong phạm vi phục vụ của dự án về cam kết đấu nối và sự sẵn sàng chi trả. Khi lấy ý kiến phải thông tin cho cộng đồng biết những nội dung cơ bản của dự án về quy mô đầu tư, chất lượng dịch vụ sau khi hoàn thành, phương án giá nước, nhu cầu sử dụng đất, tiến độ thực hiện... Nước sạch phải bảo đảm chất lượng theo quy định trên toàn hệ thống từ sau công trình xử lý đến người trực tiếp sử dụng. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm kiểm tra và bảo đảm chất lượng nước sạch trên hệ thống cấp nước do mình quản lý. Khi có sự cố hoặc khiếu nại của khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước sạch được cung cấp, đơn vị cấp nước có trách nhiệm kiểm tra hệ thống cấp nước do mình quản lý hoặc hệ thống đường ống, thiết bị sau điểm đấu nối của khách hàng sử dụng nước để xác định nguyên nhân và có phương án khắc phục sự cố. Việc tổ chức khắc phục sự cố sau điểm đấu nối do khách hàng sử dụng nước thực hiện… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Cưỡng chế thi hành thuế (SMS: 502585) - Ngày 24/12/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 157/2007/TT-BTC hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Theo đó, các trường hợp phải tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế gồm: nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế đã quá 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn phải nộp theo quy định; nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế đã hết thời hạn gia hạn nộp vào Ngân sách; nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn. Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế, công chức thuế có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế phải giao trực tiếp quyết định cưỡng chế cho đối tượng bị cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế là 5 ngày làm việc và phải có chữ ký xác nhận của đối tượng bị cưỡng chế hoặc người nhận thay. Nếu có căn cứ cho rằng, đối tượng bị cưỡng chế có dấu hiệu tẩu tán tiền trong tài khoản hoặc tẩu tán tài sản thì người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phải tổ chức thực hiện ngay quyết định cưỡng chế mà không cần thông qua các thủ tục giao, nhận quyết định. Có 5 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Việc xử lý, thực hiện các quyết định xử phạt hành chính thuế thực hiện theo trình tự: trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thuế tại kho bạc, ngân hàng, các tổ chức tín dụng…; khấu trừ một phần tiền lương, thu nhập của đối tượng nộp thuế; kê biên tài sản của đối tượng nợ thuế; kê biên tài sản do người thứ ba nắm giữ; thu hồi mã số thuế, đình chỉ sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Các biện pháp này sẽ được áp dụng trình tự, theo từng biện pháp một. Biện pháp đầu không thực hiện được hoặc chưa đủ thì mới áp dụng biện pháp tiếp theo. Đối với biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập thì đối tượng bị cưỡng chế; tổ chức, cá nhân đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập và các tổ chức, cá nhân liên quan phải cung cấp các thông tin về thu nhập cho thủ trưởng cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được nhận yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin đã cung cấp. Tỷ lệ khấu trừ tiền lương, các khoản có tính chất lương đối với cá nhân không thấp hơn 10% và không quá 30% tổng số tiền lương, tiền thưởng có tính chất lương, trợ cấp hàng tháng của cá nhân đó; đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|