Giao dịch bảo đảm (SMS: 20608) - Theo Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ban hành ngày 29/12/2006, Chính phủ quy định: tài sản bảo đảm do các bên thoả thuận và thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai và được phép giao dịch... Doanh nghiệp nhà nước được sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác... Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp và có giá trị pháp lý đối với người thứ ba thì Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác... Trong trường hợp nhận cầm cố thẻ tiết kiệm thì bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phong toả tài khoản tiền gửi tiết kiệm của bên cầm cố... Trong trường hợp nhận cầm cố giấy tờ có giá thì bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu người phát hành giấy tờ có giá hoặc Trung tâm Lưu ký chứng khoán đảm bảo quyền giám sát của bên nhận cầm cố đối với giá trị tài sản ghi trên giấy tờ đó... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thu hút và sử dụng vốn ODA (SMS: 202260) - Ngày 29/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 290/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006 - 2010". Theo đó, từ nay đến 2010, Việt Nam cần tới 19 - 21 tỷ USD vốn ODA cam kết từ các nhà tài trợ. Cũng theo đề án, để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 và đạt mức tăng trưởng bình quân 7,5 - 8%/năm, Việt Nam cần huy động tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 nghìn tỷ đồng (theo tỷ giá năm 2005), tương đương gần 140 tỷ USD (theo tỷ giá hiện hành là 160 tỷ USD). Trong đó, 65% huy động từ các nguồn vốn trong nước và 35% từ các nguồn vốn ngoài nước. Riêng nhu cầu về vốn ODA, trong 5 năm tới, cần thực hiện được khoảng 11 tỷ USD vốn ODA. Để thực hiện được nguồn vốn trên, cần phải có vốn ODA cam kết khoảng 19 - 21 tỷ USD. Trong số các dự án giao thông được đầu tư vốn ODA thời gian tới, theo Đề án của Chính phủ, sẽ tập trung và việc phát triển hệ thống đường cao tốc Bắc Nam, các đường trục chính của các vùng kinh tế; ưu tiên phát triển các tuyến đường ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL....; xây dựng một số cầu đường bộ lớn ở cả ba miền. Ngoài ra, sẽ câng cấp, xây dựng một số tuyến đường sắt, kể cả tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy định về thanh toán bằng tiền mặt (SMS: 202259) - Theo Nghị định số 161/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/12/2006 quy định về hạn mức thanh toán bằng tiền mặt, phí giao dịch tiền mặt và việc rút tiền mặt với số lượng lớn bằng Đồng Việt Nam trong giao dịch, thanh toán tại Việt Nam. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Kho bạc Nhà nước được thoả thuận với các tổ chức, cá nhân về việc rút tiền mặt với số lượng lớn và việc thông báo trước khi có nhu cầu rút tiền mặt với số lượng lớn... Các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức sử dụng vốn nhà nước khi trả tiền cho bên thụ hưởng phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả, trừ những khoản được phép chi trả bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước. Đối với những khoản chi trả cho người thụ hưởng không có tài khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Kho bạc Nhà nước thì các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức sử dụng vốn nhà nước được chi trả bằng tiền mặt cho bên thụ hưởng... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối (SMS: 202258) - Theo Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2006, Chính phủ quy định: các nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư gián tiếp vào Việt Nam phải sử dụng tiền Việt Nam đồng. Người không cư trú bao gồm cả cá nhân và tổ chức được xác định theo quy định là nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng được phép để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Vốn đầu tư bằng ngoại tệ phải bán lấy đồng Việt Nam để đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Mọi giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam. Khi chuyển vốn ra nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng đồng Việt Nam trên tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài... Các cá nhân tổ chức cư trú hoặc không cư trú ở Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ nhu cầu thanh toán và chuyển tiền. Khi thực hiện các giao dịch này, yêu cầu duy nhất là xuất trình các chứng từ liên quan theo quy định về việc mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài... Việc chuyển tiền một chiều từ nước ngoài vào Việt Nam phải chuyển vào tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép. Cá nhân có ngoại tệ thu được từ các khoản chuyển tiền từ nước ngoài được gửi vào tài khoản ngoại tệ, gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, rút tiền mặt để cất giữ, mang theo người, bán cho tổ chức tín dụng được phép lấy đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ khác để sử dụng. Bên cạnh đó, công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng được phép cho các mục đích: học tập, chữa bệnh; đi công tác, du lịch, thăm viếng; trả các loại phí, lệ phí... Riêng việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh sẽ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể căn cứ vào tình hình thực tế... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chế độ hưu trí đối với quân nhân (SMS: 202267) - Ngày 28/12/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2006/NĐ-CP về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/4/1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ quân đội đã phục viên, xuất ngũ. Theo đó, lương hưu hàng tháng được tính theo số năm thực tế công tác (được coi là đã đóng bảo hiểm xã hội) và mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội như sau: đủ 15 năm tính bằng 45% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 3% đối với nữ và 2% đối với nam. Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội... Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng sinh hoạt phí (hạ sĩ quan, binh sĩ) thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng lương tối thiểu... Cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm cơ sở tính lương hưu hàng tháng là tính bình quân các mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong 5 năm cuối trước khi phục viên, xuất ngũ hoặc trước khi chuyển sang trung tâm điều dưỡng thương binh. Quân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hàng tháng nhưng đã từ trần trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành thì thân nhân chủ yếu của đối tượng được hưởng chế độ một lần bằng 3.600.000 đồng. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy định về hoạt động mua bán hàng hoá qua trung gian (SMS: 202257) - Ngày 28/12/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá. Theo đó, Sở giao dịch hàng hoá được thành lập và hoạt động dưới hình thức Công ty TNHH, Công ty cổ phần và phải đáp ứng các điều kiện sau: có vốn pháp định là 150 tỷ đồng; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải có thới gian công tác trong lĩnh vực kinh tế-tài chính ít nhất là 05 năm... Thành viên của Sở giao dịch gồm thương nhân môi giới và thương nhân kinh doanh. Vốn pháp định theo quy định của thương nhân môi giới là 05 tỷ đồng, kinh doanh là 75 tỷ đồng. Tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của Sở Giao dịch hàng hoá có thể uỷ thác cho thành viên kinh doanh thực hiện các hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá. Việc uỷ thác mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng uỷ thác giao dịch bằng văn bản. Sở giao dịch có thể thành lập Trung tâm thanh toán trực thuộc hoặc uỷ quyền cho một tổ chức tín dụng . Trung tâm thanh toán phải hoạt động độc lập với các thành viên của Sở giao dịch... Tổng hạn mức giao dịch với một loại hàng hoá của toàn bộ các hợp đồng trong thời hạn giao dịch không được vượt quá 50% tổng khối lượng hàng hoá đó được sản xuất tại Việt Nam của năm ngay trước đó. Hạn mức giao dịch của một thành viên không được vượt quá 10% tổng hạn mức giao dịch nói trên... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Chiết khấu, tái chiết khấu trong hoạt động tín dụng (SMS: 202247) - Ngày 29/12/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 63/2006/QĐ-NHNN ban hành Quy chế chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Theo đó, Công cụ chuyển nhượng được tổ chức tín dụng nhận chiết khấu, tái chiết khấu khi có đủ các điều kiện sau đây: Được phát hành hợp pháp; Thuộc quyền thụ hưởng hợp pháp của khách hàng; Trên công cụ chuyển nhượng không ghi cụm từ "Không được chuyển nhượng", "Cấm chuyển nhượng", "Không trả theo lệnh" hoặc cụm từ khác có ý nghĩa tương tự; Còn thời hạn thanh toán. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận và lựa chọn chiết khấu, tái chiết khấu có thời hạn. Khi hết thời hạn chiết khấu, tái chiết khấu mà khách hàng không thực hiện việc mua lại công cụ chuyển nhượng, thì tổ chức tín dụng có quyền xuất trình công cụ chuyển nhượng để thanh toán... Thời hạn chiết khấu, tái chiết khấu do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận, nhưng không vượt quá thời hạn thanh toán còn lại của công cụ chuyển nhượng... Mức chiết khấu tối đa đối với một khách hàng không phải là tổ chức tín dụng bằng 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thì mức chiết khấu đối với một khách hàng tối đa bằng 15% vốn tự có của ngân hàng mẹ... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy chế thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất (SMS: 202246) - Quyết định số 62/2006/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 29/12/2006, quy định: hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền hay hoán đổi lãi suất tiền tệ chéo, trong đó việc trao đổi vốn gốc đầu kỳ do các bên thỏa thuận thực hiện hoặc không thực hiện, nhưng bắt buộc phải có trao đổi vốn gốc vào cuối kỳ theo tỷ giá được thỏa thuận từ ngày hợp đồng có hiệu lực... Đối với ngân hàng thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất nhằm phòng ngừa rủi ro lãi suất cho khách hàng phải có vốn tự có từ 1.000 tỷ đồng hoặc giá trị tương đương trở lên; Có tổng lãi ròng các giao dịch hoán đổi lãi suất là số dương; trường hợp tổng lãi ròng này là số âm thì tối đa bằng 5% vốn tự có của ngân hàng đó... Thời hạn của một hợp đồng hoán đổi lãi suất do các bên thỏa thuận, nhưng tối đa không quá thời hạn còn lại của hợp đồng giao dịch khoản vốn gốc. Số vốn gốc của các hợp đồng hoán đổi lãi suất đối với một doanh nghiệp không vượt quá 30% vốn tự có của ngân hàng. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quản lý vốn hỗ trợ của Nhà nước (SMS: 202245) - Ngày 29/12/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 61/2006/QĐ-NHNN ban hành Quy chế quản lý vốn hỗ trợ của Nhà nước cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tại Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương. Theo đó, việc quản lý phải tuân theo nguyên tắc: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cử từ 2 đến 3 người đại diện để tham gia quản trị, điều hành và kiểm soát Quỹ tín dụng Trung ương, trong đó phải có 1 người chịu trách nhiệm chính... Trường hợp người đại diện được cử tham gia ứng cử vào chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ tín dụng Trung ương thì phải có thời gian công tác trong lĩnh vực ngân hàng từ 5 năm trở lên; Đã từng giữ chức vụ quản lý hoặc điều hành tại một cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực ngân hàng từ 2 năm trở lên. Trường hợp người đại diện được cử tham gia ứng cử vào chức danh Trưởng Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên chuyên trách của Quỹ tín dụng Trung ương thì phải có thời gian công tác ở một trong các lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng từ 5 năm trở lên. Trường hợp người đại diện được cử để bổ nhiệm là Tổng Giám đốc của Quỹ tín dụng Trung ương thì phải có thời gian công tác trong lĩnh vực ngân hàng từ 5 năm trở lên; Đã từng giữ các chức vụ quản lý hoặc điều hành ở một cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực ngân hàng từ 3 năm trở lên. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|