Pháp lệnh ngoại hối (SMS: 201369) - Ngày 13/12/2005, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11, gồm 10 chương, 46 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2006. Theo đó, việc quản lý ngoại hối theo hướng từng bước hạn chế đô la hóa, tiến tới thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam, nghiêm cấm triệt để các giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo bằng ngoại tệ giữa các tổ chức, cá nhân. Hạn chế đến chấm dứt việc các tổ chức được bán hàng, cung cấp dịch vụ thu ngoại tệ... Tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai giữa người cư trú và không cư trú được tự do thực hiện... Ngoài quy định được mang ngoại tệ trị giá 7.000 USD khi xuất cảnh không phải khai báo còn được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để chi phí cho việc học hành, chữa bệnh, du lịch...theo yêu cầu... Người cư trú được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ cho các nhu cầu hợp pháp. Pháp lệnh còn quy định rõ ngoại tệ của người cư trú là cá nhân ở VN thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được sử dụng cho mục đích cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép. Trường hợp là công dân VN thì được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép...
|
Sản xuất và cung ứng muối iốt cho người ăn (SMS: 201370) - Theo Nghị định số 163/2005/NĐ-CP ban hành ngày 29/12/2005, Chính phủ quy định: muối iốt trước khi được lưu thông trên thị trường phải được cơ sở sản xuất tự công bố tiêu chuẩn chất lượng có đủ hàm lượng iốt trong muối theo quy định của Bộ Y tế và bảo đảm chất lượng muối iốt theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố... Nhãn hiệu muối iốt phải có đủ các thông tin sau: Tên, địa chỉ cơ sở sản xuất và chế biến; Số đăng ký chất lượng sản phẩm; Hàm lượng iốt; Các hướng dẫn bảo quản và sử dụng; Ngày tháng năm sản xuất; Thời hạn sử dụng... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thi hành Luật Khoáng sản (SMS: 201371) - Ngày 27/12/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Thành lập tập đoàn (SMS: 201375) - Theo Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg ban hành ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định: thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Chế độ đối với người công tác ở nước ngoài (SMS: 201368) - Ngày 23/12/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2005/NĐ-CP quy định một số chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, trong thời gian công tác nhiệm kỳ tại các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ, công chức được Nhà nước thanh toán tiền nhà ở, điện, nước, chất đốt; được hưởng sinh hoạt phí, một số khoản phụ cấp...; được hưởng 40% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)... Chế độ sinh hoạt phí có 3 mức tối thiểu là 400; 450 và 500 USD/người/tháng. Mức này sẽ được xem xét điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng tại nước có cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đóng trụ sở tăng từ 10% trở lên hoặc điều kiện kinh tế, tài chính của Nhà nước cho phép... Chỉ số sinh hoạt phí cao nhất là 250% và thấp nhất là 80%. Cán bộ, công chức được thanh toán các khoản sau: tiền mua sắm trang phục làm việc và những đồ dùng thiết yếu trong nhiệm kỳ công tác; Tiền vé máy bay và tiền cước hành lý 50kg ngoài quy định của Hàng không khi rời Việt Nam đến địa bàn công tác và khi kết thúc nhiệm kỳ về nước... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Vệ sinh, an toàn lao động (SMS: 201367) - Ngày 29/12/2005, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động. Theo đó, người sử dụng lao động chịu trách nhiệm tổ chức huấn luyện cho người lao động thuộc cơ sở quản lý; người lao động hành nghề tự do do cơ sở thuê mướn, sử dụng. Sau khi huấn luyện, kiểm tra sát hạch đạt yêu cầu, người lao động (kể cả người lao động hành nghề tự do) phải ký vào sổ theo dõi công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động... Giảng viên về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải có kinh nghiệm, được bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn lao động, vệ sinh lao động và do người sử dụng lao động quyết định. Giảng viên an toàn lao động, vệ sinh lao động phải có trình độ đại học trở lên, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và do đơn vị tổ chức huấn luyện quyết định... Người lao động khi chuyển từ công việc này sang công việc khác; khi có sự thay đổi thiết bị, công nghệ sản xuất; sau khi nghỉ làm việc từ 6 tháng trở lên thì trước khi bố trí làm việc phải được hướng dẫn, huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với thiết bị, công nghệ mới và công việc được giao... Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Quy chế Quản lý giống cây trồng lâm nghiệp (SMS: 201374) - Theo Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định: Tổ chức, cá nhân muốn khai thác, sử dụng nguồn gen cây rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia phải được sự đồng ý của đơn vị có nguồn gen và được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây có trong danh mục giống cây trồng lâm nghiệp chính nhưng không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh thì không cần phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp chính... Tổ chức, cá nhân muốn nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp chưa có trong danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh để nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất thử hoặc trong các trường hợp đặc biệt khác phải được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Chủ cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp phải lưu giữ các văn bản, chứng từ liên quan, lập sổ theo dõi cập nhật để chứng minh được cây con của đơn vị đưa vào sản xuất, kinh doanh và lưu thông đều có nguồn gốc rõ ràng, chính xác với số lượng và năm sản xuất cụ thể... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy trình kiểm soát giết mổ động vật (SMS: 201373) - Theo Quyết định số 87/2005/QĐ-BNN ban hành ngày 26/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc kiểm tra trước khi giết mổ thực hiện như sau: Kiểm tra tình trạng sức khoẻ của từng con, cho gia súc di chuyển 2 lần qua đường dẫn giữa 2 ô chuồng để kiểm tra; tách riêng những con nghi ngờ để kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng, đánh dấu và áp dụng các biện pháp xử lý như giết mổ sau cùng hoặc giết mổ ở khu vực riêng hoặc nuôi nhốt cách ly để theo dõi tiếp hoặc giết huỷ. Sau khi giết mổ phủ tạng phải được vệ sinh sạch sẽ, thân thịt con nào phải để liền phủ tạng con đó hoặc đánh số để việc kiểm tra được thuận tiện, tránh nhầm lẫn... Đối với các lò giết mổ công nghiệp, giết mổ tập trung với số lượng lớn gia cầm (công suất hàng nghìn con gia cầm trong một giờ), việc kiểm tra trước khi giết mổ cần lưu ý những điểm sau đây: Kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển gia cầm; Kiểm tra hồ sơ theo dõi tình hình dịch bệnh của đàn gia cầm tại cơ sở chăn nuôi gia cầm; Kiểm tra nhanh tình trạng sức khoẻ của gia cầm ở trong lồng và khi được treo lên dây chuyền giết mổ để phát hiện gia cầm chết, quá yếu, còi cọc, bị chấn thương khi vận chuyển hoặc gia cầm có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm để có các biện pháp xử lý thích hợp; Gia cầm khoẻ mạnh được giết mổ càng sớm càng tốt sau khi đã được kiểm tra trước khi giết mổ; Tái kiểm tra lâm sàng sau 24 giờ đối với số gia cầm tồn chuồng... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Mẫu hồ sơ kiểm dịch (SMS: 201372) - Ngày 26/12/2005, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 86/2005/QĐ-BNN ban hành Quy định mẫu hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y. Quy định này áp dụng đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam; kiểm tra vệ sinh thú y. Đối với cơ sở giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật với mục đích để xuất khẩu được cơ quan kiểm dịch động vật xuất nhập khẩu kiểm tra, giám sát, nếu cơ sở có nhu cầu tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu sang những nước không có yêu cầu về kiểm dịch xuất khẩu thì phải đăng ký kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch động vật quản lý cơ sở đó và sử dụng các mẫu giấy đăng ký kiểm dịch và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật xuất khẩu. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|