Định giá 05 nhóm mặt hàng - Ngày 25/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/2003/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá. Theo đó, 5 nhóm tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bao gồm: Đất đai; Mặt nước tài nguyên quan trọng; Tài sản của Nhà nước được bán, cho thuê không qua đấu thầu, đấu giá; Hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước độc quyền (điện, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng máy bay tuyến đường chuẩn trong nước, dịch vụ bưu chính viễn thông); Hàng hóa, dịch vụ quan trọng đối với quốc kế dân sinh (xăng dầu, nước sạch, một số loại thuốc thiết yếu, vận chuyển hành khách bằng xe buýt, hàng hóa được trợ giá...)... Khi giá hàng hóa, dịch vụ biến động bất thường có dấu hiệu do độc quyền hay liên kết độc quyền, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá sẽ tiến hành điều tra. Căn cứ trên kết quả điều tra, Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính có quyền đình chỉ việc thực hiện giá độc quyền, xử phạt hành chính, bồi thường cho người thiệt hại... Nghị định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
An toàn điện - Theo Nghị định 169/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/12/2003, những hành vi sử dụng điện làm phương tiện để bảo vệ tài sản cá nhân hoặc phục vụ mục đích khác như chống trộm, bẫy chuột, đánh cá, bảo vệ hoa màu... gây nguy hiểm cho người, môi trường sống, gây sự cố làm thiệt hại tài sản nhà nước và tài sản công dân tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phải bồi thường theo quy định của pháp luật... Việc sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp đối với các cơ sở quan trọng của Nhà nước về an ninh chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng cũng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Ngoài ra, Nghị định cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quy định về an toàn điện khác như sử dụng thiết bị điện không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện an toàn, kéo dây đấu điện không đảm bảo điều kiện an toàn (dùng dây nguội đấu xuống giếng, xuống ao hoặc đấu nối vào đường ống nước...), thả diều, đá bóng gần đường dây điện và những hành vi có thể gây hư hỏng công trình lưới điện (bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện, lợi dụng cột điện để làm lều quán bán hàng, buộc gia súc...)... Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Quản lý bảo trì đường bộ - Ngày 24/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 168/2003/NĐ-CP, quy định về nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2004. Theo Nghị định này, vốn cho quản lý, bảo trì đường bộ được sử dụng vào những công việc mang tính quản lý nhà nước và phục vụ trong giao thông đường bộ như: Tổ chức theo dõi tình trạng kỹ thuật và quản lý công trình đường bộ; tổ chức giao thông đường bộ; kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe, các trạm thu phí sử dụng đường bộ; hoạt động của các bến phà, cầu phao có số thu không đủ chi thường xuyên; bảo dưỡng thường xuyên đường bộ; sửa chữa định kỳ (sửa chữa vừa và sửa chữa lớn) đường bộ; sửa chữa đột xuất đường bộ, khắc phục hậu quả thiên tai hoặc các nguyên nhân khác. Chế độ đối với sĩ quan biệt phái - Ngày 22/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 165/2003/NĐ-CP, về biệt phái sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo Nghị định này, thời hạn làm nhiệm vụ biệt phái của mỗi sĩ quan là 5 năm; khi cần thiết cấp có thẩm quyền điều động sĩ quan biệt phái xem xét, quyết định kéo dài thời hạn biệt phái, thời gian kéo dài không quá 5 năm. Sĩ quan biệt phái được hưởng các quyền lợi sau: được bảo đảm điều kiện, phương tiện làm việc, công tác phí, chế độ phúc lợi như cán bộ, công chức nơi sĩ quan đến biệt phái; được tuyển chọn đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; được hưởng chế độ lương, các khoản phụ cấp theo lương và các chế độ; được hưởng phụ cấp chức vụ, phụ cấp nghề nghiệp đặc thù nơi sĩ quan đến biệt phái (nếu có), nhưng không trùng với các khoản phụ cấp đã có trong chế độ tiền lương của lực lượng vũ trang. Trước khi làm hoặc thôi làm nhiệm vụ biệt phái nếu có phụ cấp chức vụ, được bảo lưu thời gian hưởng phụ cấp theo quy định hiện hành... Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Hướng dẫn Thuế thu nhập doanh nghiệp - Ngày 22/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN). Theo đó, thuế suất thuế thu nhập DN áp dụng đối với cơ sở kinh doanh không phân biệt DN trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài từ 01/01/2004 sẽ là 28%. Thu nhập của hoạt động xổ số kiến thiết cũng chịu mức thuế này. Điểm mới so với quy định trước đây là một số loại chi phí được hợp lý hoá để khấu trừ vào thu nhập tính thuế, đó là các chi phí dịch vụ pháp lý, bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá. Chi mua trang phục cũng được tính vào chi phí hợp lý. Chi cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tiếp tân, khánh tiết, chi phí giao dịch, hoa hồng môi giới, hội nghị... giới hạn không quá 10% tổng chi phí. Giới hạn này đã được nới so với mức khống chế 7% trước đây. Đối với hoạt động thương nghiệp, tổng chi phí hợp lý để xác định mức khống chế không bao gồm giá trị mua vào của hàng hoá. Bắt đầu từ 01/01/2004, DN có thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất sẽ phải nộp thuế thu nhập 28%. Số thu nhập còn lại nếu cao hơn 15% so với chi phí thì phải nộp thuế thu nhập bổ sung theo biểu lũy tiến từng phần: đến 30% chịu thuế 10%, đến trên 60% phải nộp 25%.... Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Sử dụng nguồn vốn nhà nước - Ngày 23/12/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg, về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước. Thủ tướng chỉ thị: Các Bộ và tỉnh khẩn trương phân bổ vốn đầu tư và giao cho cơ sở thực hiện theo các nguyên tắc: trước khi phân bổ vốn cần rà soát lại các dự án chuyển tiếp và xử lý theo hướng kiên quyết cắt giảm hoặc rút bỏ các công trình, dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển được duyệt, các công trình, dự án không sát với yêu cầu thiết thực của ngành, của địa phương, của thị trường... Các dự án khởi công mới phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt; có quyết định đầu tư trước thời điểm 31/10 năm trước; có thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán được duyệt theo đúng quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng... Đối với dự án nhóm A chậm nhất sau khi thực hiện được 30% tổng mức đầu tư, phải có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được người có thẩm quyền phê duyệt... Chế độ đối với phi công quân sự và tổ bay - Theo Quyết định số 268/2003/QĐ-TTg ban hành ngày 22/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 246/1998/QĐ-TTg về một số chế độ đặc thù đối với phi công quân sự, thành viên trong tổ bay và các đối tượng trực tiếp phục vụ bay tại các sân bay quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, kể từ ngày 01/01/2004, phi công và giáo viên huấn luyện bay hưởng phụ cấp mức từ 0,2 so với mức lương tối thiểu tháng/giờ đến mức 1,0 so với mức lương tối thiểu tháng/giờ khi bay trên đất liền, tùy theo điều kiện khí tượng, ngày, đêm, loại máy bay; phụ cấp mức từ 0,5 đến mức 1,2 khi bay trên biển, tùy theo điều kiện khí tượng, ngày, đêm, loại máy bay... Phi công và các thành viên trong tổ bay quân sự khi thôi bay được bố trí công việc phù hợp; được trợ cấp một lần như sau: phi công máy bay tiêm kích, tiêm kích bom và giáo viên huấn luyện bay cứ mỗi năm làm nhiệm vụ bay được tính bằng 02 tháng lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ; phi công và các thành viên khác của tổ bay cánh quạt vận tải, trực thăng, cứ mỗi năm làm nhiệm vụ bay được tính bằng 01 tháng lương tối thiểu... |