Điểm tin Văn bản mới số 30.2020

Điểm tin văn bản

Lao động-Tiền lương
3 tỉnh được gộp chi trả lương hưu tháng 08 và 09/2020

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có Công văn số 2453/BHXH-TCKT về việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tháng 08 và 09/2020 trong thời gian tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Công văn này được gửi tới Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo đó, 03 tỉnh nói trên sẽ tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 08 và 09 vào cùng một kỳ chi trả. Cơ quan bưu điện xây dựng các phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bằng tiền mặt bảo đảm an toàn, không được tập trung đông người theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 28/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 2388/BHXH-TCKT gửi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố yêu cầu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phương án chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tháng 08/2020 và các tháng tiếp theo, đề xuất các biện pháp phòng chống dịch tại các điểm chi trả và thời gian chi trả trong thời gian tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Riêng địa bàn có nguy cơ cao phải thực hiện giãn cách xã hội: Xây dựng phương án tổ chức chi trả tại nhà cho người hưởng…

Phải sớm thông báo cho người hưởng về những thay đổi; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm chi trả; bố trí thêm nhân viên, thêm bàn chi trả để tránh tập trung đông người, giảm thời gian chờ đợi...

Thương mại-Quảng cáo
Thí điểm kéo dài dịch vụ ban đêm đến 06 giờ sáng tại 10 thành phố

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1129/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Thủ tướng cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 06 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc.

Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

Nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng một số khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chủ trương không khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm sau 10 giờ tối một cách đại trà mà phát triển có trọng tâm, trọng điểm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký 27/7/2020.

Y tế-Sức khỏe
Thủ tướng: Nhanh chóng cài đặt ứng dụng Bluezone trên toàn quốc

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 272 ngày 03/8/2020 về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu triển khai nhanh nhất trên phạm vi toàn quốc việc cài đặt ứng dụng Bluezone để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm.

Đồng thời, thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”; dồn mọi nguồn lực và bằng mọi biện pháp xử lý triệt để “ổ dịch”, các khu vực có nguy cơ cao tại TP. Đà Nẵng; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.

Các địa phương không có ca nhiễm trong cộng đồng không được ngăn sông, cấm chợ, gây trở ngại cho sản xuất, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu.

Song song với đó, tăng công suất xét nghiệm, huy động các cơ sở có khả năng thực hiện xét nghiệm, gồm cả cơ sở y tế tư nhân; thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 từ nguồn bảo hiểm y tế, đảm bảo chặt chẽ, đúng chế độ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở; kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú, các khu vực, địa điểm tập trung đông người nước ngoài…

Người mắc Covid-19 có thể không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng

Mới đây ngày 29/7/2020, ban hành kèm Quyết định số 3551 của Bộ Y tế là Hướng dẫn mới chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng vi rút Corona mới (SAR-CoV-2).

Cũng như quy định trước đây, hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 01 tuần. Tuy nhiên, theo Hướng dẫn mới, Bộ Y tế đã bổ sung diễn biến, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn bổ sung thêm các biểu hiện lâm sàng ở trẻ em. Cụ thể, các dấu hiệu thường gặp ở trẻ là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi. Tuy nhiên, một số trẻ mắc Covid-19 thì có các biểu hiện mới như:

- Có tổn thương viêm đa cơ quan tương tự bệnh Kawasaski: Sốt;

- Ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân;

- Suy tuần hoàn;

- Các biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim;

- Rối loạn tiêu hóa;

- Rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.

Đồng thời, Hướng dẫn cũng nêu cụ thể tên gọi của từng thể bệnh trên lâm sàng và phân loại theo quy định mới, gồm:

- Thể không có triệu chứng: Được khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng lâm sàng;

-  Mức độ nhẹ: Viêm đường hô hấp trên cấp tính. Người bệnh có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ. Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy;

- Mức độ vừa: Viêm phổi;

- Mức độ nặng: Viêm phổi nặng;

- Mức độ nguy kịch: Gồm hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển; nhiễm trùng huyết (sepsis); sốc nhiễm trùng; các biến chứng nặng - nguy kịch khác…

Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng Covid-19 nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và cách ly ca bệnh…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 29/7/2020 và thay thế Hướng dẫn ban hành kèm Quyết định số 1344/QĐ-BYT ngày 25/3/2020.

Tăng tốc truy vết người từ Đà Nẵng về và người tiếp xúc gần với F0, F1

Bộ Y tế mới đây đã ban hành Công điện 1196/CĐ-BYT tiếp tục khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan:

- Khẩn trương, tăng tốc hơn nữa việc thực hiện truy vết các trường hợp đi về từ Đà Nẵng từ 01/7/2020 đến 28/7/2020 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế phù hợp theo quy định, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe.

- Mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, huy động các cơ sở y tế có khả năng thực hiện xét nghiệm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân để triển khai xét nghiệm trên diện rộng.

Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh.

- Kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm.

Tất cả trường hợp F1 ở Hà Nội đều âm tính với Covid-19

Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Thông báo số 03/TB-BCĐ ngày 02/8/2020 về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, TP. Hà Nội tại phiên họp số 46.

Chỉ sau 01 ngày rà soát bổ sung từ ngày 31/7 đến ngày 01/8, số người trở về từ TP. Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã tăng từ 53.768 lên đến 72.275 người. Đồng thời, tổng số F1 được thống kê, cách ly và xét nghiệm, tất cả đều cho kết quả âm tính.

Để tiếp tục “phát hiện nhanh, cách ly kịp thời và lấy mẫu xét nghiệm ngay”, Ban Chỉ đạo TP. Hà Nội đặt ra những nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới như sau:

- Tiếp tục rà soát, thống kê, xét nghiệm, thực hiện cách ly, công bố công khai các trường hợp F1 và người trở về từ vùng dịch;

- Tạm dừng tổ chức các lễ hội và các hoạt động có tập trung đông người tại khu vực Phố đi bộ;

- Các bệnh viện thực hiện nghiêm việc khám, chữa và điều trị bệnh theo đúng quy trình phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các khoa điều trị cho bệnh nhân có bệnh lý nền nặng hoặc chạy thận; hạn chế người nhà vào thăm bệnh;

- Liên hệ các đơn vị y tế thuộc tuyến Trung ương trên địa bàn và các đơn vị y tế ngoài công lập đủ năng lực xét nghiệm để tăng cường xét nghiệm cho Hà Nội…

2 trường hợp được thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19

Ngày 30/7/2020, Bộ Y tế có Công văn số 4051/BYT-KHTC gửi đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19.

Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 về tăng cường năng lực, thực hiện xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế có đề nghị thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người có thẻ Bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau:

- Người bệnh phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và người nhiễm Covid-19 đang khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế;

- Các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Về mức giá áp dụng, Công văn cũng quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc trong một số trường hợp như sau:

- Dịch vụ xét nghiệm vi khuẩn/ virus/ vi nấm/ ký sinh trùng Real-time PCR: 734.000 đồng/mẫu nghiệm với trường hợp xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR;

- Dịch vụ xét nghiệm vi khuẩn/ virus/ vi nấm/ ký sinh trùng test nhanh: 238.000 đồng/mẫu nghiệm với trường hợp thực hiện test nhanh.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thành 2 đợt

Công văn 2873/BGDĐT-QLCL vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 03/8/2020 hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2020 trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được tổ chức thành 02 đợt, cụ thể như sau:

- Các địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng như TP. Đà Nẵng và một số huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam sẽ lùi thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đến thời điểm thích hợp; Thời gian tổ chức thi sẽ được đề xuất khi dịch được kiểm soát;

- Các địa phương còn lại tổ chức kỳ thi này theo đúng kế hoạch từ ngày 08 đến ngày 10/8/2020. Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Trong đó, các thí sinh thuộc diện F1, F2 cả nước (nếu có) ở các địa phương tổ chức thi từ ngày 08 đến ngày 10/8/2020 sẽ dự thi cùng thời gian với thí sinh của các địa phương phải lùi thời gian thi do thực hiện cách ly xã hội.

Đặc biệt: Các thí sinh thi sau ngày 10/8 nếu có nguyện vọng dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học thì các cơ sở giáo dục sẽ xem xét bố trí tỷ lệ chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh phù hợp đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Quy định mới về thời gian làm việc của giảng viên đại học từ 11/9

Chế độ làm việc của giảng viên đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/7/2020.

Cụ thể, thời gian làm việc của giảng viên đại học trong năm học là 44 tuần tương đương với 1.760 giờ hành chính dùng để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ khác, được xác định theo năm học sau khi trừ đi ngày nghỉ.

Trong khi hiện nay theo quy định tại Điều 4 Thông tư 47 năm 2014, mặc dù vẫn giữ nguyên tổng quỹ thời gian trong năm học là 1.760 giờ nhưng thời gian làm việc lại được thực hiện theo chế độ mỗi tuần làm việc 40 giờ.

Ngoài ra, định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên theo Thông tư mới cũng có sự điều chỉnh tăng so với quy định hiện nay.

Cụ thể, định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 200 - 350 giờ chuẩn giảng dạy, tương đương từ 600 - 1050 giờ hành chính. Trong đó giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp hoặc trực tuyến phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức theo quy định.

Còn theo quy định hiện nay, định mức giờ chuẩn cho giảng viên trong một năm học được ấn định số giờ cụ thể là 270 giờ và thời gian giảng dạy trực tiếp trên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định.

Như vậy, theo quy định mới, tăng định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên lên tối đa 350 giờ và số giờ dạy trực tuyến của giảng viên cũng được tính vào định mức giờ chuẩn…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11/9/2020.

Hình sự
Bắt buộc ghi âm khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ

Quy định về trình tự, thủ tục trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành tại Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020.

Theo đó, Quyết định nêu rõ, việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở Cơ quan có thẩm quyền điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Đồng thời, các trường hợp dưới đây, có thể áp dụng việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh:

- Thực hiện khi hỏi cung bị can tại địa điểm khác nếu có yêu cầu của bị can hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

- Trực tiếp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, đương sự;

- Đối chất.

Lưu ý, trường hợp đang hỏi cung bị can, lấy lời khai mà xảy ra sự cố kỹ thuật không ghi âm hoặc ghi hình được thì dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai; phải ghi rõ trong biên bản lý do dừng, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.

Ngay sau khi kết thúc buổi hỏi cung, lấy lời khai, Kiểm sát viên phối hợp với cán bộ chuyên môn sao chép ra 02 thiết bị lưu trữ, lập biên bản giao nhận, 01 bản đưa vào hồ sơ vụ án và 01 bản đưa vào hồ sơ kiểm sát.

Đồng thời, dữ liệu hỏi cung bị can, lấy lời khai tại cơ sở giam giữ phải được sao lưu trên hệ thống lưu trữ điện tử của Cơ quan Viện kiểm sát các cấp.

 Quyết định có hiệu lực từ ngày 21/7/2020.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.