Điểm tin Văn bản mới số 50.2021

Điểm tin văn bản

Lao động-Tiền lương
Hà Nội: Sớm thông báo thưởng Tết 2022 đến người lao động

Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đã có Công văn 692/LĐLĐ ngày 14/12/2021 về việc ổn định Quan hệ Lao động dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại Công văn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố yêu cầu rà soát, giám sát việc thực hiện những giao kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng; xây dựng phương án về mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, sớm thông báo đến tập thể người lao động biết, yên tâm làm việc.

Cùng với đó, Công đoàn cấp trên cơ sở cần nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người lao động ở từng bộ phận, từng doanh nghiệp. Khẩn trương tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người sử dụng lao động giải quyết kịp thời, hạn chế tới mức thấp nhất các cuộc tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể xảy ra.

Công đoàn cấp trên cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích và các chế độ phúc lợi để người lao động biết, tạo sự chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện; không để phát sinh những điểm nóng về quan hệ lao động.

Đặc biệt, Công đoàn cấp trên cơ sở cần rà soát, lập hồ sơ quan hệ lao động, xác định các doanh nghiệp có quan hệ lao động phức tạp dễ dẫn đến tranh chấp lao động, đình công để chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó kịp thời.

Khi có tranh chấp lao động tập thể, đình công xảy ra, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động...

Nếu có vướng mắc liên quan đến bài viết, bạn có thể gọi ngay đến số 1900.6199, các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam sẽ hỗ trợ bạn.

Lao động, đoàn viên là F0 được hỗ trợ từ 1,5 đến 3 triệu đồng

Ngày 15/12/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Quyết định 3749/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

So với trước đây, Quyết định 3749/QĐ-TLĐ đã có điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cụ thể, về điều kiện hưởng hỗ trợ và mức hỗ trợ với người lao động, đoàn viên là F0 như sau:

- Tối đa là 03 triệu đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

(Bổ sung điều kiện có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid- 19).

- Tối đa là 1,5 triệu đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền (Nội dung mới bổ sung).

Ngoài ra, đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do nhiễm Covid-19 thì thân nhân của họ được hỗ trợ là 05 triệu đồng/người.

Tại Quyết định, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đưa ra nguyên tắc hỗ trợ sau:

- Mỗi đối tượng F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính với Covid-19;

- Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng được hưởng mức hỗ trợ khác nhau theo quy định tại Điều 1 Quyết định 3749/QĐ-TLĐ thì chỉ được hưởng theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất;

- Trường hợp đã được chi hỗ trợ khi là F0 sau đó bị tử vong do Covid-19 thì thân nhân được hỗ trợ theo khoản 2 Điều 1 Quyết định 3749/QĐ-TLĐ.

Nếu có thắc mắc liên quan đến bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp. 

Tăng thời gian làm thêm giờ của lao động thời vụ từ 01/02/2022

Hôm nay (15/12/2021), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng.

Theo đó, Thông tư này quy định về giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày và giờ làm thêm của lao động thời vụ, gia công theo đơn đặt hàng như sau:

- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ.

- Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, thángđược quy định như sau:

+ Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ.

(Trước đây, theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH là không quá 64 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 48 giờ)

+ Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ.

(Trước đây, theo quy định tại Thông tư 54/2015 là không quá 32 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 24 giờ)

- Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.

 

Như vậy, từ ngày 01/02/2022 - khi Thông tư 18 chính thức có hiệu lực, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần của lao động thời vụ, lao động gia công theo đơn đặt hàng sẽ được tăng thêm đến 08 giờ/tuần; tổng số giờ làm thêm trong một tháng tăng thêm đến 08 giờ/tháng.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp. 

Y tế-Sức khỏe
Bộ Y tế ban hành quy trình cấp Hộ chiếu vắc xin

Ngày 20/12/2021, Bộ Y tế ra Quyết định 5772/QĐ-BYT về việc ban hành Biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin”.

Cụ thể, quy trình cấp Hộ chiếu vắc xin cho người dân gồm 03 bước như sau:

Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19.

Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Quy trình cấp Hộ chiếu vắc xin (Ảnh minh họa)  

Bước 3: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU.

Các ứng dụng phòng chống dịch quốc gia và các ứng dụng tiện ích khác (nếu được sự đồng ý của cá nhân người sử dụng) tiếp nhận và lưu giữ xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 dạng mã QR theo hướng dẫn trao đổi dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Nếu có thắc mắc về các nội dung liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199  để được hỗ trợ, giải đáp.

F1 tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh cách ly tại nhà 7 ngày

Đây là nội dung được nêu Công văn 10696/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ cao về bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho người trong độ tuổi tiêm chủng, nhiều người thuộc trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (F1) đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19.

Theo đó, những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 06 tháng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 06 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh): 

- Thực hiện cách ly y tế 07 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú), tự theo dõi sức khoẻ trong 07 ngày tiếp theo.

- Tuân thủ 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.

- Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 02 lần (lần 01 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 02 vào ngày thứ 07).

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp. 

Hà Nội hoàn thành tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi trước 31/01/2022

Đây là một trong những nội dung được nêu tại Chỉ thị 25/CT-UBND ngày 17/12/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Lễ cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Cụ thể, Chỉ thị yêu cầu việc tiêm vắc xin phải thực hiện “thần tốc” theo kế hoạch để phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 02 cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất hoàn thành trước 31/12/2021; hoàn thành tiêm mũi 02 cho người từ 12 đến 18 tuổi trước 31/01/2022; hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/01/2022.

Bên cạnh đó, Thành phố cần đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp, bao gồm hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa bàn, nhất là khu vực có nguy cơ cao như bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe… 

Các quận, huyện, thị xã căn cứ cấp độ dịch trên địa bàn để ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhất là trong dịp cuối năm, Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới... Hướng dẫn tổ chức Lễ Giáng sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh lây nhiễm dịch Covid-19.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199   để được hỗ trợ, giải đáp. 

Tiêm 2 mũi vắc xin, nguy cơ nhiễm biến chủng Omicron vẫn cao hơn Delta

Ngày 19/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện 1745/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2.

Theo Công điện, đại dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến rất khó lường trước biến chủng Omicron. Hiện đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn nhiều trong khi chưa có cơ sở để xác định độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta.

Đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng ngay khi đã được tiêm vắc xin đủ 2 mũi thì nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến chủng Omicron vẫn cao hơn đáng kể so với chủng Delta. Kể cả trong trường hợp độc lực của chủng Omicron thấp hơn chủng Delta nhưng với tốc độ lây lan nhanh hệ thống y tế vẫn đứng trước nguy cơ quá tải dẫn tới tử vong nhiều người.

Trong nước, dù chưa phát hiện có ca nhiễm biến chủng Omicron nhưng số người nhiễm bệnh, số bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn có xu hướng gia tăng và hệ thống y tế ở một số địa phương đã quá tải, phải chi viện từ Trung ương và các địa phương khác.

Trước tình hình đó và khả năng biến chủng Omicron sẽ xuất hiện ở nước ta là rất cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

- Bộ Y tế bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ; không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng.

Đồng thời, khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron. Tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới.

- Tất cả các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

- Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ (kể cả mũi tăng cường), đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao...

- Bộ Y tế bảo đảm cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C) cho các địa phương. Các địa phương tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất. Tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc.

- Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải...

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199  để được hỗ trợ, giải đáp. 

TP. HCM được thí điểm cách ly tập trung F0 7 ngày

Ngày 14/12/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn 10606/BYT-KCB về việc thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung.

Theo đó, sau khi nhận được Công văn số 8645/SYT-NVY ngày 18/11/2021 của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cho thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 07 ngày đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng đã tiêm đủ 02 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 07, Bộ Y tế có ý kiến như sau:

Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng để thực hiện thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 07 ngày đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng đã tiêm đủ 02 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 07.

Khi hết thời gian cách ly tại cơ sở thu dung điều trị, đề nghị thực hiện theo dõi tại nhà theo quy định tại mục VII về xuất viện và dự phòng lây nhiễm của Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 ban hành theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 06/10/2021 của Bộ Y tế.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp. 

Thông tin-Truyền thông
Hướng dẫn phản ánh tin nhắn, cuộc gọi rác qua đầu số 5656

Ngày 13/12/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã có Thông tư 22/2021/TT-BTTTT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Tại Thông tư này, Bộ TTTT hướng dẫn người dùng phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin rác, cuộc gọi rác như sau:

- Phản ánh, cung cấp các bằng chứng tin nhắn rác:

+ Phản ánh qua tin nhắn tới tổng đài 5656: Soạn tin nhắn gửi tới 5656 với cú pháp:

S [Nguồn phát tán][Nội dung tin nhắn rác]; hoặc

S (Nguồn phát tán)(Nội dung tin nhắn rác).

+ Phản ánh theo hướng dẫn tại website thongbaorac.ais.gov.vn hoặc qua tổng đài hoặc ứng dụng.

- Phản ánh, cung cấp các bằng chứng cuộc gọi rác:

+ Phản ánh qua tin nhắn tới tổng đài 5656: Soạn tin nhắn gửi tới 5656 với cú pháp:

V [Nguồn phát tán][Nội dung cuộc gọi rác]; hoặc

V (Nguồn phát tán)(Nội dung cuộc gọi rác).

+ Phản ánh theo hướng dẫn tại website thongbaorac.ais.gov.vn hoặc qua tổng đài hoặc ứng dụng.

Ngoài ra, đối với thư điện tử rác:

+ Phản ánh thông qua việc chuyển tiếp thư điện tử rác tới địa chỉ thư điện tử: [email protected];
 
+ Phản ánh theo hướng dẫn tại website thongbaorac.ais.gov.vn hoặc qua tổng đài hoặc ứng dụng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/3/2022.

Nếu còn thắc mắc liên quan đến bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp. 

Chính sách
Cấp ủy Đảng hoàn thành tổng kết năm 2021 trước 15/01/2022

Đây là nội dung được đề cập đến trong Chỉ thị 11-CT/TW ngày 08/12/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022.

Cụ thể, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội hoàn thành việc tổng kết công tác năm 2021 trước ngày 15/01/2022 để tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2022 ngay từ đầu năm và chăm lo Tết cho nhân dân.

Đồng thời, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không dự các lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi... 

Về việc tổ chức bắn pháo hoa, Chỉ thị nêu rõ, các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể, cân nhắc thận trọng, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bảo đảm tiết kiệm, an toàn, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, cần tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; hạn chế tối đa tổ chức các hoạt động tập trung đông người để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Nếu còn thắc mắc liên quan đến bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp. 

Hình sự
Thay đổi chế độ ăn, mặc, ở với người bị tam giam, tạm giữ

Ngày 14/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 113/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 120/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Cụ thể, Nghị định 113/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam như sau:

Định mức ăn trong một tháng của người bị tạm giam gồm:

- 17 kg gạo tẻ;

- 15 kg rau xanh;

- 01 kg thịt lợn (trước đây là 0,7 kg thịt nói chung);

- 01 kg cá (trước đây là 0,8 kg cá);

- 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối (trước đây là 01 kg muối); 0,2 lít dầu ăn (bổ sung thêm) và các gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ;

- Chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hưởng định mức ăn bằng 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sinh con được thanh toán viện phí và được cấp 01 lần các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh tương đương 01 tháng chế độ ăn của trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ.

Bên cạnh đó, Nghị định 113/2021 cũng tăng định mức tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam tương đương 03 kg gạo tẻ/người/tháng (trước đây là tương đương 02 kg gạo tẻ loại trung bình/01 người/01 tháng).

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 14/12/2021.

Nếu gặp vướng mắc liên quan đến bài viết, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.