Điểm tin Văn bản mới số 49.2021

Điểm tin văn bản

Đất đai-Nhà ở
Vay vốn ưu đãi xây mới, cải tạo nhà ở xã hội tối đa 500 triệu đồng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư 20/2021/TT-NHNN ngày 30/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, áp dụng từ ngày 20/01/2022 tới đây.

Theo đó, khoản 3 Điều 1 Thông tư 20/2021 sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 6 Thông tư 25/2015 về mức cho vay như sau:

“4. Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.”

So với trước đây, Thông tư 20/2021/TT-NHNN đã bổ sung thêm mức vay vốn tối đa để xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở là không quá 500 triệu đồng.

Về lãi suất cho vay ưu đãi, Thông tư 20/2021 cũng sửa đổi, bổ sung như sau:

- Lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố trong từng thời kỳ

(Trước đây quy định lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ).

- Nguyên tắc lãi suất cho vay ưu đãi không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.

(Trước đây chỉ quy định chung lãi suất cho vay ưu đãi không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường).

Độc giả có thắc mắc liên quan đến bài viết vui lòng liên hệ 1900.6192 để LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.

Lao động-Tiền lương
Hướng dẫn NLĐ tại Hà Nội nhận hỗ trợ 300.000 đồng dịp Tết 2022

Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã có Hướng dẫn số 21/HD-LĐLĐ về chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cụ thể:

Đối tượng được hỗ trợ:

- Đoàn viên công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp;

- Ưu tiên người lao động là đoàn viên công đoàn; đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo.

Điều kiện hỗ trợ:

- Người lao động tham gia đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng phí công đoàn;

- Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị có Công đoàn cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố.

Lưu ý: Đoàn viên, người lao động đã được Liên đoàn Lao động Thành phố hỗ trợ theo Thông báo 375/TB-LĐLĐ thì không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Hướng dẫn này.

Mức hỗ trợ: Bằng tiền mặt 300.000 đồng/người.

Trình tự, thủ tục thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, gồm:

- Văn bản đề nghị hỗ trợ của Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp (với doanh nghiệp chưa có Công đoàn cơ sở);

- Danh sách đoàn viên, người lao động đề nghị hỗ trợ có xác nhận của cơ quan BHXH.

Bước 2: Gửi hồ sơ

Doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở hoàn thiện hồ sơ và gửi về Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, chậm nhất đến ngày 05/01/2022.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ

Bước 4: Chi trả hỗ trợ

Hoàn thành chi trả hỗ trợ trước ngày 20/01/2022.

Hướng dẫn được ban hành ngày 03/11/2021.

Để hiểu rõ hơn về chính sách hỗ trợ này, bạn có thể gọi ngay đến số 1900.6192 để các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam sẽ hỗ trợ bạn.

Y tế-Sức khỏe
Điều trị F0 nhẹ, trung bình bằng thuốc Favipiravir trong 5-7 ngày

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5666/QĐ-BYT ngày 12/12/2021 sửa đổi Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19.

Theo đó, Bộ Y tế điều chỉnh một số chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, đối với các thuốc kháng vi rút gồm: Favipiravir, Remdesivir và Molnupiravir. Cụ thể:

- Thuốc kháng vi rút Favipiravir 200mg được dùng cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình, thời gian điều trị giảm xuống còn 05 - 07 ngày (theo Hướng dẫn trước đây, Favipiravir dùng cho bệnh nhân nhẹ trong 07 - 14 ngày).

- Thuốc Remdesivir được sử dụng vẫn dùng cho bệnh nhân nội trú, mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở oxy lưu lượng dòng cao (HFNC), hoặc thở máy không xâm nhập, ưu tiên sử dụng thuốc cho nhóm nguy cơ cao.

Thời gian điều trị 05 - 07 ngày thay vì chỉ 05 ngày như trước đây.

- Molnupiravir được chỉ định, chống chỉ định, liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.

Hướng dẫn cũng nêu rõ nguyên tắc sử dụng thuốc kháng vi rút như sau:

- Đối với thuốc chưa được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới: Việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

- Thuốc đã được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 01 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ: thuốc Remdesivir, Favipiravir,...).

Nếu còn thắc mắc về bài viết, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ giải đáp.

Bộ GDĐT: Học sinh lớp 1, 2 kiểm tra học kỳ I trực tiếp

Ngày 13/12/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có Công văn số 5766/BGDĐT-GDTH về việc “Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19”.

Theo hướng dẫn, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học đối với học sinh lớp 1, lớp 2 được tổ chức bằng hình thức trực tiếp.

Nhà trường lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra, tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận; chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung cốt lõi trước khi thực hiện bài kiểm tra.

Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, nhà trường báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về phòng giáo dục và đào tạo để được kiểm tra các điều kiện bảo đảm theo quy định trước khi thực hiện.

Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, phù hợp diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương vào thời điểm tổ chức đánh giá.

Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Thông tin-Truyền thông
Sắp tích hợp Căn cước công dân gắn chip với bằng lái xe, BHYT

Đây là nội dung được nhắc đến trong Thông báo 331/TB-VPCP ngày 10/12/2021 về kết luận của Thủ tướng tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 30/11/2021.

Tại Kết luận, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an thúc đẩy triển khai Quyết định 1911/QĐ-TTg về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Trong đó, tập trung trong tháng 12/2021 tổ chức kết nối với cơ sở dữ liệu về thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế để tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước công dân gắn chip phục vụ tiện ích cho người dân; chuẩn bị nền tảng dữ liệu để tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cung cấp định danh và xác thực điện tử.

Ngoài ra, cần tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành:

-  Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong tháng 12/2021;

- Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước tháng 5/2022.

Đối với đề xuất của Bộ Công an liên quan tới:

- Sửa đổi, bổ sung Luật căn cước công dân;

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Công an phát triển và sử dụng các ứng dụng trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID trên nền tảng công nghệ sinh trắc học để cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực điện tử trong thanh toán, mở tài khoản... tạo thuận lợi cho người dân; 

- Bộ Tư pháp chủ trì rà soát các văn bản luật phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử, tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID.

Thủ tướng giao Bộ Công an làm việc cụ thể với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nếu còn thắc mắc khác liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Giao thông
Tổ chức đợt cao điểm tuần tra giao thông từ 15/12/2021 đến 14/02/2022

Ngày 13/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện 1725/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân 2022.

Theo đó, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong hoạt động giao thông vận tải, phục vụ nhân dân vui đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/02/2022, bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng dịch Covid-19 đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân.

Tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm thường xảy ra trong dịp cuối năm và Tết, như: Lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma tuý, vi phạm quy định tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy...

- Có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông và phòng dịch Covid-19, giảm thiểu tình trạng chậm, huỷ chuyến; tuyệt đối không để tình trạng hành khách không có phương tiện về quê trong dịp Tết; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi tăng giá vé trái quy định. 

- Kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa, lũ gây ra; rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông. 

- Sở Y tế và cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và máu để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người khi xảy ra tai nạn giao thông...

Nếu còn thắc mắc liên quan đến bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế từ 01/01/2022

Ngày 10/12/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 334/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh về kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Theo đó, nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế, khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không nói riêng, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch nói chung, không để Việt Nam tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực.

Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con Việt Nam được về quê hương trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến. Việc mở lại các chuyến bay quốc tế theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải là cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Phó Thủ tướng đồng ý với kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ).

Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 01/01/2022.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.

Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc xin”, ưu tiên các địa bàn thực hiện trong giai đoạn thí điểm.

Các Bộ: Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông thống nhất ngay và công bố một phần mềm khai báo y tế áp dụng chung đối với đi lại bằng đường hàng không để tạo thuận lợi cho việc khai báo của hành khách, hoạt động của các doanh nghiệp hàng không cũng như công tác theo dõi y tế, kiểm soát, truy vết người nhập cảnh.

Nếu còn thắc mắc liên quan đến bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Vé đường bộ toàn quốc được phát hành vào tháng 12 hàng năm

Đây là nội dung được nhắc đến trong Thông tư 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.

Cụ thể, Thông tư 28/2021 đã bổ sung thêm quy định về phát hành vé đường bộ toàn quốc, theo đó:

- Trước ngày 15/10 hàng năm, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập dự trù số lượng, chủng loại vé đường bộ toàn quốc có phân loại cụ thể các phương tiện cần sử dụng gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện in và phát hành vé đường bộ toàn quốc vào tháng 12 hàng năm. Kỳ hạn sử dụng của Vé đường bộ toàn quốc theo năm từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 hàng năm;

- Sau ngày 15/12 hàng năm, người đề nghị cấp vé mang giấy giới thiệu của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ghi rõ: Họ tên, chức vụ của người đề nghị cấp vé; số lượng, chủng loại vé cần cấp kèm theo chứng minh thư/căn cước công dân đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam để được cấp vé.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện cung cấp cho người đề nghị số lượng, chủng loại vé đường bộ toàn quốc theo yêu cầu. Cơ quan được cấp vé quản lý, sử dụng vé đường bộ toàn quốc đúng quy định của pháp luật.

Đáng lưu ý, Thông tư 28/2021 nêu rõ, trường hợp xảy ra thảm họa, dịch bệnh, thiên tai hoặc các trường hợp bất khả kháng khác, trạm thu phí phải tạm dừng thu có thời hạn theo yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền.

Đơn vị thu thực hiện gia hạn thời gian hiệu lực của vé tháng, vé quý theo nguyên tắc số ngày gia hạn bằng số ngày tạm dừng thu.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/01/2022.

Nếu cần tìm hiểu thêm thông tin về các chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông, bạn bấm gọi ngay 1900.6192 để các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ giải đáp.

Hành chính
Thêm nhiệm vụ với công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa

Ngày 06/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đó, so với Nghị định 61/2018/NĐ-CP, Nghị định 107/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm nhiệm vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa. Cụ thể:

Tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính

- Kiểm tra, xác thực tài khoản số của cá nhân, tổ chức thông qua số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu (hoặc số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế) của người nước ngoài và mã số của tổ chức theo quy định.

- Thực hiện kiểm tra dữ liệu điện tử của các thành phần hồ sơ thủ tục hành chính. 

- Đối với thành phần hồ sơ là kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc phải số hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành mà chưa có dữ liệu điện tử, cán bộ một cửa thực hiện sao chụp, chuyển thành tài liệu điện tử trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và chịu trách nhiệm về các nội dung theo bản giấy. 

Giải quyết thủ tục hành chính

- Kiểm tra thông tin trên tài liệu điện tử mà Bộ phận Một cửa chuyển đến và cập nhật thông tin, dữ liệu điện tử trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, ký số của cơ quan, tổ chức vào bản sao y đối với thành phần hồ sơ phải số hóa thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.

- Trường hợp phải thẩm tra, xác minh, lấy ý kiến các cơ quan liên quan trong quá trình xử lý hồ sơ, kết quả thẩm tra, xác minh và kết quả trả lời của cơ quan liên quan phải được số hóa theo dữ liệu điện tử để lưu vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính trình cấp có thẩm quyền ký số, phát hành theo quy định pháp luật về công tác văn thư để trả bản giấy và bản điện tử cho tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp thủ tục hành chính chỉ quy định cung cấp bản kết quả giải quyết điện tử hoặc tổ chức, cá nhân đề nghị chỉ cung cấp bản kết quả giải quyết điện tử.

Khi có kết quả giải quyết thủ tục hành chính thành công, các hồ sơ, giấy tờ được số hóa, có giá trị pháp lý trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thì được sử dụng trong thực hiện các thủ tục hành chính khác.

Độc giả có thắc mắc liên quan vui lòng liên hệ 1900.6192 để LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.

Chính thức: Tăng giờ làm thêm của người lao động lên đến 300 giờ/năm

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 155/NQ-CP ngày 08/12/2021 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2021.

Theo đó, tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội đang triển khai để kịp thời cập nhật, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế và đề xuất bổ sung các biện pháp mới cần thiết.

Đặc biệt, cần khẩn trương hoàn thành cơ chế, chính sách điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm (hiện hành, người lao động chỉ được làm thêm 40 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm).

Ngoài ra, Chính phủ còn yêu cầu Bộ Nội vụ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm khác như:

- Rà soát, tổng hợp đề xuất biên chế giai đoạn 2022 - 2026, trong đó có biên chế giáo viên, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp” bảo đảm quy mô trường lớp hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Tham mưu Chính phủ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện tự chủ và xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công 2021 - 2025; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2022 - 2026 theo Nghị quyết 19-NQ/TW; tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

- Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để tham mưu Chính phủ sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;…

Nếu còn thắc mắc liên quan đến bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.