Điểm tin Văn bản mới số 49.2020

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Tổng cục Thuế giới thiệu 17 điểm mới Nghị định 126/2020/NĐ-CP

Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 5189/TCT-CS giới thiệu các nội dung mới của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Tại Công văn này, Tổng cục Thuế gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để các Cục Thuế tuyên truyền, phổ biến, thông báo cho cán bộ thuế và người nộp thuế trên địa bàn quản lý biết.

17 điểm mới được trình bày tại Công văn này về:

- Phạm vi điều chỉnh;

- Quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời hạn tạm ngừng hoạt động, kinh doanh;

- Quản lý thu các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước;

- Đăng ký thuế;

- Khai thuế, tính thuế;

- Ấn định thuế;

- Thời hạn nộp thuế đối với các khoản thu từ tiền đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tiền sử dụng khu vực biển;

- Gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuê đất;

- Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh;

- Khoanh tiền thuế nợ;

- Phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương trong việc thực hiện xóa nợ, hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

- Các biện pháp cưỡng chế nợ thuế;

- Công khai thông tin;

- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế;

- Nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

- Mua thông tin, tài liệu, dữ liệu của đơn vị cung cấp để phục vụ công tác quản lý thuế;

- Cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Lao động-Tiền lương
Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2021 của người lao động tại doanh nghiệp

Việc nghỉ Tết Âm lịch và Quốc khánh trong năm 2021 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành tại Thông báo 4875/TB-LĐTBXH.

Theo đó, với người lao động không làm việc tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội mà làm việc tại các doanh nghiệp được nghỉ Tết Âm lịch và Quốc khánh 2021 do người sử dụng lao động quyết định theo một trong hai phương án như sau:

- Thời gian nghỉ Tết Âm lịch là 01 ngày cuối năm Canh Tý và 04 ngày đầu năm Tân Sửu hoặc 02 ngày cuối năm Canh Tý và 03 ngày đầu năm Tân Sửu;

- Thời gian nghỉ Quốc khánh là 02 ngày (gồm thứ Năm ngày 02/9/2021 và lựa chọn 01 trong 02 ngày thứ Tư ngày 01/9/2021 hoặc thứ Sáu 03/9/2021).

Đặc biệt, người sử dụng lao động phải thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch và Quốc khánh cho người lao động biết trước ít nhất 30 ngày.

Riêng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị… thì được nghỉ Tết Âm lịch liên tục 07 ngày từ thứ Tư ngày 10/02/2021 đến hết thứ Ba ngày 16/02/2021 (tức là ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày Mùng 05 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Lịch nghỉ này thống nhất với lịch nghỉ trước đây Văn phòng Chính phủ quy định tại Công văn 9895/VPCP-KGVX.

Về ngày nghỉ Quốc khánh năm 2021, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 04 ngày từ thứ Năm ngày 02/9/2021 đến hết Chủ nhật ngày 05/9/2021.

Doanh nghiệp trên 1.000 lao động nữ phải có phòng vắt sữa mẹ

Ngày 14/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 80 Nghị định 145, người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

Đối với trường hợp khác, khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiên thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.

Theo giải thích tại ĐIều 76, phòng vắt, trữ sữa mẹ là một không gian riêng tư, không phải buồng tắm hay buồng vệ sinh; có nguồn điện, nước, bàn, ghế, tủ lạnh bảo đảm vệ sinh, quạt hoặc điều hòa; bố trí ở vị trí thuận tiện sử dụng, được che chắn khỏi sự xâm phạm, tầm nhìn của đồng nghiệp và công cộng để lao động nữ có thể cho con bú hoặc vắt sữa.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/02/2021.  

Tài chính-Ngân hàng
Từ 05/3/2021, khách hàng có thể mở tài khoản ngân hàng online

Ngày 04/12/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung hướng dẫn mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Theo đó, Thông tư này đã bổ sung Điều 14a về việc mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử. Đồng nghĩa, từ ngày 05/03/2021 - ngày Thông tư này chính thức có hiệu lực, cá nhân có thể mở tài khoản thanh toán từ xa, thông qua phương thức điện tử.

Cụ thể, việc mở tài khoản thanh toán từ xa cho cá nhân phải bao gồm tối thiểu các bước sau đây:

- Thu thập thông tin về hồ sơ mở tài khoản thanh toán: Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán; giấy tờ tùy thân…

- Kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng;

- Cảnh báo các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử;

- Cung cấp cho khách hàng nội dung thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán và thực hiện giao kết thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán với khách hàng;

- Thông báo số hiệu, tên tài khoản thanh toán, hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán và ngày bắt đầu hoạt động của tài khoản thanh toán cho khách hàng.

Trong đó, các ngân hàng phải chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có). Đồng thời bảo đảm tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng…

Tài nguyên-Môi trường
Từ 01/01/2022, hộ gia đình không phân loại rác bị từ chối thu gom

Từ thời điểm Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực (01/01/2022), việc phân loại rác thải sinh hoạt là bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình.

Theo Điều 75, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình được phân loại thành 03 nhóm:

- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế

- Chất thải thực phẩm

- Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Hộ gia đình, cá nhân ở thành phố phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại thành các bao bì và chuyển giao như sau:

- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển;

- Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho các cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. 

Đáng chú ý, khoản 2 Điều 77 quy định:

Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng đúng bao bì quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý [...]

Như vậy, từ 01/01/2022, hộ gia đình không phân loại rác bị từ chối thu gom. Cũng theo Luật này, phí rác thải sinh hoạt sẽ được tính theo khối lượng, thể tích

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020.

Thông tin-Truyền thông
Tổng cục Thuế trả lời về việc tăng giá cước xe của Grab

Ngày 11/12/2020, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5270/TCT-DNNCN gửi đến Công ty TNHH Grab về việc tăng giá cước xe, tăng khấu trừ thuế với lái xe do tác động của Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, Tổng cục Thuế khẳng định quan điểm của Chính phủ khi ban hành Nghị định 126/2020 nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của tổ chức trong mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân mà không phải quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hoạt động kinh doanh vận tải.

Việc kinh doanh vận tải vẫn áp dụng thuế GTGT 10% như từ trước đến nay. Quy định tại Nghị định 126 này không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế (Tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).

Đồng thời, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định “Hoạt động kinh doanh của Grab là hoạt động vận tải” bởi công ty này quyết định giá cước, lựa chọn khách hàng, lựa chọn lái xe…

Do đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Grab thận trọng trong phát ngôn khi đưa ra lời giải thích về việc điều chỉnh tăng giá là do tác động của Nghị định 126, tránh tạo dư luận và xã hội hiểu không đúng về chính sách thuế của Nhà nước.

Hành chính
TP. Hồ Chí Minh có thành phố trong thành phố từ 01/7/2021

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 131/2020/QH14 về việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 16/11/2020 với 87.14% phiếu tán thành.

Theo đó, Nghị quyết này đã cho phép thành lập chính quyền đô thị thành phố trong thành phố. Cụ thể, Điều 6 Nghị quyết này nêu nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố thuộc thành phố gồm:

- Quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình…

- Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách phường; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của Ủy ban nhân dân (UBND) phường trực thuộc…

Đồng thời, Điều 7 Nghị quyết này nêu nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố thuộc thành phố như sau:

- Tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND;

- Căn cứ vào Nghị quyết của HĐND cung cấp về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hằng năm, quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội cho UBND phường trực thuộc;

- Quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn các phường trực thuộc…

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Tư pháp-Hộ tịch
Chỉ đạo của Chính phủ về tích hợp thông tin trên CCCD gắn chip

Thông báo 395/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 11/12/2020 đã tóm lược kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc tích hợp thông tin trên Thẻ Căn cước công dân (CCCD).

Phó Thủ tướng giao:

- Bộ Công an khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật và bộ máy cần thiết để duy trì, khai thác Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đảm bảo an toàn, thuận tiện. Bộ Công an thực hiện theo thẩm quyền đối với việc tổ chức xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư;

- Các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với Bộ Công an tích hợp các dữ liệu cần thiết vào Thẻ CCCD, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và tiết kiệm cho bộ máy Nhà nước;

- Bảo hiểm xã hội khẩn trương phối hợp cùng Bộ Công an đồng bộ hóa dữ liệu và tích hợp thông tin vào Thẻ CCCD;

- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng các hướng dẫn, cơ chế khuyến khích một số dịch vụ không phải do Nhà nước cung cấp cũng có thể sử dụng Thẻ CCCD và dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cung cấp dịch vụ;

- Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ tăng cường giải pháp bảo mật đối với các thông tin về Thẻ CCCD và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Từ 01/7/2021, nhập hộ khẩu Hà Nội, TP. HCM không cần tạm trú

Quốc hội mới ban hành Luật Cư trú năm 2020 gồm 07 chương và 38 điều với nhiều điểm mới, đáng chú ý nhất là được nhập hộ khẩu vào Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà không cần điều kiện tạm trú như trước đây.

Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 quy định điều kiện đăng ký thường trú (nhập khẩu) như sau:

- Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

- Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau:

+ Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con.

+ Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ.

+ Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

- Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;

+ Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2/người.

Trước đây tại Luật Cư trú năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như sau:

“Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên.

...".

Như vậy, quy định mới tạo điều kiện bình đẳng trong quản lý cư trú với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn các thành phố trực thuộc trung ương.

Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Chính sách
Đã có Nghị định 143 sửa chính sách tinh giản biên chế

Ngày 10/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

Theo đó, các trường hợp tinh giản biên chế tại điểm c, d, đ, e, g khoản 1 Điều 6 Nghị định 108/2014 được sửa đổi như sau:

- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật hoặc năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Những sửa đổi tại Nghị định này là để phù hợp với các quy định tại Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) và Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020).

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/12/2020.

Vi phạm hành chính
Từ năm 2022, cá nhân vi phạm giao thông bị phạt đến 75 triệu đồng

Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã tăng mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giao thông.

Cụ thể, khoản 10 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định:

1. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:

...

d) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng: cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; giáo dục; giáo dục nghề nghiệp; giao thông đường bộ; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; phòng, chống tệ nạn xã hội…

Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 xác định mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân chỉ là 40 triệu đồng.

Như vậy, mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân từ năm 2022 sẽ tăng gần gấp đôi, lên đến 75 triệu đồng.

Ngoài ra, Luật cũng tăng mức xử phạt tối đa của nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia...
Văn hóa-Thể thao-Du lịch
Không còn cấm ca sĩ "hát nhép" từ 01/02/2021

Hôm qua (14/12/2020), Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghề thuật biểu diễn, thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Đáng chú ý, nếu như trước đây, điểm d khoản 2 Điều 6 Nghị định 79 quy định một trong các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật là:

Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn;

Thì nay, tại Nghị định 144, Chính phủ đã không còn quy định cấm nêu trên. Ngoài cấm việc biểu diễn nghệ thuật chống phá Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, kích động bạo lực…, Nghị định 144 còn cấm:

Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Cũng theo Nghị định mới, điều kiện để cá nhân ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu cũng được quy định theo hướng cởi mở hơn, chỉ cần đáp ứng các điều kiện:

- Có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi;

- Không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không có án tích hoặc không phải là người bị buộc tội;

- Không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Trước đây, những người này phải “Đã đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước”.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2021.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.