Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 100/2021/TT-BTC ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Theo đó, Thông tư 100/2021 sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 40/2021 như sau:
“c) Cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN. Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì mức doanh thu để xác định cá nhân phải nộp thuế hay không phải nộp thuế là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch.”
Trong khi đó, Thông tư 40/2021 hướng dẫn như sau:
Cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản.
Như vậy, so với quy định tại Thông tư cũ, Thông tư 100/2021 đã nêu cụ thể đối tượng có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT, TNCN là cá nhân chỉ cho thuê và có thời gian cho thuê không trọn năm.
Riêng trường hợp người thuê nhà được bên thuê trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu sẽ tính theo số tiền trả một lần cho năm dương lịch đó. Nếu dưới 100 triệu đồng/năm thì sẽ không phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN.
Đồng thời, cách tính thuế này không còn dựa vào doanh thu dự kiến của năm dương lịch mà quy định cụ thể đối tượng cho thuê nhà không phải nộp thuế GTGT, TNCN nêu trên.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Hôm nay (07/12/2021), Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2021/NĐ-CP về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng.
Theo đó, từ ngày 01/01/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với các đối tượng đã nêu tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
Với các đối tượng nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995, sau khi đã thực hiện điều chỉnh lương hưu như trên mà có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng thêm từ ngày 01/01/2022 như sau:
- Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng với người mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống;
- Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng với người mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/01/2022. Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01/01/2022.
Độc giả có thắc mắc liên quan vui lòng liên hệ 1900.6192 để LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 30/11/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Công văn 8458/NHNN-TT về việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Theo Công văn, trước đó Thông tư số 19/2016/TT-NHNN có quy định lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa. Tuy nhiên, không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành (thẻ đang còn thời hạn sử dụng) do các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam phát hành.
Đồng thời, cũng không quy định việc từ chối chấp nhận giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ đảm bảo các giao dịch thẻ của chủ thẻ diễn ra thông suốt, an toàn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thẻ và không đưa ra các chính sách, quy định trái với quy định pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng.
Triển khai các biện pháp truyền thông về việc khách hàng có thẻ từ nội địa (thẻ đang thời hạn sử dụng) nhưng chưa chuyển đổi sang thẻ chip hoặc do khách hàng chưa đến được địa điểm thực hiện chuyển đổi hoặc nhận thẻ chip thì sau ngày 31/12/2021 vẫn có thể sử dụng thẻ từ để thực hiện các giao dịch thẻ tại ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking, quầy giao dịch theo đúng quy định pháp luật.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo đó, Thông tư 17/2021 bổ sung quy định về phát hành thẻ bằng phương thức điện tử. Cụ thể, tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.
Tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với các quy định pháp luật khác, gồm tối thiểu các bước sau:
- Thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi giao kết hợp đồng phát hành thẻ và sử dụng thẻ với khách hàng;
- Kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng;
- Cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ bằng phương thức điện tử;
- Cung cấp cho khách hàng hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ theo các nội dung được quy định tại Thông tư này và thực hiện giao kết hợp đồng;
- Thông báo tên tổ chức phát hành thẻ, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực của thẻ, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng sử dụng của thẻ, các điều cấm khi sử dụng thẻ cho khách hàng,…
Như vậy, với việc bổ sung quy định mới này, khách hàng không cần phải trực tiếp đến ngân hàng để làm thủ tục mở thẻ.
Ngoài ra, liên quan đến phát hành thẻ chip nội địa, Thông tư 17/2021 yêu cầu tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Thông tư này.
Tổ chức phát hành thẻ trong thời gian kiểm soát đặc biệt thực hiện lộ trình chuyển đổi theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với từng trường hợp cụ thể.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 01/12/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 10225/BYT-DP về việc tiêm vắc xin Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Theo Công văn, đối tượng tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19 là người từ 18 tuổi trở lên.
Trong đó, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 01 hoặc 02 hoặc 03 mũi tùy theo loại vắc xin) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 06 tháng…
Loại vắc xin tiêm bổ sung cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA. Khoảng cách tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc xin.
Với liều tiêm nhắc lại vắc xin phòng Covid-19, đối tượng được tiêm là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Trong đó, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.Về loại vắc xin tiêm nhắc lại:
- Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA;- Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA.
- Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ vi rút (vắc xin Astrazeneca)Khoảng cách tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 06 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 02/12/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Phương án 276/PA-UBND về việc cách ly, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo hướng dẫn, đối tượng quản lý tại nhà là người nhiễm Covid-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.
Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở 20 lần/phút, SpO2 trên 97% khi thở khí trời, không có thở bất thường như trở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.
Về độ tuổi: Trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn dưới 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, không đang mang thai.
Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà, người ở cùng nhà, cán bộ y tế và các đơn vị liên quan thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
Về khả năng tự chăm sóc:
+ Người nhiễm Covid-19 có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh... Biết cách đo thân nhiệt, có khả năng tự dùng thuốc theo đơn của bác sĩ;+ Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu...
+ Trường hợp người nhiễm Covid-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí trên.Yêu cầu khi thực hiện cách ly tại nhà: Trước cửa nhà phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng "ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19"; có thùng màu vàng có biểu tượng chất thải lây nhiễm có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-COV-2" để đựng trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế thải bỏ.
Khi người nhiễm Covid-19 có nguyện vọng được cách ly y tế tại nhà phải có đơn đăng ký gửi ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn tại nơi cư trú; qua quá trình thẩm định, ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F0.
Người cách ly tuyệt đối không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như người khác; không tiếp xúc với vật nuôi. Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7, ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly.
Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Đây là nội dung được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT ngày 30/11/2021 về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Cụ thể, Điều 3 Thông tư này quy định, giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức.
- Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận.
- Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Trường hợp giáo viên đủ điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì được xác định là đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.- Giáo viên dự bị đại học khi áp dụng Thông tư này để dự xét thăng hạng phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ở hạng đăng ký dự xét theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/01/2022.Nếu gặp vướng mắc về lĩnh vực giáo dục, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.
Ngày 29/11/2021, Ủy ban kiểm tra Trung ương ban hành Hướng dẫn 02-HD/UBKTTW về việc thực hiện Quy định về những điều Đảng viên không được làm.
Với mỗi điều Đảng viên không được làm theo Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021, Hướng dẫn này nêu cụ thể các việc không cho phép Đảng viên thực hiện.
Hướng dẫn 02 nêu cụ thể hành vi Đảng viên không được làm là:
- Phát ngôn, trả lời phỏng vấn, viết bài cho báo chí, trang thông tin điện tử (kể cả bảo chí nước ngoài), sử dụng không gian mạng để đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin những nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Nnghị quyết, Chỉ thị, Quy định, Quy chế, Quyết định, Kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ hoặc không chỉ đạo, triển khai thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng, của tổ chức đảng cấp trên và cấp mình.
- Làm những việc pháp luật cấm hoặc pháp luật chưa quy định khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Về tổ chức thực hiện:
Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Quy định của Ban chấp hành Trung ương và Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những điều Đảng viên không được làm.Đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chấp hành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy định, Hướng dẫn về những điều Đảng viên không được làm. Đối với nội dung chưa được hướng dẫn trong Quy định này thì căn cứ vào các quy định của Trung ương để thực hiện.
Đảng viên vi phạm Quy định về những điều Đảng viên không được làm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nếu cần giải đáp về các chính sách liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để LuatVietnam hỗ trợ.
Ngày 05/12/2021, Uỷ ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 4358/UBND-KGVX về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”.
Công văn nêu rõ, các địa phương căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ-BYT để đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ.
Trong đó bao gồm việc hạn chế, dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tùy theo cấp độ dịch như: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...; báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố theo quy định.
UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc cách ly tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần (F1) theo hướng dẫn của Thành phố và theo Công văn số 5599/BYT-MT về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đồng thời, huy động nguồn lực tại địa phương, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải chủ động thực hiện việc điều phối, vận chuyển người bệnh Covid-19 nhẹ và không triệu chứng (tầng 01), vận chuyển mẫu bệnh phẩm, người tiếp xúc gần (F1)... trên địa bàn đến các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị khi cần vận chuyển.
UBND Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn trước UBND Thành phố.
Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Công văn 2103-CV/BTCTW ngày 05/11/2021 về việc thực hiện kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân năm 2021.
Theo đó, việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Nhận diện sâu sắc, đầy đủ các biểu hiện, mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, cơ quan, đơn vị;
- Nội dung kiểm điểm đối với tập thể: Phải kiểm điểm đầy đủ, nghiêm túc nội dung theo Hướng dẫn 21, tập trung kiểm điểm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp Ủy, tổ chức Đảng; trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…;
- Nội dung kiểm điểm đối với cá nhân: Kiểm điểm đầy đủ, nghiêm túc nội dung theo Hướng dẫn 21; tập trung kiểm điểm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kết quả tu dưỡng, rèn luyện, ý thức tự giác, tinh thần tự phê bình và phê bình. Kiểm điểm cá nhân phải gắn với kiểm điểm của tập thể, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu;
- Thực hiện nghiêm xếp loại tập thể, cá nhân “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% tập thể, cá nhân được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Mức xếp loại của người đứng đầu không được cao hơn mức xếp loại của tập thể lãnh đạo, quản lý, tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu.
- Cấp Ủy cấp trên thực hiện nghiêm việc gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý. Nội dung kiểm điểm phải cụ thể, rõ ràng về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Ngay sau kiểm điểm, từng cá nhân, tập thể xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra những giải pháp hiệu quả để sớm khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Tiến hành kiểm tra, giám sát công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân. Tổ chức kiểm điểm lại với những tâp thể, cá nhân tự phê bình và phê bình chưa đạt yêu cầu; xếp loại lại ở những nơi xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không đúng quy định.
Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp, tư vấn.
Ngày 12/11/2021, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 02/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).
Theo đó, Luật này sửa đổi một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc thực hiện thủ tục tố tụng khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án;
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 229 BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra;
Đã có Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự (Ảnh minh họa)
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố...Luật sửa đổi, bổ sung BLTTHS có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2021.
Để hiểu rõ hơn về các quy định liên quan đến lĩnh vực hình sự, bạn có thể gọi ngay đến số 1900.6192 , các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam sẽ hỗ trợ bạn
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.