Điểm tin Văn bản mới số 48.2020

Điểm tin văn bản

Bảo hiểm
Từ 01/4/2021, thẻ bảo hiểm y tế được ép plastic

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định 1666/QĐ-BHXH ngày 03/12/2020 để quy định mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới từ 01/4/2021.

Khoản 3 Điều 3 Quyết định này về thông tin in trên phôi thẻ và yêu cầu quản lý khi cấp cho người sử dụng quy định:

Thẻ được ép plastic sau khi in.

Vì thế, từ 01/4/2021, người dân có thể thoải mái ép plastic thẻ bảo hiểm y tế để giữ gìn và sử dụng trong thời gian dài.

Theo Điều 3 Quyết định 1616, phôi thẻ BHYT gồm các thông tin sau:

- Mặt trước: logo ngành bảo hiểm xã hội, dòng chữ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thẻ Bảo hiểm y tế…

- Mặt sau: nội dung của Những điều cần chú ý…

Thông tin in trên phôi thẻ gồm:

- Mã số: In 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia BHYT;

- Họ và tên, ngày sinh, giới tính;

- Mã mức hưởng BHYT;

- Mã nơi đối tượng sinh sống; tên cơ sở người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu;

- Giá trị sử dụng;

- Thời điểm đủ 05 năm liên tục;

- Nơi cấp, đổi thẻ bảo hiểm y tế, chữ ký…

Như vậy, mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới ngoài những thông tin cơ bản thì từ 01/4/2021 có thêm cả thông tin về nơi cấp, nơi đổi thẻ. Đây là điểm mới so với mẫu thẻ cũ được quy định tại Quyết định 1313/QĐ-BHXH năm 2014, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng đổi thẻ khi rách, hỏng, thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu...

Lao động-Tiền lương
Người đi xuất khẩu lao động không phải đóng BHXH 2 lần

Đây là điểm nổi bật, đáng chú ý tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14) do Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020.

Điểm g khoản 1 Điều 6 Luật này quy định quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:

Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần…

Đây là điểm mới chưa từng được nhắc đến tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

Ngoài ra, người lao động có các quyền đáng chú ý sau:

- Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

- Được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông  lệ quốc tế…

Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Tài chính-Ngân hàng
Tạo nguồn cải cách tiền lương 2021 từ tiết kiệm chi tăng thêm

Nội dung đáng chú ý này được Thủ tướng Chính phủ nêu tại Quyết định số 1950/QĐ-TTg về việc giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Theo đó, việc tạo nguồn cải cách tiền lương 2021 được thực hiện từ các nguồn sau đây:

-Tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ. 

- Một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị;

- Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết 2020 còn dư chuyển sang (nếu có);

- 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương so dự toán năm 2020; 50% nguồn tăng thu dự toán năm 2021 của ngân sách địa phương so dự toán năm 2020 để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2021 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.

Khi xác định số tăng thu ngân sách địa phương không kể tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết để tính chi tạo nguồn cải cách tiền lương loại trừ thêm một số khoản thu như: Thu tiền thuê đất 01 lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới…

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính phải xác định và giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm năm 2021 để tạo nguồn cải cách tiền lương cho từng Bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định…

Quyết định này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 28/11/2020.

Kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026

Đây là nội dung trong Thông tư 102/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, trong Thông tư nêu rõ kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Cụ thể, chi bồi dưỡng các cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

- Chủ trì cuộc họp được chi 200.000 đồng/người/buổi.

- Thành viên tham dự được chi 100.000 đồng/người/buổi.

- Các đối tượng phục vụ được chi 50.000 đồng/người/buổi.

Ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định hiện hành, các đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được chi như sau:

- Trưởng đoàn giám sát được chi 200.000 đồng/người/buổi.

- Thành viên chính thức của đoàn giám sát được chi 100.000 đồng/người/buổi.

Chi bồi dưỡng các cuộc họp khác liên quan đến công tác bầu cử từ 50.000-150.000 đồng/người/buổi.

Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử, bồi dưỡng theo mức khoán/tháng đối với một số đối tượng với mức chi từ 1,8 triệu đồng/người/tháng đến 2,2 triệu đồng/người/tháng.

Thông tư 102/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 08/01/2021.

Y tế-Sức khỏe
Cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh khi thực hành đủ 18 tháng

Bộ Y tế mới ban hành Thông tư số 21/2020/TT-BYT hướng dẫn thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh đa khoa với bác sĩ y khoa.

Trong đó, bác sĩ y khoa gồm người có văn bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ đa khoa hoặc cử nhân y khoa. Những đối tượng này thực hiện kỹ thuật khám chữa bệnh trực tiếp trên người bệnh, kê dơn thuốc dưới dướ giám sát của người hướng dẫn, đảm bảo hoàn thành đầy đủ nội dung thực hành và đủ thời gian thực hành là 18 tháng.

Nếu phải dừng thực hành vi lý do thai sản, tai nạn hoặc vì các lý do bất khả kháng khác thì thời gian thực hành được cộng dồn nhưng ngắt quãng không quá 06 tháng.

Tổng thời gian 18 tháng được phân bổ theo từng chuyên khoa như sau:

- Thực hành chuyên khoa Nội trong đó có Hồi sức cấp cứu: 05 tháng;

- Thực hành chuyên khoa Ngoại: 03 tháng;

- Thực hành chuyên khoa Sản phụ khoa: 03 tháng;

- Thực hành chuyên hoa Nhi: 04 tháng;

- Thực hành một số kỹ thuật chuyên khoa khác như tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt, da liễu, phục hồi chức năng, y học cổ truyền và một số kỹ thuật chuyên khoa khác: 03 tháng.

Riêng viên chức hoặc người lao động được cơ sở khám, chữa bệnh tuyển dụng vào làm công tác chuyên môn tại cơ sở mà chưa có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh thì phải ký hợp đồng thực hành và được phân công người hướng dẫn…

Thông tư này được ban hành ngày 30/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 15/01/2021.

Mới nhất: Thủ tướng yêu cầu dừng các sự kiện tập trung đông người

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện khẩn số 1699/CĐ-TTg ngày 02/12/2020 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Công điện nêu rõ, hiện nay, đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm từ người nhập cảnh trong thời gian cách ly tại TP. Hồ Chí Minh. Đây được coi là vụ việc vi phạm nghiêm trọng về phòng, chống dịch. Do đó, Thủ tướng yêu cầu:

- Nếu xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, cần thực hiện giãn cách xã hội với các khu vực có nguy cơ cao và được khoanh vùng hợp lý, không áp dụng giãn cách xã hội tràn lan ở phạm vi rộng ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh;

- Tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; nếu bắt buộc phải tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn… theo quy định. Đặc biệt, nếu tổ chức sự kiện có tiếp xúc với người đến từ nước ngoài thì phải hỏi ý kiến của cơ quan y tế;

- Các tỉnh, thành phố thực hiện yêu cầu 5K mà trước hết là đeo khẩu trang bắt buộc, khử khuẩn tại các khu cách ly, khu dân cư đông, nơi công cộng như chợ, siêu thị, trường học, bến xe, sân bay… và đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh...

Riêng với TP. Hồ Chí Minh, về việc để xảy ra lây nhiễm, Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, nghiêm túc, thần tốc truy vết mọi đối tượng F1, F2 của các ca nhiễm mới, không để lây lan vòng 03…

Cán bộ-Công chức-Viên chức
Thêm trường hợp thí sinh thi công chức bị đình chỉ thi

Bộ Nội vụ mới ban hành Thông tư 6/2020/TT-BNV ngày 02/12/2020 về Quy chế và Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Hiện nay, trường hợp thí sinh tham dự kỳ tuyển dụng công chức, viên chức; nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức bị đình chỉ thi được nêu cụ thể tại khoản c Điều 2 Nội quy ban hành kèm Thông tư 03/2019/TT-BNV là:

Hình thức kỷ luật đình chỉ thi do Trưởng ban coi thi quyết định, công bố công khai tại phòng thi và áp dụng đối với thí sinh vi phạm đã bị lập biên bản cảnh cáo nhưng vẫn cố tình vi phạm nội quy thi

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 2 Nội quy ban hành kèm Thông tư 6/2020 đã quy định các trường hợp đình chỉ thi như sau:

Trưởng ban coi thi quyết định đình chỉ thi đối với thí sinh vi phạm đã bị lập biên bản với hình thức cảnh cáo nhưng vẫn cố tình vi phạm nội quy thi hoặc thí sinh cố ý gây mất an toàn, trật tự làm ảnh hưởng đến phòng thi. Việc đình chỉ thi được công bố công khai tại phòng thi.

Như vậy, từ ngày 20/01/2021 - ngày Thông tư này chính thức có hiệu lực, Bộ Nội vụ đã bổ sung thêm một trường hợp thí sinh tham dự các kỳ thi trên bị đình chỉ thi là “thí sinh cố ý gây mất an toàn, trật tự làm ảnh hưởng đến phòng thi”.

Công chức giữ chức vụ lãnh đạo không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp

Nội dung này được Chính phủ nêu tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/12/2020.

Theo đó, Điều 41 Nghị định này quy định về thời hạn giữ chức vụ của công chức được bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý như sau:

Điều 41. Thời hạn giữ chức vụ

1. Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành.

Trong khi đó, trước đây tại Điều 5 Mục 1 Quyết định 27/2003/QĐ-TTg, Chính phủ chỉ quy định:

Thời hạn mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm; đối với một số cơ quan, đơn vị đặc thù có thể quy định thời hạn mỗi lần bổ nhiệm ngắn hơn.

Như vậy, theo quy định tại Nghị định 138 này, hiện nay đã giới hạn số lần giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của công chức là “không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp”.

Ngoài ra, về tuổi bổ nhiệm, Nghị định mới cũng bỏ quy định “không quá 55 tuổi với nam; không quá 50 tuổi với nữ và với chức vụ trưởng, phó phòng quận, huyện thì không quá 45 tuổi với cả nam, nữ” đã nêu trước đây...

Nghị định này ban hành ngày 27/11/2020.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Tổ chức 3 đợt góp ý SGK lớp 2 và lớp 6 trước khi phát hành

Đây là nội dung đáng chú ý được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành tại Công văn số 5103/BGDĐT-GDTrH ngày 25/11/2020 về việc tổ chức góp ý các bản mẫu sách giáo khoa (SGK) lớp 02 và lớp 06.

Để bảo đảm chất lượng SGK biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới và giúp giáo viên được sớm tiếp cận với các mẫu SGK, GD&ĐT đề nghị tổ chức cho giáo viên dạy học các môn học, hoạt động giáo dục tham gia góp ý bản mẫu SGK lớp 02 và lớp 06 theo 03 đợt:

- Đợt 01: Tổ chức cho giáo viên có kinh nghiệm góp ý. Mỗi Sở GD&ĐT chọn cử 10 giáo viên/môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa qua website của nhà xuất bản; cung cấp thông tin tài khoản cho giáo viên góp ý từ ngày 27/11/2020 - 09/12/2020;

- Đợt 02: Tổ chức cho giáo viên dạy lớp 02 và lớp 06 năm học 2021- 2022 góp ý. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường nhận tài khoản và hướng dẫn toàn bộ giáo viên được phân công dạy lớp 02 và lớp 06 năm học 2021 - 2022 vào website nhà xuất bản để nghiên cứu, góp ý bản SGK đã được hoàn thiện sau đợt 01 từ ngày 25/12/2020.

- Đợt 03: Thông báo cho giáo viên, cán bộ quản lý tìm hiểu, góp ý các bản mẫu SGK đã được nhà xuất bản hoàn thiện, đưa lên website của nhà xuất bản trước khi in và phát hành.

Hành chính
Không giải quyết tố cáo nặc danh về bầu cử ĐBQH khoá XV

Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, Điều 5 mục I Hướng dẫn nêu rõ các trường hợp không giải quyết tố cáo gồm:

- Tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ;

- Tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc;

- Đơn tố cáo có tên nhưng không rõ nội dung, không phản ánh nội dung tố cáo; không phải bản do người tố cáo trực tiếp ký tên; có từ hai người trở lên cùng ký tên; của người không có năng lực hành vi dân sự.

Đồng thời, những trường hợp không giải quyết khiếu nại là quá thời hạn; đang được cấp trên có thẩm quyền giải quyết; đã được cấp có thẩm quyền cao nhất xem xét, kết luận, quyết định.

Đặc biệt, sẽ không xem xét, giải quyết mọi tố cáo, khiếu nại liên quan đến người ứng cử, việc lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử đến khi bầu cử xong.

Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền nhưng chưa xem xét, giải quyết được hoặc đang giải quyết nhưng không thể kết thúc trước 10 ngày tính đến ngày bầu cử thì báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp để báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia (với ĐBQH) hoặc Ủy ban bầu cử cấp tương ứng (với đại biểu Hội đồng nhân dân) xem xét, quyết định.

Hướng dẫn này được ban hành ngày 02/12/2020.

Công nghiệp
Hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói khi vận chuyển từ 14/01/2021

Ngày 30/11/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 37/2020/TT-BCT quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Theo đó, Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển là Danh mục được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư 37.

Một số hàng hóa điển hình của Danh mục này gồm:

- Không khí dạng nén;

- Không khí, dạng lỏng, làm lạnh;

- Clo;

- Bình chữa cháy chứa khí nén hoặc hóa lỏng;

- Bật lửa;

- Oxy, dạng nén;

- Oxy, chất lỏng làm lạnh;

- Nhựa đường đen đã chưng cất, dễ cháy;

- Rượu cồn diaxeton;

- Mực in dễ cháy;

- Sơn hoặc vật liệu làm sơn;

- Dầu thô Petrol;

- Dầu gỗ thông;

- Thủy ngân…

Cũng theo Thông tư này, phương tiện chứa hàng hóa nguy hiểm được kiểm tra, thử nghiệm trước khi đóng gói. Đồng thời, bắt buộc phải có người áp tải đối với việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm có khối lượng lớn hơn mức quy định…

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.