Điểm tin Văn bản mới số 47.2019

Điểm tin văn bản

Doanh nghiệp
Sắp “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” trên website Bộ Tài chính

Nội dung này nằm trong Kế hoạch triển khai Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định 2573/QĐ-BTC ngày 10/12/2019.

Theo đó, chuyên mục “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính sẽ được thực hiện trong quý I năm 2020 với 04 mục:

Mục 1: Hỏi đáp chính sách. Mục này được liên kết đến mục Hỏi đáp chính sách tài chính.

Mục 2: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Mục này được liên kết đến mục Khen thưởng - Xử phạt.

Mục 3: Cơ sở dữ liệu, bao gồm 02 tiểu mục: Văn bản quy phạm pháp luật và Điều ước quốc tế. Mục này được liên kết đến mục Hệ thống văn bản.

Mục 4: Mạng lưới tư vấn viên pháp luật tài chính.

Với sự ra đời của chuyên mục này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ dễ dàng trong việc tiếp cận pháp luật cũng như nhận được sự hỗ trợ, giải đáp kịp thời các vấn đề pháp lý xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.

Ngoài ra, theo Kế hoạch, Bộ Tài chính cũng sẽ thường xuyên cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua nhiều hoạt động khác nhau như cập nhật, quản lý, duy trì văn bản quy phạm pháp luật, bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết của trọng tài thương mại, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp…

Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/12/2019.

Đất đai-Nhà ở
Đã có Nghị định về khung giá đất giai đoạn 2020 - 2024

Ngày 19/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019/NĐ-CP về khung giá đất đối với từng loại đất, theo từng vùng được quy định tại Điều 113 Luật Đất đai.

Theo Nghị định này, khung giá đất được chia thành 2 nhóm: Nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất phi nông nghiệp. Trong đó:

Nhóm đất nông nghiệp bao gồm:

- Khung giá đất trồng cây hàng năm (đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác);

- Khung giá đất trồng cây lâu năm;

- Khung giá đất rừng sản xuất;

- Khung giá đất nuôi trồng thủy sản;

- Khung giá đất làm muối.

Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm:

- Khung giá đất ở tại nông thôn;

- Khung giá đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;

- Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;

- Khung giá đất ở tại đô thị;

- Khung giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị;

- Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị.

Chi tiết khung giá của từng nhóm đất tại phụ lục kèm theo.

Đặc biệt, tại phụ lục IX, khung giá đất ở của 02 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh: mức tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2 và mức tối đa lên tới 162 triệu đồng/m2. Khung giá đất ở thấp nhất cả nước là tại đô thị loại V vùng Bắc Trung Bộ với mức tối thiểu chỉ 40.000 đồng/m2. Khung giá đất sẽ được sử dụng làm căn cứ để Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.

Trên cơ sở đó để căn cứ tình hình thực tế tại địa phương điều chỉnh mức giá đất tối đa trong bảng giá đất. Bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 19/12/2019.

Y tế-Sức khỏe
Xử lý nghiêm quảng cáo thực phẩm chức năng phản cảm trên Facebook

Tại Thông báo 439/TB-VPCP, Văn phòng Chính phủ đã có những kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về an toàn thực phẩm diễn ra vào ngày 13/12/2019.

Theo đó, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo công khai và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật, quảng cáo có nội dung phản cảm các loại thực phẩm chức năng, thuốc trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội. Đồng thời, Đài Truyền hình Việt Nam phải siết chặt hơn nữa việc quản lý nội dung quảng cáo trên truyền hình, có giải pháp hạn chế dần và loại bỏ các quảng cáo không đúng sự thật, có nội dung phản cảm về loại sản phẩm này trong khung giờ vàng tại các chương trình của Đài.

Bên cạnh đó, thường xuyên công bố, đưa ra cảnh báo trong Chương trình Thời sự của Đài về các loại sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quảng cáo và an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, lập danh mục các quảng cáo sai sự thật, quảng cáo và bán hàng đa cấp các loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc và có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bộ Công Thương đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử...

Thông báo được ban hành ngày 20/12/2019.

Giao thông
Sắp có Nghị định mới về kinh doanh taxi, xe khách

Ngày 17/12/2019, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo 429/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng về việc rà soát dự thảo Nghị định quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Bên cạnh việc rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị định trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan, dự thảo này sẽ tập trung vào 3 vấn đề chính:

Thứ nhất, các nội dung liên quan đến đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải, đảm bảo chặt chẽ về pháp lý.

Thứ hai, các nội dung quy định về kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình giữa các cơ quan quản lý Nhà nước (ngành công an, giao thông vận tải, tài chính…) để đáp ứng yêu cầu quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cát cứ trong sử dụng dữ liệu, làm nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm trong quản lý, điều hành giao thông vận tải.

Thứ ba, loại bỏ những nội dung không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật có liên quan.

Sau khi hoàn tất, Nghị định sẽ được ban hành trước ngày 30/12/2019 và góp phần phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh vận tải, tạo hành lang pháp lý chung để các đơn vị kinh doanh vận tải tự do lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với điều kiện của mình theo quy định của pháp luật.

Hành chính
Giảm giờ làm việc của người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần

Nghị quyết 101/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 27/11/2019 đã tổng kết lại những nội dung chính của kỳ họp thứ 8 diễn ra trong 28 ngày (từ ngày 21/10 - 27/11/2019) vừa qua.

Đáng chú ý tại Nghị quyết là nội dung đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần (hiện nay theo Bộ luật Lao động, thời giờ làm việc tối đa 48 giờ/tuần). Nhiệm vụ này được giao Chính phủ thực hiện căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng công bố danh sách các Luật và Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này. Cụ thể:

11 Luật: Bộ luật Lao động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Chứng khoán; Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ…

17 Nghị quyết: Nghị quyết khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước; Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020…

Bên cạnh đó là danh sách 10 dự án Luật được cho ý kiến, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng…

Chính sách
Chỉ thị của Thủ tướng về đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Theo đó, để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón tết năm mới 2020 đồng thời thúc đầy mạnh mẽ phát triển sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực vào dịp cuối năm, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ:

- Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ và đặc biệt là dịch vụ đổi tiền lẻ vốn diễn ra rất nhộn nhịp vào mỗi dịp Tết;

- Bảo đảm hệ thống ATM phải hoạt động ổn định, an toàn đáp ứng nhu cầu cao về việc rút tiền dịp cuối năm.

- Bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân; Không cắt điện trong dịp Tết; Giám sát chặt chẽ chất lượng xăng dầu;

- Bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả… trước và sau Tết, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá; Có giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn trong dịp Tết 2020;

- Tổ chức tốt việc khám chữa bệnh, các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ; Dự trữ thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất để kịp thời xử lý các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc…

- Đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, tổ chức các điểm bán thuốc 24/24 giờ và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng…

- Không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn Tết do không có tàu, xe; Niêm yết công khai giá vé, thời gian và đẩy mạnh ứng dụng bán vé điện tử…

Chỉ thị này được ban hành vào ngày 19/12/2019.

Tết 2020: Cấm biếu tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức

Nội dung này được Ban Chấp hành Trung ương nêu tại Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 10/12/2019 về việc tổ chức Tết năm 2020.

Theo đó, để chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhân dân đón mừng năm mới Tết Canh Tý 2020 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Ban Bí thư yêu cầu phải thực hiện tốt một số nội dung như:

- Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức;

- Cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết;

- Chủ động, có kế hoạch chăm lo thật tốt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong dịp Tết, trước hết là các gia đình chính sách, hộ người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo…

- Tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới và Tết Canh Tý 2020 phải thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng địa phương, bảo đảm tuyệt đối an toàn và không được sử dụng ngân sách Nhà nước;

- Quản lý tốt thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết;

- Làm tốt công tác y tế dự phòng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh…

An ninh quốc gia
Tháng 5/2020, ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ

Kế hoạch triển khai thi hành Luật Dân quân tự vệ năm 2019 được nêu tại Quyết định 1811/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/12/2019.

Theo đó, tại phụ lục phân công soạn thảo các văn bản thi hành Luật Dân quân tự vệ năm 2019 ban hành kèm Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra kế hoạch đến tháng 5/2020 sẽ soạn thảo các Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về:

- Tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ chính sách với Dân quân tự vệ được nêu tại điểm c khoản 2 Điều 9, khoản 5 Điều 20, khoản 5 Điều 21, khoản 6 Điều 33, khoản 4 Điều 34 và khoản 3 Điều 35 Luật Dân quân tự vệ 2019;

- Hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ tại khoản 2 Điều 31 của Luật Dân quân tự vệ 2019.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt các Đề án triển khai thực hiện Luật, các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Luật giao.

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan cũng rà soát văn bản pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật hoàn thành trong tháng 02/2020…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/12/2019.

Thi đua-Khen thưởng-Kỷ luật
Năm 2020, đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở được thưởng 1,6 triệu đồng

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có Quyết định số 1689/QĐ-TLĐ về việc ban hành Quy chế Khen thưởng của tổ chức Công đoàn.

Theo đó, một trong những nội dung nổi bật của Quy chế này là quy định cách tính mức tiền thưởng cho tập thể, cá nhân kèm theo các danh hiệu thi đua trong hệ thống Công đoàn. Cụ thể:

Mức tiền thưởng = Mức lương cơ sở x hệ số

Trong đó, hiện nay mức lương cơ sở đang là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị quyết số 70/2018/QH14. Từ 01/7/2020, theo Nghị quyết 86, mức lương cơ sở chính thức tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Lúc này, mức tiền thưởng của một số danh hiệu thi đua được quy định cụ thể như sau:

Đơn vị: đồng

STT

Danh hiệu thi đua

Hệ số

Mức thưởng đến 30/6/2020

Mức thưởng từ 01/7/2020

Chiến sĩ thi đua toàn quốc

4,5

6.705.000

7.200.000

 2

Chiến sĩ thi đua Tổng liên đoàn

3,0

4.470.000

4.800.000

 3

Chiến sĩ thi đua cơ sở

1,0

1.490.000

1.600.000

 4

Tập thể lao động xuất sắc

1,5

2.235.000

2.400.000

 5

Tập thể lao động tiên tiến

0,8

1.192.000

1.280.000

 6

Lao động tiên tiến

0,3

447.000

480.000

 7

Cờ thi đua của Chính phủ

12,0

17.880.000

19.200.000

Đồng thời, trong cùng một thời điểm, một đối tượng nếu đạt nhiều danh hiệu thi đua kèm theo các mức tiền thưởng khác nhau thì nhận mức tiền thưởng cao nhất…

Quyết định này được ban hành ngày 12/11/2019.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.