Điểm tin Văn bản mới số 47.2021

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước từ 01/12/2021

Hôm nay - ngày 26/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó, từ 01/12/2021 đến 31/5/2022, lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ô tô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%.

Từ 01/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ.

Hiện lệ phí trước bạ xe con được tính theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Chẳng hạn, mức phí trước bạ lần đầu với ô tô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con.

Đây là lần thứ 2 trong 02 năm qua, lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm một nửa. Năm 2020, khi áp dụng chính sách giảm phí trước bạ, lượng xe tiêu thụ đã tăng gấp đôi so với cùng giai đoạn trước khi giảm.

Nghị định 103/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

Bảo hiểm
Đã từ chối nhận hỗ trợ theo NQ 116 có thể nộp đơn để nhận lại

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có Công văn 3818/BHXH-CSXH hướng dẫn bổ sung thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong đó, Công văn nêu rõ, người lao động đã từ chối nhận hỗ trợ trên danh sách chi trả trước đó, sau đó lại có nhu cầu nhận hỗ trợ thì lập đề nghị hưởng hỗ trợ theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Quyết định 28/2021/QĐ-TTg gửi tới cơ quan BHXH theo hướng dẫn tại Công văn 3068/BHXH-CSXH.

Lưu ý, thời gian nộp đề nghị chậm nhất đến hết ngày 20/12/2021.

Ngoài ra, trường hợp người lao động đã đề nghị nhận hỗ trợ có thể thay đổi tự nguyện không nhận hỗ trợ, cụ thể:

- Với người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): Các đơn vị lập riêng danh sách các đối tượng này theo mẫu, tại cột ghi chú nêu rõ “đã đề nghị hưởng hỗ trợ nay để nghị tự nguyện không nhận hỗ trợ” và nộp trả cho cơ quan BHXH số tiền từ chối chối nhận (nếu đã nhận hỗ trợ).

- Với người lao động đã dừng tham gia BHTN và đã nộp Mẫu 04 ban hành kèm theo Quyết định 28/2021/QĐ-TTg thì gửi để nghị tự nguyện không nhận hỗ trợ, đồng thời nộp lại tiền hỗ trợ nếu đã nhận cho cơ quan BHXH.

Công văn này được ban hành ngày 25/11/2021.

Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Lao động-Tiền lương
Yêu cầu rà soát sửa đổi chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn 8589/VPCP-KGVX ngày 24/11/2021 về ý kiến của Đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập

Công văn nêu rõ, về ý kiến của Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai và Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang đối với việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập tại Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định (nếu có) bảo đảm công bằng, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, kiểm tra, xử lý trường hợp mà Đại biểu Quốc hội phản ánh.

Hiện nay, theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC thì mức ưu đãi được hưởng theo nghề nhà giáo được tính theo công thức:

Mức phụ cấp ưu đãi = 1,49 triệu đồng x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

Trong đó, tỷ lệ phụ cấp ưu đãi được quy định cụ thể tại Quyết định 244/2005/QĐ-TTG.

Nếu còn thắc mắc về các chế độ lương, phụ cấp nhà giáo, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp, hỗ trợ.

Tài chính-Ngân hàng
Giảm lãi suất cho vay tại các Ngân hàng Chính sách xã hội

Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 1990/QĐ-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Theo đó, giảm 10% so với lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hộido Thủ tướng Chính phủ quy định về lãi suất.

Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường các biện pháp cân đối chi phí hoạt động để thực hiện việc giảm lãi suất cho vay trong phạm vi kế hoạch vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý được giao năm 2021.

Thời gian thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách nêu trên áp dụng đối với các khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Sau ngày 31/12/2021, lãi suất cho vay của các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 1990/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Y tế-Sức khỏe
Dấu hiệu F0 cách ly tại nhà chuyển nặng, phải vào viện cấp cứu

Nội dung này được nêu tại Công văn 8728/SYT-NVY ngày 23/11/2021 của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” (phiên bản 1.6).

Cụ thể, khi F0 cách ly tại nhà có các dấu hiệu chuyển nặng, Cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh, đồng thời liên hệ Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện, thành phố để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Các dấu hiệu chuyển nặng bao gồm:

- Đối với người lớn: Khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 25 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 94%.

- Đối với trẻ em: Thở nhanh theo tuổi (01 - 05 tuổi: ≥ 40 lần/phút, 05 - 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, > 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút), cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có đo).

Theo hướng dẫn, cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà được phân công quản lý F0 phải tiếp cận F0 hoặc gia đình F0 để đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà.

Trong trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, phát tờ rơi hướng dẫn những điều cần tuân thủ; tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị Covid-19 theo quy định.

- Các vật dụng cần thiết khi cách ly tại nhà gồm: Nhiệt kế, thiết bị đo SpO2, máy đo huyết áp (nếu có); khẩu trang y tế; phương tiện vệ sinh tay; dung dịch nước muối sinh lý để súc họng, rửa mũi; vật dụng cá nhân; thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

- Thuốc điều trị tại nhà gồm: Thuốc điều trị Covid-19 tại nhà do Cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà cấp phát; thuốc đang điều trị bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, hen phế quản...) đủ sử dụng trong 01 tháng.

Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.

Về TP.HCM từ vùng dịch, chưa tiêm vắc xin phải cách ly tại nhà 14 ngày

Sở Y tế TP. HCM đã có Công văn 8072/SYT-NVY hướng dẫn tạm thời thực hiện các biện pháp đối với người đến/về TP. HCM từ các địa phương khác.

Theo đó, về thực hiện giám sát y tế đối với người đến/về TP. HCM từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa), Sở Y tế Thành phố hướng dẫn như sau:

- Những người đã tiêm đủ liều vắc xin (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 06 tháng:

+ Tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 07 ngày kể từ ngày về địa phương;

+ Thực hiện xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ nhất (01 lần).

- Những người tiêm chưa đủ liều vắc xin:

+ Thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo;

+ Thực hiện xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ nhất và ngày thứ 07 kể từ ngày về địa phương (02 lần).

- Những người chưa tiêm vắc xin:

+ Thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo;

+ Thực hiện xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 07 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương (03 lần).

Công văn được ban hành ngày 01/11/2021.

Nếu có thắc mắc liên quan đến chính sách phòng, chống Covid-19, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.

Hà Nội kiểm soát chặt người ra/vào Thành phố để phòng, chống dịch

Ngày 26/11/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện 25/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Theo Công điện, giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP đến ngày 25/11/2021, Thành phố đã ghi nhận 4.817 ca mắc, trong đó số ca cộng đồng tăng nhanh với 1.704 ca mắc (chiếm tỷ lệ 35,43%), đồng thời số ca mắc do lây nhiễm thứ phát cũng tăng lên.

Dịch bệnh xuất hiện trên 30/30 quận, huyện, thị xã trong đó nhiều chùm ca bệnh tại các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp, từ các hoạt động tại chợ dân sinh, đám hiếu, hỷ, việc tụ tập ăn uống, các địa điểm công cộng và sự kiện tập trung đông người.

Trước diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu:

- Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị, công an các quận, huyện, thị xã: Tăng cường cập nhật, kiểm soát thông tin nhân khẩu trên địa bàn; quản lý chặt chẽ số người thường trú, tạm trú, rà soát hộ khẩu, người được cấp Căn cước công dân gắn chip, quản lý mã số định danh cá nhân...

Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư,nắm chắc tình hình người dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên.

 

- Sở Y tế chủ trì, tăng cường điều phối, bố trí, phân luồng, chỉ đạo trong công tác phối hợp, lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm tương ứng với các khu vực, địa bàn, đảm bảo thời gian trả kết quả xét nghiệm; xây dựng kế hoạch xét nghiệm tầm soát cho học sinh và giáo viên...

Bên cạnh đó, tổng hợp, phân loại các trường hợp F1, F2, đánh giá phân tích các nguy cơ trong một số trường hợp theo đặc thù như với các trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, có đeo khẩu trang, đứng trong cùng khoang thang máy với người nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian ngắn), để đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn, chỉ đạo các biện pháp y tế phù hợp.

- Các phường, xã, thị trấn tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đặc biệt là tiêm mũi 2 với người trên 50 tuổi; tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi theo lộ trình hạ dần độ tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.

Tiếp tục thực hiện điều tra, truy vết thần tốc; việc khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vị hẹp nhất có thể, tiếp tục thông điệp 5K và đề cao ý thức phòng, chống dịch của người dân.

Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện...

Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Có kế hoạch tiêm vắc xin mũi 3 cho người đã tiêm 2 mũi đủ thời gian

Nội dung này được nhắc đến trong Thông báo 318/TB-VPCP ngày 27/11/2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch trực tuyến với các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tại Kết luận, Thủ tướng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, trong đó yêu cầu Bộ Y tế cần có kế hoạch tiêm mũi 03 đối với các trường hợp đã tiêm 02 mũi đủ thời gian. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt dịch thứ 04 và tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch;

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả;

- Khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng vi rút, phân bổ thuốc điều trị đến các địa phương, bảo đảm đủ thuốc điều trị (tự nguyện) cho tất cả người bị nhiễm, rút gọn tối đa các thủ tục hành chính trong phê duyệt, cấp phép nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị, vắc xin phòng Covid-19;

- Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước;

- Tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm các nước để có hướng dẫn việc cách ly phù hợp cho người tiêm vắc xin đủ 2 mũi và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ;

- Khẩn trương hướng dẫn việc xã hội hóa xét nghiệm, giá kit xét nghiệm để phù hợp với tình hình, điều kiện hiện nay xong trước ngày 05/12/2021;

- Tăng cường cung cấp thông tin minh bạch, chính xác về phân bổ, tiêm chủng vắc xin để địa phương, người dân được biết, theo dõi.

Thủ tướng cũng cho biết, dự báo thời gian tới tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại nước ta vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, cần tiếp tục quán triệt quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chính sách
Đã có Nghị quyết 34 tiếp tục lùi cải cách tiền lương

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 với nhiều nội dung đáng lưu ý.

Trong đó, tại Nghị quyết này, Quốc hội chính thức thông qua lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15, sẽ ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.

Ngoài ra, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán dành để cải cách chính sách tiền lương, bao gồm:

- Thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định;

- Thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa;

- Phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu;

- Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

- Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

- Thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Nghị quyết được thông qua ngày 13/11/2021.

Nếu vẫn còn thắc mắc đến vấn đề này mà bài viết chưa đề cập đến, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.