Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 11/11/2022, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định 1795/QĐ-TCT của về việc ban hành Quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ.
Theo đó, 07 biện pháp cưỡng chế tiền thuế nợ bao gồm:
- Trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế mở tại Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác.
- Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.
- Đề nghị hải quan dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
- Ngừng sử dụng hóa đơn.
- Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên.
- Thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ.
- Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Về nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế tiền thuế nợ:
- Biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản áp dụng với người nộp thuế có tài khoản tại kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác.
Trường hợp người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức nhưng cơ sở dữ liệu tại cơ quan thuế không có thông tin hoặc thông tin không chính xác thì cơ quan thuế xác minh thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế.
- Biện pháp cưỡng chế Khấu trừ một phần tiền lương/thu nhập chỉ áp dụng với cá nhân được hưởng tiền lương, tiền công hoặc thu nhập từ:
Cơ quan, tổ chức mà cá nhân thuộc biên chế;
Cơ quan, tổ chức mà cả nhân ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 6 tháng trở lên;
Cơ quan, tổ chức chỉ trả trợ cấp hưu trí, trợ cấp mất sức.
- Biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu chỉ áp dụng với trường hợp cơ quan thuế có đủ thông tin, tài liệu xác định người nộp thuế đang hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hoặc đã thực hiện hoạt động ít nhất một lần trong vòng 12 tháng...
Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.Sáng nay 01/12/2022, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn 8056/VPCP-KGVX về việc nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023.
Xét đề xuất về việc nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:
Đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Âm lịch từ ngày 20/01/2023 đến hết ngày 26/01/2023 và nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 01/9/2023 đến hết ngày 04/9/2023.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ trên phải bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, nhân dân.
Các dịp nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ, Tết khác thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động.
Ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông báo về việc nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023.
Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 16/11/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 70/2022/TT-BTC quy định về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài.
Theo Điều 16, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải ban hành quy chế, quy trình kiểm toán nội bộ.
Quy chế kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp này phải bao gồm các nội dung sau:
- Mục tiêu, vị trí, phạm vi hoạt động, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của bộ phận kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài và mối quan hệ với các bộ phận khác;
- Các nguyên tắc cơ bản và yêu cầu về trình độ chuyên môn, việc bảo đảm chất lượng của kiểm toán nội bộ và nội dung có liên quan khác.
Quy trình kiểm toán nội bộ hướng dẫn chi tiết các nội dung:
- Phương thức để đánh giá, phân loại mức độ rủi ro (theo mức thấp, trung bình, cao) làm căn cứ xây dựng kế hoạch kiểm toán nội bộ;
- Phương thức lập kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm, cách thức thực hiện công việc kiểm toán, lập và gửi báo cáo kiểm toán, theo dõi thực hiện kiến nghị sau kiểm toán;
- Cách thức lưu hồ sơ, tài liệu kiểm toán nội bộ.
Bộ phận kiểm toán nội bộ xây dựng, thực hiện kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm, bao gồm phạm vi, đối tượng, mục tiêu, thời gian kiểm toán và việc phân bổ các nguồn lực.
Những bộ phận, nghiệp vụ có mức độ rủi ro cao phải được đưa vào kế hoạch kiểm toán hàng năm. Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán nội bộ, bộ phận kiểm toán phải dự phòng quỹ thời gian đủ để thực hiện các cuộc kiểm toán đột xuất khi có yêu cầu.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 11/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 70/2022/QH15 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.
Theo đó, tổng số thu ngân sách Trung ương là 863.567 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 757.177 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.294.067 tỷ đồng, trong đó dự toán 436.204 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố. Trong đó:
Ưu tiên thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2023...
Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước đối với năm 2023 và ổn định cho giai đoạn 2023-2025 trên cơ sở sản lượng xăng, dầu sản xuất, bán ra trong nước so với tổng sản lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thị trường.
Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, kịp thời phân bổ, giao vốn để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn trong năm 2023...
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được LuaVietnam hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 30/11/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 16/2022/TT-NHNN quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, Điều 4 Thông tư này quy định về điều kiện, mệnh giá và giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước như sau:
- Các loại giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước bao gồm:
Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;
Trái phiếu Chính phủ;
Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn;
Trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;
Trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; trái phiếu được phát hành bởi các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp khác;
Giấy tờ có giá khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.
Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của thành viên;
Chưa chốt quyền nhận gốc và lãi khi đáo hạn;
- Giấy tờ có giá loại chứng chỉ lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước phải nguyên vẹn, không được rách, nát, hư hỏng, thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số, không bị nhàu, nát, nhòe, bẩn, tẩy, xóa.
Mệnh giá giấy tờ có giá lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước là 100.000 đồng hoặc bội số của 100.000 đồng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17/01/2023.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.Ngày 11/11/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Cụ thể, Nghị quyết 69 quy định về thực hiện chính sách tiền lương tại Điều 3 như sau:
- Chưa thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.
- Từ ngày 01/7/2023:
Thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng;
Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp;
Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi cho chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
- Từ ngày 01/01/2023, tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở theo Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
- Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù với các cơ quan, đơn vị đặc thù cho tới khi cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
- Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2023 theo cơ chế đặc thù không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022.Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, tiếp tục loại trừ một số khoản thu để dành nguồn cải cách tiền lương như quy định tại Nghị quyết 34/2021/QH15.
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được chúng tôi hỗ trợ nhanh nhất.
Ngày 29/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 24/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, chính sách hỗ trợ giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được áp dụng đối với các đối tượng là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, bao gồm:
- Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên, tổ trưởng, tổ phó, quản lý chuyên môn;
- Chủ cơ sở, chủ nhóm lớp, chủ nhóm trẻ có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật tham gia công tác quản lý chuyên môn hoặc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP được hỗ trợ một lần mức 3,7 triệu đồng/người.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP được hỗ trợ một lần mức 2,2 triệu đồng/người.
Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.
Theo đó, việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô được.thi hành từ ngày 01/7/2023 và được thực hiện trong 03 năm.
Giá khởi điểm và tiền đặt trước của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng. Một bước giá là 05 triệu đồng.
Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô sau khi trừ các khoản chi phí tổ được nộp vào Ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật.
Hình thức đấu giá là đấu giá trực tuyến. Phương thức đấu giá là phương thức trả giá lên.
Khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có 01 người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia đấu giá hoặc có nhiều người tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì biển số xe ô tô đưa ra đấu giá được chuyển nhượng cho người đó.
Người trúng đấu giá biển số xe ô tô được cấp văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá sau khi nộp đủ số tiền trúng đấu giá. Đồng thời được đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình tại cơ quan Công an nơi quản lý biển số xe ô tô trúng đấu giá hoặc nơi người trúng đấu giá thường trú, đặt trụ sở.
Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 30/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Theo đó, Nghị định quy định 04 trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản gồm:
- Đăng ký thế chấp, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của pháp luật;
- Đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm với bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản;
- Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp 01 tài sản dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp có thỏa thuận;
- Đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký; xóa đăng ký nội dung đã đăng ký với các trường hợp nêu trên.
Việc đăng ký được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký:
- Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh của Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 25 Nghị định 99.
- Cục Hàng không Việt Nam thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay quy định tại Điều 38 Nghị định 99.
- Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục Hàng hải, Cảng vụ Hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển, tài sản khác quy định tại Điều 41 Nghị định 99.
- Tổng Công ty lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
- Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung (động sản) và trường hợp khác quy định tại Điều 44 Nghị định 99.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/01/2023.
Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 10/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 68/2022/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Quốc hội đặt ra là triển khai các giải pháp bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.Đối với ngành y tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Ngoài ra, Nghị quyết còn chỉ đạo xây dựng hoàn thiện bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện hiệu quả giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.Xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, Cổng Dịch vụ công quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.