Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 16/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn, kinh doanh bảo hiểm,...
Trong đó, khoản 3 Điều 1 Nghị định 102/2021 đã bổ sung hành vi bị phạt tiền từ 04 - 08 triệu đồng so với khoản 4 Điều 24 Nghị định 125/2020 là:
“h) Lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa theo quy định”
Đồng thời, Nghị định 102/2021 cũng bổ sung thêm trường hợp làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế cũng sẽ bị xử phạt tiền từ 04 - 08 triệu đồng.
Ngoài ra, việc miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, Nghị định 102 cũng quy định mức miễn, giảm tiền phạt tối đa được xác định bằng số tiền phạt trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).
Trong khi đó, theo Nghị định 125, mức miễn tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt còn lại trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).
Nghị định 102/2021 cũng sửa đổi nhiều quy định liên quan đến kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; kế toán, kiểm toán độc lập..
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nếu có thắc mắc liên quan đến bài viết, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Nội dung này được nêu tại Công văn 8728/SYT-NVY ngày 23/11/2021 của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” (phiên bản 1.6).
Cụ thể, khi F0 cách ly tại nhà có các dấu hiệu chuyển nặng, Cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh, đồng thời liên hệ Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện, thành phố để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.Các dấu hiệu chuyển nặng bao gồm:
- Đối với người lớn: Khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 25 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 94%.
- Đối với trẻ em: Thở nhanh theo tuổi (01 - 05 tuổi: ≥ 40 lần/phút, 05 - 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, > 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút), cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có đo).
Theo hướng dẫn, cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà được phân công quản lý F0 phải tiếp cận F0 hoặc gia đình F0 để đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà.Trong trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, phát tờ rơi hướng dẫn những điều cần tuân thủ; tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị Covid-19 theo quy định.
- Các vật dụng cần thiết khi cách ly tại nhà gồm: Nhiệt kế, thiết bị đo SpO2, máy đo huyết áp (nếu có); khẩu trang y tế; phương tiện vệ sinh tay; dung dịch nước muối sinh lý để súc họng, rửa mũi; vật dụng cá nhân; thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.
- Thuốc điều trị tại nhà gồm: Thuốc điều trị Covid-19 tại nhà do Cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà cấp phát; thuốc đang điều trị bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, hen phế quản...) đủ sử dụng trong 01 tháng.
Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 19/11/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo 800/TB-UBND về việc đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
Cụ thể, hiện Thành phố đang ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, có 04 quận, huyện ở cấp độ 1 là: Hoàn Kiếm, Ba Vì, Đan Phượng, Ứng Hòa.Có 03 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng đang ở cấp độ 3 là phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm; xã Phù Đổng và xã Yên Thường, huyện Gia Lâm.
Còn lại, Hà Nội có 26 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và không có địa bàn nào cấp độ 4.
Theo Phụ lục ban hành kèm Thông báo 800, hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố là 93,6% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%).
Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine là 72% (chưa đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).Danh sách đánh giá cấp độ dịch theo quận, huyện của Thành phố Hà Nội được ghi nhận cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm Thông báo này.
Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Hôm nay (19/11/2021), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 145/NQ-CP về việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chế độ, chính sách với người tham gia phòng, chống dịch tại nơi có số ca nhiễm Covid-19 cao như sau:
- Phụ cấp 450.000 đồng/người/ngày: Người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm Covid-19, nghi nhiễm Covid-19 tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
(Trước đây, mức phụ cấp này là 300.000 đồng/người/ngày).
- Phụ cấp 300.000 đồng/người/ngày:
+ Người làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 gồm: Kiểm soát nhiễm khuẩn; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh; người giặt đồ vải, quần áo, vỏ chai, lọ, hộp hóa chất, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt; người làm nhiệm vụ bảo vệ.
(Trước đây, mức phụ cấp này là 200.000 đồng/người/ngày, riêng với người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh,… mức phụ cấp trước đây là 300.000 đồng/người/ngày).
+ Người làm các công việc: Giám sát dịch tễ, theo dõi y tế; súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường để phục vụ cho phòng xét nghiệm; vận chuyển người nhiễm Covid-19, bệnh phẩm…
(Trước đây, mức phụ cấp này là 200.000 đồng/người/ngày).
- Phụ cấp 225.000 đồng/người/ngày: Với người làm việc tại các cơ sơ thu dung, điều trị Covid-19 và không thuộc các đối tượng đã nêu trên.
- Học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách được huy động làm tình nguyện viên,…:
+ Được hưởng một trong các khoản phụ cấp nêu trên;
+ Được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ chi phí sinh hoạt là 40.000 đồng/người/ngày.
Lưu ý: Các chế độ trên được áp dụng đối với người tham gia phòng, chống dịch tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại: TP. HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Long An và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ ngày 01/8/2021 - hết 31/10/2021.
Trường hợp đối tượng đã được nhận kinh phí hỗ trợ nhưng với mức hỗ trợ thấp hơn mức hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết này thì được truy lĩnh phần chênh lệch.
Các đối tượng khác tiếp tục hưởng chế độ theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP và khoản 1 Nghị quyết số 58/NQ-CP.
Nghị quyết có hiệu lực từ 19/11/2021 đến hết 31/12/2022.
Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn 4095/UBND-KGVX ngày 19/11/2021 hướng dẫn thực hiện cách ly y tế tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần (F1).
Theo đó, nhằm chủ động phòng, chống Covid-19 và giảm nguy cơ lây nhiễm, các đối tượng F1 được cách ly y tế tại nhà trên địa bàn Thành phố trừ 04 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng gồm:
- Người ở cùng nhà với F1 và người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ F1 được cách ly với F1 tại nhà.
- Người đang cách ly tập trung đủ 07 ngày, có kết quả PCR ngày thứ bảy âm tính.
F1 có nguyện vọng cách ly tại nhà phải có đơn đăng ký gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn tại nơi cư trú. Sau khi Trạm y tế xuống thẩm định, xác minh, đánh giá cơ sở y tế nơi cách ly mà F1 đăng ký… sẽ ra Quyết định cách ly tại nhà với F1.
Trong đó, yêu cầu về nhà ở phải là nhà ở riêng lẻ, căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư, trước nhà phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”, có phòng riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình…
Người cách ly trong thời gian cách ly tại nhà, chấp hành nghiêm quy định về thời gian cách ly tại nhà, cam kết với chính quyền, không ra khỏi phòng cách ly, không tiếp xúc với người trong nhà cũng như người khác, không tiếp xúc với động vật, luôn thực hiện 5K, khai báo y tế hàng ngày…
Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Hôm nay - 16/11/2021, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới.
Cụ thể, từ ngày 17/11/2021, Thành phố Hà Nội điều chỉnh công tác thu dung điều trị các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội, cụ thể như sau:
- Chủ động xây dựng phương án thu dung, điều trị người bị nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn Thành phố với các kịch bản cao theo mô hình tháp 3 tầng:
+ Thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.
+ Mở rộng cơ sở thu dung điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã sau thời gian thí điểm.+ Rà soát và mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị tại các cơ sở thu dung của Thành phố, các Bệnh viện tuyến huyện và tuyến Thành phố.
+ Rà soát các cơ sở thu dung điều trị, huy động nhân lực y tế (bác sỹ, sinh viên, học sinh, Y, bác sỹ đã nghỉ hưu) tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 khi có yêu cầu...
- Điều chỉnh phương án cách ly F1:
+ Điều chỉnh thời gian thực hiện cách ly tập trung các trường hợp F1 xuống còn 14 ngày.
+ Tiếp tục duy trì các khu cách ly tập trung F1 tại các quận, huyện, thị xã đã được thành lập hoặc đã rà soát chưa kích hoạt; rà soát và mở rộng các khu cách ly, đảm bảo trang thiết bị, hậu cần cho các khu cách ly để sẵn sàng tiếp nhận công dân đến cách ly.
+ Thí điểm thực hiện cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.
Đối với trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, thực hiện bắt buộc cách ly tập trung hoặc tự nguyện cách ly tại khách sạn (theo nguyện vọng cá nhân, phải có đơn xin tự nguyện cách ly tại khách sạn đã được Thành phố phê duyệt làm cơ sở cách ly tập trung F1 và cam kết chi trả kinh phí).
Thời gian thực hiện thí điểm cho đến khi có thông báo của Thành phố.
Nếu có thắc mắc liên quan đến chính sách phòng, chống Covid-19, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Đây là nội dung được nêu tại Quy định tạm thời về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm Quyết định 3900/QĐ-UBND ngày 16/11/2021.
Theo đó, các hoạt động trong nhà như: hội họp, tập huấn, hội thảo, hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, đám cưới, đám tang,... được hoạt động tại địa bàn dịch cấp độ 1 và hoạt động hạn chế, có điều kiện ở địa bàn dịch cấp độ 2, 3. Cụ thể:
- Việc tổ chức hoạt động phải đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương, Thành phố.
- “Sức chứa tối đa” là số lượng người tối đa có thể hiện diện cùng lúc, được bố trí bảo đảm khoảng cách người - người là 01 mét.
- Với vùng dịch cấp độ 1: Không hạn chế số người tham gia, nhưng không vượt quá sức chứa tối đa; Bảo đảm giữ khoảng cách ≥ 01 mét.
- Với vùng dịch cấp độ 2: Số người tập trung tối đa không quá 50% sức chứa tối đa; Bảo đảm giữ khoảng cách ≥ 02 mét.
- Với vùng dịch cấp độ 3: Số người tập trung tối đa không quá 25% sức chứa tối đa; Bảo đảm giữ khoảng cách ≥ 02 mét.
Ngoài ra, Thành phố yêu cầu điều kiện chung để tham gia các hoạt động khi áp dụng biện pháp theo từng cấp độ dịch như sau:
- Người tham gia các hoạt động phải tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin Covid-19 sau 14 ngày;
- Người thuộc diện phải tiêm vắc xin nhưng không thể tiêm do chống chỉ định cần có giấy xác nhận của cơ quan y tế;
- Trẻ em chưa đến tuổi tiêm vắc xin được tham gia các hoạt động cùng người lớn đã tiêm đủ liều vắc xin.
Nếu có thắc mắc liên quan đến chính sách phòng, chống Covid-19, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 17/11/2021, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Thông báo 12318/TB-SGTVT về tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh sử dụng công nghệ (xe ôm công nghệ) hoạt động hạn chế, trong khi xe ôm truyền thống vẫn tạm dừng hoạt động.
Cụ thể, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh sử dụng công nghệ (ứng dụng gọi xe hai bánh trên thiết bị di động) sẽ hoạt động hạn chế, trong đó không quá 50% số xe của từng đơn vị và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với người điều khiển phương tiện cần tuân thủ nguyên tắc 5K và đã tiêm ít nhất một liều vắc xin sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
Tài xế có quyền từ chối không vận chuyển đối với các trường hợp người sử dụng dịch vụ không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Hành khách sử dụng dịch vụ cần tuân thủ nguyên tắc 5K, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đơn vị cung cấp dịch vụ cần cung cấp danh sách phương tiện và người điều khiển phương tiện đang quản lý, thông tin phương tiện và người điều khiển phương tiện dự kiến hoạt động đến Sở Giao thông Vận tải để cập nhật.Nếu có thắc mắc liên quan đến chính sách phòng, chống Covid-19, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.