Điểm tin Văn bản mới số 45.2020

Điểm tin văn bản

Doanh nghiệp
Trường hợp doanh nghiệp được miễn lập hồ sơ giao dịch liên kết

Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó có các trường hợp doanh nghiệp được miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.

Cụ thể, trường hợp người nộp thuế được miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết như sau (khoản 2 Điều 19 Nghị định 132/2020):

- Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng.

- Người nộp thuế đã ký kết thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế.

Các giao dịch liên kết không thuộc phạm vi áp dụng thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết.

- Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí của hoạt động tài chính) trên doanh thu thuần, bao gồm các lĩnh vực dưới đây:

  • Phân phối: Từ 5% trở lên.
  • Sản xuất: Từ 10% trở lên.
  • Gia công: Từ 15% trở lên.

Trường hợp người nộp thuế theo dõi, hạch toán riêng doanh thu, chi phí của từng lĩnh vực thì áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần tương ứng với từng lĩnh vực.

Xem chi tiết Nghị định 132/2020/NĐ-CP

Ngày 06/3/2024, LuatVietnam và MISA đồng tổ chức Hội thảo miễn phí "Giao dịch liên kết - Quy định kế toán cần biết" =>>  Cập nhật thông tin về sự kiện và Đăng ký ngay.
Lao động-Tiền lương
Thêm đối tượng tại TP.HCM được chăm lo Tết 2021

Nội dung này được đề cập trong Công văn số 730/LĐLĐ do Liên đoàn Lao động TP.HCM ban hành về việc bổ sung đối tượng được chăm lo Tết Tân Sửu 2021.

Theo Công văn, do mưa lũ kéo dài những ngày qua đã gây ngập lụt nặng đến hàng loạt các tỉnh Miền Trung, thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của Nhân dân, đoàn viên công đoàn nói riêng.

Để phát huy truyền thống đoàn kết, chia sẻ khó khăn với đoàn viên công đoàn có gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, thiên tai. Liên đoàn Lao động Thành phố triển khai đến Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bổ sung đối tượng được chăm lo Tết theo Kế hoạch 64/KH-LĐLĐ, cụ thể như sau:

Tùy vào tình hình thực tế và nguồn tài chính tại đơn vị để quan tâm lo thêm cho đối tượng là đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại TP.HCM có gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung năm 2020.

Trước đó, tại Kế hoạch số 213/KH-CĐGD của Công đoàn ngành Giáo dục TP.HCM về việc thực hiện Kế hoạch số 64 ngày 29/9/2020 cũng đã nêu ra các đối tượng được chăm lo là cán bộ, nhà giáo và người lao động phải được công khai tại cơ quan, đơn vị, hỗ trợ thấp nhất là 500.000 đồng/trường hợp gặp khó khăn.

Cũng trong Kế hoạch này quy định các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được xác định bằng các tiêu chí như nữ đoàn viên công đoàn, nhà giáo, người lao động đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi bị giảm thu nhập, nữ đoàn viên công đoàn, nhà giáo, người lao động có chồng, con đang làm nhiệm vụ ở hải đảo, không được về quê ăn Tết…

Công văn 730/LĐLĐ được ban hành và có hiệu lực kể từ 03/11/2020.

Hành chính
Thủ tướng: Sớm điều chỉnh phù hợp nội dung sách giáo khoa lớp 1

Nội dung đáng chú ý này được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 169/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2020 ngày 11/11/2020.

Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương chỉ đạo việc rà soát, tiếp thu ý kiến đóng góp một cách cầu thị, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan để có biện pháp xử lý, điều chỉnh phù hợp nội dung sách giáo khoa lớp 1 với tinh thần minh bạch, khách quan.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc phân phối, sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tại Nghị quyết này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh, không được chủ quan, lơ là, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là:

- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh;

- Đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nơi tập trung đông người;

- Nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị trên diện rộng, khả năng truy vết, dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế;

- Chủ động sản xuất và hợp tác để người dân sớm tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19;

- Có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước…

Chính sách
Thay đổi tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn từ 31/12/2020

Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg.

Theo đó, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên được xác định là thôn đặc biệt khó khăn nếu đáp ứng 01 trong 02 tiêu chí nêu tại Điều 6 Quyết định 33 như sau:

- Có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (riêng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên hoặc có trên 30 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số nghèo).

- Có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (riêng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 12% đến dưới 15%) và có 01 trong các tiêu chí sau:

  • Có trên 60% tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo của thôn;
  • Chưa có đường từ thôn đến trung tâm xã hoặc có đường nhưng đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa;
  • Chưa có điện lưới quốc gia hoặc đã có nhưng trên 30% số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.

Trong khi hiện nay, tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn dựa vào tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; số phòng học cho lớp mẫu giáo chưa được kiên cố; nhà văn hóa - khu thể thao thôn... (theo Điều 2 Quyết định 50/2016/QĐ-TTg).

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/12/2020.

Tạm cấp 80 tỷ đồng hỗ trợ 3 tỉnh miền Trung khắc phục thiên tai

Ngày 15/11/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1815/QĐ-TTg về việc tạm cấp kinh phí hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Cụ thể, tại Quyết định này, Thủ tướng nêu rõ, tạm cấp 80 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho 03 địa phương:

- Quảng Nam 20 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Tây Giang;

- Thừa Thiên Huế 20 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Phong Điền;

- Quảng Trị 40 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Hướng Hóa và huyện Đắk Krông.

Ủy ban nhân dân các tỉnh trên căn cứ tình hình thực tế để phân bổ, quản lý sử dụng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ nhằm thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chế độ.

Trong đó, chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, sử dụng sai mục đích, tham nhũng, lãng phí.

Sau khi kết thúc đợt mưa lũ, Ủy ban nhân dân các tỉnh trên kiểm tra, đánh giá, tổng hợp số liệu thiệt hại do thiên tai; kết quả cứu hộ, cứu nạn… gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Kế toán-Kiểm toán
Kéo dài hiệu lực của 7 văn bản quan trọng về hóa đơn điện tử

Nội dung đáng chú ý này vừa được Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số 88/2020/TT-BTC sửa đổi Điều 26 Thông tư 68 năm 2019 về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Cụ thể, khoản 1 Điều 1 Thông tư 88 quy định, từ ngày 01/11/2020 đến ngày 30/6/2022, các văn bản của Bộ Tài chính về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vẫn có hiệu lực thi hành gồm:

- Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

- Thông tư số 191/2010/TT-BTC ngày 01/12/2010 hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hóa đơn vận tải;

- Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015);

- Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015 về việc thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế;

- Quyết định số 526/QĐ-BTC ngày 16/4/2018 về việc mở rộng phạm vi thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế;

- Quyết định số 2660/QĐ-BTC ngày 14/12/2016 về việc gia hạn thực hiện Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015;

- Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015).

Trong khi đó, hiện nay, Điều 26 Thông tư 68/2019 chỉ quy định những văn bản này chỉ có hiệu lực đến ngày 31/10/2020.

Thông tư 88 này được ban hành ngày 30/10/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/11/2020.

Thi đua-Khen thưởng-Kỷ luật
Quy định mới về đánh giá, khen thưởng tổ chức Đảng

Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 5/2020/TT-BNV về việc bãi bỏ khoản 7 Điều 2 Thông tư 12/2019/TT-BNV ngày 04/11/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua khen thưởng.

Cụ thể, bãi bỏ quy định tại khoản 7 Điều 2 Thông tư 12/2019/TT-BNV:

Điều 2. Quy định chung về khen thưởng

7. Khi khen thưởng đối với tập thể có tổ chức Đảng, đoàn thể thì tổ chức Đảng, đoàn thể phải được đánh giá “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

Ngoài ra, những quy định khác về khen thưởng vẫn được áp dụng theo quy định tại Điều 2 Thông tư 12/2019 gồm:

- Hình thức, mức hạng khen thưởng phải phù hợp với thành tích đạt được. Quan tâm khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, người dân tộc thiểu số, biên giới, biển đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa…

- Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng phải phù hợp với hình thức, mức hạng khen thưởng theo quy định.

- Đối với khen thưởng theo công trạng và thành tích: Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng tính đến thời điểm bộ, ban, ngành, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ trước 06 tháng, quá thời hạn trên, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương không nhận hồ sơ trình khen thưởng.

- Khi khen thưởng cho tập thể, cá nhân không thuộc đối tượng quản lý về tổ chức, cán bộ, quỹ lương, bộ, ban, ngành, tỉnh chỉ khen thưởng các hình thức thuộc thẩm quyền, không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước.

Thông tư 5/2020/TT-BNV có hiệu lực thi hành từ ngày 09/11/2020.

Điện lực
Ý kiến mới nhất của Thủ tướng về quản lý, sử dụng thủy điện nhỏ

Ngày 09/11/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 9389/VPCP-CN về tăng cường thực hiện biện pháp quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ.

Theo đó, Phó Thủ tướng có ý kiến về báo cáo và kiến nghị của Bộ Công Thương về tình hình sạt lở tại khu vực Dự án thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế và các vấn đề khác liên quan đến thủy điện tại khu vực miền Trung như sau:

- Nếu các dự án thủy điện chưa đưa vào vận hành mà có tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội thì yêu cầu nghiên cứu, đánh giá lại và có phương án điều chỉnh phù hợp. Nếu không sẽ đề xuất thu hồi dự án;

- Nghiên cứu đánh giá biến đổi cực đoan của thời tiết trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay để rà soát, lên kế hoạch phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế;

- Nghiên cứu, xây dựng các bản đồ tỷ lệ lớn về lũ quét, sạt lở đất đá để làm cơ sở đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về kinh tế, xã hội;

- Tăng cường cảnh báo, dự báo hiện tượng thời tiết như bão, lũ đảm bảo tính chính xác và kịp thời; xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo, dự báo nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành liên hồ chứa ở lưu vực sông, hạn chế rủi ro do thời tiết cực đoan gây ra, đặc biệt là khu vực miền Trung;

- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện các phương án trồng rừng thay thế nhằm bảo đảm cân bằng sinh thái và khả năng tự điều tiết nguồn nước trên lưu vực…

Hình sự
Quy định mới về xử lý phạm nhân vi phạm từ 25/12/2020

Từ 25/12/2020, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành có hiệu lực sẽ bổ sung quy định về xử lý phạm nhân vi phạm.

Cụ thể, tại Điều 20 Nghị định số 133/2020 quy định như sau:

- Phạm nhân vi phạm đều phải xem xét, xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật.

- Trong cùng một vụ việc có nhiều phạm nhân vi phạm, thì mỗi phạm nhân đều bị xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm của mình.

- Trong cùng một vụ việc, nếu một phạm nhân có nhiều hành vi vi phạm, thì áp dụng chung bằng một hình thức kỷ luật, không tách riêng từng hành vi vi phạm để xử lý với các hình thức kỷ luật khác nhau.

Theo đó, phạm nhân vi phạm có một trong các tình tiết sau đây có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật:

- Vi phạm lần đầu, gây hậu quả không lớn; khai báo thành khẩn, trung thực về vi phạm của mình và những phạm nhân khác.

- Ăn năn hối cải, nhận rõ sai phạm, tự giác nhận khuyết điểm, tích cực tiếp thu sự giáo dục, sửa chữa vi phạm của mình.

- Vi phạm do bị phạm nhân khác đe dọa, cưỡng bức, ép buộc, xúi giục, lôi kéo; bị kích động về tinh thần do hành vi vi phạm của phạm nhân khác gây ra hoặc nguyên nhân khách quan khác.

- Lập công hoặc có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, có quyết định khen thưởng.

- Phạm nhân già yếu đối với nam từ đủ 70 tuổi trở lên, nữ từ đủ 65 tuổi trở lên; bị khuyết tật hoặc có nhược điểm về thể chất, tinh thần; bị bệnh hiểm nghèo…

Bên cạnh đó, cũng có thêm các quy định tăng nặng hình thức kỷ luật. Đây đều là những quy định mới mà trước đây tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP chưa đề cập đến.

Nghị định 133/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 09/11/2020.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.