Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Vướng mắc về việc xác định thu nhập miễn thuế thu nhập cá nhân với tiền lương làm thêm giờ được Tổng cục Thuế giải đáp tại Công văn số 4641/TCT-DNNCN ngày 12/11/2019.
Theo đó, Bộ luật Lao động hiện hành quy định, số giờ làm thêm của người lao động không quá 12 giờ/ngày, không quá 30 giờ/tháng, tổng số không quá 200 giờ/năm và được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc theo tiền lương của công việc đang làm gồm:
- Vào ngày thường: Ít nhất bằng 150%;
- Vào ngày nghỉ hằng tuần: Ít nhất bằng 200%;
- Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương: Ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương;
- Làm thêm vào ban đêm: Ít nhất 30% tiền lương của ngày làm việc bình thường và được trả thêm 20% tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Đồng thời, theo hướng dẫn các khoản thu nhập được miễn thuế của Bộ Tài chính tại Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì thu nhập từ tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ sẽ được miễn thuế.
Do đó, phần thu nhập từ tiền lương, tiền công do làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm ngày bình thường nếu số giờ làm thêm không vượt quá mức quy định nêu trên thì được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Ngược lại, nếu vượt định mức cho phép thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 29/11/2019, Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh đã ra Công văn 2781/BHXH-QLT hướng dẫn thực hiện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01/01/2020.
Theo Công văn này:
- Kể từ ngày 01/01/2020, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn phải rà soát lại mức lương tối thiểu trong thang lương, bảng lương mà đơn vị đã gửi đến cơ quan quản lý Nhà nước về lao động để điều chỉnh lại cho phù hợp theo nguyên tắc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng dưới đây:
+ Mức 4,42 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp tại các quận và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè
+ Mức 3,92 triệu đồng/tháng áp dụng với các doanh nghiệp tại huyện Cần Giờ.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho từng người lao động theo đúng thang lương, bảng lương đã xây dựng.
- Doanh nghiệp phải thực hiện mức lương giao kết hợp đồng và đóng đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho từng người lao động theo nguyên tắc:
+ Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;
+ Đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
- Chậm nhất đến ngày 28/02/2020, các đơn vị sử dụng lao động phải nộp hồ sơ điều chỉnh mức lương Đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo lương tối thiểu vùng mới.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, ngày 21/11/2019, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ra Công văn 5234/UBND-KT gửi các cơ quan liên quan về việc đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán 2020.
Theo đó, các Sở, ban, ngành, cơ quan chức năng trên toàn thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm:
- Theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi để nắm bắt nguồn cung thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu khác, từ đó có phương án ổn định thị trường, đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu dẫn đến tăng giá đột biến.
- Cấp phép, tạo điều kiện cho các xe chở hàng hóa vào nội thành trong các ngày giờ cao điểm.
- Xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm có mầm bệnh hoặc có dịch bệnh cần quản lý; tổ chức các chốt kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung đáp ứng tiêu chuẩn.
- Ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm buôn lậu; buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; đầu cơ găm hàng, nâng giá kiếm lợi bất chính; các hoạt động sản xuất kinh doanh vi phạm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm…
Công khai, minh bạch các khoản đóng góp là một trong những nghĩa vụ của quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo Nghị định 93/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/11/2019 vừa qua.
Cụ thể, trước ngày 31/3 hàng năm, quỹ xã hội, quỹ từ thiện có trách nhiệm công bố công khai các khoản đóng góp trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, báo cáo tình hình tài chính, tổ chức, hoạt động với cơ quan cấp giấy phép thành lập, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực hoạt động của quỹ cũng như Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi quỹ đặt trụ sở trước ngày 31/12.
Riêng những quỹ được thành lập từ các nguồn tài sản hiến tặng hoặc theo hợp đồng ủy quyền, di chúc mà không tổ chức quyên góp, nhận tài trợ thì hàng năm phải dành tối thiểu 5% tổng số tài sản để tài trợ cho các chương trình, dự án phù hợp với mục đích hoạt động của quỹ.
Ngoài ra, Nghị định nêu rõ, tuyệt đối cấm lợi dụng việc thành lập và tổ chức các hoạt động của quỹ làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng.
Đặc biệt, cấm lợi dụng quỹ để tư lợi, gian dối về tài chính hoặc thực hiện các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố…
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.
Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngày 28/11/2019, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND áp dụng trên toàn thành phố.
Theo đó, để chuẩn bị các điều kiện và tổ chức triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị đội ngũ để thực hiện theo lộ trình đặt ra.
Lúc này, phải tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên của từng môn học, lớp học, cấp học theo các giai đoạn:
- Giai đoạn 1 từ nay đến tháng 11/2019: Tuyển dụng bổ sung giáo viên chuẩn bị phục vụ giảng dạy chương trình giáo dục mới ở cấp tiểu học, trung học cơ sở;
- Giai đoạn 2 từ tháng 12/2019 - tháng 6/2020: Hoàn thành việc tuyển dụng bổ sung giáo viên phục vụ giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở cấp tiểu học, trung học cơ sở; Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1;
- Giai đoạn 3 từ tháng 7/2020 - tháng 6/2021: Triển khai áp dụng đại trà toàn thành phố chương trình mới, sách giáo khoa mới cho lớp 1; Tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới với các lớp còn lại;
- Giai đoạn 4 từ tháng 7/2021 - tháng 6/2022: Tuyển dụng bổ sung giáo viên chuẩn bị phục vụ giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông ở cấp trung học phổ thông (nếu có)…
Ngày 26/11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT liên quan đến việc kiểm tra, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên.
Điều 1 Thông tư nêu rõ, bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, từ 15/01/2020 - ngày Thông tư này có hiệu lực, các quy định về đối tượng, phạm vi điều chỉnh; hồ sơ, thủ tục đăng ký dự kiểm tra; nội dung kiểm tra, thời lượng, yêu cầu của đề kiểm tra; điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ cũng như xếp loại kết quả kiểm tra… nêu tại Quyết định 30 sẽ không còn được áp dụng.
Tuy nhiên, các chứng chỉ ngoại ngữ đã được cấp theo Quyết định này vẫn có giá trị sử dụng.
Đối với các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đang triển khai thực hiện trước ngày 15/01/2020 thì tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc.
Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Công văn số 5898/BNV-TCBC do Bộ Nội vụ ban hành gửi đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 27/11/2019.
Theo đó, để thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, Bộ Nội vụ đề nghị đăng ký thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, cấp huyện:
Thí điểm hợp nhất ở cấp tỉnh
- Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Tài chính và Kế hoạch: Thực hiện chức năng tham mưu về lĩnh vực tài chính, kế hoạch và đầu tư;
- Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ cấp tỉnh: Thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho Tỉnh ủy về công tác tổ chức, cán bộ; Giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ…
Thí điểm hợp nhất ở cấp huyện
- Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND với Văn phòng Huyện ủy thành Văn phòng cấp huyện: Tham mưu, giúp việc cho Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và UBND cấp huyện về công tác văn phòng;
- Thanh tra huyện với Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp huyện thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra cấp huyện: Giúp việc cho cấp ủy cấp huyện về công tác kiểm tra…
Trước ngày 15/12/2019, các UBND cấp tỉnh gửi đăng ký về Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Sau Thông tư số 11/2019, ngày 27/11/2019, Bộ Nội vụ tiếp tục ban hành Thông tư 15/2019 bãi bỏ thêm một số văn bản liên quan đến điều chỉnh lương tối thiểu của cán bộ, công chức.
Theo đó, 03 Thông tư liên tịch do Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên tịch ban hành sẽ bị bãi bỏ toàn bộ từ 01/02/2020:
- Thông tư liên tịch số 125/TT-LB ngày 24/6/1995 hướng dẫn bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự bảo hiểm xã hội của hệ thống lao động, thương binh và xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Thông tư liên tịch số 54/1999/TTLT-BTCCBCP-BTC ngày 29/12/1999 hướng dẫn điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp và mức sinh hoạt phí với người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước;
- Thông tư liên tịch số 72/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC ngày 26/12/2000 hướng dẫn điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí với người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.
Thông tư 15/2019/TT-BNV này có hiệu lực từ 01/02/2020.
Đây là mục tiêu được đề ra trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/11/2019 tại Quyết định 1679/QĐ-TTg.
Theo đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu chi tiết nêu tại Chiến lược này gồm:
- Nâng cao chất lượng dân số với tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó sẽ sống khỏe mạnh tối thiểu 68 tuổi; 90% các cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi trở lên nam đạt 168,5 cm và nữ đạt 157,5 cm;
- Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đảm bảo mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con; Quy mô dân số 104 triệu người; Giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn; Giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng;
- Duy trì tỉ lệ tăng dân số của các dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người cao hơn mức bình quân chung cả nước; Cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại vùng dân tộc thiểu số;
- Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là dưới 109 bé trai/100 bé gái còn sống sau khi được sinh ra; Tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%;
- Thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22/11/2019.
Nghị quyết 85/2019/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2019.
Theo đó, có một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2020 đã được Quốc hội đặt ra, như:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%
- Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 4%
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%
- Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%...
Để thực hiện các chỉ tiêu nêu trên, Quốc hội yêu cầu:
- Kiên quyết điều chỉnh vốn của các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai để tập trung cho các dự án khác có khả năng giải ngân cao; quyết liệt hoàn thành dự án, công trình chậm tiến độ;
- Thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với giá điện, giá các dịch vụ công thiết yếu như giáo dục, y tế…
- Thực hiện nhanh, quyết liệt và thực chất hơn việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh kiểm tra chuyên ngành để loại bỏ các chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân;
- Xử lý nghiêm các sai phạm trong thực thi công vụ, trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức…
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.