Điểm tin Văn bản mới số 43.2024

Điểm tin văn bản

Doanh nghiệp
Người dưới 18 tuổi không được chơi quá 1 tiếng/game/ngày

Nội dung này được đề cập tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.​

Theo đó, một trong những điều kiện đáng chú ý để Cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng cho doanh nghiệp được nêu tại điểm e khoản 1 Điều 48 Nghị định 47/2024/NĐ-CP:

e) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp;

Như vậy, người dưới 18 tuổi không được chơi quá 60 phút (1 tiếng)/1 trò chơi (game)/ngày; không quá 180 phút (3 tiếng)/game/ngày.

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp game cần phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm hiển thị liên tục kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo và phát hành.

Đồng thời, phải có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi (nếu có) và trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong quá trình chơi trò chơi.

Mặt khác cũng cần có biện pháp quản lý nội dung, thông tin tài khoản người chơi bảo đảm lưu trữ đầy đủ, cập nhật liên tục, chính xác thông tin về quá trình sử dụng dịch vụ của người chơi bao gồm: Tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, các thông tin có liên quan đến việc sở hữu vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng của người chơi; phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin;…

Theo quy định tại Điều 37 Nghị định 147/2024/NĐ-CP thì:

  • Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (trò chơi G2);
  • Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (trò chơi G3);
  • Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (trò chơi G4);

Doanh nghiệp được phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng khi có Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng và Giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.

Đất đai-Nhà ở
Tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích SDĐ từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp

Được nêu tại Công văn 4968/TCT-CS của Tổng cục Thuế về tiền sử dụng đất (SDĐ) khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

Theo đó, trả lời Công văn 3142/CTBDU-HKDCN ngày 13/8/2024 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương về tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau: 

Về nguyên tắc: 

- Trường hợp người SDĐ đã được giao đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tính và thông báo tiền SDĐ phải nộp trước ngày 01/8/2024 nhưng chưa hoàn thành việc nộp tiền SDĐ thì phải nộp số tiền SDĐ còn thiếu và nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế từng thời kỳ. 

- Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tính lại mà phát sinh khoản tiền SDĐ tăng thêm so với số tiền đã được thông báo thì người SDĐ phải nộp số tiền SDĐ tăng thêm và nộp khoản thu bổ sung tính trên số tiền tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định 103/2024/NĐ-CP, điểm d khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai tính từ thời điểm tính tiền SDĐ từng thời kỳ đến thời điểm người SDĐ nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. 

Đối với trường hợp đã có quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ, điều chỉnh quy hoạch chi tiết trước ngày 01/8/2024 nhưng chưa quyết định giá đất thì thực hiện tính và thu tiền SDĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai. 

Khoản tiền người SDĐ phải nộp bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền SDĐ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai được tính bằng mức thu 5,4%/năm tính trên số tiền SDĐ phải nộp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai. 

Công văn 4968/TCT-CS được ban hành ngày 01/11/2024.

TPHCM yêu cầu chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà khi cấp Giấy chứng nhận

Nội dung này được nêu tại Công văn 11663/STNMT-VPĐK của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa được ban hành.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhận được nhiều thông tin phản ánh một số Chi nhánh Văn phòng đăng ký vẫn kiểm tra hiện trạng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động đối với nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận.

Việc này là thêm thủ tục, không đúng chủ trương cải cách hành chính và không đúng quy định, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân. 

Qua rà soát quy định của Luật đất đai hiện hành, cụ thể tại khoản 5 Điều 224 Luật Đất đai năm 2024:

“Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật, không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó". 

Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 18, khoản 2 Điều 19; Điều 37 Nghị định 101/2024/NĐ/CP và theo Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND ngày 01/4/2024 cho thấy:

Đối với tài sản là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận đã cấp, Văn phòng Đăng ký và các Chi nhánh giải quyết hồ sơ đăng ký biến động trên cơ sở thông tin về tài sản trên Giấy chứng nhận đã cấp (trừ trường hợp chủ sở hữu tài sản có yêu cầu đăng ký thay đổi tài sản).

Việc kiểm tra xác minh hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng sai phép, không phép không được quy định trong trình tự, thủ tục đăng ký biến động và cũng không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai.

Việc không tiếp nhận hồ sơ hoặc dùng giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và trả hồ sơ cho người yêu cầu đăng ký nếu có vi phạm xây dựng sẽ thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phải đảm bảo theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 101/2024/NĐ/CP

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện theo đúng quy định nêu trên khi giải quyết hồ sơ đăng ký biến động đối với nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận.

Công văn 11663/STNMT-VPĐK được ban hành ngày 06/11/2024.

Bảo hiểm
Đã có Nghị định 143/2024/NĐ-CP về bảo hiểm TNLĐ tự nguyện với người làm việc không theo HĐLĐ

Chính phủ vừa Nghị định 143/2024/NĐ-CP về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Cụ thể, Nghị định143/2024/NĐ-CP quy định:

- Chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động (TNLĐ) theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (HĐLĐ);

- Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;

- Hồ sơ, thủ tục tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;

- Quyền và trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, người lao động đối với bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Nghị định 143/2024/NĐ-CP được áp dụng với:

  • Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.
  • Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như sau:

(1) Người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện khi có đủ các điều kiện sau đây: 

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; 

- Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 

(2) Người lao động không được hưởng các chế độ tai nạn lao động nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau: 

- Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên đến công việc, nhiệm vụ lao động; 

- Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; 

- Sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật. 

Nghị định 143/2024/NĐ-CP được ban hành từ 01/11/2024; có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Cán bộ-Công chức-Viên chức
Trình tự tiếp nhận công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý từ 06/11/2024

Quy định tại Quyết định 785/QĐ-BNV về việc công bố thủ tục hành chính tại Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 138/2020/NĐ-CP và Nghị định 06/2023/NĐ-CP.

Tại Mục 3 Phụ lục ban hành kèm Quyết định 785/QĐ-BNV quy định về trình tự tiếp nhận công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý từ ngày 06/11/2024 gồm các bước như sau:

- Bước 1: Thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch

Theo đó, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch

Không thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch khi tiếp nhận vào làm công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức cấp xã, người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

Khi tiếp nhận vào công chức để bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý thì thực hiện theo quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác.

Trường hợp cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển về làm cán bộ, công chức cấp xã thì căn cứ vào yêu cầu công tác, cấp có thẩm quyền quyết định điều động về làm cán bộ, công chức cấp huyện trở lên mà không thực hiện theo thủ tục tiếp nhận này.

- Bước 2: Kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện, văn bằng, chứng chỉ…

Hội đồng kiểm tra, sát hạch kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

- Bước 3: Tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

Hội đồng kiểm tra, sát hạch tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận; nội dung sát hạch phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; hình thức sát hạch là vấn đáp. Hội đồng báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức về kết quả kiểm tra, sát hạch.

- Bước 4: Quyết định tiếp nhận

Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định tiếp nhận theo thẩm quyền.

Quyết định 785/QĐ-BNV có hiệu lực từ ngày 06/11/2024.

Giao thông
Bổ sung quy định trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc học sinh sử dụng xe máy

Đây là lưu ý của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 501/TB-VPCP về Kết luận tại cuộc họp rà soát dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ 2024; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

Để khẩn trương hoàn thiện các Nghị định theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu dự họp, hoàn thiện dự thảo các Nghị định…

Theo đó, đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, đề nghị Bộ Công an thực hiện:

- Tập trung rà soát kỹ các nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với các đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông như học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật....

Bên cạnh đó, lưu ý bổ sung các nội dung quy định trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục trong việc quản lý học sinh sử dụng phương tiện xe máy tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.

- Rà soát, bổ sung các nội dung quy định cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm đầy đủ, liên thông đồng bộ với các cơ quan chức năng khác để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và trật tự, an toàn giao thông, thuận tiện để người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện.

Ngoài ra, cần nghiên cứu tách nội dung về Quỹ giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ thành 01 Nghị định riêng theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 85 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trước ngày 30/6/2025.

Thông báo 501/TB-VPCP ban hành ngày 01/11/2024.

An ninh quốc gia
Đã có Hướng dẫn mới nhất về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025

Bộ Quốc phòng vừa ban hành Hướng dẫn 4705/HD-BQP về việc tuyển dụng và gọi công dân nhập ngũ năm 2025.

Theo đó, năm 2025 tiến hành tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ một đợt; thời gian giao nhận quân từ ngày 13- hết ngày 15/02 năm 2025 ( tức từ ngày 16 đến hết ngày 18 tháng Giêng năm Ất Tỵ). 

Để công tác tuyển quân năm 2025 đủ chỉ tiêu được giao, bảo đảm chất lượng, đúng quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành, Bộ Quốc phòng hướng dẫn một số nội dung công tác tuyển quân năm 2025.

Đáng chú ý có một số nội dung đối với các địa phương giao quân như sau: 

- Chỉ đạo, tổ chức kiện toàn Hội đồng NVQS các cấp, Hội đồng khám sức khỏe NVQS cấp huyện đúng thành phần; phân công chặt chẽ, gắn trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân với chất lượng tuyển quân; đảm bảo đủ trang thiết bị, vật tư y tế.

Cử cán bộ, nhân viên có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn cao tham gia khám tuyển sức khỏe NVQS, bảo đảm chất lượng, kết luận chính xác theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết luận của mình. 

- Thực hiện tốt công tác đăng ký NVQS và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS; nâng cao chất lượng việc bình cử, đề xuất công dân nam trong độ tuổi thực hiện NVQS đi sơ tuyển NVQS bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai.

Tổ chức xét duyệt công dân tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ, công dân đủ điều kiện nhập ngũ chặt chẽ, nghiêm túc, không để sai đối tượng hoặc sót lọt nguồn công dân nhập ngũ.

Bên cạnh đó, chỉ đạo niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo đến từng thôn các nội dung theo đúng quy định.

Chú trọng tuyển chọn những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng có ngành nghề phù hợp với nhu cầu bố trí, sử dụng nhằm tuyển chọn được nguồn công dân nhập ngũ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới;

Tuyển chọn con em vùng đồng bào dân tộc ít người (dưới 10.000 người) để tạo nguồn cán bộ cơ sở cho địa phương; bảo đảm tất cả các xã, phường, thị trấn đều có công dân nhập ngũ; ưu tiên phân bổ chỉ tiêu tuyển quân phù hợp với từng địa phương gắn với địa bàn động viên của các đơn vị đến cấp huyện.

Thực hiện tuyển “tròn khâu” với phương châm “tuyển người nào chắc người đó”; hạn chế thấp nhất bù đổi, loại trả sau giao nhận quân. Phối hợp, tạo điều kiện giúp các đơn vị được thâm nhập “ba gặp, bốn biết” và các đơn vị được giao chỉ tiêu tuyển chọn công dân nữ nhập ngũ thực hiện đúng quy định. 

Hướng dẫn 4705/HD-BQP được ban hành ngày 31/10/2024.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.