Điểm tin Văn bản mới số 43.2023

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Hướng dẫn tính giảm trừ gia cảnh trong thời gian người nộp thuế nghỉ việc

Ngày 10/11/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5054/TCT-DNNCN về việc kê khai giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

Về vướng mắc trong tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong thời gian người nộp thuế nghỉ việc. Vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại khoản 2 Điều 8 và các điểm c2, h, i khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:

- Điều 8 về xác định thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công:

2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công

a) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.

b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.

Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.

- Điều 9 về các khoản giảm trừ:

Các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều này là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh. Cụ thể như sau:

1. Giảm trừ gia cảnh

c) Nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh

c.2) Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

c.2.1) Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

c.2.2) Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Đối với người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.

c.2.3) Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều này thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.

h) Khai giảm trừ đối với người phụ thuộc

h.2.1) Đối với người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công

h.2.1.1) Đăng ký người phụ thuộc

h.2.1.1.1) Đăng ký người phụ thuộc lần đầu:

Người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công đăng ký người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế và nộp hai (02) bản cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập để làm căn cứ tính giảm trừ cho người phụ thuộc.

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập lưu giữ một (01) bản đăng ký và nộp một (01) bản đăng ký cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý cùng thời điểm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân của kỳ khai thuế đó theo quy định của luật quản lý thuế.

Riêng đối với cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì cá nhân nộp một (01) bản đăng ký người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức trả thu nhập cùng thời điểm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân của kỳ khai thuế đó theo quy định của Luật Quản lý thuế.

h.2.1.2) Địa điểm, thời hạn nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc:

- Địa điểm nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc là nơi người nộp thuế nộp bản đăng ký người phụ thuộc.

Tổ chức trả thu nhập có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc và xuất trình khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra thuế.

- Thời hạn nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc: trong vòng ba (03) tháng kể từ ngày nộp tờ khai đăng ký người phụ thuộc (bao gồm cả trường hợp đăng ký thay đổi người phụ thuộc).

Quá thời hạn nộp hồ sơ nêu trên, nếu người nộp thuế không nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc sẽ không được giảm trừ cho người phụ thuộc và phải điều chỉnh lại số thuế phải nộp.

i) Người nộp thuế chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho mỗi một người phụ thuộc một lần trong suốt thời gian được tính giảm trừ gia cảnh. Trường hợp người nộp thuế thay đổi nơi làm việc, nơi kinh doanh thì thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như trường hợp đăng ký người phụ thuộc lần đầu theo hướng dẫn tại tiết h.2.1.1.1, điểm h, khoản 1, Điều này.

Căn cứ các quy định trên, khi người nộp thuế là cá nhân đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc đã được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký.

Trường hợp người nộp thuế thay đổi nơi làm việc thì thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như trường hợp đăng ký người phụ thuộc lần đầu theo quy định.

Xem chi tiết Công văn 5054/TCT-DNNCN 

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Lao động-Tiền lương
Hướng dẫn về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi trong lĩnh vực dầu khí

Ngày 08/11/2023, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20/2023/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.

Thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc thường xuyên

Người lao động làm việc thường xuyên tại các công trình dầu khí trên biển theo phiên và theo ca làm việc, cụ thể như sau:

  • Ca làm việc không quá 12 giờ trong 01 ngày;

  • Phiên làm việc tối đa là 28 ngày.

Thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc không thường xuyên

- Thời giờ làm việc tiêu chuẩn

Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn trong 01 năm của người lao động làm việc không thường xuyên được tính như sau:  

 Số giờ làm việc chuẩn trong năm  = 

(Số ngày trong năm - Số ngày nghỉ hàng năm) x 12h

2

Trường hợp người lao động chưa làm đủ 12 tháng trong năm, số ngày trong năm (SNN) và số ngày nghỉ hàng năm (SNHN) được tính tỷ lệ theo thời gian làm việc từ thời điểm người lao động bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động trong năm đấy.

Ví dụ 1: Anh A làm việc cho Công ty Dầu khí X liên tục từ năm 2007 - 2023.

Số ngày nghỉ hàng năm tăng thêm tương ứng với 16 năm làm việc là 03 ngày.

Số ngày nghỉ hàng năm của anh A trong năm 2023 theo quy định của Bộ luật lao động là: SNHN = 12 + 03 = 15 ngày

Tổng số ngày trong năm 2023: SNN = 365 ngày

Vậy số giờ làm việc chuẩn trong năm 2023 của anh A sẽ là:

SGLVN =

(365 – 15) x 12h

 = 2100 giờ

2

Ví dụ 2: Anh B làm việc cho Công ty Dầu khí Y từ ngày 01/4/2023.

Số ngày nghỉ hàng năm của anh B tại công ty Dầu khí Y trong năm 2023 theo quy định của Bộ luật lao động và quy định tại Điều 66, Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ là:

SNHN =

9 tháng làm việc

X 12 ngày =  9 ngày

12 tháng trong năm

Tổng số ngày còn lại trong năm 2023 là: SNN = 275 ngày

Vậy số giờ làm việc chuẩn trong năm 2023 của anh B sẽ là:

Số giờ làm việc chuẩn trong năm = 

(275 – 9) x 12h

 = 1596 giờ

2

Người lao động làm việc không thường xuyên tại các công trình dầu khí trên biển theo phiên và theo ca làm việc:

  • Ca làm việc không quá 12 giờ trong 01 ngày;
  • Phiên làm việc tối đa là 45 ngày.

Người sử dụng lao động thỏa thuận bằng văn bản hoặc thống nhất với người lao động về ca làm việc và phiên làm việc trước khi cử người lao động làm việc không thường xuyên trên công trình dầu khí trên biển.

Trong thời gian không làm việc trên công trình dầu khí trên biển, người lao động làm việc không thường xuyên được bố trí nghỉ bù theo quy định hoặc thực hiện công việc trên đất liền theo quy định pháp luật về lao động.

Tổng số giờ làm việc bình thường trong năm của người lao động làm việc không thường xuyên không được vượt quá thời giờ làm việc tiêu chuẩn trong 01 năm.

Thông tư 20/2023/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc gọi đến tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.

Tài chính-Ngân hàng
Nhiều giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN

Đây là chính sách đáng chú ý sẽ có hiệu lực từ ngày 01/12/2023 theo Quyết định 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, từ ngày 01/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên sẽ phải thực hiện báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.

Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bao gồm:

- Tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

  • Nhận tiền gửi;

  • Cho vay;

  • Cho thuê tài chính;

  • Dịch vụ thanh toán;

  • Dịch vụ trung gian thanh toán;

  • Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền;

  • Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính;

  • Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ;

  • Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán;

  • Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán;

  • Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ;

  • Đổi tiền.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

  • Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược;

  • Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản;

  • Kinh doanh kim khí quý, đá quý;

  • Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;

  • Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.

Xem chi tiết Quyết định 11/2023/QĐ-TTg 

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
Y tế-Sức khỏe
Bảng giá giường bệnh khám BHYT từ ngày 17/11/2023

Bảng giá giường bệnh khi khám chữa bệnh BHYT ban hành tại Thông tư 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện.

Phụ II ban hành kèm theo Thông tư 22/2023/TT-BYT quy định giá dịch vụ ngày giường bệnh khi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) như sau:

Đơn vị: đồng/ngày

Số TT

Các loại dịch vụ

Bệnh viện

 Hạng Đặc biệt

Hạng I

Hạng II

Hạng III

Hạng IV

A

B

1

2

3

4

5

1

Ngày điều trị Hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc

867.500

786.300

673.900

  

2

Ngày giường bệnh Hồi sức cấp cứu

509.400

474.700

359.200

312.200

279.400

3

Ngày giường bệnh Nội khoa:

     

3.1

Loại 1: Các khoa: Truyền nhiễm, Hô hấp, Huyết học, Ung thư, Tim mạch, Tâm thần, Thần kinh, Lão, Nhi, Tiêu hoá, Thận học, Nội tiết; Dị ứng (đối với bệnh nhân dị ứng thuốc nặng: Stevens Jonhson hoặc Lyell)

273.100

255.300

212.600

198.000

176.900

 

Các khoa trên thuộc Bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

 

273.100

   

3.2

Loại 2: Các Khoa: Cơ- Xương-Khớp, Da liễu, Dị ứng, Tai-Mũi-Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt, Ngoại, Phụ - Sản không mổ; YHDT hoặc PHCN cho nhóm người bệnh tổn thương tủy sống, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não

247.200

229.200

182.700

171.600

152.800

 

Các khoa trên thuộc Bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

 

247.200

   

3.3

Loại 3: Các khoa: YHDT, Phục hồi chức năng

209.200

193.800

147.600

138.600

128.200

4

Ngày giường bệnh ngoại khoa, bỏng;

     

4.1

Loại 1: Sau các phẫu thuật loại đặc biệt; Bỏng độ 3-4 trên 70% diện tích cơ thể

374.500

339.000

287.500

  
 

Các khoa trên thuộc Bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

 

374.500

   

4.2

Loại 2: Sau các phẫu thuật loại 1; Bỏng độ 3-4 từ 25 - 70% diện tích cơ thể

334.800

308.500

252.100

225.200

204.000

 

Các khoa trên thuộc Bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

 

334.800

   

4.3

Loại 3: Sau các phẫu thuật loại 2; Bỏng độ 2 trên 30% diện tích cơ thể, Bỏng độ 3-4 dưới 25% diện tích cơ thể

291.900

270.500

224.700

199.600

177.200

 

Các khoa trên thuộc Bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

 

291.900

   

4.4

Loại 4: Sau các phẫu thuật loại 3; Bỏng độ 1, độ 2 dưới 30% diện tích cơ thể

262.300

242.100

192.100

168.100

153.100

5

Ngày giường trạm y tế xã

64.100

6

Ngày giường bệnh ban ngày

Được tính bằng 0,3 lần giá ngày giường của các khoa và loại phòng tương ứng.

Ghi chú: Giá ngày giường điều trị nội trú như trên chưa bao gồm chi phí máy thở và khí y tế.

Thông tư 22/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 17/11/2023.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật được tăng lương từ 16/12/2023

Ngày 30/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 21/2023/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập.

Theo Thông tư 21, viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật (mã số V.07.06.16) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 Bảng 3 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, hệ số lương từ 2,10 - 4,89.

Tính theo mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng, bảng lương cụ thể như sau:

Bậc lương

Hệ số

Mức lương (đồng)

Bậc 1

2.1

3.780.000

Bậc 2

2.41

4.338.000

Bậc 3

2.72

4.896.000

Bậc 4

3.03

5.454.000

Bậc 5

3.34

6.012.000

Bậc 6

3.65

6.570.000

Bậc 7

3.96

7.128.000

Bậc 8

4.27

7.686.000

Bậc 9

4.58

8.244.000

Bậc 10

4.89

8.802.000

Trước đây, chức danh nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật quy định tại Thông tư liên tịch 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, hệ số lương 1,86 - 4,06.

Theo đó, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Thông tư mới, viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập sẽ được tăng lương.

Việc chuyển xếp lương khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thực hiện như sau:

- Trường hợp đã được bổ nhiệm viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật mã số V.07.06.16 theo Thông tư 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV và đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo tại điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư này thì được chuyển xếp từ hệ số lương của viên chức loại B sang hệ số lương của viên chức loại A0 theo nguyên tắc xếp lương quy định tại Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV.

- Trường hợp đang làm việc ở vị trí việc làm viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật nhưng giữ mã ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành khác nếu đạt tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thì việc chuyển xếp lương thực hiện như sau:

  • Đang xếp hệ số lương của công chức hoặc viên chức loại A0 theo bảng 2 hoặc bảng 3 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì được xếp hệ số lương của viên chức loại A0;

  • Trường hợp đang xếp hệ số lương của công chức hoặc viên chức loại A1 trở lên hoặc loại B thì được chuyển xếp vào hệ số lương của viên chức loại A0 theo nguyên tắc xếp lương quy định tại Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV và theo quy định hiện hành của pháp luật.

Thông tư 21/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.

Nếu có thắc mắc,bạn đọc liên hệ 19006192 để được giải đáp.

Đã có Thông tư mới về định mức giáo viên từ ngày 16/12/2023

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành 02 Thông tư mới hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.

Cụ thể, Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập như sau:

Đối với nhóm trẻ: Cứ 15 trẻ em/nhóm trẻ em từ 03 -12 tháng tuổi, 20 trẻ em/nhóm trẻ em từ 13 - 24 tháng tuổi, 25 trẻ em/nhóm trẻ em từ 25 - 36 tháng tuổi thì được bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ;

Đối với lớp mẫu giáo: Cứ 25 trẻ em/lớp từ 03 - 4 tuổi; 30 trẻ em/lớp từ 04 - 05 tuổi, 35 trẻ em/lớp từ 05 - 6 tuổi thì được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp…

Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.

Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về định mức giáo viên như sau:

- Trường tiểu học bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp đối với lớp học 02 buổi/ngày; 1,2 giáo viên/lớp đối với lớp học 01 buổi ngày;

- Trường trung học cơ sở bố trí tối đa 1,9 giáo viên/lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở; Trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp;

- Trường trung học phổ thông bố trí tối đa 2,25 giáo viên/lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú bố trí tối đa 2,4 giáo viên/lớp; Trường trung học phổ thông chuyên bố trí tối đa 3,1 giáo viên/lớp.

Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc gọi ngay tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.

Hành chính
Đã có hướng dẫn kiểm điểm Đảng viên cuối năm 2023

Ngày 10/11/2023, Ban Tổ chức Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 25-HD/BTCTW về một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương hướng dẫn một số nội dung như sau:

Về đối tượng kiểm điểm

- Đối tượng kiểm điểm cấp ủy ở cơ sở, gồm: ban thường vụ Đảng ủy cơ sở, nơi không có ban thường vụ thì kiểm điểm Đảng ủy cơ sở; Đảng ủy bộ phận; chi ủy cơ sở; chi ủy trực thuộc Đảng ủy cơ sở; chi bộ trực thuộc Đảng ủy bộ phận.

- Các cấp ủy, Đảng đoàn, ban cán sự Đảng trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn tập thể lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân hằng năm bảo đảm thực chất, đúng quy định, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm cụ thể hóa, xây dựng các nội dung kiểm điểm, bộ tiêu chí đánh giá, tiêu chí xếp loại phù hợp với từng đối tượng tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý.

Về chuẩn bị kiểm điểm

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể và lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cơ quan, đơn vị cùng cấp có liên quan. Dự thảo báo cáo kiểm điểm gửi trước cho các thành viên tham gia hội nghị kiểm điểm ít nhất 03 ngày làm việc.

Mỗi cá nhân làm một bản tự kiểm điểm theo Mẫu 2A, 2B.

Ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp thành lập đoàn (hoặc tổ) công tác dự, chỉ đạo kiểm điểm ở những nơi có gợi ý kiểm điểm; phân công cấp ủy viên, cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy dự, chỉ đạo, tổng hợp kết quả kiểm điểm ở cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý cấp dưới và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thời gian tổ chức kiểm điểm của tập thể, cá nhân ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; Đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý trực thuộc Trung ương tối thiểu là 02 ngày.

Đối với những nơi Bộ Chính trị, Ban Bí thư gợi ý kiểm điểm thì thời gian kiểm điểm tối thiểu là 03 ngày. Các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương quy định thời gian kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý.

Xem chi tiết Hướng dẫn 25-HD/BTCTW.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Công nghiệp
Chính thức: Từ nay, thứ Năm hàng tuần sẽ điều chỉnh giá xăng

Một số quy định về kinh doanh xăng dầu trong đó có quy định sẽ điều chỉnh giá xăng vào thứ Năm hằng tuần được Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 80/2023/NĐ-CP ban hành ngày 17/11/2023.

 

Theo đó, về thời gian điều hành giá xăng dầu, khoản 11 Điều 1 Nghị định 80 đã sửa đổi, bổ sung điểm 3 khoản 27 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP như sau:

Thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Như vậy, so với quy định trước đó, việc điều chỉnh giá xăng đã được sửa đổi như sau:

Từ thời gian điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu giữa hai lần là 15 ngày nếu tăng giá và tối đa 15 ngày nếu giảm giá sang điều chỉnh vào các ngày 01, 11 và 21 hàng tháng và hiện nay là vào thứ Năm hằng tuần.

Như vậy, từ 17/11/2023, rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán xăng dầu xuống còn 07 ngày. Nếu thời gian điều chỉnh giá xăng trùng với ngày nghỉ, lễ, Tết thì được thực hiện như sau:

- Trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán:

  • Trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên đán): Thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó.
  • Thứ Năm là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết: Điều chỉnh giá xăng vào ngày mùng 4 Tết.

- Trùng với ngày nghỉ lễ:

  • Thứ Năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ: Thực hiện điều chỉnh giá vào ngày thứ Tư liền kề trước đó.
  • Thứ Năm trùng với các ngày nghỉ lễ còn lại: Thực hiện điều chỉnh giá xăng vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Đặc biệt, nếu giá xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế, xã hội và đời sống thì thời gian điều hành giá xăng dầu sẽ được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phù hợp.

Xem chi tiết nội dung của Nghị định 80/2023/NĐ-CP có hiệu lực cùng ngày ban hành (ngày 17/11/2023).

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.