Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 02/01/2022 là thời điểm có hiệu lực của Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 95 là quy định thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 01, ngày 11 và ngày 21 hằng tháng. Riêng đối với các kỳ điều hành trùng với ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo, sau ngày nghỉ, ngày lễ đó. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ tiếp theo.
Trong khi đó, Nghị định 83/2014 không ấn định các ngày sẽ điều hành giá xăng, dầu như trên mà chỉ quy định, thời gian giữa 02 lần điều chỉnh giá xăng, dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày với trường hợp giảm giá.
Nghị định 95 cũng cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được ngừng bán hàng mà không cần phải được Sở Công Thương chấp nhận trong trường hợp lý do bất khả kháng như: Cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng.
Nghị định 83 trước đây yêu cầu cửa hàng bán lẻ xăng, dầu ngừng bán hàng phải được Sở Công Thương chấp nhận trong mọi trường hợp.
Nghị định 95 vừa được ban hành ngày hôm nay (01/11/2021). Mọi thắc mắc liên quan đến các quy định về kinh doanh xăng, dầu theo Nghị định này được LuatVietnam hỗ trợ giải đáp qua số điện thoại: 1900.6192.
Hôm nay (27/10/2021), Chính phủ đã ra Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Khoản 3 Điều 3 nêu rõ:
- Đối với doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, khi lập hóa đơn, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “mức thuế suất theo quy định (5% hoặc 10%) x 70%; tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán.
- Đối với doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ %, tại cột Thành tiền ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 30% mức tỷ lệ trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 30% mức tỷ lệ để tính thuế GTGT theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15”.
Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh nhiều hàng hóa, dịch vụ thì khi lập hóa đơn, doanh nghiệp, tổ chức lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT… Trước đó, Nghị quyết 406 quy định giảm 30% thuế GTGT với nhiều hàng hóa, dịch vụ từ 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Nghị định 92 còn có nhiều hướng dẫn khác liên quan đến thủ tục miễn tiền chậm nộp, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và một số loại thuế khác.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 19/10/2021.
Nội dung này được đề cập trong Công văn 12312/BTC-CST ngày 27/10/2021 về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tại Công văn, Bộ Tài chính cho biết dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương:
- Cho phép tiếp tục kéo dài thời gian hết 06 tháng đầu năm 2022 đối với các khoản phí, lệ phí đã giảm năm 2021; chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí, lệ phí khác để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2022.
- Cho phép Bộ Tài chính ban hành các Thông tư giảm phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn, có hiệu lực thi hành ngay, để kịp thời hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo nội dung Công văn, năm 2021, do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 04 gây ra, kinh tế quý III/2021 tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay.
Theo đó, dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%). Kinh tế - xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, và có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021.
Nếu có thắc mắc về bài viết, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được giải đáp, hỗ trợ.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Bên cạnh các tổ chức như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, Nghị định 93/2021 đã bổ sung một số đối tượng mới được phép vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện:
- Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
- Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vận động, tiếp nhận đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai;
- Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Đặc biệt, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báotrên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận, thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Nghị định này ban hành ngày 27/10/2021 và có hiệu lực kể từ ngày 11/12/2021.
Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 29/10/2021, Bộ Y tế đã có Quyết định số 5002/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em.
Tại quyết định này, Bộ Y tế bổ sung Bảng kiểm trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đối với trẻ em được ban hành kèm theo Quyết định 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em.
Ở phần sàng lọc, bảng kiểm trước tiêm vắc xin phòng Covid-19 đối với trẻ em gồm có các công việc như: Đo thân nhiệt, nhịp tim.
Trong đó, 8 yếu tố mà người khám sàng lọc cần quan tâm là:
- Tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin phòng Covid-19;
- Đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển;
- Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; rối loạn tri giác, rối loạn hành vi;
- Mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu, máu;
- Nghe tim, phổi bất thường;
- Phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…);
- Các chống chỉ định, trì hoãn khác (nếu có cần ghi rõ).
Trẻ đủ điều kiện tiêm chủng ngay khi trẻ không có điểm bất thường và không có chống chỉ định tiêm vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Chống chỉ định tiêm vắc xin cùng loại khi tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine phòng Covid-19. Trì hoãn tiêm chủng cho trẻ khi đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển.
Cần thận trọng tiêm chủng cho trẻ khi có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi.
Chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện khi mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu, máu; Nghe tim, phổi bất thường; Phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…).
Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.
Đây là nội dung có trong Kết luận 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, Đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Kết luận yêu cầu tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Trong đó, kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Đồng thời, thực hiện thí điểm một số chủ trương như:
- Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình, bí thư cấp ủy gưới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình;
- Giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiễm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; tổng kết việc thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng,...
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ; chủ động phát hiện nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2025-2030 và chuẩn bị cho nhiệm kỳ tiếp theo,...
Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Trong ngày 28/10/2021, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Quyết định 1887/QĐ-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa đảm bảo an toàn Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định 1840/QĐ-BGTVT.
Theo đó, Quyết định sửa đổi, bổ sung về điều kiện khác đối với hành khách đi máy bay như sau:
Hành khách phải thực hiện khai báo y tế điện tử (mục Khai báo di chuyển nội địa) tại ứng dụng PC-COVID, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các thông tin khai báo;...
Trong khi đó, theo Quyết định 1840 trước đây, yêu cầu hành khách phải thực hiện khai báo y tế, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu.
Đồng thời, Quyết định mới cũng bổ sung Mẫu thông tin di chuyển nội địa, bãi bỏ Phụ lục tại Quy định tạm thời về tiếp tục về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa đảm bảo an toàn Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định 1840/QĐ-BGTVT.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu tiếp nhận thông tin dữ liệu di chuyển nội địa của hành khách từ ứng dụng PC-COVID; tổng hợp, rà soát thông tin hành khách theo từng địa phương và chuyển cho Cảng vụ hàng không vào thời điểm từ 13h - 21h hàng ngày.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 29/10/2021.
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW quy định về những điều Đảng viên không được làm.
Quy định 37-QĐ/TW năm 2021 sẽ thay thế Quy định 47-QĐ/TW năm 2011. Trong đó, Quy định mới ghi nhận một số điều Đảng viên không được làm như:
- Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép;
- Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng;
- Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương;
- Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những thông tin, quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Viết bài hoặc cung cấp tài liệu cho người khác viết, nói, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định....
- Tổ chức, tham gia các tổ chức, hội trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; biểu tình, tụ tập đông người gây mất trật tự, an ninh;
- Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ...
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải chấp hành nghiêm những quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm.
Đảng viên vi phạm Quy định trên phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước.Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký là ngày 25/10/2021.
Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.