Ngày 05/11/2022, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội ban hành Công văn 999/CQTT-KT-PHLN về việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu
Những ngày qua, lợi dụng nhu cầu mua xăng dầu tăng cao của người tiêu dùng, xuất hiện tình trạng mua bán xăng dầu qua các can, chai, lọ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo về chất lượng tại một số điểm bán tự phát, có nguy cơ cao gây ra cháy nổ, mất an ninh trật tự, cảnh quan đường phố và an toàn giao thông cho người đi đường.
Để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng nêu trên và thực hiện hiệu quả Công điện 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội đề nghị các sở, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Cục Quản lý thị trường tăng cường giám sát thường xuyên tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình.
Đồng thời, kiểm tra việc tuân thủ quy định về niêm yết giá xăng dầu và bán đúng giá niêm yết; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi đầu cơ găm hàng, đóng cửa hàng, tạm ngừng kinh doanh không đúng quy định của pháp luật...- Công an thành phố tăng cường phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về xăng dầu.
Phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng xử phạt nghiêm các vi phạm về xăng dầu, kiên quyết xử lý tình trạng kinh doanh xăng dầu tự phát qua các chai, lọ, bình can tại một số tuyến đường.- Sở Công Thương chủ động phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường; phối hợp kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; xử lý nghiêm các vi phạm không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng; thu hồi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đối với những cửa hàng vi phạm.
- Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quản lý; giải quyết triệt để hoạt động bán xăng dầu tự phát trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng kinh doanh xăng dầu trái phép nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường xăng dầu...Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 02/11/2022, Chính phủ đã ban hành Công điện số 1039/CĐ-TT về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì cùng với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động quản lý, điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tuy nhiên, vừa qua thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Để khắc phục tình trạng trên và bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, Thủ tướng yêu cầu tập trung các nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan:
- Tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.
- Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối kinh doanh xăng dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu...
- Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu...
- Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến 2030 và các văn bản có liên quan; bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống...
- Bộ Công Thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh, chủ động xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm cung cấp kịp thời, khách quan, trung thực các thông tin liên quan đến xăng dầu, phản ánh tổng thể tình hình thị trường xăng dầu trên thế giới và trong nước.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu... trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.
Ngày 14/10/2022, Tổng cục Thuế đã ra Quyết định 1606/QĐ-TCT ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các giải pháp liên quan đến công tác quản lý thuế tại Đề án Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và bất động sản.
Theo đó, nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý về đất đai, Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ:- Trong năm 2022:
- Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn áp hệ số điều chỉnh giá đất vào giá tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại Thông tư 78/2014/TT-BTC.
- Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn áp hệ số điều chỉnh giá đất vào giá tính thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại Nghị định hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân.
- Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn áp hệ số điều chỉnh giá đất vào giá tính lệ phí trước bạ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại Nghị định hướng dẫn về lệ phí trước bạ.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý về giá đất phù hợp, tách biệt quy định về giá đất để bồi thường, tái định cư với giá đất dùng làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính, ban hành các tiêu chí và chế tài để địa phương xây dựng bảng giá đất phù hợp với nguyên tắc giá thị trường...
- Hoàn thiện pháp lý về quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; Quy định mua bán bất động sản qua sàn giao dịch bất động sản.
- Sửa Luật Dân sự và Luật công chứng quy định liên quan đến hoạt động ủy quyền để tránh lợi dụng trốn thuế từ chuyển nhượng bất động sản.
- Quy định trách nhiệm tổ chức hành nghề công chứng về các giao dịch dân sự trong giá chuyển nhượng bất động sản.
- Nghiên cứu mức thuế suất cao hơn khi chuyển nhượng với các trường hợp đầu cơ sở hữu bất động sản trong thời gian ngắn...
Ngày 05/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo đó, về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), Nghị quyết cho phép quyết toán, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021 bằng chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám, chữa bệnh sau khi đã được cơ quan bảo hiểm xã hội giám định, trong đó:
Tiền khám, tiền giường, tiền dịch vụ kỹ thuật, tiền xét nghiệm, máu, chế phẩm máu đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT: Quyết toán, thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá theo quy định hiện hành.
Chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT hoặc sử dụng trong các kỹ thuật chưa được ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT: Việc quyết toán, thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua theo quy định.
Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu trước ngày 05/11/2022. Thời hạn thực hiện theo thời gian thực hiện hợp đồng đã ký trước ngày 05/11/2022 hoặc không quá 12 tháng kể từ ngày 05/11/2022.
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 24/10/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-BTNMT sửa đổi tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường.
Theo đó, yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức địa chính các hạng đã chính thức được bãi bỏ.Các chức danh địa chính viên hạng II, địa chính viên hạng III, địa chính viên hạng IV chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng như sau:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với khung năng lực của vị trí việc làm hoặc ngành, chuyên ngành đất đai, địa chính, bản đồ, trắc địa, viễn thám, địa lý;
- Có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành địa chính.
Ngoài ra, Thông tư này còn quy định viên chức thăng hạng từ chức danh địa chính viên hạng IV lên hạng III phải có thời gian giữ chức danh địa chính viên hạng IV ít nhất 01 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thăng hạng.
Viên chức thăng hạng từ chức danh địa chính viên hạng III lên hạng II phải có thời gian công tác giữ chức danh địa chính viên hạng III hoặc tương đương đủ từ 09 năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh địa chính viên hạng III đủ từ 02 năm trở lên (quy định cũ là 01 năm).
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/12/2022.
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.Đây là nội dung tại Công văn 6221/NHNN-TD ngày 06/9/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Theo đó, để đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
- Rà soát danh sách các khách hàng hiện hữu được hỗ trợ lãi suất, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 01/01/2022 và có phát sinh thời điểm trả nợ từ ngày 20/5/2022 để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ; thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
- Rà soát lại quy định, hướng dẫn nội bộ; không ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định của Chính phủ và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất; không để xảy ra trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.
- Quán triệt, động viên tới từng chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống về việc xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời triển khai thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất, giúp cho các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ, đầy đủ về chính sách và sớm nắm bắt thông tin, cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng thương mại.
- Thành lập đường dây nóng (Số điện thoại, Email) tại Hội sở chính ngân hàng thương mại để nắm bắt phản ánh từ khách hàng và kịp thời xử lý, không để khách hàng phản ánh tới các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí về việc không tiếp cận được chính sách từ ngân hàng thương mại.
- Chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hệ thống và kịp thời phản ánh với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 24/10/2022, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 04/2022/TT-BXD quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.
Theo đó, Thông tư này quy định về nội dung hồ sơ đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương:
- Về thành phần bản vẽ:
Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng.
Sơ đồ hiện trạng phát triển không gian và hạ tầng kỹ thuật toàn thành phố.
Bản đồ hiện trạng khu vực đô thị trung tâm.
Bản đồ đánh giá tổng hợp về đất xây dựng trên cơ sở xác định các tiêu chí đánh giá phù hợp về địa hình, điều kiện hiện trạng, địa chất thủy văn.
Sơ đồ cơ cấu phát triển đô thị và đề xuất các phương án kèm theo thuyết minh nội dung.
Sơ đồ định hướng phát triển không gian toàn đô thị.
Sơ đồ định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật toàn đô thị.
Sơ đồ định hướng phát triển không gian khu vực đô thị trung tâm.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất khu vực đô thị trung tâm.
Các bản đồ định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường của khu vực đô thị trung tâm.
Các bản vẽ thiết kế đô thị.
- Nội dung thuyết minh của hồ sơ đồ án bao gồm:
Phân tích vị trí, đánh giá điều kiện tự nhiên; hiện trạng dân số, sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường.
Xác định mục tiêu, tính chất và động lực phát triển của thành phố.
Xác định các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cho toàn thành phố, từng đô thị và khu vực đô thị trung tâm.
Đánh giá, dự báo các tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phân tích các định hướng, yêu cầu của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt đối với định hướng phát triển của thành phố.
Xác định nguyên tắc, tiêu chí để lựa chọn phương án cơ cấu phát triển đô thị.
Định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm; Định hướng quy hoạch sử dụng đất toàn đô thị và khu vực đô thị trung tâm theo các giai đoạn quy hoạch.
Đề xuất các giải pháp về bảo vệ môi trường trong vùng. Đề xuất các danh mục quy hoạch, chương trình, dự án ưu tiên...
Thông tư này có hiệu lực từ 01/01/2023.
Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 28/10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 14/2022/TT-BTTTT về danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.
Theo đó, Thông tư này quy định đối tượng được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Điều kiện được hỗ trợ như sau:
- Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ Chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”;
- Hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ.
Chương trình hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh thông qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho hộ gia đình theo 01 trong 02 hình thức:
- Hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh kết hợp với hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho hộ gia đình (gói dịch vụ hỗ trợ kết hợp).
- Hỗ trợ bằng tiền (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực).
Về nội dung và mức hỗ trợ:
- Trường hợp hỗ trợ thông qua gói dịch vụ hỗ trợ kết hợp, nội dung hỗ trợ bao gồm kinh phí hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh và kinh phí hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất của Chương trình:
Giá điện thoại do doanh nghiệp cung cấp không được thấp hơn mức hỗ trợ bằng tiền.
Mức hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích cho hộ gia đình thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Trường hợp hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/hộ.
- Nếu hộ gia đình mua điện thoại thông minh trên thị trường hoặc mua thông qua gói dịch vụ kết hợp của doanh nghiệp với giá cao hơn mức hỗ trợ từ Chương trình, hộ gia đình tự bổ sung số kinh phí tăng thêm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2022.Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.