Điểm tin Văn bản mới số 42.2020

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Các trường hợp được viết tắt trên hóa đơn theo Nghị định 123/2020

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, có một số trường hợp được viết tắt trên hóa đơn kế toán cần lưu ý.

Cụ thế, điểm a khoản 5 Điều 10 Nghị định 123 năm 2020 quy định nếu tên, địa chỉ người mua quá dài, người bán được viết ngắn gọn một số danh từ như sau:

Từ được phép viết tắt

Cách viết tắt

Phường

P

Quận

Q

Thành phố

TP

Việt Nam

VN

Cổ phần

CP

Trách nhiệm hữu hạn

TNHH

Khu công nghiệp

KCN

Sản xuất

SX

Chi nhánh

CN

Tuy nhiên khi viết tắt vẫn phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.

Ngoài ra, điểm d khoản 6 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP cũng có đề cập đến số tiền trên hóa đơn được viết là:

Tổng số tiền trên hóa đơn được thể hiện bằng đồng Việt Nam theo chữ số Ả rập và bằng chữ tiếng Việt, trừ trường hợp bán hàng thu ngoại tệ không phải chuyển đổi ra đồng Việt Nam thì tổng số tiền thanh toán thể hiện bằng nguyên tệ và bằng chữ tiếng nước ngoài.

Nghị này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2022.

Xuất nhập khẩu
Từ 10/12/2020, chỉ 4 trường hợp không phạt hành chính về hải quan

Chính phủ ban hành Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan ngày 19/10/2020.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định này là giảm số trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Nếu tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 45/2016/NĐ-CP đang có hiệu lực, Chính phủ quy định có tới 07 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thì từ 10/12/2020, khi Nghị định 128 chính thức có hiệu lực, số trường hợp này giảm còn 04. Cụ thể:

- Không xử phạt theo quy định của Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng…

- Được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn quy định: Hàng hóa đang làm thủ tục hải quan thì khai bổ sung trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo kiểm tra, hàng hóa đã thông quan thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước khi kiểm tra sau thông quan…

- Người khai hải quan thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế;

- Hàng hóa gửi vào Việt Nam không phù hợp với hợp đồng do không bảo đảm chất lượng như mẫu hàng hóa đã giao, không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường… nhưng đã được người gửi hàng, người nhận hàng… thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do kèm theo các chứng từ liên quan khi chưa đăng ký tờ khai hải quan.

Lưu ý: Các tường hợp không phù hợp với hợp đồng này không bao gồm hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hàng giả, phế liệu…

Tài chính-Ngân hàng
Miễn, giảm lãi vay giúp người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ

Ngày 23/10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Công văn 7751/NHNN-TD nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Ngân hàng Nhà nước nhận định trong thời gian từ 06/10 - 21/10/2020, mưa lũ đặc biệt lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tình trạng ngập lụt sâu, sạt lở đất, lũ quét đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu:

- Các tổ chức tín dụng khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ; hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay…

Đồng thời, vận động cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị hỗ trợ, chia sẻ khó khăn; tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các gia đình có thiệt hại về người, hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đợt thiên tai này.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố chủ động nắm sát tình hình mưa lũ trên địa bàn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại do mưa lũ để kịp thời triển khai việc hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại…

Y tế-Sức khỏe
Bắt buộc đeo khẩu trang trên mọi phương tiện giao thông công cộng

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 19/10/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Công văn 10612/BGTVT-CYT.

Với mục tiêu hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với hành khách đi trên phương tiện giao thông công cộng và nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng vào Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu:

- Các doanh nghiệp vận tải, chủ/người điều khiển phương tiện vận tải thông báo và yêu cầu: Tất cả hành khách đi trên phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu phà...) đặc biệt là trên máy bay; người điều khiển phương tiện và người phục vụ trên phương tiện phải thực hiện đeo khẩu trang đúng cách tại bến tàu, bến xe, nhà ga và trên mọi phương tiện giao thông công cộng trong suốt thời gian di chuyển.

- Cục Hàng không Việt Nam: Có văn bản nhắc nhở tất cả các hãng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm quy định yêu cầu toàn bộ hành khách (bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài) bắt buộc phải đeo khẩu trang đúng cách trong suốt thời gian trên máy bay, khi làm thủ tục, trong thời gian ở sân bay. Hành khách và người đưa tiễn bắt buộc đeo khẩu trang trong phạm vi sân bay…

Người dân Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang

Kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành tại Thông báo số 367/TB-VPCP ngày 21/10/2020.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng nêu rõ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà trước hết là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện việc đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng chỉ đạo bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, các nơi thường xuyên có hoạt động tập trung đông người như siêu thị, chợ, nhà ga, sân bay… phải có phương án phòng, chống dịch, tự trang bị phương tiện, vật tư cần thiết…

Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, nhất là trong bối cảnh mùa đông đang cận kề, dịch bệnh tại các nước đang bùng phát trở lại. Do đó, Thủ tướng còn chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K, trước hết là đeo khẩu trang, khử khuẩn tay…

Các cơ sở cách ly, người nhập cảnh cách ly nhất là tại các cơ sở lưu trú có thu phí phải được quản lý tốt. Đồng thời, phải yêu cầu người nhập cảnh ngắn ngày hạn chế tham gia, sử dụng các dịch vụ karaoke, bar, vũ trường.

Một trong những nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác cũng cần được thực hiện khẩn trương, nhanh chóng là lập danh sách người Việt bị kẹt ở các nước và phương án đón về nước; nghiên cứu thuốc, vắc xin, phác đồ điều trị…

Đã có Nghị quyết 154: Giáo viên tư thục được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đó, Nghị quyết sửa đổi nội dung hỗ trợ như sau:

Mở rộng hỗ trợ cho người lao động tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do đại dịch COVID-19 với mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Cũng theo Nghị quyết này, về nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động đã bỏ điều kiện “đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động”.

Cụ thể, người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu quý liền kề  trước thời điểm đề nghị xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương ngừng việc cho người lao động, trong khoảng thời gian từ tháng 4 - tháng 12 năm 2020 nhưng không quá 3 tháng với lãi suất vay 0%, thời hạn vay tối đa 12  tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Nghị quyết 154/NQ-CP cũng chỉ rõ, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 3 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng.

Nghị quyết này có hiệu từ ngày 19/10/2020.

Giao thông
Sẽ sửa Nghị định 100/2019: Thêm quy định xử phạt với chủ xe

Ngày 23/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1467/TTg-CN về việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý IV năm 2020. Trong số các quy định đáng chú ý có việc đề xuất bổ sung quy định xử phạt với chủ phương tiện giao thông.

Cụ thể, để khắc phục ngay các tồn tại 09 tháng đầu năm và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) quý IV năm 2020, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban ATGT, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện Kế hoạch năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe”.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cần tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm như sau:

- Hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo ý kiến của Quốc hội, Đề án “Chiến lược Quốc gia về bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050” bảo đảm tiến độ, chất lượng.

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định xử phạt đối với chủ phương tiện và người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lỗi để người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, giao Ủy ban ATGT quốc gia xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng về đảm bảo TTATGT dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2021; tổng kết công tác Năm ATGT 2020 và xây dựng Kế hoạch Năm ATGT 2021.

Hành chính
Ủy quyền khiếu nại phải được chứng thực hoặc công chứng

Đây là nội dung mới đáng chú ý vừa được Chính phủ đề cập đến tại Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.

Cụ thể, Điều 5 Nghị định này nêu rõ, người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

Trong khi hiện nay, theo điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại, người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện khiếu nại.

Riêng người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại (như quy định của Luật Khiếu nại hiện hành).

Đặc biệt, khoản 3 Điều 5 Nghị định 124 này khẳng định:

Việc ủy quyền nêu trên phải bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền khiếu nại cho một người hoặc nhiều người về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện

Quy định này hiện không được đề cập đến tại Nghị định 75/2012/NĐ-CP cũng như Luật Khiếu nại.

Như vậy, từ ngày 10/12/2020, khi Nghị định 124 chính thức có hiệu lực, ủy quyền khiếu nại trong các trường hợp nêu trên phải lập bằng văn bản, có chứng thực hoặc công chứng.

Chính sách
Sắp có Nghị định thay thế Nghị định 64 về quyên góp, từ thiện

Văn phòng Chính phủ mới đây đã ban hành Công văn 8876/VPCP-QHĐP yêu cầu khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.

Cụ thể, tại Công văn này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng Nghị định nêu trên để thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.

Mục đích thay thế Nghị định 64 là để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bảo đảm hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Hiện nay, nội dung chính của Nghị định 64 là quy định việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.