Điểm tin Văn bản mới số 41.2022

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Đã có Nghị định mới hướng dẫn Luật Quản lý thuế

Ngày 30/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Theo đó, Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau:

- Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của hãng vận tải nước ngoài đã tạm nộp của 04 quý không thấp hơn 80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. 

(trước đây quy định, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của hãng vận tải nước ngoài đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm).

- Bổ sung trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế: Người khai thuế thu nhập cá nhân là cá nhân, tổ chức trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng, theo quý mà trong tháng, quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của đối tượng nhận thu nhập. 

- Chủ sở hữu sàn thương mại điện tử phải khai báo thông tin của người bán hàng với cơ quan thuế ...

Nghị định 91/2022 có hiệu lực từ 30/10/2022.

Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192  để được hỗ trợ.Vui lòng xem bản dich tiếng Anh tại đây.

Tài chính-Ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước tăng mức lãi suất tiền gửi

Ngày 24/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1812/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam.

Theo Quyết định 1812, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất tiền gửi từ ngày 25/10/2022 như sau:

- Tăng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm;

- Tăng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm;

- Tăng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.

Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của cá nhân, tổ chức tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày 25/10/2022, được thực hiện cho đến hết thời hạn.

Trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, nếu cá nhân, tổ chức không đến lĩnh tiền gửi thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định 1812/QĐ-NHNN.

Ngoài ra, cùng ngày 24/10/2022, Ngân hàng Nhà nước còn ban hành Quyết định 1809/QĐ-NHNN và Quyết định 1813/QĐ-NHNN để điều chỉnh các loại lãi suất khác:

- Quyết định 1809/QĐ-NHNN tăng mức lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu tăng từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng tăng từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.

- Quyết định 1813/QĐ-NHNN tăng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tin dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.

Các mức lãi suất trên đều được áp dụng từ ngày 25/10/2022.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.Vui lòng xem bản dịch tiếng Anh tại đây.

Sửa đổi quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng

Ngày 28/10/2022, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Thông tư mới gồm 04 Điều, 03 phụ lục sửa đổi bổ sung, bãi bỏ một số điểm, khoản, điều và thay thế một số phụ lục của Thông tư 08/2022/TT-NHNN. Cụ thể:

Liên quan đến giá trị tài sản bảo đảm, tỷ lệ quy đổi tài sản bảo đảm: Giấy tờ có giá, tỷ lệ bằng tỷ lệ tối thiểu giữa giá trị giấy tờ có giá và số tiền cho vay có bảo đảm cầm cố giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng theo quy định trong từng thời kỳ. Đối với tài sản bảo đảm theo quy định, tỷ lệ bằng 120% (trước đây là 170%).

Sửa sổi, bổ sung trường hợp trái phiếu là tài sản bảo đảm không đáp ứng điều kiện bảo dẫn đến tổng giá trị quy đổi của các tài sản bảo đảm đủ điều kiện thấp hơn số dư nợ gốc vay đặc biệt thì bên đi vay phải gửi văn bản đề nghị bổ sung, thay thế tài sản bảo đảm trong 10 ngày làm việc.

Bổ sung trường hợp bên đi vay đã sử dụng hết tài sản bảo đảm theo quy định, có thể sử dụng các tài sản sau đây làm tài sản bảo đảm để vay đặc biệt, gia hạn vay đặc biệt đối với các khoản vay đặc biệt còn dư nợ:

  • Thế chấp quyền đòi nợ phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng);

  • Thế chấp quyền tài sản là khoản lãi phải thu phát sinh từ khoản cấp tín dụng của bên đi vay đối với khách hàng (trừ tổ chức tín dụng).

Thông tư 13/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 28/10/2022.

Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192  để được hỗ trợ.Vui lòng xem bản dịch tại đây.
Y tế-Sức khỏe
Bộ Y tế hướng dẫn cách tính thực đơn cho người muốn giảm cân

Ngày 22/10/2022, Bộ Y tế đã ra Quyết định 2892/QĐ-BYT ban hành Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì”.

Cụ thể, Bộ Y tế hướng dẫn chế độ ăn giảm năng lượng để điều trị bệnh béo phì như sau:

- Giảm tổng lượng năng lượng ăn vào nên là yếu tố chính của bất kỳ can thiệp giảm cân nào.

- Chế độ ăn cân đối giữa các chất sinh nhiệt, không quá nhiều glucid...

- Cung cấp đầy đủ vitamin cần thiết như: vitamin tan trong dầu, kali, sắt, acid amin

- Hạn chế số bữa ăn trong ngày (chỉ 03 bữa là đủ), hạn chế ăn loại glucid hấp thu nhanh và các chất béo bão hoà, muối dưới 05g/ngày

- Kiêng rượu...

Cách tính thực đơn dành cho người béo muốn giảm cân tính theo cân nặng lý tưởng:

Cân nặng lý tưởng = (chiều cao)^2 x 22 

Ví dụ: Nữ cao 1,6 m thì cân nặng lý tưởng là 1.6^2 x 22 = 56,32 (kg)

Chế độ ăn:

  • Lao động nhẹ = Cân nặng lý tưởng x (20 - 25 calo)

  • Lao động trung bình = Cân nặng lý tưởng x (25 - 30 calo)

  • Lao động nặng = Cân nặng lý tưởng x (30 - 35 calo)

Ví dụ: Nữ cao 1,6 m, lao động nhẹ:

Chế độ ăn = 56,32 x (20 - 25 calo) = 1.126,4 - 1.408 Kcal/ngày

Điều trị béo phì chưa có biến chứng chủ yếu dựa vào kiểm soát chế độ ăn.

Mục tiêu là giảm cân từ từ khoảng 02 - 03 kg/tháng. Trong đó, phải chia chế độ ăn làm 02 giai đoạn là giai đoạn giảm cân và giai đoạn duy trì.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.

Xây dựng
Hướng dẫn về giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ

Ngày 12/10/2022, Bộ Xây dựng ban hành Công văn 4608/BXD-HĐXD hướng dẫn về giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Theo đó, Bộ Xây dựng hướng dẫn về giấy phép xây dựng đối với công trình nhà ở thấp tầng thuộc Dự án khu đô thị mới Hoàng Gia, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ như sau:

Trường hợp là dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong đô thị, thì việc chuyển nhượng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở riêng lẻ phải thực hiện cấp giấy phép xây dựng.

Theo điểm h khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi, bổ sung 2020 thì “Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch” thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng.

Do đó, các công trình nhà ở thấp tầng riêng lẻ nếu được xây dựng đồng bộ cùng dự án (không bao gồm trường hợp được nêu trên) và đáp ứng đầy đủ điều kiện khởi công xây dựng thì không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng theo quy định. Chủ đầu tư căn cứ các quy định nêu trên để áp dụng cho phù hợp với Dự án của mình.

Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ thủ tục về xây dựng, đầu tư theo quy định của pháp luật. Thực hiện đầy đủ các trách nhiệm, nghĩa vụ về bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội và rà soát các hạng mục công trình còn lại để cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192  để được hỗ trợ.

Hành chính
5 huyện của Hà Nội được lập Đề án lên quận

Ngày 18/10/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 3916/QĐ-UBND ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các huyện thực hiện việc lập Đề án thành lập quận, phường.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng được giao tổ chức lập đề án thành lập quận, phường thuộc quận; thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập đề án theo quy định.

Ủy ban nhân dân các các huyện trên có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ đúng phạm vi, thời hạn được ủy quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Uỷ ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, triển khai việc lập đề án bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật; báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền; khó khăn, vướng mắc, vấn đề đột xuất phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ủy ban nhân dân các huyện trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đơn vị tư vấn) lập đề án tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.

Ngoài ra, Sở Tài chính được giao tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố về việc bố trí vốn lập đề án và hướng dẫn các huyện về trình tự, thủ tục thanh, quyết toán đề án từ nguồn chi thường xuyên.

Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ và đơn vị liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc Uỷ ban nhân dân các huyện thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền; kịp thời tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập đề án.

Thời hạn ủy quyền cho các huyện trên lập đề án lên quận từ nay đến hết 31/12/2025.

Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192  để được hỗ trợ.

Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức mới của Bộ Giáo dục giảm 3 đơn vị

Ngày 24/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2022/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông,  giáo dục thường xuyên, trung cấp, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học…

Bộ Giáo dục có 20 đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm:

1- Vụ Giáo dục Mầm non;

2- Vụ Giáo dục Tiểu học;

3- Vụ Giáo dục Trung học;

4- Vụ Giáo dục Đại học;

5- Vụ Giáo dục thể chất;

6- Vụ Giáo dục dân tộc;

7- Vụ Giáo dục thường xuyên;

8- Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh;

9- Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên;

10- Vụ Tổ chức cán bộ;

11- Vụ Kế hoạch - Tài chính;

12- Vụ Cơ sở vật chất;

13- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;

14- Vụ Pháp chế;

15- Văn phòng;

16- Thanh tra;

17- Cục Quản lý chất lượng;

18- Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;

19- Cục Công nghệ thông tin;

20- Cục Hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục còn có 03 đơn vị  sự nghiệp công lập là: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Tạp chí Giáo dục; Báo Giáo dục và Thời đại.

So với quy định trước đây tại Nghị định 69/2017/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức mới của Bộ Giáo dục không còn quy định 03 đơn vị là: Vụ thi đua – khen thưởng, Học viện Quản lý giáo dục và Trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị định 86/2022 có hiệu lực từ ngày 01/11/2022.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.

Vi phạm hành chính
Bố trí lớp học vượt quá sĩ số theo quy định bị phạt đến 10 triệu đồng

Ngày 26/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Quy định mới tại Nghị định 88 đã có sự thay đổi về mức phạt đối với hành vi bố trí lớp học vượt quá sĩ số quy định. Cụ thể, Điều 14 Nghị định 88 quy định mức phạt tiền đối với hành vi bố trí số lượng người học vượt quá quy mô lớp học như sau:

- Từ 03 - 05 triệu đồng khi vượt quá quy mô lớp học từ 30 - 50%;

- Từ 05 - 10 triệu đồng khi vượt quá quy mô lớp học 50% trở lên.

Trước đây, nếu bố trí số lượng người học trái quy định, cơ sở đào tào sẽ bị phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng khi vượt quá mức quy định dưới 15%; 03 - 05 triệu đồng khi vượt quá mức quy định từ 15% đến dưới 30%; 05 - 10 triệu đồng khi vượt quá mức quy định từ 30% trở lên.

Theo quy định, cấp tiểu học có không quá 35 học sinh/lớp, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có không quá 45 học sinh/lớp (Căn cứ Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT).

Tuy nhiên hiện nay, việc bố trí lớp học vượt quá sĩ số quy định vẫn thường xuyên xảy ra tại các thành phố lớn, đông dân cư như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... 

Nghị định 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 12/12/2022.

Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.